• Jessica Seigel
  • Từ tạp chí Knowable

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Cảnh sát nghĩ rằng Marty Tankleff 17 tuổi trông có vẻ quá ư là bình tĩnh sau khi phát hiện ra mẹ mình bị đâm chết còn cha bị đánh chết trong ngôi nhà ngổn ngang ở Long Island. Nhà chức trách không tin lời rằng cậu vô tội, và cậu phải ở tù 17 năm vì tội giết người.

Trong một vụ án khác, điều tra viên nghĩ rằng Jeffrey Deskovic, 16 tuổi, có vẻ quá hoảng loạn và sốt sắng muốn giúp thám tử sau khi một người bạn cùng trường trung học được phát hiện là đã bị siết cổ chết. Cũng như vậy, cậu bị kết tội là nói dối và ở tù 16 năm vì tội danh trên.

Một người không đủ hoảng sợ. Người khác thì quá căng thẳng rối trí. Bằng cách nào mà hai thái cực cảm xúc ngược nhau lại được cho là manh mối lần ra tội ác bị che giấu?

Nhưng họ không phải là thủ phạm, nhà tâm lý học Maria Hartwig, nhà nghiên cứu về sự lừa dối ở trường John Jay College về Tội Hình Sự tại Đại học City University of New York cho biết.

Cả hai thiếu niên trong hai vụ án trên sau này đều đã được tuyên vô tội, họ là nạn nhân của quan niệm sai lầm phổ biến: đó là bạn có thể phát hiện ra kẻ nói dối thông qua cách họ hành động.

Ở nhiều nền văn hóa, người ta tin rằng hành vi như ánh mắt lảng tránh, bồn chồn, nói lắp... giúp tiết lộ kẻ lừa dối.

Trong thực tế, các nhà nghiên cứu tìm thấy rất ít bằng chứng cho những niềm tin kiểu này, dù họ đã dành nhiều thập niên tìm hiểu.

"Một trong những vấn đề mà giới học thuật chúng tôi đối mặt với sự nói dối, đó là mọi người đều nghĩ họ biết hành vi nói dối vận hành ra sao," Hartwig, đồng tác giả của một nghiên cứu về những chỉ dấu không phải bằng ngôn ngữ về sự nói dối trên Tạp chí Annual Review of Psychology, nói.

Sự tự tin thái quá dẫn đến sai lầm nghiêm trọng về công lý, như cả hai người Tankleff và Deskovic đều biết quá rõ.

"Sự sai lầm trong việc dò tìm lời nói dối khiến xã hội và những nạn nhân bị xét xử nhầm phải trả giá đắt," Hartwig cho biết. "Cái giá phải trả thực sự rất cao."

Từ lâu, các nhà tâm lý đã biết là phát hiện kẻ nói dối khó đến mức nào.

Vào năm 2003, nhà tâm lý học Bella De Paulo, giờ đây làm việc với Đại học California - Santa Barbara, cùng với đồng nghiệp dò qua các văn bản khoa học, và tập hợp 116 thử nghiệm so sánh hành vi của con người khi nói dối và nói thật.

Các nghiên cứu tìm hiểu 102 chỉ dấu về hành vi, trong đó có ánh mắt lảng tránh, chớp mắt liên tục, nói to hơn (đây là chỉ dấu không phải ngôn ngữ vì nó không phụ thuộc vào từ ngữ họ dùng), nhún vai, chuyển tư thế và sự chuyển động của đầu, bàn tay, cánh tay hay chân.

Không có có chỉ dấu nào cho thấy đáng tin cậy khi phát hiện người nói dối, mặc dù một số có liên hệ yếu ớt, như đồng tử giãn và sự gia tăng rất nhỏ trong tông điệu của giọng nói - mà tai người không thể nào nhận thấy.

Ba năm sau, DePaulo và nhà tâm lý học Charles Bond từ Đại học Texas Christian University xem xét lại 206 nghiên cứu có liên quan đến 24.483 người quan sát rồi phán xét tính xác thực của 6.651 đối thoại của 4.435 người khác.

Không có chuyên gia hành pháp hay tình nguyện viên là sinh viên nào có khả năng chọn ra lời nào là đúng, lời nào là sai trong khoảng 54% số lần - chỉ nhỉnh hơn một chút so với cách suy đoán hên xui.

Trong thí nghiệm cá nhân, độ chính xác là khoảng 31 đến 73%, với những nghiên cứu quy mô nhỏ hơn, mức độ sai biệt này còn lớn hơn.

"Trong các nghiên cứu ở quy mô nhỏ thì kết quả rõ ràng là nhờ vào sự may mắn," Bond nói. "Trong nghiên cứu ở quy mô vừa đủ, thì sự may rủi là ngang nhau."

Tác dụng phụ này cho thấy độ chính xác cao hơn ở một số thí nghiệm có thể chỉ đơn thuần là hên xui, nhà tâm lý học và nhà phân tích dữ liệu ứng dụng Timothy Luke từ Đại học Gothenburg ở Thụy Điển cho biết. "Nếu đến giờ chúng ta vẫn không tìm thấy hiệu ứng lớn," ông cho biết, "thì có lẽ là vì chúng không tồn tại."

Tư duy phổ biến cho rằng bạn có thể nhận ra kẻ nói dối nhờ vào cách họ nói hay hành động.

Nhưng khi các nhà khoa học nhìn vào chứng cớ, họ nhận thấy rất ít chỉ dấu thực sự có mối liên hệ đáng kể đến việc nói dối hay nói thật. Thậm chí một số liên hệ đáng kể về mặt số liệu cũng không đủ mạnh để coi là chỉ dấu đáng tin cậy.

'Thực nghiệm và thực tế là khác nhau'

Các chuyên gia thuộc lực lượng cảnh sát lại thường lập luận khác: họ cho rằng những thực nghiệm diễn ra mà không đủ mức độ thực tế.

Họ cho rằng rốt cuộc thì hầu hết tình nguyện viên là sinh viên được hướng dẫn nói thật hay nói dối trong các phòng thí nghiệm tâm lý không phải đối mặt với hệ quả tương tự như nghi can phạm tội trong phòng thẩm vấn hay ở bục nhân chứng.

"Người 'có tội' không phải trả giá gì hết," Joseph Buckley, chủ tịch của công ty John E Reid và Cộng sự, nơi đã huấn luyện hàng ngàn nhân viên hành pháp mỗi năm trong việc phát hiện nói dối thông qua hành vi, nói. "Đó không phải là động cơ có hệ quả thực sự."

Samantha Mann, nhà tâm lý học từ Đại học Portsmouth, Anh Quốc, nghĩ rằng sự phê phán từ phía cảnh sát cũng có lý khi bà quan tâm đến nghiên cứu về sự lừa dối được thực hiện 20 năm trước.

Khi đào sâu vào vấn đề, bà cùng với đồng nghiệp là Aldert Vrij đầu tiên xem nhiều giờ băng video cảnh sát thẩm vấn một người bị kết tội là kẻ giết người hàng loạt và chọn ra ba nội dung đã được xác định chắc chắn là sự thật và ba nội dung được xác định chắc chắn là lời nói dối.

Sau đó Mann đề nghị 65 cảnh sát viên người Anh xem xét sáu lời khai và đánh giá xem lời nào là thật, lời nào là nói dối. Vì nội dung thẩm vấn được thực hiện bằng tiếng Hà Lan, các sĩ quan cảnh sát phán xét hoàn toàn dựa trên những chỉ dấu hành vi phi ngôn ngữ.

Các nhân viên cảnh sát đã đúng khoảng 64% - cao hơn con số hên xui, nhưng vẫn không chính xác lắm, bà cho biết. Và những người có lựa chọn kém nhất là những người nói họ dựa vào những định kiến về chỉ dấu ngoài lời nói như "kẻ nói dối thường nhìn lảng đi chỗ khác" hay "kẻ nói dối bồn chồn".

Trong thực tế, kẻ giết người vẫn giữ giao tiếp bằng ánh mắt và không bồn chồn khi nói dối. "Rõ ràng là người này rất hồi hộp, không phải nghi ngờ gì về điều đó," Mann cho biết, nhưng ông ta kiểm soát hành vi của bản thân một cách rất có chiến lược để chống lại những lầm tưởng định kiến.

Trong nghiên cứu sau đó, cũng do Mann và Vrij tiến hành, 52 cảnh sát Hà Lan cũng không làm tốt hơn khi phải phân định giữa lời nói dối và nói thật của những kẻ đã giết chết họ hàng của mình nhưng chối tội bằng cách thể hiện sự đau khổ trong cuộc họp báo truyền hình mà nghiên cứu sử dụng.

Đáng chú ý là các cảnh sát đưa ra kết quả phán đoán tệ nhất là những người cảm thấy kẻ bị thẩm vấn đã thể hiện cảm xúc một cách chân thật.

Nhưng điều gì cho chỉ dấu rằng đó là cảm xúc chân thật?

"Nếu người chồng giết vợ, anh ta có thể hoảng hốt vì đủ lý do, như hối hận hay sợ bị bắt," Mann cho biết. "Hành vi phi ngôn ngữ thì quá đặc trưng. Cho nên nếu bạn chỉ tập trung vào hành vi phi ngôn ngữ như cảm xúc, bạn có thể gặp sai lầm."

Khẳng định những kết quả này ở quy mô lớn nhiều năm sau, Hartwig và Bond xem xét lại nhiều nghiên cứu so sánh khả năng xác định lời nói dối phải trả giá đắt và lời nói dối không gây ra nguy cơ bị trừng phạt nặng.

Họ nhận thấy không có bằng chứng nào cho thấy ta có thể phát hiện ra lời nói dối của kẻ phạm tội hay người bị kết án nhầm trong điều tra của cảnh sát so với lời nói dối của tình nguyện viên tham gia nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.

Che giấu

Từ kẻ giết người hàng loạt đến sinh viên nói dối trong thí nghiệm, lời nói dối trong tất cả các trường hợp trên đều được nói ra thành lời.

Trong một nghiên cứu được công bố năm 2019, Mann xem xét sự lừa dối không dùng ngôn ngữ, như khi một người cố gắng che giấu hành vi bất hợp pháp - một kiểu lừa dối liên quan đến phát hiện kẻ đánh bom hay buôn người.

Bà tuyển dụng 52 tình nguyện viên là sinh viên và yêu cầu một nửa trong số họ vận chuyển một máy tính xách tay được cho là có chứa hình ảnh nhạy cảm di chuyển qua phà giữa hai thành phố. Tình nguyện viên được yêu cầu cố gắng hòa nhập vào đám đông và không nên có vẻ "đáng ngờ", vì có người đang cố tìm ra họ. Nửa tình nguyện viên còn lại được yêu cầu chuyển một chiếc điện thoại bình thường, không có hướng dẫn phải che giấu hành vi họ đang làm.

Khi Mann chiếu video về những người đi phà cho 104 tình nguyện viên khác xem và yêu cầu họ tìm ra kẻ "vận chuyển đồ lậu", thì những người xem video cũng chẳng đưa ra kết quả gì tốt hơn.

Trong phỏng vấn sau đó, "kẻ buôn lậu" nói họ có hồi hộp, nhưng họ ý thức phải hành động như bình thường và kiểm soát tinh thần bằng những chiêu như nghe nhạc hoặc dùng điện thoại.

Sau đó, Mann nâng cao mức rủi ro. Một nửa trong số 60 tình nguyện viên khác được trao một phong bì có chứa tiền Nga, Ai Cập và Hàn Quốc, và được yêu cầu che giấu, trong khi nửa còn lại không phải "chuyển lậu" thứ gì hết. Nhưng lần này, Mann cho hai nhà nghiên cứu lên phà, đi lại vòng quanh và quan sát hành khách, có vẻ như so sánh họ với hình trên điện thoại.

Lần này, 120 người quan sát cố gắng tìm ra ai là người "chuyển đồ lậu" trong video đã đoán đúng chỉ 39,2% - thấp hơn rất nhiều mức hên xui. Mann cho rằng lý do là vì "kẻ chuyển đồ lậu" rất cố gắng để tỏ ra bình thường, trong khi tình nguyện viên là "người vô tội" chỉ cần hành động một cách tự nhiên. Sự ngạc nhiên của họ khi bị dòm ngó lại bị coi là chỉ dấu của tội phạm.

Phát hiện cho thấy những người nói dối có thể che giấu hoàn toàn sự hồi hộp đã thể hiện đầy đủ bức tranh nghiên cứu về nói dối, nhà tâm lý học Ronald Fisher từ Đại học Quốc Tế Floria, người huấn luyện điệp viên FBI nói.

"Không có quá nhiều nghiên cứu so sánh giữa cảm xúc nội tâm của một người với những gì người ta nhìn từ bên ngoài," ông giải thích. "Điểm chính là, những người nói dối thường cảm thấy lo âu hơn, nhưng đó là cảm xúc nội tâm, và nó khác với những gì họ thể hiện ra bên ngoài khiến người khác quan sát thấy."

Thay đổi biện pháp

Những nghiên cứu như vậy đã khiến các nhà nghiên cứu hầu hết đều từ bỏ việc dựa vào chỉ dấu cơ thể để nhận biết hành vi nói dối.

Nhưng vậy thì có cách nào để xác định ra kẻ nói dối?

Ngày nay, các nhà tâm lý nghiên cứu về hành vi nói dối có vẻ như tập trung hơn vào các dấu hiệu trong lời nói, và đặc biệt là trong phương thức phóng đại sự khác biệt giữa những điều mà người nói dối và người nói thật sẽ nói ra.

Chẳng hạn, người thẩm vấn có thể sử dụng chiến lược không tung ra bằng chứng trong thời gian dài hơn, cho phép nghi phạm nói chuyện thoải mái, điều này có thể dẫn kẻ nói dối đến bước tự mâu thuẫn.

Trong một thử nghiệm, Hartwig dạy kỹ thuật này cho 41 nhân viên cảnh sát, mà sau đó họ đã xác định người nói dối chính xác đến 85% số trường hợp, so với 55% trong số 41 nhân viên khác chưa qua huấn luyện. "Mức độ phán đoán chính xác được tăng lên đáng kể," Hartwig nói.

Một kỹ thuật thẩm vấn khác nhấn mạnh đến trí nhớ về không gian, bằng cách yêu cầu nghi phạm và nhân chứng mô tả lại khung cảnh liên quan đến hiện trường phạm tội hay ngoại phạm.

Vì cách này giúp tăng cường khả năng nhớ lại, người nói thật có thể viết tường trình với nhiều chi tiết hơn.

Trong một nghiên cứu giả lập nhiệm vụ gián điệp do Mann và đồng nghiệp cùng công bố năm ngoái, 122 người tham gia đã gặp một "điệp viên" ở quán ăn trong trường học, trao đổi mật mã, sau đó nhận một gói hàng.

Tiếp đó, người tham dự được yêu cầu kể lại thành thật về những gì đã xảy ra, và họ có thể nêu ra nhiều chi tiết hơn đến 76% về trải nghiệm tại địa điểm đó khi tham gia phỏng vấn miêu tả so với những người được yêu cầu che giấu cuộc trao đổi mật mã.

"Khi bạn miêu tả, bạn như sống lại trong sự kiện đó - vì vậy nó giúp hỗ trợ phần ký ức," đồng tác giả của nghiên cứu, Haneen Deeb cho biết. Bà là nhà tâm lý học tại Đại học Portsmouth.

Thử nghiệm được thiết kế với góp ý từ phía cảnh sát Anh, vốn thường sử dụng kỹ thuật thẩm vấn phác thảo và làm việc với các nhà nghiên cứu tâm lý trong quá trình chuyển đổi toàn quốc sang phương thức thẩm vấn suy đoán vô tội.

Cách này mới chính thức được sử dụng thay thế cho kiểu thẩm vấn kết tội trong thập niên 1980 và 1990 ở quốc gia này sau khi xảy ra nhiều vụ việc ồn ào vì kết tội sai và lạm quyền.

Cải tổ chậm chạp từ cơ quan hành pháp Hoa Kỳ

Tuy nhiên, ở Mỹ, những cải tổ dựa trên khoa học vẫn chưa tạo ra thay đổi đáng kể trong giới cảnh sát và sĩ quan an ninh.

Chẳng hạn với trường hợp Cơ quan Quản lý An toàn Giao thông thuộc Bộ Nội an, họ vẫn sử dụng cách phát hiện lời nói dối qua hành vi đối với hành khách đi các chuyến bay cần bị thẩm vấn.

Danh sách bí mật liệt kê các hành vi cần xem xét chỉ dẫn nhân viên chú ý tới các dấu hiệu được cho là nói dối như khi người đó nhìn đi chỗ khác - trong khi đây lại là dấu hiệu thể hiện sự tôn trọng trong một số nền văn hóa, hoặc hành vi nhìn chằm chằm rất lâu, nháy mắt nhanh, phàn nàn, huýt sáo, ngáp ngắn ngáp dài, che miệng khi nói, bồn chồn quá mức hoặc sửa sang vẻ ngoài. Tất cả những dấu hiệu này đều đã bị giới nghiên cứu bác bỏ.

Với những nhân viên dựa vào những căn cứ mơ hồ và mâu thuẫn đó để tìm manh mối về vi đáng ngờ, thì có lẽ cũng không ngạc nhiên gì khi hành khách đã gửi 2.251 lời phàn nàn chính thức trong khoảng thời gian từ năm 2015-2018, cho rằng họ đã bị khoanh vùng dựa trên quốc tịch, chủng tộc, dân tộc hay vì lý do khác.

Việc giám sát của Quốc hội từ phương thức kiểm soát sân bay của TSA từ năm 2013, khi Văn phòng Kiểm soát của Chính phủ Hoa Kỳ - cánh tay của Quốc Hội làm việc đánh giá, kiểm tra và tư vấn cho các chương trình chính phủ - đã tổng hợp bằng chứng khoa học trong phát hiện hành vi và nhận thấy cách này không đầy đủ, và họ đã đề xuất TSA giới hạn cấp ngân quỹ và hạn chế sử dụng phương pháp này.

Đáp lại yêu cầu, TSA đã loại bỏ việc chỉ sử dụng các nhân viên chuyên xem xét hành vi, và giảm số lượng trong danh sách chỉ dấu nói dối từ 94 xuống còn 36, nhưng vẫn duy trì rất nhiều dấu hiệu mà khoa học không đồng tình, chẳng hạn như dấu hiệu vã mồ hôi.

Đáp lại với giám sát của Quốc hội mới đây, trong năm 2019, TSA hứa sẽ cải thiện quá trình giám sát nhân viên để giảm tình trạng khoanh vùng. Tuy nhiên, cơ quan này vẫn coi trọng cách quan sát hành vi.

Một quan chức từ Bộ Nội An nói với các điều tra viên từ Quốc hội rằng "theo lẽ thường" thì các chỉ dấu hành vi là đáng xem xét sử dụng trong "chương trình an ninh hợp lý và vì mục đích phòng vệ" dù chúng không đạt chuẩn về học thuật theo các bằng chứng khoa học.

Giám đốc quan hệ công chúng của TSA, ông R Carter Langston, nói rằng, "TSA tin rằng những chỉ dấu hành vi đem lại một lớp bảo vệ hiệu quả và quan trọng trong hệ thống giao thông vận tải quốc gia."

TSA chỉ ra hai trường hợp thành công khi xem xét hành vi trong 11 năm qua đã giúp họ ngăn cản ba hành khách lên máy bay có mang theo chất nổ và gây cháy.

Nhưng theo Mann, khi ta không biết bao nhiêu kẻ có thể là khủng bố đã lọt lưới kiểm tra an ninh, thì không thể đánh giá sự thành công của chương trình. Và trong thực tế là vào năm 2015, lãnh đạo của TSA đã bị điều chuyển công tác sau khi Bộ Nội An lật tẩy những điệp viên trong một điều tra nội bộ đã thành công khi vận chuyển lậu thuốc nổ và vũ khí thật qua cổng an ninh sân bay đến 95% số lần.

Trong năm 2019, Mann, Hartwig và 49 nhà nghiên cứu từ các trường đại học đã xuất bản một bản tổng hợp đánh giá bằng chứng trong kiểm soát phân tích hành vi, và kết luận rằng các chuyên gia hành pháp nên bỏ phương thức nguỵ khoa học "cơ bản là sai lệch" có thể "gây tổn thương đến cuộc sống và tự do của người dân."

Trong khi đó, Hartwig đã phối hợp cùng với chuyên viên an ninh quốc gia Mark Fallon, một cựu đặc vụ từ Cơ quan Điều tra Tội phạm thuộc Hải quân Hoa Kỳ và là cựu trợ lý giám đốc Bộ Nội An, để thiết kế giáo trình huấn luyện mới cho các điều tra viên dựa trên bằng chứng khoa học vững chắc hơn.

"Quá trình thay đổi diễn ra chậm chạp," Fallon cho biết. Nhưng ông hy vọng những cải tổ trong tương lai có thể sẽ giúp người dân tránh khỏi cáo buộc không công bằng, làm hoen ố cuộc đời họ như tình huống mà Jeffrey Deskovic và Marty Tankleff trải qua.

Với Tankleff, định kiến về người nói dối đeo đẳng chúng ta rất lâu.

Trong chiến dịch kéo dài nhiều năm giành lại sự vô tội và để có thể hành nghề luật, người đàn ông kín đáo và trầm tính này đã phải học thể hiện cảm xúc nhiều hơn "để tạo ra cách lý giải mới" cho sự vô tội bị hiểu sai, Lonnie Soury, giám đốc kiểm soát khủng hoảng, người đã huấn luyện ông về khả năng này, cho biết.

Cách này có tác dụng. Cuối cùng Tankleff đã được kết nạp vào Đoàn Luật sư New York vào năm 2020.

Tại sao thể hiện cảm xúc lại quan trọng đến vậy? "Là vì mọi người có định kiến rất nặng nề," Soury giải thích.

Bài đã đăng trên Tạp chí Knowable và được phép đăng lại trên trang BBC.