Bí ẩn quái vật hồ Tanganyika

Thứ Hai, 21 Tháng Sáu 20217:00 CH(Xem: 2379)
Bí ẩn quái vật hồ Tanganyika

Tanganyika là hồ nước ngọt dài và sâu ở châu Phi, có nguồn thủy sản khổng lồ cho khu vực biên giới Tanzania, Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), Burundi và Zambia. Hồ Tanganyika còn thu hút dư luận về quái vật bí ẩn.

Từ những ghi chép của nhà khoa học

Từ lâu, người dân vùng hồ Tanganyika đã lan truyền về sự xuất hiện của một sinh vật to lớn và hung tợn sống ở đáy hồ. Thổ dân bộ lạc Tabwa ở phía Bắc Zambia gọi nó là “Thần đánh cá”, họ thường tổ chức các nghi lễ trước mùa đánh bắt để cầu mong “thần” giúp cho chuyến đi thuận lợi.

Hồ Tanganyika, quái vật Hồ Tanganyika, quái vật bí ẩn, rắn biển, bộ lạc tabwa
Quái vật hồ Tanganyika qua mô tả của bác sĩ người Đức, Thierfelder vào năm 1914.

Những tường trình đầu tiên về con quái vật này xuất hiện vào năm 1893, khi một đoàn khảo sát do nhà thám hiểm người Ireland, Joseph Augustus Moloney dẫn đầu đến vùng hồ và gặp gỡ các nhà truyền giáo trong vùng. Các vị tu sĩ này đã nói với họ về một con “rắn biển” lớn, ẩn nấp dưới độ sâu âm u của hồ Tanganyika, đôi khi cũng được nhìn thấy nằm phơi nắng trên bờ.

Một tường trình khác vào năm 1907 đến từ nhà tự nhiên học người Anh, Lord Walter Rothschild. Ông cho biết, đã nghe những câu chuyện về một con quái vật to lớn có ngà ẩn nấp ở phần phía Nam của hồ, được cho là khá hung tợn, dữ dằn. Rothschild không nhìn thấy sinh vật, nhưng cho biết một trong những nhân chứng là sĩ quan của cảnh sát Nam Phi kể lại và ông tin vào những lời kể này.

Các câu chuyện về quái vật hồ Tanganyika tiếp tục lan truyền đến những năm 1900, phần lớn là từ những người nước ngoài, hiện diện ngày càng đông trong khu vực. Năm 1914, bác sĩ người Đức, MV Thierfelder đi dọc theo bờ hồ hẻo lánh ở Burundi, nơi ông lập trạm y tế để giúp đối phó với tình trạng đáng báo động về dịch bệnh ngủ.

Một ngày nọ, ông đi săn với một hướng dẫn viên địa phương tên là Ilsgensmeier. Người này đã đưa ông đi quanh khu vực hồ, nơi giáp với vách đá cheo leo, và tại đây họ nhìn thấy một thực thể mà bác sĩ người Đức không biết phải diễn tả như thế nào. Đó là một con thủy quái khổng lồ mà sau này ông ước tính chiều dài của nó lên đến 30m.

Ông nói về quái vật này: “Đột nhiên, tôi nhìn thấy từ hồ một sinh vật trông giống như con rắn quái dị xuất hiện. Nó không di chuyển ngoằn ngoèo như rắn, mà theo phương thẳng đứng trên mặt nước, với tốc độ khá nhanh, tiến thẳng đến khu vực giáp bờ đá, nơi tôi đang nằm im thin thít.

Nó không có chân, gần đầu có những cấu trúc mảnh mai giống như vây ở hai bên. Toàn thân con vật có một màu nâu sáng, không có vảy, nhưng được bao phủ bởi một lớp lông mượt, dày. Đầu con vật rất khó nhận biết, bởi vì nó chỉ xuất hiện thoáng qua trên mặt nước, nhưng không to và không ngăn cách rõ với thân.

Nó không như đầu của một con rắn, mà khá giống đầu loài động vật có vú, như lợn biển chẳng hạn. Tuy nhiên, miệng nó có vẻ hẹp và dài ra. Sau khi di chuyển trong đám rái cá một lúc, con thú khổng lồ quay lại và lao xuống hồ, hòa vào những đợt sóng nhấp nhô”.

Đâu là sự thật?

Hồ Tanganyika, quái vật Hồ Tanganyika, quái vật bí ẩn, rắn biển, bộ lạc tabwa
Hồ Tanganyika nhìn từ vệ tinh (trái) và khu vực được cho là có quái vật xuất hiện.

Năm 1920, xuất hiện một câu chuyện đáng chú ý khác, cũng của một người nước ngoài, nhà văn và nhà thám hiểm người Pháp, Victor Forbin. Ông ta cho biết đã thu thập nhiều báo cáo về sinh vật được gọi là “động vật lưỡng cư, có kích thước khổng lồ, tương tự như voi, tê giác và hà mã về nhiều khía cạnh khác nhau”.

Nhưng các tài liệu của Forbin trong những năm sau đó bị xem là không đáng tin cậy, hầu hết chỉ là tin đồn và nhận định sai lệch, ngay cả nhà nghiên cứu nổi tiếng về động vật bí ẩn, Bernard Heuvelmans cũng bày tỏ sự nghi ngờ về tính xác thực trong các câu chuyện của ông ta.

Vào năm 1928, có rất nhiều báo cáo về việc một loài bò sát dưới nước được nhìn thấy bởi các thủy thủ trên những con tàu đi ngang qua hồ, và trong một lần họ thậm chí còn phát hiện dấu vết của sinh vật này trên cạn, được mô tả là giống như móng vuốt của một con chim khổng lồ.

Những câu chuyện này đã truyền cảm hứng cho nhà thám hiểm George Grey. Ông tiến hành một cuộc tìm kiếm khắp khu vực nhưng không thể xác định được vị trí của sinh vật lạ, ngoài những tường trình từ người bản địa.

Những vụ chứng kiến sau thế kỷ 20 bắt đầu ít dần, khiến người ta tự hỏi những gì được nhìn thấy là gì, nếu thực sự là quái vật thì nó hiện ở đâu. Đây có phải là một loại bò sát chưa được xác định hay là một loài vật da dày (pachyderm) có sừng chưa được xác định?

Thật khó để trả lời vì các mô tả rất khác nhau, từ một loài bò sát ngoằn ngoèo bóng bẩy, đến loài động vật to lớn, ì ạch giống hà mã. Điều này khiến người ta phải cân nhắc, liệu có thể có nhiều quái thú ở khu vực hồ hay không.

Cho dù câu chuyện được dựa trên một sinh vật có thật hay chỉ là một phần của trí tưởng tượng, quái vật hồ Tanganyika đã trở thành một câu chuyện kỳ ​​quặc ở châu Phi và những cuộc tìm kiếm chưa hẳn đã chấm dứt. Nhưng với độ sâu 1.436m (sâu thứ hai thế giới), dài 670km của hồ, để phát hiện các sinh vật lạ ở đây là điều không dễ.Khung cảnh dải Ngân Hà nhìn từ tàu SpaceXMột quả dưa hấu có bao nhiêu nước và có phải dưa hấu nào cũng hình tròn?Đã từng có 2,5 tỷ con khủng long bạo chúa thống trị Trái đất

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn