Vì sao rừng già lại quan trọng?

Thứ Năm, 12 Tháng Năm 202211:00 SA(Xem: 1944)
Vì sao rừng già lại quan trọng?

Rừng già vừa là điểm nóng sinh thái, vừa cung cấp nước sạch cho con người và là nguồn hút carbon chính giúp chống biến đổi khí hậu.

Không chỉ liên kết chúng ta với quá khứ, những khu rừng già trên thế giới còn thực hiện những kỳ tích sinh thái đáng kinh ngạc, ngay cả khi chúng phải đối mặt với các mối đe dọa mới từ biến đổi khí hậu và hoạt động của con người.

Những cây cự sam khổng lồ trong một khu rừng già ở California.
Những cây cự sam khổng lồ trong một khu rừng già ở California. (Ảnh: National Geographic).

Rừng già lưu trữ nhiều carbon hơn nhiều so với các khu rừng trẻ, giúp bảo vệ chúng ta khỏi khí thải nhà kính từ nhiên liệu hóa thạch. Một nghiên cứu về 6 khu rừng quốc gia ở bang Oregon, Mỹ cho thấy 3% số cây lớn nhất chiếm tới 42% carbon của rừng.

Ở những nơi có trữ lượng carbon cao, hệ động thực vật có xu hướng phong phú hơn những nơi khác. Ví dụ, ở lưu vực sông Hoh, khi các nhà nghiên cứu leo lên ngọn cây cao, họ tìm thấy những cây con mọc lên từ đất trên cành. Chuyên gia về rừng già Beverly Law tại Đại học bang Oregon cho biết tán rừng trên cao có hệ sinh thái riêng với rất nhiều loại rêu, địa y, côn trùng và chim. "Có một thế giới khác trên đó", Law nhấn mạnh.

Rừng già hỗ trợ sự sống phát triển đa dạng hơn và lưu trữ mạng lưới giao tiếp phức tạp giữa các sinh vật. Chúng cung cấp bóng mát cho các loài nhạy cảm phía dưới, đặc biệt là những loài cần thời gian để di cư và thích nghi với môi trường thay đổi. Những cây lớn tạo ra cấu trúc môi trường sống quan trọng cho cả động thực vật trên cạn và dưới nước.

 Rêu và địa y phủ kín thân cây trong rừng mưa Hoh ở Washington.
Rêu và địa y phủ kín thân cây trong rừng mưa Hoh ở Washington. (Ảnh: National Geographic).

Các nhà khoa học lưu ý rằng rừng già lưu trữ và dần dần giải phóng nước sạch cho hàng triệu người Mỹ, đồng thời giảm thiểu tác động của lũ lụt khi các hiện tượng thời tiết ngày càng trở nên thất thường và khắc nghiệt. Cuối cùng, vẻ đẹp hùng vĩ và nguyên sơ của rừng lâu năm còn thu hút du khách và truyền cảm hứng cho các hoạt động kinh tế và giải trí, đặc biệt ở khu vực nông thôn.

Không có mốc thời gian cụ thể nào để định nghĩa rừng già, bởi điều đó phụ thuộc vào hệ sinh thái. Cây thông Bristlecone có thể tồn tại suốt 5.000 năm, trong khi một số loài cây khác chỉ sống được 150 năm nhưng chúng vẫn được coi là "cây già" nếu nằm trong các khu rừng hầu như không bị con người quấy rầy. Điểm chung của những khu rừng này là hệ sinh thái phức tạp luôn thay đổi, thúc đẩy mối quan hệ cộng sinh giữa các loài.

"Có một sự đa dạng lớn về động thực vật và đất đai trong các khu rừng già. Đa dạng sinh học - bao gồm đa dạng sinh học di truyền và đa dạng sinh học loài - là cần thiết cho khả năng phục hồi. Đó là thứ bảo vệ rừng khỏi dịch bệnh và những mối đe dọa khác. Đó là điều cần thiết để cuộc sống tiếp tục", Law nói thêm.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn