Lần đầu tiên trong lịch sử khoa học chứng kiến loài ong biết dùng công cụ

Chủ Nhật, 19 Tháng Chín 20217:00 SA(Xem: 2881)
Lần đầu tiên trong lịch sử khoa học chứng kiến loài ong biết dùng công cụ

Con người vốn không có nhiều thế mạnh. Chúng ta không có sức lực nổi trội, răng không sắc nhọn, móng vuốt cũng không có, lại chẳng thể bơi giỏi. Nhưng chúng ta vẫn vươn lên thành loài bá chủ địa cầu là nhờ vào trí tuệ, khả năng sử dụng ngôn ngữ, và biết cách lợi dụng công cụ.

Tuy nhiên, khả năng sử dụng công cụ thực chất không chỉ loài người mới có. Khả năng này từng được ghi nhận ở một số loài vật có trí thông minh ổn, như linh trưởng, voi, bạch tuộc… Nhưng có bao giờ bạn tưởng tượng được rằng đến loài ong cũng làm được điều đó chưa?

Đây chính là những gì mà các nhà khoa học mới quan sát được ở loài ong – cũng là lần đầu tiên trong lịch sử họ thấy điều đó ngoài tự nhiên. Có điều, công cụ chúng sử dụng lại khiến các nhà khoa học cảm thấy… ghê sợ.

Cụ thể câu chuyện như sau: loài ong các nhà khoa học quan sát được là ong mật châu Á (Apis cerana), và thứ công cụ chúng sử dụng là… phân. Trong một nghiên cứu được thực hiện tại Việt Nam, khi phải đối mặt với ong bắp cày khổng lồ (Vespa soror), ong thợ sẽ bay đi tìm các bãi phân còn tươi mới các loài vật khác, sau đó trét thật cẩn thận ngay tại lối vào tổ.

Các chuyên gia vẫn chưa rõ liệu số phân ấy có thực sự bảo vệ được tổ ong. Tuy nhiên, họ cho rằng việc bôi phân sẽ ngăn ong bắp cày cắn xé tổ, tránh trường hợp lọt vào trong và gây thảm sát hàng loạt.

“Chúng tôi tin rằng loài ong mật châu Á thu gom phân động vật là để phản kháng lại kẻ thù đáng sợ nhất của chúng ngay tại lối vào. Đây cũng là báo cáo đầu tiên về việc ong mật biết sử dụng công cụ, và thu thập một thứ không liên quan gì đến cây cối” – trích trong báo cáo đăng tải trên tạp chí PLOS One.

Ong mật châu Á dùng phân trét thật cẩn thận ngay tại lối vào tổ.
Ong mật châu Á dùng phân trét thật cẩn thận ngay tại lối vào tổ.

Trên thực tế, nhiều năm qua giới khoa học đã ghi nhận loài ong mật có thể học được cách sử dụng công cụ trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, khả năng này chưa từng được chứng kiến ngoài tự nhiên.

Ong mật thường thu thập các vật liệu từ cây cối để xây tổ – như sáp, phấn và nhựa cây. Nhưng chúng thực chất không phải là công cụ. Khái niệm “công cụ” với khoa học phải là vật thể bên ngoài, được biến đổi để sử dụng với mục đích khác. Và trong trường hợp này, phân chính là một công cụ với ong mật.

Được biết, ong bắp cày khổng lồ là loài rất phổ biến ở Nam Á, cũng là nguyên nhân chính khiến các loài ong mật chết hàng loạt. Chúng có thể hủy diệt hàng ngàn con ong mật chỉ sau vài giờ đồng hồ, thậm chí chiếm trọn tổ ong nếu quân số đủ đông. Ong mật dù có vũ khí là kim độc, nhưng như vậy cũng không thể đủ để đánh đuổi ong bắp cày đi được. Bởi lẽ, kẻ thù của chúng quá to lớn, thân thể cứng cáp như bọc giáp, gần như không thể chạm tới.

Dẫu vậy, quá trình tiến hóa cũng ban tặng cho ong mật một chiến thuật khác để chống lại ong bắp cày. Chẳng hạn khi ong bắp cày tiến đến xâm lăng, chúng sẽ bị dụ vào tổ, sau đó ong mật tập trung quân bu kín toàn bộ tổ ong. Quá trình này sẽ khiến nhiệt độ trong tổ tăng rất nhanh, đủ để giết chết kẻ xâm lược.

Và giờ, chúng có một giải pháp khác, đó là… trét phân hoặc bất kỳ thứ gì có mùi khó ngửi lên tổ của mình. Thậm chí ngay cả khi ong bắp cày bỏ đi rồi, số phân ấy vẫn được giữ lại thêm vài ngày nữa.

Có thể phân sẽ được trộn cùng một số hóa chất khác, tạo ra chất độc để đuổi kẻ thù.
Có thể phân sẽ được trộn cùng một số hóa chất khác, tạo ra chất độc để đuổi kẻ thù.

Việc tại sao ong bắp cày lại không thể tiếp tục tấn công vì mùi phân sẽ cần đến nhiều nghiên cứu sau đó để xác minh. Giả thuyết đặt ra là có thể phân sẽ được trộn cùng một số hóa chất khác, tạo ra chất độc để đuổi kẻ thù. Nhưng nhìn chung, mọi thứ vẫn chưa thực sự rõ ràng.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLOS One.

Theo Khoa học

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn