Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Vào một ngày nóng nực và ẩm ướt ở Hong Kong, nhân viên tài chính địa phương Wai Li tới Hoàng Đại Tiên, ngôi đền tấp nập nhất thành phố, để 'cầu thiêm', tức xin xăm đoán vận mệnh.

Đoán vận mệnh qua thẻ xăm

Tập tục thông dụng này là lắc một hũ đựng thẻ xăm bằng tre, được đánh số từ 1 đến 100, cho đến khi một trong số các thẻ xăm rơi xuống đất. Mỗi thẻ xăm có một câu chuyện tương ứng mà khi được đưa đến các đạo sỹ trong đền giải thích, bạn sẽ có cơ hội biết sơ qua về hậu vận.

Cô Li quỳ trên miếng đệm trước bàn thờ trong chính điện, nhắm mắt lại và bắt đầu lắc hũ xăm trong khi tập trung vào vấn đề cô muốn có câu trả lời. Vài phút sau thẻ xăm số 24 rơi ra. Bước đến khu xem bói của đền - lối đi hai tầng có mái che với 161 quầy - Li gặp Thầy Joseph, người xem bói kỳ cựu hơn 20 năm, để nhờ ông giải xăm cho cô về đường sự nghiệp mà cô muốn biết.

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Hoàng Đại Tiên, ngôi đền Đạo giáo nổi tiếng ở Hong Kong, được nhiều người tin là rất thiêng

Ngồi đối mặt với cô Li trong quầy, Thầy Joseph nói với cô rằng đừng trông mong được thăng tiến hay cất nhắc gì trong năm nay và có thể cô sẽ gặp phải một số chuyện bực mình trong công việc. Nhìn tổng thể, thầy nói, vận may của cô ở mức trung bình.

Cô Li, vốn đã từng đến ngôi đền này nhiều lần trước đây, tin rằng giải xăm là chính xác. "Đền Hoàng Đại Tiên trước giờ chưa bao giờ làm tôi thất vọng cả," cô nói. "Tôi luôn đến đây mỗi lần tôi có mắc mứu hoặc cần quyết định điều gì đó cho tương lai. Tôi cảm thấy nó chính xác; trước giờ là vẫn chính xác."

Li không sùng đạo, nhưng cũng giống như nhiều người trong số 10.000 bá tánh hàng ngày bước vào đền, cô tỏ ra cởi mở trên vấn đề các tập tục mê tín dị đoan ở địa phương. "Nói thành thật, tôi nghĩ rất nhiều người Hong Kong cách này hay cách khác đều mê tín. Hầu hết mọi người ở đây sẽ làm những việc để được hên thêm hay bớt xui."

Li nói rằng chính mê tín đã ngăn cô thuê một căn hộ mới gần đây. "Ban quản lý tòa nhà đề nghị giao tôi phòng 1404," cô cho biết. "Tôi thậm chí còn không xem căn hộ vì con số đó trong tiếng Quảng nghe như 'chết chắc'. Tôi không muốn mạo hiểm sống ở đó, mặc dù họ đã giảm tiền thuê cho tôi rất nhiều."

Nỗi sợ số 4

Matthew Keegan

Nguồn hình ảnh, Matthew Keegan

Cô Li không phải là người duy nhất chủ động tránh hoặc sợ hãi bất cứ điều gì liên quan đến số bốn - một hiện tượng được gọi là 'hội chứng sợ số 4'.

Trong tiếng Quảng Đông, 'tứ' nghe giống như 'tử'. Số 14 và 24 thậm chí còn được xem là xui xẻo hơn, vì 14 nghe như 'tất tử', tức 'chết chắc' và số 24 nghe như 'dị tử', tức 'dễ chết'. Các tòa nhà căn hộ, khách sạn, văn phòng và thậm chí cả bệnh viện trong thành phố thường bỏ qua các tầng có số bốn.

"Đó là mê tín," John Choi, thầy phong thủy hành nghề ở Hong Kong được hơn 10 năm, nói. "Ngay cả trong khu căn hộ của tôi cũng không hề có các tầng từ 40 đến 49. Hết tầng 39 là chuyển sang tầng 50. Rồi cũng không có tầng 4, tầng 14, tầng 24 hay tầng 54."

Ngoài các tầng bị bỏ qua, một hình ảnh phổ biến khác bên ngoài các tòa nhà và tư gia trên khắp thành phố là ban thờ Thổ Địa Công. Thường nằm ngoài lối vào chính của các tòa nhà, những ban thờ nhỏ này là để thờ vị thần trong tín ngưỡng Trung Quốc là Thổ Địa, tức Thần Thổ và Thần Địa, người được tin là sẽ xua đuổi tà ma hay năng lượng tiêu cực, và phù hộ cho chủ nhân sống trên mảnh đất đó.

"Nhiều người dân ở đây tin rằng thần linh và vong hồn có quyền năng lớn có thể thay đổi vận mạng hay số phận của một người," Choi cho biết. "Bạn có thể thấy nhiều cửa hàng có bàn thờ Thổ Địa nằm cạnh lối vào chính. Theo nghĩa đó, nó giống như một văn phòng quản lý ngăn những kẻ xâm nhập vào cửa hàng."

Choi nói rằng cuộc sống ganh đua nặng nề ở Hong Kong là lý do đẩy nhiều người tin vào những điều mê tín dị đoan để thử và làm tăng vận may và cơ hội của họ.

"Ở một nơi quá cạnh tranh, làm sao bạn có thể giỏi hơn những người khác?" Choi đặt vấn đề. "Điều duy nhất bạn có thể làm là dùng phong thủy để củng cố thời vận."

Thuật phong thủy

Phong thủy, nghĩa đen là 'gió và nước', là tập quán cổ xưa của Trung Quốc dùng năng lượng để hài hòa các cá nhân với môi trường xung quanh để đem lại tài lộc và sức khỏe tốt hơn. Một hình thức phong thủy địa lý (cách sắp xếp hoặc sắp đặt các tòa nhà hoặc các cơ sở khác một cách may mắn), ngày nay tập tục này bị Đảng Cộng sản cấm ở đại lục vì cho đó là 'mê tín phong kiến', và vì nó đi ngược lại niềm tin cốt lõi của Đảng vào chủ nghĩa Mác.

"Khi họ lần đầu tiên cấm phong thủy ở Trung Quốc, rất nhiều thầy phong thủy đã bỏ trốn và chạy đến Hong Kong," Choi nói. "Một số người cũng đến Đài Loan vì lý do tương tự."

Ngày nay, thuật phong thủy vẫn phổ biến ở Hong Kong, và Choi cho biết có khoảng 40% các công ty bất động sản vẫn hỏi xin lời khuyên từ thầy phong thủy để làm sao có thể tạo ra thiết kế may mắn nhất cho dự án của họ.

Giá tư vấn thường dao động từ 8 đô la Hong Kong cho một bộ vuông (0,09m2) cho thầy bình thường, đến 30 đô la một bộ vuông cho thầy cao tay. Nếu đó là một dự án xây dựng mới, nó có thể dao động từ 1 triệu đến vài triệu đô la cho mỗi dự án.

Hầu hết các tòa nhà chọc trời ở khu trung tâm thương mại của thành phố đều được coi là công trình phong thủy. Trên thực tế, nhiều đặc điểm thiết kế của chúng được nhiều người biết đến là chịu ảnh hưởng của tập quán cổ xưa.

Các chuyên gia nói rằng thậm chí còn có một cuộc chiến phong thủy xảy ra ở trung tâm thành phố.

Tòa nhà chọc trời của Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China) được cho là giống như lưỡi dao cắt tài lộc của các tòa nhà lân cận bằng năng lượng xấu, được gọi là 'sát khí'. Tòa nhà HSBC kế bên được cho là đã đặt thêm hai vật thể giống súng thần công trên tầng thượng để phòng thủ.

Không lâu sau khi tòa tháp Bank of China được hoàn thành vào năm 1989, giá cổ phiếu của HSBC đã giảm xuống mức thấp lịch sử. Để làm chệch hướng năng lượng tiêu cực này, HSBC được cho là đã chĩa đồ trông giống như khẩu đại bác thẳng vào Bank of China. Kể từ đó, theo đồn đại, hoạt động của HSBC đã trở nên tốt hơn.

Sau thời gian dài vấn ý các thầy phong thủy, HSBC cũng đã đặt đôi sư tử đồng ngay trước cửa chính tòa nhà. Trong phong thủy, sư tử tượng trưng cho sự che chở, của cải và địa vị xã hội.

Do HSBC là ngân hàng lớn thứ sáu trên thế giới, một số dân địa phương thích vuốt vào mũi và chân sư tử với hy vọng rằng tài lộc phong thủy tốt lành của nó sẽ rơi bớt vào họ.

"Chúng tôi tin rằng chạm tay vào một số đồ vật phong thủy may mắn có thể mang lại vận may cho bản thân," Choi nói.

Ông nói rằng nó cũng giống như đi với những người may mắn vậy - bạn sẽ thấy mình gặp được nhiều cơ hội tốt hơn, nhưng không có gì là đảm bảo cả. "Để thành công, có một câu ngạn ngữ Trung Quốc cổ rằng 70% nhờ vào nỗ lực, còn 30% là nhờ vào may mắn."

Choi chủ yếu tư vấn về thiết kế không gian nội thất để đảm bảo phong thủy tốt nhất cho khách hàng. Nếu một tòa nhà được dựng lên gần đây, ông sẽ đi vào trong và tính toán chỗ đặt các cửa vị trí để đem lại vận may tối ưu nhất.

"Với bất kỳ tòa nhà nào thì cửa cũng là thứ tối quan trọng," ông cho biết. "Cánh cửa mang lại may mắn và thịnh vượng. Chúng tôi có thể chỉnh cánh cửa ở góc tốt và lắp cửa vào thời điểm tốt lành bằng cách sử dụng la bàn phong thủy để tính toán."

Ông cũng tư vấn cho khách hàng về cách bố trí phong thủy tối ưu cho tư gia của họ bằng cách sử dụng ngày sinh tháng đẻ của gia chủ để xác định hướng tốt nhất, chu toàn nhất.

Theo ông Choi, phong thủy không cần phải tốn kém. Cách tiết kiệm nhất là đặt đồ trang trí phong thủy ở những chỗ nhất định.

Đa phần bạn sẽ nhìn thấy hồ lô - nghĩa là 'nguồn sống'. Những đồ vật nhỏ này, thường được làm bằng đồng thau và có hình dạng như quả bầu, có thể được đặt ở vị trí đặc biệt để hấp thụ năng lượng tiêu cực và giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh tật và vận xui.

Lo cho người đã mất

Niềm tin mê tín ở Hong Kong cũng chú ý nhiều tới người quá cố.

Trong các dịp lễ tôn vinh và tỏ lòng thành kính với tổ tiên đã khuất, trong đó có ngày tảo mộ được gọi là lễ Thanh Minh vào tháng Tư, người ta sẽ đốt đồ vàng mã tượng trưng cho tiền, quần áo, nhà cửa và thậm chí cả những tiện ích mới nhất như điện thoại thông minh và tivi. Người ta tin rằng những lễ vật này sẽ giúp người đã khuất được hạnh phúc và thịnh vượng ở thế giới bên kia.

"Chúng tôi tin rằng nếu mình chăm sóc tổ tiên, tổ tiên sẽ phù hộ," Choi nói. "Khi cha tôi mất, lúc đó ông ấy khá nghèo. Vì vậy, chúng tôi đã đốt rất nhiều thứ cho ông để ông có thể sống giàu có ở thế giới bên kia. Ngay cả tôi cũng làm vậy. Suy cho cùng thì đây là một xã hội mê tín."

Khó có thể xác định chính xác lý do đằng sau kho mê tín phong phú của Hong Kong.

Từng là thuộc địa của Anh trong hơn 150 năm và tiếp thu cả tín ngưỡng phương Đông và phương Tây, ngày nay nhiều người dân tin vào những điều mê tín phổ biến từ cả hai nền văn hóa.

Ví dụ, người Hong Kong sẽ tránh đi bộ dưới gầm thang (được coi là xui xẻo ở phương Tây) cũng như tránh tặng đồng hồ làm quà (được coi là xui xẻo trong tiếng Hoa, vì từ đồng hồ nghe giống như đến viếng đám tang).

Yan Zhang, giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore, vốn là tác giả nghiên cứu về vai trò của tập tục mê tín trong việc xua đuổi vận xấu, cho biết lý do nổi bật nhất khiến mọi người tin vào mê tín dị đoan là để có được cảm giác kiểm soát môi trường xung quanh.

"Thực hiện các hành động mê tín khiến mọi người có cảm giác kiểm soát, khiến họ bớt lo âu hay căng thẳng," Zhang cho biết. "Tôn giáo, khoa học và mê tín tất cả đều có thể giúp mọi người có cảm giác kiểm soát và thoải mái. Hong Kong không phải là nơi người dân rất sùng đạo, vì vậy để cảm thấy tốt hơn, người ta cần dựa vào hoặc là khoa học hoặc mê tín."

Nhưng cho dù nguyên nhân gì đi nữa thì mê tín dị đoan ở Hong Kong khó có thể sớm biến mất.

"Niềm tin mê tín có thể được cập nhật theo thời gian khi người ta biết rõ hơn một số thứ có tác dụng như thế nào," Zhang giải thích. "Tuy nhiên, tôi không dự đoán mê tín dị đoan sẽ biến mất hoàn toàn. Vì con người không bao giờ có thể kiểm soát hoàn toàn cuộc sống của mình, mê tín dị đoan sẽ tồn tại lâu như chúng ta có thể nghĩ."