Cuộc đời voi ma mút dựa trên ngà hóa thạch

Thứ Hai, 23 Tháng Tám 20213:00 SA(Xem: 2527)
Cuộc đời voi ma mút dựa trên ngà hóa thạch

Bằng cách phân tích từng lớp ngà hóa thạch, các nhà khoa học có cái nhìn hiếm hoi về cuộc sống của một voi ma mút tiền sử.

Mô phỏng một con voi ma mút lông mượt đực trưởng thành. Ảnh: Reuters

Mô phỏng một con voi ma mút lông mượt đực trưởng thành. Ảnh: Reuters

Khoảng 17.000 năm trước, một con voi ma mút lông mượt đã lang thang trên vùng đất là Alaska ngày nay. Mặc dù hóa thạch của sinh vật được tìm thấy cách đây hơn một thập kỷ, những mô tả về cuộc đời kéo dài 28 năm của nó chỉ mới được hé lộ gần đây trong một nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Science hôm 12/8.

"Đây thực sự là một trong những hiểu biết đầu tiên về lịch sử cuộc đời của voi ma mút lông mượt Bắc Cực", đồng tác giả Matthew Wooller, nhà cổ sinh vật học tại Đại học Alaska của Mỹ, nhấn mạnh.

Để tạo ra hơn 400.000 điểm dữ liệu cho nghiên cứu, các nhà khoa học đã xẻ đôi một trong hai chiếc ngà được bảo quản tốt của sinh vật, để lộ ra từng lớp được thêm vào khi con vật lớn lên. Các lớp đó, theo Wooller, trông giống như "những chiếc kem hình nón xếp chồng lên nhau".

Bằng cách phân tích đồng vị ở từng lớp ngà, các nhà khoa học đã có cái nhìn thoáng qua về thời kỳ sơ sinh, cho đến khi trưởng thành và chết cô độc vì đói của con voi ma mút.

Mặt cắt một chiếc ngà hóa thạch của voi ma mút lông mượt sống cách đây 17.000 năm. Ảnh: Reuters

Mặt cắt một chiếc ngà hóa thạch của voi ma mút lông mượt sống cách đây 17.000 năm. Ảnh: Reuters

Trong những năm tháng đầu đời, sinh vật - được đặt tên là Kik theo con sông nơi phát hiện hóa thạch - đã di chuyển quanh khu vực mà ngày nay là vùng hạ lưu Yukon. Vào thời điểm đó, phần lớn Alaska, bao gồm cả hạ lưu Yukon, không có sông băng, thay vào đó là địa hình giống như thảo nguyên, cung cấp môi trường sống lý tưởng cho các loài ăn cỏ như voi ma mút lông mượt.

"Kik có thể đã di chuyển cùng với mẹ của nó và các thành viên khác trong đàn", Wooller cho biết.

Đến tuổi 15 hoặc 16, con voi ma mút đã gia tăng đáng kể phạm vi hoạt động của nó, khi di chuyển thường xuyên đến các điểm xa hơn và cao hơn nhiều về phía bắc. Có khả năng là sinh vật đã rời đàn sau đó. Hành vi của nó phản ánh đúng mô hình ở một số đàn voi hiện đại, trong đó những con đực trưởng thành được "khuyến khích" rời đi để bắt đầu cuộc sống mới.

Trong những năm tiếp theo, Kik đã đi lang thang trên một số tuyến đường mà tuần lộc sử dụng ngày nay. Voi ma mút có thể đã di cư theo mùa để tìm thức ăn và chia sẻ tuyến đường với tuần lộc cổ đại.

Cuộc đời của sinh vật có lẽ đã kết thúc tại một khu vực đầy sỏi đá ở Bắc Cực. "Sự kết hợp của hai chiếc ngà và một phần hộp sọ ở cùng một địa điểm tiết lộ rằng đó là nơi nó chết", Wooller nói thêm. "Phân tích ngà hóa thạch cho thấy nó đã phải chịu căng thẳng về dinh dưỡng. Trong năm cuối cùng của cuộc đời, con vật có lẽ đã sống chậm lại và không di chuyển nhiều nữa".

Nghiên cứu này không chỉ thỏa mãn sự tò mò về những sinh vật đã tuyệt chủng trong kỷ Băng hà, mà còn giúp các nhà khoa học dự đoán tương lai của các loài sống ở Bắc Cực hiện nay, nơi đang chứng kiến thay đổi nhanh chóng do biến đổi khí hậu.

Đoàn Dương (Theo Reuters
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn