10 sự kiện khoa học vũ trụ nổi bật năm 2020

Thứ Hai, 28 Tháng Mười Hai 20203:00 SA(Xem: 3774)
10 sự kiện khoa học vũ trụ nổi bật năm 2020

Phát hiện siêu tân tinh sáng nhất, xác nhận nước có trên Mặt Trăng và thu thập mẫu vật ngoài hành tinh là những thành tựu ấn tượng năm nay.

Sao Betelgeuse giảm sáng bất thường

Sao Betelgeuse tối đi và rơi khỏi top 20 ngôi sao sáng nhất trên bầu trời đêm vào tháng 1 năm nay. Ở mức cực tiểu, nó chỉ sáng bằng 37% bình thường. Cuối tháng 2, ngôi sao này bắt đầu dần sáng trở lại. Các nhà khoa học chưa rõ nguyên nhân Betelgeuse giảm sáng, nhưng một số cho rằng có thể một vết đen sao khổng lồ đã gây ra hiện tượng này. Họ hy vọng các quan sát trong tương lai sẽ cung cấp thêm bằng chứng.

Sao Betelgeuse tối đi bất thường. Ảnh: ESO/M. Montarges.

Sao Betelgeuse tối đi bất thường. Ảnh: ESO/M. Montarges.

Phát hiện bụi sao cổ xưa hơn hệ Mặt Trời

Advertising
Ads by

Nhiều thiên thạch là mảnh vỡ của tiểu hành tinh hình thành gần 5 tỷ năm trước, trong thời sơ khai của hệ Mặt Trời. Phần lớn chúng không thay đổi gì từ đó đến nay, lưu giữ thông tin về giai đoạn Mặt Trời và các hành tinh mới hình thành. Các nhà nghiên cứu phân tích bụi trong thiên thạch rơi xuống bang Victoria, Australia, năm 1969 và xác định một số mẫu bụi có thể có niên đại tới 7 tỷ năm tuổi. Đây là mẫu bụi sao cổ xưa nhất từng phát hiện trên Trái Đất.

Phát hiện nước trên Mặt Trăng

NASA xác nhận nước tồn tại trên bề mặt Mặt Trăng. Dù đã tìm thấy bằng chứng từ nhiều năm trước, các nhà khoa học chỉ mới khẳng định chắc chắn điều này vào tháng 10 năm nay. Họ phát hiện nước gần hố va chạm Clavius và ở vùng tối Mare Serenitatis. Cụ thể, khoảng 100 - 412 phần triệu trong mỗi mét khối đất đá có chứa nước. Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy "bẫy lạnh", khu vực luôn chìm trong bóng tối, phân bố rộng rãi. Điều này cho thấy một phần nước trên Mặt Trăng có thể tồn tại dưới dạng băng.

Siêu tân tinh sáng nhất

Vụ nổ của ngôi sao khổng lồ SN2016aps là siêu tân tinh sáng nhất từ trước đến nay, phát ra bức xạ mạnh gấp 5 lần bình thường. Các nhà khoa học cho rằng đây có thể là siêu tân tinh dạng PPI (pulsational pair-instability), trong đó hai ngôi sao lớn sáp nhập trước khi cả hệ thống phát nổ. Khối lượng của siêu tân tinh cũng rất lớn, gấp khoảng 50-100 lần Mặt Trời.

Mô phỏng siêu tân tinh SN2016aps. Ảnh:CNN.

Mô phỏng siêu tân tinh SN2016aps. Ảnh:CNN.

Vụ va chạm hố đen lớn nhất

Đài quan trắc sóng hấp dẫn bằng giao thoa kế laser LIGO (Mỹ) và Virgo (Italy) thu được tín hiệu sóng hấp dẫn GW190521 từ vụ va chạm hố đen lớn kỷ lục. Hai hố đen này nặng gấp khoảng 85 và 66 lần Mặt Trời. Tín hiệu phát ra từ vụ va chạm của chúng mất khoảng 7 tỷ năm để tới Trái Đất.

Vụ nổ lớn nhất vũ trụ kể từ sau Big Bang

Tháng 2, các nhà thiên văn phát hiện vụ nổ mạnh xảy ra trong cụm thiên hà Ophiuchus cách Trái Đất khoảng 390 triệu năm ánh sáng. Một hố đen siêu khối lượng giải phóng năng lượng lớn đến mức tạo ra lỗ hổng khổng lồ trong vùng khí nóng xung quanh. Lỗ hổng này có thể chứa vừa 15 dải Ngân Hà. Năng lượng vụ nổ tạo ra nhiều gấp 5 lần so với sự kiện MS 0735+74 giữ kỷ lục trước đó.

Lần đầu phát hiện chớp sóng vô tuyến từ dải Ngân Hà

Chớp sóng vô tuyến (FRB) là những đợt phát sóng vô tuyến rất ngắn, mạnh và bí ẩn. Các nhà khoa học quan sát FRB bắt nguồn từ một sao từ đang hoạt động mang tên SGR 1935+2154, cách Trái Đất khoảng 30.000 năm ánh sáng. Đây cũng là chớp sóng vô tuyến sáng nhất đo được từ sao từ cho tới nay.

Mô phỏng chớp sóng vô tuyến phát ra từ dải Ngân Hà. Ảnh:CNN.

Mô phỏng chớp sóng vô tuyến phát ra từ dải Ngân Hà. Ảnh:CNN.

Dấu vết 4 hồ nước mặn ẩn dưới bề mặt sao Hỏa

Các nhà nghiên cứu sử dụng dữ liệu radar từ tàu vũ trụ Mars Express để xác nhận sự tồn tại của một hồ nước mặn dưới lớp băng ở cực nam sao Hỏa. Hồ nước này được phát hiện lần đầu vào năm 2018. Không chỉ vậy, họ còn tìm thấy ba hồ nước khác trong cùng khu vực. Cụm hồ có diện tích hơn 75.000 km2. Hồ lớn nhất ở trung tâm rộng khoảng 30 km và được ba hồ nhỏ bao quanh, mỗi hồ rộng vài km.

Tìm thấy phosphine trong khí quyển sao Kim

Giữa tháng 9, các nhà khoa học phát hiện bằng chứng cho thấy phosphine có thể tồn tại trong mây sao Kim. Ở Trái Đất, phân tử phosphine chỉ được tạo ra nhờ sản xuất công nghiệp hoặc vi sinh vật. Vì vậy, đây có thể là dấu hiệu sự sống trên hành tinh này. Tuy nhiên, giới chuyên gia cần thêm bằng chứng để khẳng định chắc chắn về sự hiện diện của phosphine.

Các tàu vũ trụ thu thập mẫu vật ngoài hành tinh

Tàu vũ trụ OSIRIS-Rex của NASA lấy mẫu vật trên tiểu hành tinh Bennu vào tháng 10 và dự kiến trở về Trái Đất trong khoảng 2,5 năm tới. Trong khi đó, tàu Hayabusa2 của Nhật Bản đã đem mẫu đất đá lấy được từ tiểu hành tinh Ryugu trở về Trái Đất vào đầu tháng này. Ngày 17/12, khoang tàu chứa đất đá Mặt Trăng của nhiệm vụ Hằng Nga 5 hạ cánh xuống Nội Mông, đưa Trung Quốc trở thành nước thứ ba mang mẫu vật Mặt Trăng về Trái Đất, sau Mỹ và Liên Xô.

Thu Thảo (Theo IFL Science)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn