Yếu tố con người trong chiến tranh rô-bốt

Thứ Sáu, 13 Tháng Tư 201810:00 CH(Xem: 8829)
Yếu tố con người trong chiến tranh rô-bốt

DRONE-articleLarge

Nguồn: Paul Scharre, “The Human Element in Robotic Warfare”, War on the Rocks, 23/03/2015

Biên dịch: Lê Thanh Danh | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

Quy tắc đầu tiên của máy bay không người lái là không gọi được chúng là “máy bay không người lái” (unmanned aircraft), và cũng đừng gọi chúng là “drone”.

Không quân Hoa Kỳ thường sử dụng cụm từ “máy bay được lái từ xa” (remotely piloted aircraft) để nói đến các loại vũ khí như Predator, Reaper hay Global Hawk. Cụm từ này thật ra cũng mô tả thực tế hoạt động hiện nay của những chiếc Predator và Reaper. Các máy bay này được phi công điều khiển bằng cần điều khiển và bánh lái, chỉ có điều những phi công này không ngồi trên máy bay (và đôi khi là ở tận phía bên kia bán cầu).

Chiếc Global Hawk có mức độ tự hành cao và không cần phi công điều khiển, nhưng vẫn cần môt người sử dụng bàn phím và chuột đưa ra các mệnh lệnh hoạt động. Đối với trường hợp này, khái niệm “được lái từ xa” có phần mơ hồ hơn.

Vậy hành động lái máy bay có phải là một hành động vật lý, điều khiển máy bay trực tiếp thông qua các chỉ lệnh nhập vào các bộ điều khiển chuyến bay (như cần điều khiển và bánh lái – ND)? Hay thực chất là ra lệnh cho máy bay và chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tránh va chạm đường bay, và đưa ra quyết định về điểm đến của máy bay?

Về mặt lịch sử, cả hai định nghĩa trên đều chính xác. Tuy nhiên, quá trình tự động hóa đang thay đổi điều này. Nó thay đổi những định nghĩa về phi công. Một người không cần phải trực tiếp hiện diện trên máy bay thì mới được xem là một phi công. Họ cũng không cần điều khiển máy bay một cách vật lý thông qua bộ điều khiển chuyến bay. Nhờ có sự tự động hóa, một người sẽ sớm có thể “lái” cùng một lúc nhiều chiếc máy bay. Điều này hiện nay đã hoàn toàn khả thi về mặt kỹ thuật. Chính định kiến truyền thống cho rằng một người chỉ có thể điều khiển một máy bay trong cùng một thời điểm đã làm chậm lại các khả năng giúp điều khiển nhiều máy bay cùng một lúc.

Nhưng điều đó cũng sẽ sớm thay đổi.

Từ lâu, quá trình tự động hóa đã chiếm vị trí áp đảo trong các công việc từng được thực hiện bởi con người trong nhiều ngành nghề, từ các thiết bị chất hàng đến viết báo. Quá trình này cũng sẽ thay đổi các hoạt động quân sự nhiều không kém. Vị trí của các phi công có thể sẽ bị tác động đầu tiên trong quá trình chuyển đổi này. Tuy nhiên, các hệ thống tự động hóa cũng sẽ tạo ra các chuyển đổi tương tự xuyên suốt nhiều vị trí khác trong quân đội, từ các lái xe tải cho đến tàu vận tải cỡ lớn. Các hệ thống tự hành chắc chắn sẽ thay đổi cách thức thực hiện một vài nhiệm vụ trong quân đội, và sẽ xóa sổ hoàn toàn một số đặc trưng trong công việc. Năng lực thể chất cho một số nhiệm vụ, như lái máy bay, lái xe, hoặc bắn súng, đều sẽ trở nên ít quan trọng hơn trong một thế giới mà máy bay và xe có thể tự hoạt động, còn các loại súng thông minh có thể tự điều chỉnh theo hướng gió, độ cao và chuyển động của người bắn.

Đối với các cộng đồng quân sự, quá trình chuyển đổi này sẽ được biểu hiện khá rõ ràng. Điều này có thể dẫn đến bất đồng trong việc chấp nhận các hệ thống rô-bốt, với nỗi sợ hãi rằng các hệ thống này sẽ thay thế con người. Tuy nhiên, nhận thức đó là hoàn toàn sai lầm. Những hệ thống tự động hóa cũng không thể thay thế vai trò của người lính nhiều hơn các phát minh trước đó là mấy (chẳng hạn như như súng, tàu hơi nước, hay xe tăng). Tuy nhiên, các phát minh này sẽ thay đổi cách thức quân đội chiến đấu. Bộ binh, thủy thủ và kỵ binh ngày nay không còn chiến đấu bằng đao kiếm, điều chỉnh cánh buồm và bánh lái của thuyền, hay cưỡi ngựa xông pha chiến trận nữa. Thế nhưng, tinh thần chủ đạo trong các đặc tính công việc của họ vẫn tồn tại đến ngày nay, mặc dù các cách thức cụ thể mà quân đội ngày nay sử dụng để hoàn thành nhiệm vụ đã thay đổi. Tương tự, những nhiệm vụ của các “phi công”, “lính thiết giáp” và “xạ thủ” trong tương lai có thể khác rất nhiều so với ngày nay, nhưng tinh thần chủ đạo trong các đặc tính công việc của họ sẽ không thay đổi. Việc tác chiến sẽ luôn đòi hỏi khả năng đưa ra quyết định của con người.

Yếu tố con người

Cách thức định danh các hệ thống rô-bốt là “không người lái” có thể dẫn đến những nhận thức sai lầm về vai trò mà con người đảm nhiệm hay sẽ đảm nhiệm. Lực lượng Không quân Hoa Kỳ đã đúng khi phản đối cụm từ “không người lái” (unmanned). (Chú thích của tác giả: Tôi thường sử dụng cụm từ này trong các bài viết, bởi vì nó đã trở thành một cách gọi thông dụng. Nhưng tôi thích cách gọi “phương tiện không có người ngồi bên trong” – uninhabited vehicle, vì nó chính xác hơn). “Không người lái” đồng nghĩa rằng không có sự can dự của con người. Nhưng các hệ thống rô-bốt không thể tự dưng lăn khỏi dây chuyền sản xuất và báo cáo sẵn sàng tác chiến được. Con người sẽ vẫn tham dự vào chiến trận, và vẫn nắm quyền điều khiển, nhưng nằm ở mức độ điều khiển nhiệm vụ hơn là tự tay thực hiện tất cả mọi công việc. Các hệ thống không có người điều khiển và các hệ thống tự hành có thể hỗ trợ, nhưng chúng vẫn có những mặt hạn chế của mình, và không thích hợp với tất cả mọi loại nhiệm vụ. Tương lai không phải là khái niệm không người lái, mà là một sự kết hợp giữa con người và máy móc.

Quân đội sẽ mong muốn có được sự pha trộn giữa các hệ thống tự hành và khả năng ra quyết định của con người. Các hệ thống tự hành sẽ có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ quân sự tốt hơn con người, và sẽ đặc biệt hữu ích trong các tình huống cần đến tốc độ và sự chính xác, hoặc trong các nhiệm vụ lặp đi lặp lại trong các môi trường có cấu trúc giống nhau. Tuy đã xuất hiện những bước tiến lớn trong các phương pháp tính toán khá lạ thường nhằm phát triển các máy tính có thể hoạt động giống như bộ não của con người, chẳng hạn như mạng lưới nơ-ron hay hệ thống máy tính mô phỏng nơ-ron, những hệ thống tự hành vẫn có nhiều hạn chế đáng kể.

Mặc dù máy móc có thể vượt trội hơn con người, đặc biệt là về tốc độ, trong khả năng nhận thức ở một vài lĩnh vực, chúng không có một trí thông minh tổng quan đủ mạnh để có thể linh động trong nhiều trường hợp. Trí thông minh của máy móc có tính “dòn” (brittle). Có nghĩa là, những hệ thống tự hành có thể hoạt động vượt trội so với con người trong các nhiệm vụ hẹp, như chơi cờ vua hay lái xe; nhưng nếu bị đẩy ra khỏi những thang đo đã được lập trình sẵn, chúng sẽ bị thất bại (thường là rất nặng nề). Trong khi đó, trí thông mình của con người lại linh động với sự thay đổi của môi trường, có khả năng thích ứng và ứng phó với những yếu tố mơ hồ. Kết quả là, một số quyết định, đặc biệt trong những tình huống cần đến sự quả quyết hoặc sự sáng tạo, sẽ không phù hợp với các hệ thống tự hành. Vì thế, những hệ thống nhận thức tốt nhất sẽ không chỉ thuần là máy móc hay thuần là con người, mà là sự hợp tác giữa trí tuệ con người và máy móc.

Các lực lượng quân đội đang tìm cách khai thác tốt nhất ưu điểm của các hệ thống tự hành sẽ cần phải tham khảo hình thức “Advance Chess” (tạm dịch: Cờ vua Người – Máy). Trong đó, những người chơi là con người và máy móc sẽ kết hợp với nhau thành một nhóm, được gọi là các nhóm “nhân mã” (centaur team). Sau khi nhà vô địch cờ vua thế giới Gary Kasparov thất bại trước máy tính chơi cờ vua Deep Blue của hãng IBM vào năm 1996 (và tiếp tục thất bại trong lần đấu lại năm 1997), ông đã cho ra đời mô hình Cờ vua Người – Máy, một sự đột phá trong thi đấu cờ vua. Trong Cờ vua Người – Máy, những người chơi sẽ nhận được sự hỗ trợ từ một chương trình vi tính chơi cờ vua, sử dụng chương trình này để đánh giá các nước đi khả thi và thử nghiệm các chuỗi hành động khác nhau. Điều này đã tạo nên một hình thức chơi cờ vua đỉnh cao hơn, tinh vi hơn nhiều so với một trận đấu cờ vua chỉ với con người hoặc chỉ với máy móc.

Việc kết hợp con người và máy móc cũng mở ra nhiều thách thức mới, và quân đội sẽ cần phải thử nhiệm để tìm ra cách pha trộn tối ưu nhận thức của con người với máy móc. Việc xác định nhiệm vụ nào được thực hiện bởi máy móc và nhiệm vụ nào đươc thực hiện bởi con người mang ý nghĩa rất quan trọng. Đây là thách thức vô cùng lớn, đặc biệt khi các loại máy móc ngày càng phát triển khả năng nhận thức của mình. Các giao diện điều hành người-máy, và việc huấn luyện người điều khiển thông hiểu các hệ thống tự hành, đều quan trong như nhau. Người điều khiển cần phải hiểu được sức mạnh và giới hạn của các hệ thống tự hành, trong trường hợp nào hệ thống tự hành cho ra kết quả vượt trội, và trong tình huống nào thì chúng sẽ thất bại.

Khi các hệ thống tự hành được phối hợp chặt chẽ với các lực lượng quân sự, các nhiệm vụ cần đến con người sẽ thay đổi. Không những sẽ có một vài nhiệm vụ không cần đến con người nữa, mà con người còn buộc phải học một số nhiệm vụ mới được đặt ra. Người điều khiển sẽ cần có khả năng hiểu, giám sát và điều khiển những hệ thống tự hành phức tạp trong chiến đấu. Điều này đặt ra gánh nặng mới trong việc lựa chọn, huấn luyện và giáo dục quân nhân, đồng thời cũng có khả năng tạo ra các vấn đề chính sách mới. Việc hỗ trợ khả năng nhận thức của con người sẽ có ích và rất cần thiết để quản lý sự quá tải về dữ liệu và tần suất chiến dịch ngày một tăng trong chiến tranh tương lai. Nhưng đồng thời cũng tồn tại những thách thức về pháp lý, đạo đức, chính sách và xã hội.

Cách thức mà quân đội tích hợp các hệ thống tự hành vào trong các lực lượng hiện tại sẽ được định hình dựa trên nhu cầu về chiến thuật và tính khả thi của công nghệ, nhưng cũng chịu tác động lớn bởi hệ thống quân sự và văn hóa. Con người có thể không muốn chuyển quyền điều khiển một số nhiệm vụ sang cho máy móc. Các cuộc tranh luận về xe tự hành ngày nay là một ví dụ đáng tham khảo.

Con người hiện nay là những tài xế vô cùng tệ hại, giết chết hơn 30.000 người mỗi năm chỉ riêng ở nước Mỹ, và tương tự với số người chết trong vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 lặp lại mỗi tháng. Mặt khác, các loại xe tự lái hiện đã di chuyển được trung bình hơn 700.000 dặm, kể cả trong các tuyến đường đô thị đông đúc, mà không gây nên bất cứ một vụ tai nạn nào. Các loại xe tự hành thật sự có khả năng cứu sống hàng chục ngàn mạng sống mỗi năm. Thế nhưng thay vì tức tốc đưa các loại xe tự lái vận hành trên đường phố càng nhanh càng tốt, quá trình này lại diễn ra với một mức độ cẩn trọng rất cao. Với trình độ công nghệ hiện nay, kể cả khi các xe tự hành vượt trội hơn tài xế con người một cách toàn diện, sẽ vẫn tồn tại những trường hợp mà hệ thống tự hành bị hỏng hóc và con người, với khả năng thích ứng tốt hơn trước những điều kiện mơ hồ và không lường trước được, có thể ứng phó tốt hơn. Nhìn rộng ra, cả khi hàng ngàn người có thể được cứu sống bằng các hệ thống tự hành, con người vẫn có xu hướng tập trung vào một số ít các trường hợp khi mà hệ thống tự hành có thể bị hỏng hóc và con người có thể ứng phó tốt hơn. Việc chuyển giao quyền điều khiển từ con người sang tự động hóa đòi hỏi niềm tin. Nhưng niềm tin lại là một thứ khó kiếm được một cách dễ dàng.

Chiến tranh vẫn là nỗ lực của con người

Nhiều nhiệm vụ con người thực hiện trong chiến tranh sẽ thay đổi, nhưng dẫu sao đi nữa con người sẽ vẫn là trung tâm của chiến tranh. Sự xuất hiện của các hệ thống ngày một có khả năng tự hành và không chứa người điều khiển trên chiến trường sẽ không dẫn đến các cuộc chiến “không đổ máu” giữa các rô-bốt với nhau, với con người ngồi an toàn ở phía sau chiến tuyến. Cái chết và sự tang tóc sẽ vẫn là một phần không thể mất đi của chiến tranh, con người chắc chắn sẽ vẫn phải trả giá đắt để các cuộc chiến kết thúc. Con người thậm chí cũng sẽ không thể bị loại bỏ hoàn toàn khỏi chiến trường, mà vẫn giữ mối liên lạc với hoạt động chiến đấu từ khoảng cách xa chiến trường hàng ngàn dặm. Các chiến dịch tầm xa sẽ đóng vai trò lớn trong chiến tranh, tương tự như các chiến dịch sử dụng máy bay không chứa người điều khiển ngày nay, nhưng con người vẫn sẽ cần phải tiến vào không gian chiến trường, đặc biệt để thực hiện vai trò chỉ huy và kiểm soát khi những hệ thống liên lạc tầm xa bị suy yếu.

Ngay cả khi hệ thống tự hành đóng vai trò ngày càng lớn trên chiến trường, con người sẽ vẫn tham gia chiến đấu, chỉ có vũ khí là khác đi. Các chiến binh là con người, không phải những cỗ máy. Công nghệ sẽ hỗ trợ con người trong chiến đấu như những gì nó đã làm được kể từ khi ná, giáo, rồi cung tên được phát minh ra. Công nghệ tiên tiến hơn có thể mang đến lợi thế cho các chiến binh trong những tình huống giằng co, tăng khả năng sống sót và tính sát thương, những lợi thế mà con người luôn theo đuổi kể từ lần đầu tiên sử dụng dùi cui để tăng khả năng chống lại kẻ thù. Nhưng công nghệ cũng sẽ mất đi ý nghĩa nếu không có tầm nhìn sâu rộng giúp khai phá những tính năng mới của nó. Xe tăng, ra-đi-ô và máy bay là yếu tố quan trọng để thực hiện chiến tranh chớp nhoáng. Tuy nhiên chiến tranh chớp nhoáng cũng đòi hỏi học thuyết mới, cách tổ chức, bố trí hoạt động, thử nghiệm và huấn luyện để có thể được phát triển thành công. Những người phát triển khái niệm này đã đặt ra những yêu cầu về công nghệ, tái cơ cấu tổ chức, viết lại học thuyết và cuối cùng là chiến đấu. Những quy trình này trong tương lai cũng sẽ không có gì khác biệt.

Chiến tranh vẫn sẽ là sự xung đột giữa ý chí con người với nhau. Trong phạm vi mà hệ thống tự hành tạo điều kiện cho các hoạt động trên chiến trường đạt hiệu quả cao hơn, đây có thể sẽ là một lợi thế lớn. Những thế lực tiên phong làm chủ một công nghệ mới và các lý thuyết hoạt động của nó có thể giành được lợi thế thay đổi cục diện trên chiến trường, mở đường cho chiến thắng quyết định trước những kẻ “tụt hậu”. Tuy nhiên, sự đổi mới công nghệ trong chiến tranh có thể là một con dao hai lưỡi. Nếu lợi thế này làm “hạ nhiệt” tinh thần cảnh giác của một quốc gia khi trực tiếp đối mặt với gánh nặng chiến tranh, nó có thể trở thành một sự thiệt hại. Người ta dễ bị cám dỗ bởi ảo tưởng rằng những lợi thế này có khả năng giúp các cuộc chiến kết thúc nhanh chóng và dễ dàng. Những người không chống đỡ được trước cám dỗ này có lẽ sẽ bị vỡ mộng trước thực tế đầy khắc nghiệt và đẫm máu của chiến tranh.

Hệ thống tự hành có thể đem đến lợi thế trước kẻ thù, nhưng quá trình phát triển dài cả thế kỉ của các loại vũ khí và những biện pháp đối phó cho thấy rằng chạy đua vũ trang sẽ ngày càng ác liệt: không có phát minh nào biến người sử dụng nó trở nên bất khả chiến bại mãi được. Đặc biệt, tăng cường tự động hóa giúp mở rộng tiềm năng đẩy nhanh tốc độ chiến tranh, nhưng không hẳn là theo cách có lợi cho sự nghiệp vì hòa bình. Các hoạt động với nhịp độ nhanh có nguy cơ làm cho cuộc chiến hỗn loạn và khó kiểm soát hơn. Những cuộc chiến tranh có thể sẽ không kết thúc nhanh chóng như cách mà chúng nổ ra.

Sự xuất hiện của hệ thống người máy trên chiến trường đặt ra các vấn đề đầy thách thức về hoạt động, chiến lược và chính sách. Một cái nhìn toàn cảnh vẫn chưa được khám phá. Các quốc gia và quân đội có khả năng nhìn xa hơn vào tương lai mờ mịt và không chắc chắn, và có thể lường trước được những thách thức để chuẩn bị ngay từ bây giờ sẽ là những chủ thể sẵn sàng nhất để chiến thắng trong các cuộc chiến sắp tới.

Paul Scharre là nghiên cứu viên và Giám đốc Sáng kiến 20YY Warfare (20YY Warfare Initiative) tại Trung tâm An ninh Hoa Kỳ mới (CNAS). Ông cũng là tác giả của báo cáo mới đây của CNAS, Robotics on the Battlefield Part II: The Coming Swarm. Ông là cựu quân nhân của Trung đoàn biệt kích số 75 từng phục vụ tại Afghanistan và Iraq.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn