Space Launch System

Nguồn hình ảnh, NASA

Chụp lại hình ảnh,

Tàu phóng Space Launch System là một tên lửa mới cho kỷ nguyên khám phá Mặt Trăng trong thế kỷ 21

Cơ quan Hàng không Không gian Hoa Kỳ (Nasa) vừa bắt đầu phần một của công tác chuẩn bị phóng lên quỹ đạo module không người điều khiển vào ngày 29/08 năm nay.

Đây là phần đầu của kế hoạch của Nasa đưa phi hành gia, khả năng là một phụ nữ đặt chân xuống Mặt Trăng vào năm 2025.

Như thế, sau 50 năm tàu Apollo đưa người Mỹ lên Mặt Trăng, Hoa Kỳ lại tỏ quyết tâm chinh phục không gian với kế hoạch dài hơi, hợp tác với châu Âu, để quay trở lại hành tinh gần nhất Trái Đất.

Tên lửa có công suất vượt trội các thế hệ trước sẽ góp phần đưa người và robot lên xây căn cứ trên Mặt Trăng, chuẩn bị cho công cuộc chinh phục Sao Hỏa.

Nguồn hình ảnh, NASA

Chụp lại hình ảnh,

Người cuối cùng trên Mặt trăng: Gene Cernan chỉ huy sứ mệnh Apollo 17 vào tháng 12 năm 1972

Artemis và SLS mới và mạnh thế nào?

Chuyến bay Artemis 1 dùng tên lửa khổng lồ Launch System (SLS), dài 100 mét sẽ xuất phát từ bệ phóng Pad 39B ở Trung tâm Không gian Kennedy, Florida, với ngày cất cánh dự kiến vào 29/08.

SLS có sức đẩy 15% lớn hơn Saturn V mà Hoa Kỳ sử dụng năm 1969 để đưa tàu Apollo cùng phi hành đoàn lên Mặt Trăng.

SLS sẽ đưa khoang tàu Orion có đường kính rộng 5 mét, rộng hơn 1 mét so với các module của thập niên 1960, 1970.

Sứ vụ Artemis 1 sẽ không có người điều khiển, nhưng dự kiến vào 2024, Artemis 2 sẽ có người bay lên quỹ đạo, và đến 2025 Nasa lên kế hoạch cho phi hành gia đáp xuống Mặt Trặng, theo Giám đốc Bill Nelson nói với BBC News.

Nasa cho hay họ chuẩn bị để đưa phi hành gia nữ người Mỹ đầu tiên “đặt chân xuống Mặt Trăng”.

Hơn 10 nước châu Âu đã và đăng hợp tác với Nasa trong chương trình thám hiểm và khai thác Mặt Trăng.

Orion không thể hình thành nếu thiếu Cơ quan Không gian châu Âu- European Space Agency. Phía châu Âu đóng góp module vận tải cho dự án Artemis.

Vì sao phải đưa người trở lại Mặt Trăng?

Adam Mann viết trên trang Live Science rằng sau các cuộc thí nghiệm tốn kém dùng xe tự hành và robot, người ta thấy việc đưa người trở lại Mặt Trăng là không thể không làm, nếu nhân loại muốn có căn cứ ở môi trường vũ trụ nhằm đi các bước xa hơn, như chinh phục Sao Hỏa.

Nasa tính rằng dùng người để điều khiển các máy móc sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu ví dụ xem chất băng ở Mặt Trăng có thể chuyển hóa thành nước, nuôi sống các toán phi hành gia tiếp theo hay không. Việc thử nghiệm hoạt động ở môi trường phi khí quyển (airless world), công tác quan sát các hệ thống hành tinh, sao trên vũ trụ cũng dễ làm hơn khi con người có mặt ở Mặt Trăng.

Cuộc đua lên Mặt Trăng

Các công nghệ vật liệu và điện toán mới cho phép nhiều công ty và nhiều nước tham gia cuộc đua lên Mặt Trăng.

Chỉ trong năm 2022 có chín chuyến bay khác nhau lên quỹ đạo Mặt Trăng để nghiên cứu.

Vai trò của các công ty tư nhân trong khai thác không gian ngày càng được đề cao.

Cùng thời gian Nasa chuẩn bị phóng SLS mà công tác đưa tới bệ phóng diễn ra 16/08/2022, tỷ phú Elon Musk cũng chuẩn bị một tàu vũ trụ còn lớn hơn tại trung tâm của ông ta ở Texas.

Gọi là Starship, tàu này sẽ tham gia chương trình Artemis ở giai đoạn sau, giúp các phi hành gia đáp xuống Mặt Trăng.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Người dân Hàn Quốc theo dõi qua tivi vụ phóng tàu Nuri đưa vệ tinh vào quỹ đạo hồi tháng 6/2022

Một công ty khác của Mỹ, Astrobotic đã làm việc cùng Nasa và các đối tác Anh, Chile, Nhật, Mexico và Hungary để đưa xe tự hành Peregrine lên Mặt Trăng.

Các nước khác: Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ đều đang có mặt trong cuộc đua.

Một nước châu Á khác vừa gia nhập “câu lạc bộ Mặt Trăng” là Hàn Quốc.

Tháng 6 vừa qua, Hàn Quốc lần đầu tự phóng thành công tàu Nuri từ Goheung, cách Seoul 500km về phía Nam.

Hàn Quốc dự kiến cho một tàu nhỏ, không người lái đáp xuống bề mặt Mặt Trăng vào năm 2030.

Chương trình không gian của Trung Quốc đã đạt các thành tựu đáng kể những năm qua, với tàu Hằng Nga 4 (Chang’e 4 probe) đã đáp xuống phía tối của Mặt Trăng năm 2019.

Ấn Độ thì có tàu Chandrayaan-1 còn Nga cũng trở lại Mặt Trăng với cú đáp của xe tự hành trong chuyến bay Luna 25, thu thập đất đá Mặt Trăng hồi tháng 7/2022. Hợp tác với Liên Xô thời trước cũng giúp Ấn Độ có người đầu tiên (phi hành gia Rakesh Sharma) lên trạm không gian vũ trụ Salyut 7 năm 1984. Sau đó, một nữ công dân Mỹ gốc Ấn, bà Kalpana Chawla đã bay lên không gian trên tàu con thoi của Nasa hai lần, và tử voong trong vụ phi thuyền gặp nạn năm 2003. Hiện Ấn Độ có chương trình đưa người lên vũ trụ của riêng mình tuy chưa công bố các mục tiêu cụ thể ra sao.

Nhật Bản thì đã có tàu Selene (Kaguya) trên quỹ đạo Mặt Trăng và các chuyến bay Hayabusa và Hayabusa 2 đã mang về bụi của Sao Chổi để nghiên cứu.