Theo Epoch Times, các nhà nghiên cứu Thụy Sĩ gần đây đã tính được 62.800 tỉ chữ số của số Pi (π) sau dấu thập phân, lập kỷ lục thế giới cho hằng số toán học này.

Nhóm nghiên cứu tại Đại học Khoa học Ứng dụng Graubuenden, Thụy Sĩ cho biết trong một thông cáo báo chí: “Phép tính này mất 108 ngày và 09 giờ”.

Trung tâm phân tích dữ liệu, trực quan và mô phỏng của trường đại học (Centre for Data Analytics, Visualisation and Simulation) cho biết: “Lần này, tốc độ tính toán nhanh gần gấp đôi so với kỷ lục do Google thiết lập với các dịch vụ điện toán đám mây của họ vào năm 2019, và 3,5 lần so với kỷ lục trước đó vào năm 2020″.

Các nhà nghiên cứu đang chờ Tổ chức kỷ lục Guinness chứng nhận kết quả của họ. Trước đó, họ chỉ có thể công bố mười chữ số cuối cùng của số Pi mà họ tính được: 7817924264.

Độ dài kỷ lục thế giới cuối cùng của số Pi là 50 nghìn tỷ chữ số.

Số Pi là một hằng số toán học, có giá trị bằng tỷ lệ giữa chu vi đường tròn và đường kính của đường tròn đó, một số thập phân vô hạn không lặp lại. Hầu hết mọi người có thể nhớ 10 chữ số đầu tiên của nó là 3,141592653. Với việc cải thiện hiệu suất máy tính, các nhà nghiên cứu tiếp tục cải thiện độ chính xác của nó, tức là ngày càng nhiều chữ số sau dấu thập phân.

Nghiên cứu cho biết, phương pháp họ sử dụng để tính số Pi lần này cũng có thể áp dụng cho các lĩnh vực như phân tích RNA, mô phỏng động lực học chất lỏng và phân tích văn bản.