'Máy bay ngày tận thế' chống hạt nhân theo ông Biden đến châu Âu

Chủ Nhật, 03 Tháng Tư 20223:00 SA(Xem: 1964)
'Máy bay ngày tận thế' chống hạt nhân theo ông Biden đến châu Âu

Khoảng một tháng trước, vào hôm 28/2, một chiếc máy bay Boeing E-4B (còn được gọi là "Máy bay ngày tận thế") thuộc biên chế Không Quân Mỹ đã được phát hiện tham gia tập huấn trong bối cảnh vấn đề nóng giữa Nga và Ukraine diễn ra căng thẳng, nhất là khi tổng thống Nga, Vladimir Putin, tuyên bố đặt các lực lượng hạt nhân vào thế báo động cao. 

Chiếc máy bay "Máy bay ngày tận thế" này đã cất cánh từ căn cứ Nebraska của Không quân Mỹ, bay trong khoảng 4,5 tiếng về hướng Chicago và quay trở lại căn cứ.

Mới đây nhất, trong chuyến làm việc 4 ngày tại châu Âu của tổng thống Mỹ Joe Biden, một chiếc "Máy bay ngày tận thế" đã được bắt gặp xuất hiện cùng với đội tàu bay hộ tống ông tại căn cứ quân sự RAF Mildenhall, Suffolk, Anh. Được biết, chiếc máy bay này đã phải tiếp nhiên liệu trên không khi bay qua khu vực Đại Tây Dương. 

Máy bay ngày tận thế chống hạt nhân theo ông Biden đến châu Âu: 1 điểm giống lò vi sóng - Ảnh 1.

Boeing E-4B có tên thân mật là "Máy bay ngày tận thế". Nguồn ảnh: dxme from Schweiz, CC BY-SA 2.0 , via Wikimedia Commons

Theo quy định, Mỹ sẽ luôn giữ 1 trong 4 chiếc Boeing E-4B này trong tình trạng sẵn sàng cất cánh ngay khi xảy ra xung đột hạt nhân. Theo thông tin do chính Không quân Mỹ công bố, chiếc máy bay Boeing E-4B này được xây dựng dựa trên mẫu Boeing 747-200B và đã được thay đổi rất nhiều để phù hợp với mục đích sở chỉ huy trung tâm khi chiến tranh hạt nhân nổ ra.

Cũng theo Không quân Mỹ, mẫu máy bay Boeing E-4B này có thể chống lại vũ khí xung điện từ EMP (vũ khí có thể làm tê liệt các loại thiết bị liên lạc) và được trang bị nhiều thiết bị liên lạc tối tân, tiêu biểu như hệ thống liên lạc vệ tinh, cho phép sở chỉ huy trên không này có thể giữ liên hệ tốt dù ở bất cứ đâu trên thế giới. 

Ngoài ra, những thay đổi đáng chú ý nhất phải kể tới khả năng chống lại bức xạ hạt nhân và sóng nhiệt khi bom hạt nhân nổ. Theo tìm hiểu, khi một quả bom hạt nhân nổ, năng lượng sẽ chia 50% cho sức nổ, 35% cho sóng nhiệt và 15% còn lại cho bức xạ hạt nhân. 

BOEING E-4B VÀ ĐẶC TÍNH NỔI BẬT

Máy bay ngày tận thế chống hạt nhân theo ông Biden đến châu Âu: 1 điểm giống lò vi sóng - Ảnh 2.

Một chiếc Boeing E-4B đang tiếp nhiên liệu trên không trong hồi 2017. Ảnh: Staff Sgt. Nicole Leidholm | US Air Force

Một điều ít được biết tới về Boeing E-4B này là có xuất phát điểm từ thời Chiến tranh lạnh, cụ thể là được thiết kế vào năm 1973. Lúc đó, dòng máy bay E-4 này được xem là cách tốt nhất để người đứng đầu nước Mỹ có thể tồn tại sau khi bị đánh bom hạt nhân, thậm chí là cả những kịch bản tồi tệ nhất, do vậy mà có tên "Doomsday Planes" (tạm dịch: Máy bay ngày tận thế). 

Những khả năng thực sự của những chiếc máy bay Boeing E-4B hiển nhiên là được giữ tuyệt mật, tuy vậy thì trang Business Insider cũng đã từng đăng tải một ít thông tin khác về mẫu máy bay này. Có thể kể tới như việc để chống chịu lại bức xạ, toàn bộ khu vực cửa sổ đều có lưới kim loại. Thiết kế này, theo phỏng đoán, mô phỏng lại Lồng Faraday khi phát minh từ năm 1836 này có thể chống lại bức xạ từ EMP. Điều thú vị là lò vi sóng có thể được coi là thiết bị gần gũi nhất ứng dụng phát minh Lồng Faraday.

Máy bay ngày tận thế chống hạt nhân theo ông Biden đến châu Âu: 1 điểm giống lò vi sóng - Ảnh 3.

Đã có một chiếc máy bay Boeing E-4B xuất hiện trong đội máy bay hộ tống ông Joe Biden tới châu Âu. Ảnh: UK Defence Journal

Ngoài thiết kế nhằm chống lại bức xạ từ, Business Insider cũng đưa tin rằng Boeing E-4B còn được trang bị các tấm chắn bức xạ nhiệt và sóng nhiệt - trùng khớp thông tin do Không quân Mỹ đăng tải. Chi tiết kỹ hơn về cách mà chiếc Boeing E-4B này có thể chống lại bức xạ hạt nhân không được công bố. 

Về mặt lý thuyết, có rất nhiều loại kim loại có thể được dùng để kháng phóng xạ, miễn là tấm kim loại đó đủ độ dày để giảm mức độ nguy hiểm của phóng xạ xuống mức chấp nhận được. Vì chì sở hữu những đặc tính riêng như mật độ nguyên tử cao, số nguyên tử lớn, chì được sử dụng phổ biến để kháng phóng xạ. 

Với các thùng chứa chất phóng xạ, chì ở thể rắn cũng thường xuyên được sử dụng để chống phóng xạ lọt ra ngoài. Ngoài mật độ nguyên tử cao, chì còn có những tính chất khác như dễ xử lý, mức độ ổn định cao. Vật liệu này cũng có sẵn ở nhiều dạng, như gạch chì, len chì, ống chì, tấm chì, bột chì...

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn