Mắt 3D đầu tiên lắp cho người: long lanh như mắt thật

Thứ Sáu, 03 Tháng Mười Hai 20213:00 SA(Xem: 2156)
Mắt 3D đầu tiên lắp cho người: long lanh như mắt thật

Mắt 3D đầu tiên lắp cho người: long lanh như mắt thật - Ảnh 1.

Nụ cười hạnh phúc nở trên môi người đàn ông sau nhiều năm buồn bã vì khiếm khuyết cơ thể. Rất khó để nhận ra mắt trái của anh là mắt giả - Ảnh: CNN

Steve Verze, một kỹ sư 47 tuổi, sống tại quận Hackney, phía đông London (Anh), trở thành người đầu tiên trên thế giới được lắp mắt in 3D sau ca phẫu thuật kéo dài nhiều giờ hôm 25-11 vừa qua, theo Đài CNN.

Steve bị bệnh từ nhiều năm trước khiến một bên mắt trái mất chức năng. Mỗi lần soi gương, Steve đều cảm thấy buồn bã vì điều đó. Sau một thời gian chờ đợi, trải qua nhiều cuộc kiểm tra chuyên sâu, anh được phẫu thuật ghép mắt giả tại Bệnh viện mắt Moorfields.

Ca phẫu thuật diễn ra thành công tốt đẹp. Điều đáng nói là con mắt giả của Verze được in hoàn toàn bằng công nghệ kỹ thuật số đầu tiên tạo ra dành cho bệnh nhân với "độ nét rõ ràng và độ sâu đồng tử thực hơn" so với các lựa chọn thay thế khác.

Mắt giả không phải là sản phẩm mới, với hàng triệu người dân trên thế giới đang sử dụng. Nhưng những con mắt giả khác chỉ bao gồm mống mắt được vẽ bằng tay hoặc phương pháp in thô sơ trên một mặt phẳng nhỏ, sau đó được gắn vào trong hốc mắt, không tạo nên chiều sâu chân thật. Càng dùng lâu, càng dễ phát hiện mắt giả đúng là… giả. Sản phẩm mới lại khắc phục nhược điểm đó.

Không chỉ có vậy, quy trình lắp mắt mới cũng ít gây phản ứng phụ hơn. Trước đây, khi phẫu thuật lắp mắt, các bác sĩ sẽ lấy khuôn từ hốc mắt thật của bệnh nhân, gây tốn thời gian, công sức và có thể gây nhiễm trùng hoặc đau đớn cho người bệnh. Ở công nghệ mới, mắt giả được in 3D. Nghĩa là hốc mắt bệnh nhân được quét kỹ thuật số để tạo ra các hình ảnh chi tiết.Đối với những bệnh nhân vẫn còn 1 mắt hoạt động bình thường giống như Steve Verze thì mắt thật đó cũng được quét để đảm bảo cả 2 mắt trông "thật" như nhau.

Hình ảnh 3D hốc mắt của Steve sau đó được gửi đến Đức để in trước khi chuyển lại Anh. Cuối cùng sẽ được một bác sĩ nhãn khoa của Bệnh viện Moorfields hoàn thiện và đánh bóng trước khi lắp cho Steve.

Toàn bộ quá trình này mất chỉ 2-3 tuần so với gần 2 tháng chờ đợi nếu thực hiện theo cách truyền thống trước đây.

Trả lời phỏng vấn truyền thông sau ca phẫu thuật, Steve Verze chia sẻ niềm vui khi được lắp con mắt mới: "Nó trông thật tuyệt và đặc biệt là nó còn dựa trên công nghệ in kỹ thuật số 3D. Thật kỳ diệu! Trông nó như thật!".

Ca phẫu thuật thành công của Steve khiến không chỉ bản thân anh vui mừng mà còn mang lại niềm hy vọng đến hàng triệu người mất thị lực khác trên toàn thế giới. Phía Bệnh viện mắt Moorfields cho biết đội ngũ y bác sĩ ở đây đang tiến hành thêm nhiều nghiên cứu mới, khắc phục những hạn chế nhỏ nhất của công nghệ này để có thể phổ biến rộng rãi hơn.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn