Những người dám “cãi” tạo hóa để tách rời các cặp song sinh dính liền

Thứ Hai, 05 Tháng Bảy 20211:00 CH(Xem: 2709)
Những người dám “cãi” tạo hóa để tách rời các cặp song sinh dính liền
ben-carson-696x469

Sinh ra với cơ thể khác biệt là sự thiệt thòi của các cặp song sinh dính liền. Nhiều bác sĩ đã dành cả đời để phẫu thuật tách rời với mong muốn các bé có cuộc sống bình thường.

Phẫu thuật tách rời các cặp song sinh dính liền khá hiếm gặp, ít được ghi nhận trong y văn. Theo CNN, 40-60% cặp song sinh dính liền chết trước khi được sinh ra. 35% trong số đó không sống sót qua một ngày. 5-25% cặp song sinh dính liền sống sót đến khi trưởng thành.

Sự thành công của ca phẫu thuật phụ thuộc vào bộ phận dính liền, số lượng cơ quan được chia sẻ cũng như kinh nghiệm và kỹ năng của ê-kíp mổ. Trên thế giới, nhiều bác sĩ dành phần lớn thời gian trong nghề để giúp các cặp song sinh tách rời.

GS.BS James T. Goodrich (Mỹ)

Bác sĩ phẫu thuật thần kinh James T. Goodrich (1946-2020) được xem là “ngọn hải đăng” của Trung tâm Y tế Montefiore, New York, Mỹ. Gắn bó với ngành y hơn 30 năm, vị bác sĩ này từng thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật tách cặp song sinh bị dính hộp sọ.

Tháng 4/2020, ông Goodrich qua đời ở tuổi 74 vì Covid-19. Bệnh viện ở New York gọi bác sĩ này là người đàn ông “khiêm tốn và chu đáo”, “không khao khát ánh đèn sân khấu và được đồng nghiệp, nhân viên tin yêu”.

Bác sĩ Emad Eskandar, Trưởng khoa Phẫu thuật thần kinh, Đại học Y khoa Albert Einstein và Trung tâm y tế Montefiore, nói về GS Goodrich: “Mất mát đột ngột của ông ấy khiến chúng tôi không khỏi đau lòng. Giáo sư sẽ luôn là một phần quan trọng trong trí nhớ của chúng tôi”.

Chân dung GS.BS James T. Goodrich.
Chân dung GS.BS James T. Goodrich. (Ảnh: NY Times).

Theo CNN, GS Goodrich còn là người tiên phong trong lĩnh vực cứu chữa trẻ em có tình trạng thần kinh phức tạp. Năm 2016, ông chỉ huy ê-kíp 40 bác sĩ chuyên khoa điều trị sau đó tách thành công cặp song sinh liền đầu Jadon và Anias McDonald.

Đây là cuộc mổ tách thứ 7 trong sự nghiệp của ông. Trên thế giới, đây là ca tách hộp sọ thứ 59 kể từ năm 1952. Sự kiện tách rời cho Jadon và Anias McDonald còn được xem là ca phẫu thuật khó nhất thế giới bởi hai bệnh nhi cùng chia sẻ một phần mô não.

Năm 2014, bác sĩ Goodrich trở thành tâm điểm chú ý của thế giới khi phẫu thuật thành công cặp song sinh Carl và Clarence Aguirre đến từ Philippines. Hai bệnh nhi bị dính 8 cm mô não. Sau phẫu thuật, ông thường xuyên liên lạc với các bệnh nhân và không bao giờ quên ngày sinh nhật của họ.

TS.BS Ben Carson (Mỹ)

Bác sĩ Ben Carson sinh ngày 18/9/1951 tại bang Michigan, Mỹ. Năm 1987, sau khi thực hiện ca mổ tách thành công hai bé trai song sinh dính phần đầu Patrick và Benjamin Binder tại Đức, TS Ben trở thành hiện tượng của ngành y.

Ông còn xuất bản 3 cuốn sách nằm trong top bán chạy nhất thế giới, đồng thời là chính trị gia tên tuổi tại Mỹ.

Trong cuốn Gift Gifted Hands, TS Ben thuật lại giây phút hồi hộp chuẩn bị cho ca phẫu thuật lịch sử: “Từ lúc chúng tôi bắt đầu thảo luận về nó, tất cả đều cố gắng ghi nhớ một điều rằng phải tin tưởng mình làm được. Đôi bàn tay phải thật khéo léo và chính xác bởi chỉ một thao tác dù nhỏ nhất đi chệch khỏi kế hoạch đề ra cũng làm hỏng chức năng thần kinh của một trong hai bé”.


TS BS Ben Carson. (Ảnh: Chris Gardner/AP).

Thời điểm thực hiện ca mổ cho cặp song sinh Patrick và Benjamin Binder, TS Ben bước sang tuổi 33, là giám đốc khoa Phẫu thuật Thần kinh Nhi trẻ nhất nước Mỹ. Ca phẫu thuật kéo dài 27 giờ với hơn 70 bác sĩ chuyên khoa cùng tham gia.

Sau cuộc mổ trên, TS Ben tiếp tục tham gia 4 cuộc phẫu thuật tách rời tương tự. Một trong số đó là ca phẫu thuật năm 1997 cho cặp song sinh Zambian, giúp cả hai có cuộc sống bình thường.

TS Abdullah al-Rabeeah (Ả Rập Saudi)

Trong hơn 30 năm, TS Abdullah al-Rabeeah (sinh năm 1955) đã dành toàn bộ thời gian để phẫu thuật tách rời các cặp song sinh dính liền có hoàn cảnh khó khăn trên thế giới. TS Abdullah al-Rabeeah công tác tại Bệnh viện Nhi đồng chuyên khoa King Abdullah (Riyadh, Ả Rập Saudi), ông đã thực hiện tổng cộng 48 ca mổ tách rời.

Đặc biệt, toàn bộ ca phẫu thuật đều do ông tài trợ, từ tiền ăn ở đi lại đến chi phí phẫu thuật. Cuộc mổ đầu tiên được TS Al-Rabeeah thực hiện vào năm 1990. Sau đó, ông được bầu làm bộ trưởng y tế và tiếp tục theo đuổi công việc ý nghĩa này.

Chương trình nhân đạo của TS Al-Rabeeah đã đem đến cơ hội sống cho gần 100 bệnh nhân, trong đó có 90 người vẫn sống khỏe mạnh.

Abdullah al-Rabeeah
TS Abdullah al-Rabeeah (áo trắng đứng giữa) chụp ảnh cùng các cặp song sinh dính liền mà ông phẫu thuật tách rời thành công. (Ảnh: ABC News).

Chia sẻ với ABC News, bác sĩ người Ả Rập tâm sự: “Ngay cả khi còn là bộ trưởng y tế, tôi vẫn tiếp tục các ca phẫu thuật. Bởi tôi tin nó có thể giúp ích cho mọi người. Y học là một phần của nhân loại”.

Tuy nhiên, không phải tất cả bệnh nhân phẫu thuật tách rời đều sống sót. Năm 2017, một cặp song sinh dính liền đến từ Gaza khiến ông bỏ cuộc. Nếu tách rời, một trong hai buộc phải hy sinh mạng sống.

Những trường hợp như vậy đều khiến TS Al-Rabeeah buồn bã. Sau phẫu thuật, bác sĩ người Ả Rập vẫn giữ liên lạc với nhiều bệnh nhân và thường xuyên hỏi thăm tình hình sức khỏe, cuộc sống của họ.

Theo Khoa học

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn