Nghiên cứu mới: tia cực tím tiêu diệt virus corona trên bề mặt

Thứ Sáu, 09 Tháng Tư 20219:00 SA(Xem: 2086)
Nghiên cứu mới: tia cực tím tiêu diệt virus corona trên bề mặt

Nghiên cứu mới: tia cực tím tiêu diệt virus corona trên bề mặt - Ảnh 1.

Tia cực tím UV-A thường được sử dụng để khử trùng nước thải - Ảnh: cieau.com

Nhóm nghiên cứu của Đại học California tại Santa Barbara và Đại học quốc gia Oregon (Mỹ) hợp tác với các đồng nghiệp ở Đại học Manchester (Anh) và Đại học Bách khoa liên bang ở Zurich (Thụy Sĩ) nhận thấy virus corona có đặc điểm nhạy cảm với tia cực tím (UV), vì vậy tập trung nghiên cứu chủ đề này.

Họ so sánh hai kết quả nghiên cứu về khử khuẩn đối với virus bám trên bề mặt bằng tia UV-B, gồm một nghiên cứu trên mô hình lý thuyết được công bố vào tháng 6-2020 và một nghiên cứu thực nghiệm được công bố một tháng sau đó.

Nghiên cứu lý thuyết khẳng định virus bị vô hiệu hóa nếu dùng tia UV-B tác động lên ARN của chúng. Song nhóm nghiên cứu quan sát thấy không chỉ có vậy.

Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy các virus trong một chất tương tự nước bọt khi tiếp xúc với đèn phát tia UV-B từ 10 - 20 phút đã bị vô hiệu hóa nhanh tám lần hơn so với nghiên cứu lý thuyết.

Vì sao như vậy? GS Paolo Luzzatto-Fegiz ở Đại học California tại Santa Barbara - một trong những tác giả nghiên cứu chính - giải thích ngoài vấn đề virus bị bất hoạt do tia UV-B còn có cơ chế khác, ví dụ có thể do tia UV-A tương tác tích cực hơn giới khoa học biết đến.

Ông nhận xét: "Mọi người nghĩ tia UV-A không có nhiều ảnh hưởng, nhưng có thể nó đã tương tác với một số phân tử trong môi trường". Sau đó, các phân tử trung gian này phản ứng với virus để thúc đẩy quá trình bất hoạt.

Cách thức hoạt động này rất quen thuộc với các chuyên gia xử lý nước thải bằng tia UV-A và một số lĩnh vực khoa học môi trường khác.

Nghiên cứu mới: tia cực tím tiêu diệt virus corona trên bề mặt - Ảnh 2.

Có thể dùng tia cực tím lọc không khí trong giao thông công cộng để ngăn ngừa lây nhiễm - Ảnh: hindustantimes.com

Trong bức thư đăng trên tạp chí khoa học Journal of Infectious Diseases của Đại học Oxford ngày 30-3, nhóm nghiên cứu đề nghị cần tiếp tục các thí nghiệm bổ sung để kiểm tra tác động của các bước sóng khác nhau.

Tia UV-A có bước sóng 400 - 325nm, trong khi tia UV-B có bước sóng 315 - 280nm.

Rất dễ tạo ra hai loại tia cực tím này bằng đèn LED cực tím.

Kết quả nghiên cứu nêu trên có thể mở ra hướng mới xử lý virus bằng bức xạ UV-A và UV-B vốn có sẵn và dễ sản xuất, ví dụ có thể sử dụng đèn phát tia cực tím trong hệ thống lọc không khí ở bệnh viện hoặc trên các phương tiện giao thông công cộng.

Năm ngoái, các nhà nghiên cứu Hàn Quốc từng xem xét sử dụng tia cực tím để loại bỏ virus. Họ ước tính sử dụng đèn LED phát tia UV-C có thể loại bỏ 99,9% virus SARS-CoV-2 trên bề mặt bị nhiễm trong vòng 30 giây.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn