Ấn Độ sẽ phóng tàu vũ trụ tới sao Kim năm 2024

Thứ Sáu, 11 Tháng Mười Hai 20203:00 SA(Xem: 4161)
Ấn Độ sẽ phóng tàu vũ trụ tới sao Kim năm 2024

Tàu vũ trụ Shukrayaan dự kiến bay trên quỹ đạo sao Kim trong 4 năm, nghiên cứu bề mặt và khí quyển của hành tinh này.

Sao Kim - mục tiêu nghiên cứu của tàu vũ trụ Shukrayaan. Ảnh: NASA/JPL-Caltech.

Sao Kim - mục tiêu nghiên cứu của tàu vũ trụ Shukrayaan. Ảnh: NASA/JPL-Caltech.

Tàu quỹ đạo Shukrayaan là nhiệm vụ sao Kim đầu tiên của Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO), dự kiến nghiên cứu hành tinh này trong 4 năm, Space hôm 1/12 đưa tin. ISRO đã kêu gọi phát triển các dụng cụ khoa học cho Shukrayaan ít nhất từ năm 2018. Khi đó, tổ chức này dự định phóng tàu vào năm 2023.

Tuy nhiên, những chậm trễ do Covid-19 khiến lịch phóng phải lùi lại đến tháng 12/2024, theo chuyên gia T. Maria Antonita tại ISRO. Nếu bỏ lỡ, cơ hội phóng tiếp theo sẽ là giữa năm 2026, khi Trái Đất và sao Kim thẳng hàng. Vị trí này giúp tàu vũ trụ tiết kiệm tối đa nhiên liệu cho chuyến du hành.

Shukrayaan dự kiến phóng lên không gian nhờ tên lửa GSLV Mk II của Ấn Độ. Tuy nhiên, con tàu có thể sử dụng tên lửa GSLV Mk III mạnh hơn để mang thêm nhiều dụng cụ hoặc nhiên liệu, Antonita cho biết. ISRO sẽ đưa ra quyết định cuối cùng trong 3-6 tháng tới.

Shukrayaan sẽ mang theo một số dụng cụ nghiên cứu môi trường sao Kim, trong đó đáng chú ý là radar khẩu độ tổng hợp để tìm hiểu bề mặt hành tinh này. Bề mặt sao Kim bị những đám mây dày che phủ nên không thể quan sát với ánh sáng khả kiến. Chandrayaan-2, tàu vũ trụ Ấn Độ đang bay quanh Mặt Trăng, trang bị phiên bản cũ hơn của radar này.

Ngoài ra, Shukrayaan còn mang theo dụng cụ Venusian Neutrals Analyzer do nhóm chuyên gia Thụy Điển - Ấn Độ chế tạo, giúp tìm hiểu xem các hạt mang điện từ Mặt Trời tương tác với khí quyển sao Kim như thế nào. Con tàu cũng sẽ nghiên cứu khí quyển hành tinh này với các bước sóng hồng ngoại, cực tím và bước sóng dưới mm.

Hàng chục tàu vũ trụ đã bay đến sao Kim kể từ những năm 1960, nhưng số lượng tàu trong những năm gần đây không nhiều. Ví dụ, tàu Venus Express của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) bay quanh sao Kim năm 2006-2014, tàu Akatsuki của Nhật Bản tiến vào quỹ đạo sao Kim năm 2015. Trong tương lai gần, một số tàu vũ trụ khác cũng sẽ bay qua sát sao Kim, bao gồm tàu quan sát Mặt Trời Parker Solar Probe và tàu quan sát sao Thủy BepiColombo.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn