ChatGPT logo

Nguồn hình ảnh, Getty Images

"Luật sư trước đây hơn nhau ở khả năng trả lời thì bây giờ sẽ hơn nhau ở cách đặt câu hỏi", một luật sư ở Việt Nam bình luận với BBC News Tiếng Việt về ChatGPT.

Được tung ra vào cuối tháng 11/2022, ChatGPT, đến tháng Một, ước tính đã có 100 triệu người dùng, trở thành ứng dụng tăng trưởng nhanh nhất trong lịch sử internet, Reuters dẫn nguồn từ công ty UBS.

Theo số liệu từ Sensor Tower, thì TikTok mất khoảng 9 tháng để đạt con số 100 triệu người dùng và đối với Instagram là 2,5 năm.

‘Chưa sâu’ và ‘đơn giản’

Từ Việt Nam, Luật sư Lê Nết nói với BBC rằng ChatGPT “có vốn kiến thức rất đáng nể”.

“Điểm mạnh của ChatGPT là nhanh, có góc nhìn rộng và nhiều ý tưởng để trả lời. Nó mới có 40 ngày mà có vốn kiến thức rất đáng nể. Vì là AI nên tốc độ học rất nhanh. Nếu bây giờ trình độ đã bằng luật sư thì chả bao lâu sẽ bằng thẩm phán.”

Tuy nhiên, ông cho biết điểm yếu là các câu trả lời của ChatGPT “chưa sâu”.

“Các trả lời chỉ dừng ở nghiên cứu sơ bộ nếu là luật Việt Nam. Tuy nhiên nếu là luật nước ngoài thì Chat GPT đã thi đỗ vào đoàn luật sư bang Minnesota Hoa Kỳ, như vậy là đã trở thành “luật sư” rồi."

Theo công ty OpenAI, ChatGPT vẫn đang dùng nội dung internet của năm 2021, và đang thiết lập thế hệ tiếp theo.

Một số chuyên gia tin rằng các chatbot tốt là tương lai của những công cụ tìm kiếm, khi AI sẽ mang lại một câu trả lời đúng, thay vì liệt kê một loạt câu trả lời.

Theo Luật sư Lê Nết, chất lượng các văn bản luật mà ChatCPT tạo ra chỉ mới dừng ở mức độ gạch đầu dòng các ý tưởng, còn cách kể chuyện của có ChatGPT rõ ràng, logic nhưng có phần đơn giản.

“Nó có thể phù hợp để soạn hợp đồng và gợi nhớ ý tưởng để xem xét hợp đồng chứ chưa thực sự sửa vào câu chữ trong hợp đồng. Còn nếu dùng để soạn đơn kiện hay soạn lập luận của luật sư thì chắc còn cần nhiều thời gian nữa.

AI có thể thay thế luật sư?

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Theo Luật sư Lê Nết thì “vai trò tốt nhất trí thông minh nhân tạo (AI) có thể làm là làm thẩm phán hoặc trọng tài”.

“Nghề thẩm phán và trọng tài thì cần phải trung thực vô tư khách quan và độc lập. Về khía khía cạnh này thì máy móc ít bị chi phối bởi tình cảm cứ là con người và nó hoàn toàn miễn phí.”

Ông cho biết để làm luật sư tranh tụng thì con người vẫn làm tốt hơn vì “luật sư cần biết cách kể một câu chuyện sao cho thuyết phục và có rất nhiều cách để kể câu chuyện đó mặc dù cũng chỉ là một câu chuyện”.

“Nếu là luật sư tư vấn thì máy móc sẽ làm tốt hơn con người trong lĩnh vực nghiên cứu hoặc thậm chí là xem xét hợp đồng nhưng để soạn thảo hợp đồng và đàm phán hợp đồng thì con người chắc chắn vẫn làm tốt hơn. Vì tất cả đều có khía cạnh tình cảm và thiên kiến ở trong đó.

“Điều khá hay là trước đây để tư vấn luật nước ngoài thì chúng ta cần phải thuê luật sư có bằng ở nước ngoài. Nhưng nay với các luật sư trí tuệ nhân tạo chỉ chúng ta có thể kiểm tra những gì luật sư nước ngoài nói là đúng hay sai một cách nhanh chóng và hoàn toàn miễn phí.

“Điều này không thay thế việc thuê luật sư nước ngoài nhưng có thể tìm được luật sư nước ngoài nào vừa tư vấn đúng vừa giá cả phải chăng. Cuối cùng thì mọi người không hơn nhau ở kiến thức mà hơn nhau ở cách thức lập luận và trình bày", ông kết luận.

Quản lý AI

Nguồn hình ảnh, Getty Images

OpenAI, công ty đứng sau ChatGPT đang thử nghiệm dịch vụ thuê bao tại Mỹ, với giá 20 USD một tháng. Phiên bản miễn phí sẽ sớm được công bố.

Luật sư Lê Nết cho biết ở Việt Nam chưa có quy định về quản lý AI.

“Việt Nam nên hoan nghênh làn sóng AI, vì nó làm thủ tục hành chính được nhanh hơn, người dân kiểm soát chính phủ tốt hơn, kết quả từ các bản án sẽ dễ đoán và minh bạch hơn. Hai bên tranh cãi cũng dễ thống nhất với nhau về thế nào là đúng hơn mà không cần phải ra tòa - chỉ cần hỏi ChatGPT (với vụ việc đơn giản)”.

Ngoài việc sử dụng ChatGPT để giải trí, nhiều người đang hỏi ChatGPT viết trang web, văn bản marketing, tìm công thức thực phẩm và viết hoặc kiểm tra các mã lập trình.

Các lo lắng hiện nay bao gồm học sinh đã sử dụng ChatGPT để làm bài tập, và một số chuyên gia an ninh số cảnh báo ChatGPT có thể bị thao túng để viết các phần mềm mang mã độc gọi là malware.

Reuters ngày 03/02 lời ông Thierry Breton, ủy viên phụ trách Thị trường Nội bộ của EU cho biết các điều luật mới về trí thông minh nhân tạo sẽ nhắm đến giải quyết những quan ngại liên quan đến các rủi ro quanh ChatGPT và công nghệ AI.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Theo CNBC, Google đang thử nghiệm chatbot trên nền tảng trí thông minh nhân tạo (AI) gọi là 'Apprentice Bard', có tiềm năng cạnh tranh với ChatGPT.

Bot này được cho sử dụng công nghệ ngôn ngữ của Google, gọi là LaMDA, viết tắt của Language Model for Dialogue Applications.

Thông tin này xuất hiện chỉ vài tuần sau khi ban quản lý của Google phát đi “mã số đỏ” liên quan đến việc trỗi dậy của ChatGPT.

Apprentice Bard dường như vận hành theo cách thức tương tự với ChatGPT, khi người dùng có thể đặt câu hỏi trong khung hội thoại và nhận được câu trả lời, theo CNBC.

Người dùng cũng có thể phản hồi tùy theo cách mà bot này trả lời câu hỏi.

Google không đưa ra bình luận cụ thể về thông tin dự án này, chỉ cho biết hãng “đã từ lâu tập trung phát triển và vận dụng AI để cải thiện cuộc sống con người”.

Ngày 08/02, Google sẽ tổ chức sự kiện 'Live from Paris' trên YouTube. Theo giới quan sát, gã khổng lồ này có thể công bố sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với ChatGPT.