SpaceX phóng gấu nước và mực con lên ISS

Thứ Năm, 10 Tháng Sáu 20211:00 CH(Xem: 1891)
SpaceX phóng gấu nước và mực con lên ISS

SpaceX rạng sáng nay đã khởi động nhiệm vụ tiếp tế thứ 22 cho NASA lên ISS với một số sinh vật thú vị đặt bên trong tàu Dragon.

SpaceX phóng gấu nước và mực con lên ISS

Tên lửa Falcon 9 đưa tàu chở hàng Dragon lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Video: NASA/SpaceX.

Sứ mệnh mang tên CRS-2 được triển khai từ tổ hợp phóng Pad 39A tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy của NASA ở Florida vào lúc 0h29 ngày 4/6 theo giờ Hà Nội. Tên lửa Falcon 9 sử dụng trong chuyến bay này là một phương tiện phóng mới hoàn toàn.

Khoảng 8 phút kể từ lúc cất cánh, tầng đẩy thứ nhất của tên lửa - có mã hiệu là B1067 - đã tách ra và nhẹ nhàng đáp xuống xuống sà lan không người lái "Of Course I Still Love You" đậu trên Đại Tây Dương. Sau đó 4 phút, tầng đẩy thứ hai cũng tách khỏi Dragon khi con tàu đi vào quỹ đạo đúng như kế hoạch.

CRS-2 là một phần trong hợp đồng Dịch vụ Tiếp tế Thương mại (CRS) giữa NASA và SpaceX, ký vào năm 2016. Tàu Dragon trong sứ mệnh này chở hơn 3.300 kg hàng hóa, bao gồm các thiết bị khoa học, phần cứng cho Trạm Vũ trụ Quốc tế, nhu yếu phẩm cho phi hành đoàn và đặc biệt là các sinh vật sống, bao gồm gấu nước, ấu trùng mực bánh bao và vi khuẩn.

Mực bánh bao con bơi trong nước biển sau khi nở. Ảnh: Jamie Foster/Đại học Florida.

Mực bánh bao con bơi trong nước biển sau khi nở. Ảnh: Jamie Foster/Đại học Florida.

Mực bánh bao (Euprymna scolopes), họ hàng của mực nang, là một loài động vật chân đầu thú vị với khả năng phát sáng trong bóng tối. Đó là nhờ một cơ quan chuyên biệt trong túi mực của chúng. Các nhà khoa học hy vọng rằng những con mực này có thể giúp làm sáng tỏ cách vi sinh vật phản ứng với ánh sáng vũ trụ.

Cụ thể, NASA sẽ nghiên cứu mối quan hệ giữa chúng với một nhóm vi khuẩn cộng sinh có tên khoa hoa học là V. fischeri trong môi trường vi trọng lực, như một phần trong thí nghiệm được đặt tên UMAMI.

"Vi sinh vật đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển bình thường của các mô động vật và trong việc duy trì sức khỏe con người", Jamie Foster, điều tra viên chính của UMAMI, cho biết. "Động vật và con người dựa vào vi khuẩn để duy trì hệ tiêu hóa và miễn dịch. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa thực sự hiểu cách ánh sáng không gian thay đổi những tương tác có lợi này. Thí nghiệm UMAMI sẽ giúp làm sáng tỏ vấn đề".

Gấu nước nhìn dưới kính hiển vi phóng đại 40 lần. Ảnh: Boothby Lab.

Gấu nước nhìn dưới kính hiển vi phóng đại 40 lần. Ảnh: Boothby Lab.

Trong khi đó, gấu nước (Tardigrade) thu hút giới nghiên cứu vì chúng có thể tồn tại trong những môi trường khắc nghiệt nhất. Các nhà khoa học muốn giải trình tự bộ gene của gấu nước và xác định xem gene nào có liên quan đến khả năng thích nghi trong môi trường căng thẳng cao của chúng.

Những con gấu nước tí hon được gửi lên ISS trong tình trạng đông lạnh, sau đó được rã đông, hồi sinh và phát triển trong hệ thống đặc biệt. NASA cho biết các thí nghiệm sẽ kéo dài khoảng hai tháng.

Đoàn Dương (Theo Space)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn