Trực thăng NASA sắp cất cánh trên sao Hỏa

Chủ Nhật, 18 Tháng Tư 20213:00 SA(Xem: 3081)
Trực thăng NASA sắp cất cánh trên sao Hỏa
Mô phỏng trực thăng Ingenuity cất cánh. Ảnh: NASA.

Mô phỏng trực thăng Ingenuity cất cánh. Ảnh: NASA.

Khác với bạn đồng hành của Ingenuity là robot Perseverance, hạ cánh trên sao Hỏa hôm 18/2, chúng ta sẽ không thấy bất kỳ hình ảnh nào hoặc biết chuyến bay có thành công hay không ngay lập tức.

Đội kỹ sư phụ trách dự án trực thăng sẽ ở phòng điều khiển nhiệm vụ tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) của NASA ở Pasadena, California, vào sáng sớm ngày 12/4 để nhận và phân tích dữ liệu đầu tiên từ chuyến bay của Ingenuity.

Ingenuity, thiết kế dùng để chứng minh công nghệ, sẽ bay tổng cộng khoảng 40 giây. Mẫu trực thăng nặng 1,8 kg sẽ quay hai cánh quạt dài 1,2 m ở độ cao 3 m, bay lơ lửng, đổi hướng, chụp ảnh và hạ cánh xuống mặt đất. Nếu chuyến bay đầu tiên thành công, Ingenuity có thể bay thêm 4 lần nữa trong tháng này. Chiếc trực thăng nhỏ đã trải qua nhiều cột mốc quan trọng trong thời gian gần đây như nhúc nhích cánh và tồn tại qua đêm lạnh trên sao Hỏa.

Hiện nay, Ingenuity cần bay tự động trong khí quyển mỏng của sao Hỏa. Tín hiệu vô tuyến sẽ mất 15 phút 27 giây để truyền qua khoảng cách giữa Trái Đất và sao Hỏa (278,4 triệu km).

"Sao Hỏa rất khắc nghiệt không chỉ khi hạ cánh mà cả khi cất cánh và bay lượn xung quanh", MiMi Aung, quản lý dự án Ingenuity ở JPL, cho biết. "Hành tinh này có lực hấp dẫn nhỏ hơn hẳn, nhưng áp suất trên bề mặt nhỏ hơn gần 1% so với áp suất ở Trái Đất. Kết hợp mọi điều kiện, bạn sẽ cần một phương tiện với mọi chỉ dẫn phù hợp".

Robot Perseverance sẽ giúp trực thăng và đội điều khiển nhiệm vụ ở Trái Đất liên lạc với nhau. Nó sẽ nhận chỉ thị bay từ JPL trong cùng ngày. Sau đó, robot sẽ truyền kế hoạch tới trực thăng. Perseverance sẽ đậu cách đó 65 m để có thể theo dõi chuyến bay an toàn, chụp ảnh và video.

Sau vài thử nghiệm ban đầu với cánh quạt trước chuyến bay, Ingenuity sẽ quay rotor và tiến hành bay. Các thử nghiệm trước chuyến bay sẽ cho phép trực thăng tính toán tốc độ quay của cánh quạt để cất cánh. "Ingenuity sẽ mất khoảng 6 giây để bay tới độ cao tối đa trong chuyến bay đầu tiên", Håvard Grip, trưởng nhóm kiểm soát bay tại JPL, chia sẻ. "Khi đạt độ cao 3 m, Ingenuity sẽ bay lơ lửng khoảng 30 giây".

Trong suốt quá trình bay lơ lửng, trực thăng sẽ chụp 30 ảnh mỗi giây để đưa vào máy tính định vị, đảm bảo Ingenuity duy trì thăng bằng và ở giữa khu vực bay rộng 10 x 10 m. Ingenuity sẽ sử dụng camera độ phân giải cao thứ hai chĩa về phía đường chân trời để chụp ảnh mỗi lần ở trong không trung. Ngay khi đáp xuống mặt đất, nó sẽ truyền dữ liệu về Trái Đất thông qua robot tự hành.

Những bức ảnh đen trắng độ phân giải thấp từ camera định vị của trực thăng sẽ có trước, sau đó là ảnh màu. Robot tự hành cũng sẽ truyền ảnh và video tới một số camera của nó để dự phòng. Perseverance đã tập quay video của trực thăng khi phương tiện thử nghiệm cánh quạt trong thời gian gần đây. Grip sẽ phân tích dữ liệu đầu tiên do trực thăng gửi về để xác định nó có cất cánh, bay lơ lửng, đổi hướng và hạ cánh thành công hay không.

Sau chuyến bay đầu tiên, Ingenuity sẽ nghỉ một ngày để sạc pin mặt trời. Nhóm nghiên cứu sẽ sử dụng dữ liệu do trực thăng truyền về trong tuần để lên kế hoạch cho chuyến bay tiếp theo. Thời gian giữa các chuyến bay sẽ ngày càng ngắn. Ingenuity có thể bay sau chuyến bay đầu tiên 4 ngày, và 3 ngày sau chuyến bay thứ hai. Trong những chuyến bay cuối, nó sẽ đạt độ cao 5 m và bay xa 15 m.

An Khang (Theo CNN)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn