NASA tiết lộ các mục tiêu đầu tiên của kính James Webb

Thứ Năm, 21 Tháng Bảy 20223:00 CH(Xem: 1521)
NASA tiết lộ các mục tiêu đầu tiên của kính James Webb

Những hình ảnh đầu tiên từ kính viễn vọng không gian James Webb sẽ bao gồm các tinh vân, hành tinh khí khổng lồ và thiên hà xa xôi.

Cơ quan vũ trụ của Mỹ, châu Âu và Canada đang chuẩn bị cho một tiết lộ lớn vào ngày 12/7 về các quan sát ban đầu của kính viễn vọng James Webb trị giá 10 tỷ USD, công cụ kế nhiệm Hubble được thiết lập để tiết lộ những hiểu biết mới về nguồn gốc của vũ trụ.

Trong một tuyên bố vào cuối tuần trước, NASA cho biết những hình ảnh khoa học đầy đủ màu sắc đầu tiên của Webb sẽ bao gồm Tinh vân Thuyền Để, một đám mây bụi và khí khổng lồ cách xa 7.600 năm ánh sáng, và Tinh vân NGC 3132 bao quanh một ngôi sao sắp chết cách Trái Đất 2.000 năm ánh sáng.

Tinh vân Thuyền Để nổi tiếng với những cột khí bụi cao chót vót, trong đó có "Ngọn núi thần bí" mang tính biểu tượng vươn cao tới ba năm ánh sáng, từng được chụp bởi kính viễn vọng không gian Hubble.

Ngọn núi thần bí trong tinh vân Thuyền Để chụp bởi Hubble. Ảnh: NASA/ESA

Ngọn núi thần bí trong tinh vân Thuyền Để chụp bởi kính Hubble. Ảnh: NASA/ESA

Webb cũng thực hiện một phương pháp quang phổ, bằng cách phân tích ánh sáng để tiết lộ thông tin chi tiết về một hành tinh khí khổng lồ có tên là WASP-96 b, được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2014.

Cách Trái Đất gần 1.150 năm ánh sáng, ngoại hành tinh có khối lượng bằng một nửa sao Mộc và chỉ mất 3,4 ngày để quay một vòng quanh ngôi sao chủ của nó.

Mục tiêu quan sát tiếp theo là Stephan's Quintet, một nhóm gồm 5 thiên hà nhỏ gọn cách xa 290 triệu năm ánh sáng, 4 trong số đó tạo thành một "liên kết vật lý", hay một cụm thiên hà thực sự, có khả năng sẽ hợp nhất với nhau trong tương lai.

Nhóm thiên hà Stephans Quintet chụp bởi kính viễn vọng Canada-France-Hawaii. Ảnh: NASA

Nhóm thiên hà Stephan's Quintet chụp bởi kính viễn vọng Canada-France-Hawaii. Ảnh: NASA

Cuối cùng, và có lẽ là ấn tượng nhất, Webb đã thu thập một hình ảnh về các thiên hà cực kỳ xa xôi và mờ nhạt, bằng cách sử dụng các cụm thiên hà tiền cảnh được gọi là SMACS 0723 như một dạng kính lúp vũ trụ. Kỹ thuật này được gọi là "thấu kính hấp dẫn", sử dụng khối lượng của các thiên hà ở tiền cảnh để bẻ cong ánh sáng của các vật thể phía sau chúng.

Nhà thiên văn học Dan Coe tại Viện Khoa học Kính viễn vọng Không gian hôm 8/7 nhấn mạnh rằng ngay ở những quan sát đầu tiên, kính thiên văn đã "hoàn toàn thổi bay tâm trí" của các nhà khoa học.

"Lần đầu tiên khi nhìn thấy những hình ảnh về trường sâu của cụm thiên hà xa xôi, tôi biết được nhiều điều về vũ trụ mà tôi chưa từng biết trước đây", Coe nói AFP.

Khả năng quan sát hồng ngoại của Webb cho phép nó nhìn thấy sâu hơn trong không-thời gian, trở lại vụ nổ Big Bang xảy ra cách đây 13,8 tỷ năm, vì vậy nó còn được mệnh danh là "kính viễn vọng nhìn xuyên quá khứ".

Bởi vì vũ trụ đang giãn nở, ánh sáng từ các ngôi sao sớm nhất chuyển từ bước sóng cực tím và bước sóng khả kiến mà nó phát ra sang bước sóng hồng ngoại dài hơn. Webb được trang bị để phát hiện chúng ở độ phân giải chưa từng có.

Đoàn Dương (Theo AFP)

Ý kiến bạn đọc
Thứ Sáu, 22 Tháng Bảy 202212:56 SA
Khách
Nasa thay kinh vien vong moi de soi tim Thien Duong, va se chung minh Thien dang khong co that vi mat thuong khong thay da danh,con kinh vien vong toi tan nhat hien nay cung KHONG thay Thien dang o dau.Vi vay ho se ho hao la khong co Thuong de, va tha ho an o theo y minh ,chet la het ! khong Thien dang-khong hoa nguc,tat ca la hu khong !
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn