1/4 diện tích bãi biển của thế giới sẽ biến mất

Thứ Hai, 01 Tháng Hai 20211:00 SA(Xem: 2767)
1/4 diện tích bãi biển của thế giới sẽ biến mất
bai-bien-bi-xam-thuc

Các nhà khoa học dự đoán khoảng một nửa bãi biển trên thế giới sẽ bị thu hẹp đáng kể trong cuối thế kỷ này, do tình trạng lũ lụt ven biển và các tác động của con người.

Theo Guardian, tình trạng xâm thực tại các bãi biển sẽ khiến môi trường sống của động vật hoang dã bị thu hẹp, cũng như khiến các khu dân cư ven biển mất đi vùng đệm bảo vệ chúng khỏi việc nước biển dâng lên hoặc các cơn bão.

Trong khi đó, các biện pháp chống lại tình trạng này được dự đoán sẽ ngày càng trở nên đắt đỏ, và trong một số trường hợp sẽ không thể là giải pháp bền vững.

Dựa trên hình ảnh vệ tinh được thu thập trong vòng 30 năm, các nhà khoa học của Trung tâm Nghiên cứu chung EU phát hiện tình trạng xâm thực đã phá huỷ 36.097 km bờ biển. Họ dự đoán tình hình sẽ trở nên tệ hơn vào nửa sau của thế kỷ này, với việc 1/4 diện tích bãi biển của thế giới sẽ biến mất.

Đó thậm chí không phải là trường hợp xấu nhất, vì nó được đưa ra dựa trên kịch bản RCP 4,5 – khi nước biển dâng 50 cm vào năm 2100.


Tình trạng xâm thực xảy ra tại Collaroy, thành phố Sydney, Australia. (Ảnh: AAP).

Tuy nhiên, nếu thế giới tiếp tục thải ra carbon với tốc độ hiện tại, mực nước biển sẽ tăng thêm khoảng 80 cm vào năm 2100, theo Uỷ ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu. Nếu điều này xảy ra, 13% những bãi biển trên Trái Đất sẽ chìm trong nước.

Trên toàn cầu, mức xâm thực trung bình sẽ là 86,4 mét theo kịch bản RCP 4,5 hoặc 128,1 mét nếu việc phát thải carbon tăng lên, mặc dù con số chính xác sẽ phải dựa trên từng bãi biển cụ thể. Những bãi biển phẳng sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn là những bãi biển dốc, hoặc so với những bến cảng được duy trì nhân tạo như một phần của phát triển đô thị ven biển.

Các bãi biển lớn trên bờ Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, cũng như phía Ấn Độ Dương của Australia, sẽ bị thu hẹp trong khoảng từ 100-200 mét. Việc giảm thiểu phát thải carbon có thể ngăn chặn 17% sự xâm thực bờ biển vào năm 2050, và 40% vào năm 2100, giúp giữ vững trung bình 42 mét cho mỗi bờ biển, theo các nhà nghiên cứu.

Mực nước biển dâng cao sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề được gây ra bởi việc xây dựng và rào chắn trên bờ biển, như những toà nhà, đường sá hay đập – vốn làm thay đổi hệ thống bổ sung cát tự nhiên cho các bãi biển.

Tác nhân thứ 3 gây xói mòn bờ biển là sự gia tăng của các cơn bão, bắt nguồn từ việc biến đổi khí hậu. Những cơn bão này sẽ làm xói mòn những bãi biển dễ bị tổn thương nhất.

Vào cuối thế kỷ này, sẽ có khoảng 63% các khu vực ven biển thấp trên thế giới sẽ bị đe doạ. Ở những khu vực này, cả mật độ dân số và sự phát triển đô thị đều có xu hướng ở mức cao hơn so với sâu trong đất liền.

Theo Khoa học

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn