Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Rái cá biển là loài sinh vật siêu hạng.

Có tên khoa học là Enhydra lutris, rái cá biển là loài động vật có lông mềm mại nhất trên địa cầu, với hơn 140.000 sợi lông trên mỗi cm2 cơ thể - nghĩa là lông của rái cá biển dày hơn tóc người gấp 700 lần.

Khác các loài thú có vú dưới biển khác, chúng không có lớp mỡ dày, vì vậy chúng giữ ấm cơ thể bằng cách ăn số lượng thức ăn nhiều bằng một phần tư trọng lượng cơ thể mỗi ngày. Rái cá biển còn đóng vai trò đặc thù trong việc gìn giữ hệ sinh thái rừng tảo dưới đáy biển Bắc Thái Bình Dương.

Ít có loài động vật nào ăn nhiều như vậy so với cân nặng hoặc đóng vai trò trung tâm trong việc bảo tồn môi trường sống của chúng, Brent Hughes, nhà sinh thái học về biển nghiên cứu môi trường sống gần bờ biển từ Đại học Sonoma State University ở California nói.

Giờ đây, các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu xem những chú rái cá biển có thể sẽ là siêu anh hùng khí hậu theo cách nào.

Rái cá biển giúp hệ sinh thái hấp thụ carbon từ bầu khí quyển và lưu trữ chúng ở dạng sinh khối và mảnh vụn chìm dưới đáy biển sâu, tránh tình trạng khí carbon chuyển đổi thành khí CO2 làm gia tăng biến đổi khí hậu.

Rái cá biển từng một thời sống ở khắp nơi dọc vùng gần bờ biển ở Bắc Thái Bình Dương, từ Baja California đến Alaska, đến tận những rặng san hô lởm chởm ở Nga và Nhật Bản.

Nhưng trong thập niên 1700 và 1800, các thương gia buôn bán lông thú đã săn đến tuyệt diệt loài này, số lượng chúng giảm xuống chỉ còn khoảng 2.000 con. Từ đó, nỗ lực bảo tồn đã phần nào giúp số lượng rái cá biển tăng trở lại, nhưng khoảng 2.500 dặm (khoảng 4.000km) dọc bờ biển nơi từng là vùng sinh sống của chúng vẫn vắng bóng loài này.

Sự tuyệt diệt của rái cá biển cho thấy vai trò không thể thiếu của chúng trong việc bảo tồn rừng tảo biển.

Khi lặn ở Quần đảo Aleutian thuộc Alaska vào thập niên 1970, James Estes, nhà nghiên cứu sinh thái biển ở Đại học California Santa Cruz, đã ghi nhận tình trạng rừng tảo bẹ nơi không có rái cá biển sinh sống gần như đã chuyển thành sa mạc đáy biển.

Ngược lại, ở những khu vực có rái cá biển, tảo bẹ sinh sôi nảy nở - cùng với hệ sinh thái dưới nước đa dạng tìm kiếm thức ăn và lưu trú giữa rừng tảo. "Trong tâm hồn tôi, đó là thứ quan trọng," ông chia sẻ những quan sát ban đầu về sự khác biệt đó. "Tôi cảm thấy mình đã học được điều gì đó khá quan trọng."

Yếu tố then chốt tạo ra sự khác biệt đó có liên quan đến sự phàm ăn của rái cá biển.

Để có thể duy trì quá trình trao đổi chất quá nhanh của mình, chúng phải liên tục ăn. Một số món ăn ưa thích của chúng là nhum (nhím biển), vốn là loài rất dễ bắt và giàu calories.

Rái cá biển ăn nhiều nhum tới mức số lượng của loài không xương sống kia luôn ở mức thấp tại các khu vực có rái cá biển sinh sống.

"Chúng có tác động cực kỳ lớn lên hệ sinh thái nếu hiện diện nhiều," Heidi Pearson, nhà nghiên cứu sinh vật biển tại Đại học Alaska Southeast ho biết. Đây chính là điều khiến chúng là loài "then chốt" - nghĩa là nếu chúng không còn tồn tại, cả hệ sinh thái có thể sẽ bị mất theo.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Rái cá biển hết sức phàm ăn, chúng ăn số lượng thức ăn bằng một phần tư trọng lượng cơ thể mỗi ngày

Khi rái cá biển biến mất khỏi hệ sinh thái, số lượng nhím biển sẽ tăng lên. Loài nhím biển ăn cỏ này cơ bản sẽ ăn sạch rừng tảo, nhai hết rễ tảo ở đáy biển và khiến cả thân tảo biển khổng lồ trôi dạt đi. Trôi theo đó là hệ sinh thái của rất nhiều loài, như các loài cá, các loài không xương sống và thú có vú khác.

Nhum sau đó vẫn tiếp tục sống tại đó sau khi ăn sạch rừng tảo bẹ. Chúng bước vào thời kỳ ngủ đông, thi gan chờ đợi những mầm tảo mới mọc, và sau đó thức dậy và tiếp tục ăn sạch tảo non. Loài động vật không xương sống này còn được gọi là "xác sống nhím biển" vì khả năng này. Tuy nhiên, nếu rái cá biển trở lại, chúng sẽ ăn nhiều đến mức kiềm chế số lượng loài này và giúp cho rừng tảo bẹ hồi sinh.

Nhưng loài động vật có vú thường xuyên đói bụng này không chỉ bảo vệ hệ sinh thái tảo biển. Rái cá biển còn giúp ích cho cỏ biển.

Ở những vùng như vậy, rái cá biển hầu như ăn cua. Khi rái cá làm giảm số lượng cua, thì các loài cỏ biển mà cua ăn sẽ tăng trở lại. Các loại sên trần và ốc sên thường không ăn cỏ biển, thay vào đó, chúng dọn dẹp những loại tảo mọc trên cỏ, giúp cỏ biển hấp thụ được thêm ánh mặt trời và phát triển tốt hơn.

"Thật kỳ diệu là chúng không ăn cỏ biển," Hughes giải thích. "Chúng có dải răng nhỏ chải nhẹ nhàng [trên cỏ biển] và ăn những loài biểu sinh sống trên mặt cỏ. Và vì vậy chúng cũng bảo vệ cỏ biển."

Ở khu vực cửa sông Elkhorn ở California, rong lươn gần như biến mất vào đầu thập niên 1980 vì chất lượng nước suy giảm - tình trạng ô nhiễm chất dinh dưỡng từ các nông trại thải ra khiến số lượng tảo gia tăng, làm kiệt quệ dần cỏ biển. Nhưng từ khi rái cá biển xuất hiện trở lại, rong lươn đã mọc thêm gấp sáu lần.

Và trong cả hai hệ sinh thái như trên, rái cá biển có thể đã giúp tăng lợi ích tồn trữ carbon.

Vào năm 2012, một nhóm các nhà sinh thái học trong đó có Estes xuất bản một nghiên cứu cho thấy tiềm năng của rái cá biển trong việc cách ly carbon ở vùng Bắc Thái Bình Dương giữa quần đảo Aleutian và Đảo Vancouver.

Sử dụng dữ liệu về tỷ lệ tăng trưởng của rừng tảo và độ dày của rừng ở những khu vực có rái cá sinh sống và khu vực không có rái cá sinh sống, họ nhận thấy sự hiện diện của rái cá biển dọc theo những khu vực đá san hô ở trong vùng nghiên cứu, trải dài 51.551 km2 (rộng tương đương đất nước Costa Rica), có thể giúp tồn trữ 4,8 đến 8,7 triệu tấn carbon, so với tình trạng nếu không có rái cá biển sinh sống. Đó là lượng carbon tương đương hơn một triệu xe hơi thải ra môi trường hàng năm.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Ở khu vực có đông rái cá biển sinh sống, rừng tảo bẹ thường phát triển khỏe mạnh - cây tảo bẹ có thể mọc đến 60cm mỗi ngày

Thậm chí trước khi có nghiên cứu về hiệu ứng rái cá biển tạo ra, thì rừng tảo bẹ vẫn được coi là giải pháp có thể giúp chống biến đổi khí hậu. Đó là vì tảo biển có thể mọc rất nhanh - tăng trưởng đến 60cm mỗi ngày. Điều đó có nghĩa là tảo bẹ giúp hấp thụ lượng carbon từ bầu khí quyển với tốc độ nhanh hơn các cây mọc chậm (về mặt kỹ thuật thì tảo biển thuộc nhóm rong tảo).

Khi tảo bẹ chết và bị trôi dạt vào bờ biển, carbon bị thải trở lại bầu khí quyển trong quá trình thối rữa. Thế nhưng nếu cây tảo bẹ chết rồi chìm xuống đáy biển, nó có thể không nổi lên mặt nước (và vì vậy sẽ phân hủy và tạo ra khí CO2) trong hàng ngàn năm. "Lá của cây tảo trôi dạt xuống đáy biển và phân hủy, khí carbon đó có thể sẽ bị chìm xuống cùng trầm tích trong hàng thiên niên kỷ hoặc hàng triệu năm," Pearson giải thích.

Vì vậy, carbon bị chôn vùi - ngăn không cho chúng phát thải vào bầu khí quyển trong 100 năm hoặc thời gian dài hơn nữa - và đây có thể là yếu tố then chốt giúp giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu.

Nhưng tảo biển có thể hấp thụ bao nhiêu khí carbon vẫn còn là thông tin người ta chưa biết rõ.

Một phần của vấn đề là phần cuộng tảo rỗng chứa đầy khí ga. Khi tảo biển chết, nó tiếp tục nổi cho đến khi những chiếc phao nhỏ trên thân vỡ ra. "Khi những cây tảo bẹ bị tách rời khỏi vị trí, chúng có thể trôi dạt trên mặt biển đến xa hơn 1.000km," Hughes nói.

Ngoài khả năng bảo vệ rừng tảo, tác động của rái cá biển với cỏ biển cũng giúp cho khí hậu.

Giống như tảo bẹ, cỏ biển hấp thụ carbon khi mọc, và tồn trữ hầu hết carbon ở phần rễ cỏ. Khi phần rễ cỏ biển già chết đi, khí carbon bị chìm dưới cùng trầm tích, và có khi phải hàng trăm năm sau chúng mới trở lại thể khí.

"Khi tôi nghĩ đến những loài thực vật đáy biển có thể cô lập carbon cực tốt, thì thường đó là các loài có rễ," Hughes nói. "Tôi muốn nói đến cỏ biển, đầm lầy và các loại sú vẹt - theo tôi đó là ba nhóm môi trường lớn có khả năng cách ly khí carbon."

Thậm chí với ước tính ở mức thấp, sự hấp thụ carbon mà rái cá biển giúp tạo ra vẫn có thể tăng lên.

Nếu chỉ có 1% lượng tảo bẹ trong vùng từ quần đảo Aleutian đến Đảo Vancouver bị chìm xuống đáy biển sâu, lượng này vẫn đủ để bù đắp cho lượng khí thải của 100.000 xe hơi thường xả ra.

Và nếu số lượng rái cá biển tiếp tục tăng lên ở những khu vực ngày xưa chúng từng sinh sống, thì khả năng tồn trữ carbon sẽ tiếp tục tăng lên - và toàn bộ hệ sinh thái sẽ hưởng lợi từ rái cá biển.

"Khi ta giúp hồi phục những loài săn mồi then chốt, ta giúp cải thiện tình hình theo rất nhiều cách ngay từ trước khi ta nhận ra những điều đúng đó là gì," Lilian Carswell, nhân viên hồi phục rái cá biển ở miền nam thuộc Cơ quan Quản lý Động vật Hoang dã và Cá của Hoa Kỳ, viết trong email gửi cho BBC.

Nhưng giúp hồi phục số lượng rái cá biển không phải là thành công cho tất cả. Sự phàm ăn quá mức của chúng có thể làm sụt giảm số lượng cá đánh bắt và đe dọa sinh kế của cộng đồng cư dân bản địa.

Việc định lượng được tác động của rái cá biển có thể giúp làm giảm tác động đến ngành ngư nghiệp.

Dựa trên giá trên Thị trường Trao đổi Carbon của Châu u vào tháng 12/2012 là 47 đô la Mỹ một tấn carbon, thì nghiên cứu của Estes trong cùng năm ước tính là sự hiện diện của rái cá biển trong nghiên cứu ở khu vực Bắc Thái Bình Dương sẽ có giá trị lên đến 408 triệu đô la Mỹ.

Giá carbon kể từ thời điểm đó tới nay đã tăng cao, gần đây nhất đã vượt qua mức 71 đô la Mỹ/tấn, và điều này khiến ước tính giá trị của rái cá biển còn cao hơn theo thời giá hiện nay.

Và nghiên cứu năm 2020 cho thấy giá trị thành tiền của rái cá biển, nhờ vào khả năng giúp hồi phục vùng sinh thái của tảo bẹ và liên quan đến tăng số lượng cá, cách ly carbon, và giá trị du lịch sinh thái - thì số tiền này nhiều hơn hẳn so với chi phí do mất đi nguồn thủy sản đánh bắt.

Có lẽ sẽ cần có chiến lược đôi bên cùng có lợi để giúp loài động vật then chốt này phục hồi số lượng.

Một ý kiến các nhà nghiên cứu đưa ra là sử dụng tiền từ lượng bù carbon mà rái cá biển sinh ra để trả cho phần thiệt ngại nguồn cá của ngư dân. Nếu giá trị của phần tích trữ carbon được ngân hàng của con người công nhận, có thể rái cá biển sẽ sớm bơi quanh những rặng san hô và các cửa sông - chống biến đổi khí hậu ngay tại chỗ.

Bài viết được thực hiện với phần tưởng thuật bổ sung của phóng viên Katarina Zimmer.