Vì sao NASA giấu nhiều chi tiết của thử nghiệm siêu tên lửa Mặt trăng?

Chủ Nhật, 17 Tháng Tư 20223:00 CH(Xem: 1959)
Vì sao NASA giấu nhiều chi tiết của thử nghiệm siêu tên lửa Mặt trăng?

Vì sao NASA giấu nhiều chi tiết của thử nghiệm siêu tên lửa Mặt trăng? - Ảnh 1.

Siêu tên lửa khổng lồ SLS của NASA - Ảnh: NASA

Hôm 6-4, SLS hoàn thành đợt diễn tập tiếp nhiên liệu đông lạnh vào các thùng chứa và mô phỏng đếm ngược để chuẩn bị cất cánh.

Dù phát trực tiếp cuộc thử nghiệm trên trang web, nhiều chi tiết chính về sự kiện vẫn được giữ bí mật do liên quan đến an ninh quốc gia, theo trang tin Live Science.

Để siêu tên lửa khổng lồ SLS đẩy được con tàu Orion cao 98m vào vũ trụ, NASA cần phải kiểm tra tất cả thành phần của SLS.

Khi diễn tập tiếp nhiên liệu, NASA nạp hydro lỏng siêu lạnh và oxy lỏng vào các thùng chứa của tên lửa. Khi 2 chất này kết hợp sẽ tạo ra một lực đẩy mạnh để đưa phương tiện vào không gian.

"Thử nghiệm diễn ra trong khoảng 2 ngày và mô phỏng quá trình đếm ngược lần phóng của chúng tôi", ông Blackwell-Thompson, giám đốc khởi động chương trình Artemis của NASA, cho biết.

Các kỹ sư theo dõi nhiệt độ và áp suất ở các thùng chứa và lấy dữ liệu trong suốt quá trình diễn tập.

Trong khi NASA chia sẻ các mốc quan trọng nhất định về cuộc diễn tập tiếp nhiên liệu trên mạng xã hội, cơ quan này đã bị cấm công bố cụ thể về mọi chi tiết, do lo ngại vi phạm Quy định buôn bán vũ khí quốc tế (ITAR) của Mỹ. Thông tin này do ông Tom Whitmeyer, phó quản trị viên phát triển hệ thống thăm dò của NASA, tiết lộ. 

ITAR là một cơ chế quản lý hạn chế việc chia sẻ thông tin về vũ khí và công nghệ theo những cách có thể gây hại cho an ninh quốc gia hoặc chính sách đối ngoại của Mỹ, theo Bộ Ngoại giao Mỹ.

"Chúng tôi thực sự siêu nhạy cảm với các phương tiện phóng đông lạnh có kích thước và khả năng lớn như thế này. Chúng rất giống với các khả năng của loại tên lửa đạn đạo mà các quốc gia khác rất quan tâm", ông Whitmeyer nói với các phóng viên.

"Đặc biệt, các quốc gia thù địch ở nước ngoài có thể muốn nhận được càng nhiều thông tin càng tốt về những thứ như thời gian, trình tự, tốc độ dòng chảy, nhiệt độ của hệ thống phóng" -  ông Whitmeyer nói thêm. 

Sứ mệnh lên Mặt trăng sắp tới của NASA có tên gọi Artemis 1.

Tàu vũ trụ Orion gắn trên đỉnh của Hệ thống Phóng không gian (SLS), còn được NASA gọi là "siêu tên lửa Mặt trăng Mega".

SLS là tên lửa mạnh nhất mà NASA từng chế tạo. Dự kiến ngày phóng của SLS cho sứ mệnh Artemis 1 không sớm hơn tháng 5-2022.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn