• Jessica Mudditt
  • BBC Worklife
Other

Nguồn hình ảnh, Other

Reza Jafery là một kiểu người nghiện công việc kể từ khi học lớp một. Bất cứ khi nào được giao bài tập về nhà, cậu bé Jafery lúc ấy sẽ đi thẳng đến thư viện vào cuối ngày và sẽ hoàn thành bài tập trước khi về nhà.

Việc theo học tại một trường trung học ưu tú ở Dubai càng thúc đẩy mong muốn thành công của anh, và bố mẹ chăm chỉ của anh cũng vậy.

Nhưng anh bị lôi kéo bởi sự ép buộc hơn là sự yêu thích học tập, và trở nên lo lắng nếu không thấy cái gì đó để vươn tới.

Sức ép thành công

"Tôi cảm thấy mình phải đạt được cột mốc nhất định ở độ tuổi nhất định, nếu không thì tôi sẽ không thành đạt," Jafery, 27 tuổi, giãi bày.

"Tôi tự nhủ rằng mình sẽ không cần phải làm việc vất vả như thế nữa một khi đã thành đạt và rằng tôi sẽ hạnh phúc. Nhưng tôi đã không định nghĩa thành công là gì và cuộc sống của tôi chỉ là chạy đua không ngừng."

Hiện đang sống ở Los Angeles, người tự cho mình là kẻ nghiện hiệu suất đang làm hai công việc: là người dẫn đầu bộ phận blockchain ở một công ty tiền ảo và là người sáng lập một cơ quan kỹ thuật số.

Jafery làm việc nhiều giờ hết '90% thời gian', có nghĩa là làm việc đến nửa đêm và vào cuối tuần và chỉ ngủ năm tiếng mỗi ngày trong vài tuần liên tục.

Theo Tiến sĩ Sandra Chapman, Giám đốc Trung tâm Sức khỏe Trí não tại Đại học Texas ở Dallas, bộ não có thể trở nên nghiện hiệu suất cũng như đối với các nguồn gây nghiện quen thuộc khác như ma túy, cờ bạc, ăn uống hoặc mua sắm.

"Một người có thể khao khát được công nhận trong công việc, hoặc được tăng lương," Chapman nói. "Vấn đề là cũng giống như tất cả các chứng nghiện, theo thời gian, một người có nhu cầu ngày càng nhiều hơn để được thỏa mãn và cơn nghiện đó bắt đầu gây tác hại. Các triệu chứng cai nghiện bao gồm lo lắng gia tăng, trầm cảm và sợ hãi."

Nghiện là một chứng bệnh của não vốn tác động đến hệ khen thưởng của não và dẫn đến hành vi ép buộc bất chấp hậu quả có hại.

Tuy nhiên, yếu tố làm phức tạp thêm chứng nghiện hiệu suất là xã hội có xu hướng đền đáp nó - hoặc ít nhất là đánh giá nó theo hướng tích cực.

"Nó được xem là một điều tốt: bạn làm càng nhiều chừng nào tốt chừng ấy," Chapman nói. "Nhiều người không nhận ra tác hại nó gây ra cho đến khi xảy ra ly hôn và gia đình tan vỡ, hoặc thiệt hại mà nó phải gây ra đối với sức khỏe tâm thần."

Theo Tiến sĩ Mark Griffiths, giáo sư lỗi lạc về chứng nghiện hành vi tại Đại học Nottingham Trent, nghiện công việc là điều mà một số chuyên gia gọi là 'chứng nghiện có lợi trong cái hại'.

"Một người nghiện làm việc có thể kiếm được rất nhiều tiền, giống như người nghiện tập thể dục có cơ thể săn chắc vậy. Nhưng vấn đề của bất kỳ chứng nghiện nào là về lâu dài, tác hại của nó vượt quá hơn bất kỳ lợi ích ngắn hạn nào."

Griffiths là đồng tác giả của một trong hai nghiên cứu tầm quốc gia về mức độ phổ biến của nghiện công việc trên thế giới cho đến nay.

Nghiên cứu của ông ở Na Uy cho thấy tỷ lệ nghiện công việc ở nước này xấp xỉ 8%, tương tự như kết quả của một nghiên cứu ở Hungary.

Nếu không có nghiên cứu thêm thì không thể biết liệu tỷ lệ này có tăng lên hay không, nhưng 8% vẫn là một con số cao đáng kinh ngạc những người đang làm việc hết tốc lực mỗi ngày.

"Nếu 8% là mức độ phổ biến thực sự của chứng nghiện công việc, thì điều đó thật đáng lo ngại," Griffiths nói. "Hiện tại, hậu quả của nghiện công việc có xu hướng được xếp vào một bệnh khác: nếu ai đó chết vì bị ngưng tim, thì cái chết đó không nhất thiết là do nghiện công việc mà có thể được quy cho kiệt sức."

Không có thời gian để 'lãng phí'

Căn nguyên của nỗi ám ảnh về hiệu suất của Jafery là nỗi sợ lãng phí thời gian. Anh phân loại mọi việc mình làm thành nhóm đạt hiệu suất hoặc không đạt hiếu suất, và cố gắng giảm thiểu những việc không đạt hiệu suất. Đi chợ mua đồ là đạt hiệu suất vì nó giúp anh sinh tồn, trong khi làm theo sở thích là không đạt hiệu suất.

"Tôi có thói quen khó chịu là cố gắng biến những thứ không ích lợi thành những thứ ích lợi," anh nói. Chẳng hạn, anh thích chơi game, vì vậy anh đã thành lập một công ty eSports vào năm 2016 có tên là LVLUP Dojo, mà đến nay anh vẫn điều hành mặc dù nó không còn là quan tâm chính.

Giống như tất cả những người nghiện khác, 'người nghiện hiệu suất' tập trung quá mức vào một khía cạnh duy nhất trong cuộc sống họ - việc này được gọi là 'một chiều'.

Sự thúc ép để thỏa mãn cơn nghiện sẽ lấn át những niềm vui tiềm năng khác, chẳng hạn như dành thời gian cho người thân.

Theo một công trình nghiên cứu của Shahram Heshmat, phó giáo sư danh dự tại Đại học Illinois, thì "Mong muốn này có lẽ mạnh đến nỗi không còn động lực nào khác có thể cạnh tranh được một cách thực tế."

Trong trường hợp của Jafery, anh biết rằng dành thời gian cho bạn đời là rất cần thiết cho hạnh phúc của mình, dẫu vậy anh vẫn vật lộn để xem việc đó là cách sử dụng thời gian có ích.

"Điều này nghe có vẻ lạnh lùng, nhưng tôi nghĩ đến việc dành thời gian cho bạn đời của mình cũng như cách tôi dành thời gian ăn uống hoặc vận động. Ngay cả khi tôi có thể không muốn làm việc đó vào lúc đó, tôi biết rằng tôi phải làm để cho mình vui."

Đó là một hiện tượng chung của những người siêu tập trung, bao gồm cả Matthew Church, 24 tuổi, người mô tả mình là 'người nghiện công việc đang trở lại thăng bằng'.

Anh từ chối cơ hội học luật ở đại học để đảm nhận một công việc lương cao tại một công ty huấn luyện và trong vòng hai năm, anh được thăng chức lên vị trí cao cấp thứ hai.

Trong suốt sáu năm, đối với anh, gia đình và chuyện yêu đương xếp xa sau công việc, điều mà anh nhớ lại là đã khiến anh lúc nào cũng vội vàng.

"Tôi đã làm việc tới 70 giờ một tuần và sắp xếp lịch của mình với từng bước năm phút một. Trong mối quan hệ tình cảm lâu dài duy nhất, tôi đã cho người yêu quyền tiếp cận lịch trình của mình và nói với cô ấy rằng cô ấy có thể sử dụng nó để đặt lịch ở bên cạnh tôi. Mối quan hệ đó không kéo dài được lâu sau đó."

Church đồng thời mắc chứng nghiện rượu và bị suy sụp vào năm 2018. Với sự hỗ trợ của bác sĩ trị liệu, anh đã rất đau buồn vì những thứ anh đánh mất trong cuộc đời.

"Tôi đã lãng phí sáu năm đời mình vì không có bạn bè hoặc trải nghiệm yêu đương và tôi mất kết nối với gia đình. Tôi cảm thấy xấu hổ vì không tạo dựng được cho mình những điều đó."

Giờ đây, Church dùng ảnh chụp màn hình lịch trình cũ của anh để cho khách hàng tại công ty tư vấn huấn luyện và diễn thuyết mà anh thành lập hồi năm 2019 xem về những điều không nên làm để thành công. "Tôi không nghĩ lịch trình theo từng bước 5 phút sẽ tạo ra bất cứ điều gì tốt đẹp," anh nói.

Với sự giúp đỡ của bác sĩ trị liệu, Church đã tạo ra nhiều ranh giới để ngăn mình trượt vào trở lại những thói quen có hại.

"Tôi chỉ giải quyết ba dự án mỗi ngày, tôi không nói chuyện với quá ba khách hàng trong một ngày và tôi làm việc ba ngày rưỡi một tuần. Ba có vẻ là một con số thích hợp đối với tôi."

Anh van nài những người khác thức tỉnh để thấy sự thật của những thói quen làm việc có hại.

"Tôi đã đề ra rất nhiều quy tắc cho công việc của mình để giữ mình khỏi sa lầy trở lại. Tôi không muốn đến những năm bảy mươi tuổi sẽ cảm thấy y hệt như cảm giác tôi đã đánh mất những năm tháng tuổi trẻ," anh giãi bày.

Ba loại người nghiện công việc

Hiệu suất cực đoan là một hiện tượng mà tác giả kiêm chuyên gia hiệu suất Cyril Peupion ở Sydney đã quan sát thấy ở nhiều khách hàng tại các công ty cỡ trung và cỡ lớn trong nhiều năm qua.

"Hầu hết những người đến với tôi đều là những người có thành tích cao và rất thành đạt. Nhưng từ ngữ mà họ thường dùng để mô tả cách làm việc của họ là 'không bền vững' và họ cần được giúp đỡ để đưa công việc trở lại đúng hướng," ông nói.

Peupion giúp các tập thể và cá nhân nâng cao hiệu suất bằng cách thay đổi thói quen làm việc và đảm bảo công sức họ bỏ ra trong công việc phù hợp với chiến lược kinh doanh tổng thể, thay vì tạo ra công việc chỉ vì công việc.

Ông phân ra ba loại hiệu suất cực đoan riêng biệt: 'ám ảnh hiệu quả', 'hiệu quả ích kỷ' và 'ám ảnh số lượng'.

'Ám ảnh hiệu quả' là người có tính tổ chức cực độ và ám ảnh với từng chi tiết, ông giải thích. "Bàn làm việc của họ cực kỳ ngăn nắp và bút của họ có thể được đánh dấu bằng màu sắc. Họ là bậc thầy của việc 'hộp thư không có thư chưa đọc'. Nhưng họ đã mất dấu bức tranh toàn cảnh và không biết sự khác biệt giữa hiệu suất và hiệu quả."

Những người hiệu quả ích kỷ bị ám ảnh bởi các mục tiêu của chính họ và né tránh hợp tác. "Họ tập trung vào thế giới riêng nhiều đến nỗi nếu họ được yêu cầu làm điều gì đó bên ngoài, họ sẽ không hứng thú. Họ có nghĩ đến bức tranh tổng thể, nhưng bức tranh đó tập trung quá nhiều về bản thân họ."

'Ám ảnh về số lượng' đánh đồng một cách sai lầm hiệu suất với sản lượng. "Họ nghĩ rằng 'Tôi trả lời càng nhiều email, càng tham gia nhiều cuộc họp, càng làm nhiều việc, thì thành tích của tôi càng cao.' Họ đối mặt nguy cơ kiệt sức thực sự."

Theo kinh nghiệm của Peupion, đây là dạng phổ biến nhất, bởi vì có niềm tin lan rộng rằng 'nhiều' có nghĩa là 'tốt' trong công việc.

Ông nói rằng nếu không có sự ủng hộ thật sự của công ty, việc giúp mọi người thay đổi là không thể. Bất cứ ở đâu có thể, ông để cho việc tham gia công việc của tập thể là tự nguyện.

Peupion điều chỉnh cách tiếp cận của mình cho phù hợp đối với từng thách thức mà mỗi nhân viên hoặc cả tập thể đối mặt, nhưng nhìn chung sẽ đưa họ qua quy trình ba bước.

Đó là tổ chức lại không gian làm việc, email và lưu trữ, sau đó đặt lại các ưu tiên và lập kế hoạch, và cuối cùng, giúp họ quyết định lãnh đạo như thế nào trong công ty và quản lý thời gian sao cho khi bị các trách nhiệm dồn dập đổ đến không làm họ đuối sức.

Khi quá trình này tiếp diễn, ông giải quyết về não trạng vốn có thể là vấn đề, chẳng hạn giúp một người hiểu rằng năng suất có nghĩa là làm việc thông minh hơn chứ không phải chăm chỉ hơn.

Đẩy lùi sự thoái lui

Giáo sư về nghiện hành vi Griffiths nói rằng bất kể một người nghiện tự coi mình có năng suất đến thế nào, sẽ có lúc thành tích của họ gánh hậu quả và hậu quả có khả năng đe dọa đến tính mạng.

"Có thể có giai đoạn đầu mà người nghiện công việc làm việc hiệu quả hơn người không nghiện, nhưng sẽ đến lúc họ không còn hiệu quả nữa, sức khỏe và các mối quan hệ của họ bị ảnh hưởng. Có thể là sau 1 năm, hoặc có thể là 5 năm. Nhưng nếu bạn không thay đổi gì thì cuối cùng bạn có thể lên cơn đau tim."

Xử lý các dấu hiệu cảnh báo - chẳng hạn ăn vội bữa ăn gia đình để trở lại với công việc - và có các bước điều chỉnh thói quen ép buộc là cần thiết.

Chapman tại Trung tâm BrainHealth đề xuất giới hạn thời gian dành cho một công việc cá nhân xuống 45 phút trở xuống, và không cho phép gián đoạn, để tạo cơ hội cho suy nghĩ sâu.

"Bạn sẽ sử dụng thời gian đó hiệu quả hơn và đạt được kết quả công việc tốt hơn. Những người nghiện công việc nhiều khả năng dành thời gian quý báu để đuổi theo con thỏ hơn là tập trung vào công việc hướng tới con voi," bà nói.

Bà cũng khuyến cáo lập ra 'danh sách những việc không nên làm' để tránh lên lịch quá nhiều và cho bộ não cơ hội cần thiết lấy lại sinh lực nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của nó.

Trong một nghiên cứu hồi năm 2019 với các nhà văn và nhà vật lý, một phần năm các ý tưởng sáng tạo và quan trọng nhất của họ được hình thành trong thời gian 'tâm trí lan man' - tức là khi làm gì đó không phải công việc.

Những ý tưởng xuất hiện trong những lúc nghỉ ngơi này cũng nhiều khả năng giúp cho người làm việc vượt qua sự bế tắc về một vấn đề hơn là nếu ý tưởng đó xuất hiện trong khi làm việc.

"Hãy dành ra 5 phút ít nhất 5 lần mỗi ngày để nghỉ ngơi hoàn toàn. Tắt các thiết bị công nghệ và bước ra ngoài," Chapman khuyên.

Vậy còn hy sinh người thân cho công việc thì sao? Não bộ được lành mạnh là nhờ niềm vui, tiếng cười và các mối quan hệ có ý nghĩa - vì vậy lời khuyên của bà là có khoảng trống cho những thứ này dù thế nào đi nữa.

"Vào cuối cuộc đời, chúng ta sẽ không ước mình làm việc nhiều hơn mà ước phải chi mình dành nhiều thời gian hơn cho gia đình hoặc tận hưởng chuyến du lịch mà chúng ta phải đi nhưng chúng ta đã đi mà không bao giờ để tâm vì mải xem điện thoại."