• Aleks Krotoski
  • BBC Future

If a smart home starts to go wrong, that becomes sinister and dangerous. We rely on them to survive

Nguồn hình ảnh, Seonaid Mackay

Tối thứ Năm hôm đó, ánh sáng trong nhà tôi bỗng nhiên nhảy múa loạn xạ.

Tôi ở nhà một mình, vừa xong việc và đang bắt đầu nấu bữa tối. Bỗng nhiên các bóng đèn bật loạn xạ. Sau đó chúng lại tắt, rồi lại bật, và chuyển màu từ đỏ sang xanh lá cây rồi xanh dương.

Tôi không tin vào ma quỷ. Nhưng tôi lại bị cuốn hút bởi chuyện ma. Tôi rất sợ bóng tối và tôi cảm thấy lạnh gáy khi nghĩ rằng mình đang bị một thứ siêu nhiên đe doạ.

Tôi nghĩ nỗi sợ của mình là do những bộ phim kinh dị đã xem thời trẻ. Tôi cũng đổ lỗi cho ông anh tai quái của mình.

Hồi trước, khi bộ phim Nightmare on Elm Street mới được công chiếu, John đã dùng máy Walkman để thu lại tiếng của Freddy Krueger từ TV. Sau đó hắn hẹn giờ cho máy casette mở hết cỡ vào lúc 2 giờ sáng và nhét dưới giường tôi.

Tôi đã mất ngủ suốt một tuần sau đó, và John thì bị phạt còn lâu hơn.

Cũng năm đó, Electric Dreams công chiếu ngoài rạp. Bộ phim kể về chuyện tình tay ba giữa một người đàn ông phải cạnh tranh với một cỗ máy để giành tình yêu của người phụ nữ sống ở tầng trên.

Ngoài bản nhạc phim vẫn ám ảnh tôi đến ngày nay, điều duy nhất làm tôi nhớ về bộ phim này đó là nó chạm vào tâm lý bất định mà người thời đó cảm thấy khi đưa một cỗ máy vào nhà mình.

Máy tính từng là những chiếc hộp kỳ lạ mà ai cũng quan tâm nhưng không mấy ai hiểu - thế nhưng chúng ta vẫn lắp đặt chúng ở không gian riêng của mình.

Chúng ta tin tưởng những người bạn, người thân trong gia đình hay những người dẫn chương trình trên TV khi họ nói rằng máy tính là điều cần thiết cho cuộc sống của chúng ta.

Thế nhưng khi máy tính làm những điều mà chúng ta không ngờ tới, nó làm dấy lên câu hỏi: 'Tại sao?'

"Câu hỏi đơn giản đó lột tả rất nhiều vấn đề mà chúng ta đang bắt gặp trong mối quan hệ giữa con người và công nghệ," Tobias Revel nói. Ông là thành viên của dự án Haunted Machines, vốn khám phá những câu chuyện kỳ bí xung quanh công nghệ.

"Chúng ta biết mình không hiểu hết cách vận hành của máy móc, thế nhưng mặt khác, chúng ta lại quy trách nhiệm cho chúng mỗi khi gặp vấn đề trục trặc nào đó."

Chúng ta cho rằng máy móc biết chúng đang làm gì, rằng chúng có ý thức. Hay nói ngắn gọn là chúng bị điều khiển: có ma trong các cỗ máy.

"Chúng ta nghĩ rằng những thứ vô tri vô giác sẽ luôn là vô tri vô giác," Revel nói. "Thế nhưng khi chúng có những biểu hiện đi ngược lại khái niệm về điều này, chúng ta sẽ cho rằng đó là những vật thể bị ma ám."

Chúng ta không phải là những người đầu tiên tin rằng một thứ vô tri vô giác có thể bị nhập xác.

Người Nhật hồi Thế kỷ 10 tin rằng những thứ do con người làm ra sẽ có linh hồn sau khi đã được sử dụng 100 năm. Nếu bị người chủ bạc đãi, những món đồ này sẽ quay lại ám họ.

"Nguồn gốc của quan niệm về những hiện tượng siêu nhiên hay ma ám, đó là sự thiếu vắng của một mối liên kết giữa nguyên nhân và tác động," Revel nói.

Chúng ta tưởng tượng ra những hình ảnh ma quái trên màn hình TV khi mình không dò ra sóng, hoặc nghi máy tính bị ma ám khi chúng từ chối thay vì thi hành mã lệnh. Đó là những khi thế giới không vận hành theo cách chúng ta đã quen thuộc.

Điều mấu chốt ở đây là niềm tin. Khi ai đó nói một đằng lại làm một nẻo, chúng ta ngừng tin họ. Thế nhưng nếu họ xoay đầu vòng vòng không theo một quy luật vật lý nào, chúng ta sẽ bảo rằng họ bị ma ám. Nếu máy tính của chúng ta thông báo một đằng nhưng lại làm một nẻo, chúng ta sẽ ngưng tin tưởng chúng.

Nguồn hình ảnh, Seonaid Mackay

Thế nhưng máy móc không tự kiểm soát được hành động của mình, vì vậy chúng ta cần xem kĩ điều gì đang làm chủ chúng. Khi TV ra đời, chúng ta đã lo rằng liệu chúng có quan sát chúng ta vào ban đêm, khi đèn đã tắt hay không. Ngày nay, các công ty công nghệ đã tạo ra những thiết bị có chức năng như vậy.

Chúng ta ngày càng mời nhiều vật thể 'thông minh' vào nhà mình mà không thực sự hiểu những gì đang diễn ra bên trong các 'hộp đen' (cả nghĩa đen và nghĩa bóng).

"Chúng ta vội vàng lắp vi mạch điện tử cho tất cả mọi thứ, chúng ta đặt chúng vào một hệ thống dễ bị xâm phạm bởi những đối tượng xấu," Revel nói. Như nhà viết khoa học giả tưởng Arthur C Clarke từng nói, công nghệ hiện đại không khác phép màu là mấy. Còn 'các hình thức xâm nhập tinh vi cũng không khác ma ám là mấy', Revel nói.

"Nếu ngôi nhà thông minh của bạn bị trục trặc, điều này sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng và nguy hiểm," ông nói, vì chúng ta dựa vào nó để tồn tại.

Đêm hôm đó, lúc đèn trong nhà tôi nháy loạn xạ, tôi ngồi thu mình trên sofa trong nỗi sợ hãi. Không có ai khác trong nhà ngoại trừ con chó và con mèo. Chồng tôi đã rời nhà vài tiếng trước đó để lên đường đi công tác. Với việc Ben bay đi Na Uy, nguồn động viên tinh thần của tôi giờ đây đang cách xa mặt đất 35 nghìn feet.

Công việc của Ben là thử nghiệm các công nghệ của tương lai trước bất cứ ai khác, vì vậy nhà của chúng tôi được lắp đầy những thiết bị thông minh: hệ thống báo cháy NEST có khả năng phát hiện khói và thông báo cho chủ nhà qua điện thoại, một máy hút bụi tự động làm sạch nhà khi chúng tôi vắng mặt, một máy tính ốp tường tự động bật lên khi tài khoản Skype của gia đình có người gọi đến, một loạt các máy kích hoạt bằng giọng nói được kết nối với Internet, và hệ thống đèn... !

Một tin nhắn đến trên điện thoại của tôi: "Đèn nhà mình thế nào?" Ben hỏi. Chúng tiếp tục nháy và đổi màu.

"Buổi tiệc Disco đang diễn ra," tôi viết.

"Vậy là hệ thống hoạt động tốt!" Ben đáp.

Ben đã sử dụng các thiết bị kết nối với internet trong nhà tôi và phá rối tôi khi đang ngồi trên máy bay.

Và như vậy, con ma trong nhà tôi đã hiện nguyên hình.