Hành tinh siêu đen sắp rơi xuống ngôi sao chủ

Thứ Hai, 21 Tháng Mười Hai 20203:00 SA(Xem: 3677)
Hành tinh siêu đen sắp rơi xuống ngôi sao chủ

Các nhà thiên văn học phát hiện ngoại hành tinh WASP-12b chỉ còn tồn tại 2,9 triệu năm trước khi diệt vong.

Mô phỏng WASP-12b và ngôi sao chủ. Ảnh: NASA/ESA.

Mô phỏng WASP-12b và ngôi sao chủ. Ảnh: NASA/ESA.

WASP-12b là một trong những ngoại hành tinh thú vị nhất mà giới nghiên cứu từng biết tới. Quay quanh ngôi sao lùn vàng hơi lớn hơn một chút so với Mặt Trời ở khoảng cách 1.410 năm ánh sáng, hành tinh siêu đen này được xếp vào nhóm "sao Mộc nóng", hành tinh khí khổng lồ có khối lượng và kích thước tương đương sao Mộc nhưng ở gần sao chủ đến mức có nhiệt độ như thiêu đốt.

Với quỹ đạo chỉ hơn một ngày, vị trí sát ngôi sao chủ khiến vật chất từ khí quyển của WASP-12b thường xuyên thất thoát. Những quan sát còn hé lộ quỹ đạo của hành tinh này đặc biệt kém ổn định. Theo nghiên cứu mới sắp xuất bản trên tạp chí Thiên văn học, WASP-12b có quỹ đạo suy sụp nhanh hơn so với dự đoán. Thay vì 3,25 triệu năm như ước tính ban đầu, WASP-12b sẽ trải qua kết cục diệt vong chỉ sau 2,9 triệu năm nữa.

WASP-12b nằm trong số những hành tinh sao Mộc nóng nằm gần sao chủ nhất. Đây là ví dụ hoàn hảo để nghiên cứu tương tác thủy triều. Hành tinh được phát hiện vào năm 2008. Các nhà nghiên văn học đã thu thập bộ dữ liệu tương đối dài hạn về nó. Quỹ đạo ngắn cũng cho phép họ quan sát nhiều lần hành tinh di chuyển qua sao chủ, khiến ánh sáng của ngôi sao mờ đi đôi chút.

WASP-12b là hành tinh rất tối, hấp thụ 94% ánh sáng Mặt Trời chiếu tới, khiến nó đen hơn cả nhựa đường. Các nhà thiên văn học cho rằng đó là vì ngoại hành tinh này quá nóng. Với nhiệt độ 2.600 độ C ở nửa ban ngày, các phân tử hydro phân rã thành nguyên tử hydro, làm khí quyển của nó giống một ngôi sao khối lượng thấp hơn. Cũng vì quá nóng, WASP-12b phát sáng dưới tia hồng ngoại.

Nhóm nghiên cứu đứng đầu là Jake Turner ở Đại học Cornell tìm kiếm dấu hiệu sụp đổ quỹ đạo của WASP-12b từ quan sát của kính viễn vọng TESS do NASA quản lý. Đây là thiết bị chuyên dùng để theo dõi thiên thể nhỏ hơn đi qua và che khuất thiên thể lớn. TESS nghiên cứu vùng trời chứa WASP-12 từ ngày 24/12/2019 tới ngày 20/1/2020. Dựa trên dữ liệu quan sát, Turner và cộng sự có thể xác nhận WASP-12b quay quanh quỹ đạo ngày càng nhanh. Thời gian để hành tinh hoàn thành một vòng quỹ đạo giảm 32,53 mili giây mỗi năm, khiến tuổi thọ của nó chỉ còn tổng cộng 2,9 triệu năm.

An Khang (Theo Science Alert)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn