Châu Âu chuẩn bị cho cuộc chinh phục sao Hỏa

Thứ Bảy, 17 Tháng Hai 20189:00 CH(Xem: 5830)
Châu Âu chuẩn bị cho cuộc chinh phục sao Hỏa


Ngày 05/02/2018 vừa qua, nhà tỉ phú Mỹ Elon Musk vừa phóng thành công lên không gian tên lửa mạnh nhất thế giới, Falcon Heavy. Kỳ công này đã được giới chuyên gia hoan nghênh và được xem là một bước tiến đến việc đưa con người lên sao Hỏa trong tương lai.

Chính là trong viễn cảnh chinh phục sao Hỏa mà các phi hành gia vào ngày 08/02 đã đến vùng sa mạc của Oman để tiến hành nghiên cứu và mô phỏng điều kiện sống trên hành tinh này, trong khuôn khổ chương trình AMADEE-18 do Diễn đàn Không gian Áo ( Austrian Space Forum ) khởi xướng. Chương trình được thực hiện dưới sự bảo trợ của chính phủ Oman và với sự hỗ trợ của các đại học và doanh nghiệp tư nhân châu Âu. Hãng tin AFP ngày 08/02/2018 đã có một bài phóng sự về chương trình này :

« Trong một trại bao quanh là hàng rào kẽm gai, dưới sự canh gác cẩn mật của lực lượng vũ trang địa phương, các nhà nghiên cứu, các nhà sáng chế, các nhà chuyên môn trong ngành không gian, hoặc đơn giản chỉ là những người say mê vũ trụ, tập hợp lại để thực hiện chương trình AMADEE -18. Họ trồng rau quả trong các lồng bằng nhựa hoặc điều khiển những xe tự hành qua một cánh đồng. Các phi hành gia cũng lái những chiếc xe có gắn đầy bình điện dưới cái nóng như thiêu đốt để tiến hành các cuộc thí nghiệm do các nhà nghiên cứu đề ra.

Bao gồm những căn nhà tiền chế, tuy vậy khu trại vẫn có những tiện nghi của con người trên Trái Đất : phòng tắm với nước nóng, máy lạnh, máy phát điện chạy 24 giờ trên 24 để cung cấp điện cho các phòng.

Diễn đàn Không gian Áo không có tên lửa như Elon Musk, nhưng các thành viên của tổ chức này, trong đó có một số người không phải là trong ngành không gian, cũng có quyết tâm sáng chế như nhà tỉ phú Mỹ, tức là tìm những con đường mới bên ngoài những cơ cấu cứng nhắc của những chương trình không gian quốc gia.

Theo lời chủ tịch Diễn đàn Không gian Áo, Alexander Soucek, phần lớn nguồn tài chính của họ là từ các nhà bảo trợ và các doanh nghiệp tư nhân. Ông cũng dự phóng rằng một khi con người lên sao Hỏa, chúng ta sẽ buộc phải sử dụng các nguồn tài nguyên tìm thấy trên đó, vì chúng ta không thể đem theo hết mọi thứ từ Trái đất.

Từ năm 2015, Hoa Kỳ, với sự thúc đẩy của tổng thống Barack Obama, rồi đến Luxembourg, đã đi đầu trong cuộc chạy đua lên không gian, đề ra những khuôn khổ pháp lý cho việc khai thác tài nguyên trên các hành tinh khác. Nhưng hiện giờ, Liên Hiệp Châu Âu chưa có lập trường chính thức trên vấn đề này do vẫn còn bất đồng giữa các thành viên. Ngay cả các phi hành gia tham gia chuong trình AMADEE -18 cũng không đồng nhất ý kiến với nhau.

Trở về vào chập tối sau một chuyến đi thí nghiệm trong sa mạc, ông Kartik Kumar, chuyên gia về « rác » không gian, đưa ra suy nghĩ của ông về vai trò và trách nhiệm của các nhà du hành vũ trụ trong tương lai : « Chúng ta phải tìm ra một sự cân đối giữa việc đặt chân lên sao Hỏa và việc nhìn nhận rằng đây là tài sản chung và phải bảo tòn nó cho các thế hệ tương lai. »

Không gian : Truy tìm hành tinh có sự sống

Ngoài Trái Đất của chúng ta, còn hành tinh nào khác có sự sống, hay nói cách khác, có người ngoài hành tinh không ? Đó là câu hỏi mà từ lâu các nhà khoa học vẫn cố tìm lời giải đáp. Trên 7 hành tinh được khám phá gần đây, nằm trên quỹ đạo của ngôi sao nhỏ Trappist- 1, ngay trong Thái Dương Hệ, cách Trái đất 40 năm ánh sáng, có thể có sự sống, ít ra là về mặt lý thuyết.

Đó là kết luận của một công trình nghiên cứu mà các nhà khoa học vừa công bố ngày 05/02/2018 trên hai tạp chí chuyên môn, Nature Astronomy và Astronomy and Astrophysics. Theo lời ông Amaury Triaud, nhà thiên văn học thuộc Đại học Bỉrmingham, đồng tác giả công trình nghiên cứu, 7 hành tinh nói trên dường như có chứa nước, điều kiện thiết yếu để sự sống hình thành.

Vào tháng 2 năm ngoái, một ê-kíp quốc tế đã khiến cả thế giới xôn xao khi loan báo họ đã phát hiện 7 hành tinh có kích thước giống như Trái đất, nằm chung quanh một ngôi sao nhỏ không tỏa sáng nhiều và cực lạnh. Họ cho biết là các hành tinh đó nằm trong khu vực « có thể có sự sống », tức là có thể có nước dưới dạng lỏng ở bề mặt.

Nghiên cứu vừa được công bố hôm 04/02 vừa qua đã xác nhận điều đó. Theo ông Triaud, hiện chưa có dữ liệu nào xác định là những hành tinh này thật sự có sự sống và dẫu sao thì chúng khác xa so với hành tinh chúng ta. Tuy nhiên, những hành tinh này được coi là nơi tốt nhất trong Thái Dương Hệ mà các nhà khoa học hy vọng tìm thấy dấu vết của sự sống
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn