Cows walking between wind turbines in Norway

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chính phủ Anh sẽ sớm công bố kế hoạch nhằm đạt mục tiêu "net zero" về khí thải nhà kính trước năm 2050.

Đây là một mục tiêu chủ chốt nhằm giảm lượng khí thải nhà kính có hại và chống biến đổi khí hậu.

Vậy net zero là gì?

Net zero có nghĩa là không thêm vào tổng lượng khí nhà kính thải ra khí quyển.

Khí thải nhà kính như carbon dioxide (CO2) được thải ra khi chúng ta đốt dầu mỏ, khí và than phục vụ cho nhà ở, nhà máy và các phương tiện giao thông. Điều này gây ra hiện tượng ấm lên toàn cầu bằng cách không cho năng lượng mặt trời thoát ra.

Theo Thỏa thuận Paris 2015, 197 quốc gia đồng ý nỗ lực giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5C để tránh các hậu quả tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.

Các chuyên gia nói để đạt được mục tiêu này, các quốc gia cần giảm lượng khí thải CO2 về mức net zero trước năm 2050.

Liệu net zero có thể hoàn toàn chấm dứt khí thải CO2?

Không phải tất cả các hoạt động gây khí thải đều có thể được giảm xuống zero, vậy nên các hoạt động đó cần phải được bù lại, chẳng hạn bằng cách trồng thêm cây xanh.

Gần như tất cả các quốc gia đã bắt đầu trồng cây như một biện pháp giảm carbon ít tốn kém. Tuy nhiên, chúng ta còn đủ chỗ để trồng số cây xanh cần thiết hay không vẫn là một câu hỏi.

Thu gom và lưu cất carbon cũng được coi là một giải pháp công nghệ.

Công nghệ này dùng máy móc để loại bỏ carbon khỏi không khí, sau đó làm rắn khí thải này và chôn nó dưới lòng đất.

Tuy nhiên, công nghệ này vẫn còn khá mới, có chi phí cao và cho tới nay chưa được chứng minh về hiệu quả.

BA plane near Heathrow

Nguồn hình ảnh, PA Media

Chụp lại hình ảnh,

Dự án 'jet zero' của chính phủ Anh xem xét các phương án để cắt giảm khí thải từ ngành hàng không

Cần có các biện pháp nào để đạt net zero?

Đạt mục tiêu này là điều không dễ: để đạt net zero, toàn bộ khí thải từ nhà ở của chúng ta, cách chúng ta đi lại và những gì ta ăn đều bị ảnh hưởng.

Nó sẽ gồm việc chuyển từ dùng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo, từ bỏ xe cộ chạy bằng xăng và dầu, và thay vào đó là dùng xe chạy điện hay hydrogen.

Các hệ thống sưởi trung tâm bằng khí đốt cũng cần phải được thay thế bằng các nguồn nhiêu liệu khác, như bơm khí nóng.

Để đạt được net zero cũng có nghĩa chúng ta phải đi lại bằng máy bay ít hơn trong tương lai, và thậm chí ăn ít thịt đỏ hơn.

Anh Quốc thực hiện mục tiêu này đến đâu?

Thủ tướng Anh Boris Johnson gần đây tuyên bố tất cả năng lượng của Anh sẽ đến từ các nguồn tái tạo trước năm 2035, và chính phủ sẽ sớm công bố chiến lược net zero trong tuần này.

Một số biện pháp đã được công bố từ trước gồm:

  • Cấm bán xe hơi chạy bằng xăng hay dầu trước năm 2030
  • Tăng công suất điện gió ngoài khơi lên gấp bốn lần trước 2030
  • Tăng sử dụng năng lượng hạt nhân
  • Đầu tư vào năng lượng hydrogen có carbon thấp
  • Lắp đặt 600.000 bơm khí nóng mỗi năm cho tới 2028. (Máy bơm khí nóng sẽ đưa hơi nóng quanh một tòa nhà vào hệ thống sưởi trung tâm.)
  • Trồng cây xanh trên 30.000 hecta mỗi năm cho tới 2025.

Là một phần trong cam kết net zero, chính phủ có mục tiêu cắt giảm khí thải 78% vào năm 2035, so với mức khí thải năm 1990.

Nhưng một nhóm chuyên gia cố vấn cho chính phủ Anh nói rằng những chính sách hiện nay chỉ thực hiện được 1/5 mục tiêu giảm.

Chụp lại video,

Biến đổi khí hậu làm khoảng cách giàu nghèo thêm lớn, vì sao?

Có những vấn đề gì với net zero?

Hiện có nhiều tranh cãi về việc các quốc gia làm thế nào để đạt được net zero.

Chẳng hạn, quốc gia A có thể ghi nhận mức khí thải thấp nếu họ đóng cửa các ngành công nghiệp dùng nhiều năng lượng như ngành sản xuất thép.

Nhưng nếu quốc gia A lại nhập khẩu thép từ quốc gia B, thì thực ra là quốc gia A để Quốc gia B chịu mức khí thải cao, thay vì giảm tổng lượng khí thải nhà kính.

Có một số chương trình cho phép các nước giàu bù đắp lượng khí thải bằng cách trả tiền cho các nước nghèo để họ chuyển sang dùng năng lượng sạch hơn.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng đây là cách né tránh hành động tại các quốc gia giàu.