Kids and teenagers wearing VR headsets

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Nhà thần kinh học Michel Desmurget cho rằng IQ trung bình đang giảm đi vì trẻ em và thiếu niên dành nhiều thời gian trước màn hình hơn

"Đơn giản là chẳng có lý do nào bao biện cho những gì chúng ta đang làm với trẻ em," nhà thần kinh học người Pháp Michel Desmuget nói.

Ông cho rằng các thiết bị điện tử đang ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển não của trẻ em.

"Chúng ta đang làm nguy hại đến tương lai của các em," ông nói với BBC.

Đây là quan điểm gây tranh cãi, mà ông lý giải trong cuốn sách mới nhất, với tựa đề gây chú ý The Digital Cretin (or Idiot) Factory (tạm dịch Nhà máy sinh ra người ngu thời kỹ thuật số).

Tựa đề có thể khó ghe, nhưng Desmurget nói rằng quan điểm của ông được hỗ trợ bởi các dữ liệu đầy đủ.

Là Giám đốc Nghiên cứu của Viện Y tế Quốc gia Pháp, và một chuyên gia trong lĩnh vực của mình, ông đã từng làm việc ở nhiều trường đại học danh tiếng nhất thế giới (như MIT và Đại học California ở Mỹ). Cuốn sách của ông làm dấy lên tranh luận về cách chúng ta nuôi dạy trẻ em ra sao.

Một trong những điểm đáng chú ý nhất của cuốn sách cho rằng "thế hệ sinh ra cùng công nghệ số (digital natives)" - trẻ em sinh ra sau khi internet trở nên phổ biến - có chỉ số thông minh IQ thấp hơn cha mẹ.

Chỉ số thông minh IQ đánh giá trí thông minh của mỗi người qua một số bài kiểm tra. Desmurget cho rằng trước thế hệ digital natives, mỗi thế hệ sau đều có IQ cao hơn thế hệ trước.

BBC mời ông giải thích vì sao chuyện này lại xảy ra.

Thế hệ trẻ ngày nay có phải là thế hệ đầu tiên trong lịch sử có IQ thấp hơn thế hệ trước?

Đúng. IQ được đo bởi một bài kiểm tra tiêu chuẩn. Tuy nhiên, bài kiểm tra này được xét lại và thay đổi thường xuyên.

Cha mẹ tôi không làm cùng một bài test IQ như tôi, nhưng một nhóm người có thể được yêu cầu làm một bài test kiểu cũ.

Qua cách này, các nhà nghiên cứu thấy ở nhiều nơi trên thế giới IQ tăng từ thế hệ trước sang thế hệ sau.

Điều này được gọi là 'hiệu ứng Flynn', đặt theo tên nhà tâm lý học người Mỹ, người đã mô tả hiện tượng này.

Nhưng gần đây, xu thế này đã bắt đầu đảo ngược ở một số quốc gia.

Đúng là IQ chịu ảnh hưởng nhiều của các yếu tố như hệ thống y tế, giáo dục và dinh dưỡng. Nhưng nếu chúng ta xét đến các quốc gia nơi các yếu tố kinh tế xã hội là tương đối ổn định trong vài thập kỷ qua, 'hiệu ứng Flynn' đã bắt đầu giảm.

Ở những nước này, "trẻ em sinh ra cùng kỹ thuật số" là thế hệ đầu tiên có IQ thấp hơn cha mẹ. Đây là một xu thế được ghi nhận ở Na Uy, Đan Mạch, Phần Lan, Hà Lan, Pháp v.v.

Có phải việc dùng công nghệ số gây ra suy giảm IQ?

Đáng tiếc, hiện chưa thể xác định vai trò của từng yếu tố, chẳng hạn ô nhiễm (đặc biệt là việc sớm bị tiếp xúc với thuốc trừ sâu) hay việc tiếp cận màn hình.

Điều mà chúng ta biết chắc rằng thời gian dùng màn hình của trẻ em có ảnh hưởng đáng kể đến IQ, cho dù nó không phải là thủ phạm duy nhất.

Một số nghiên cứu cho thấy khi trẻ em xem TV hay chơi video game nhiều hơn, sự phát triển nhận thức và IQ giảm xuống.

Những điểm chính hình thành trí thông minh của chúng ta bị ảnh hưởng: ngôn ngữ, sự tập trung, trí nhớ và văn hóa (được định nghĩa như những kiến thức giúp chúng ta tổ chức và hiểu thế giới xung quanh).

Và cuối cùng, những tác động này dẫn đến sự giảm sút đáng kể của năng lực học tập.

Vì sao việc dùng thiết bị số lại có tác động này?

Nguyên nhân được xác định rõ: sự suy giảm số lượng và chất lượng tương tác với gia đình, điều thiết yếu cho sự phát triển ngôn ngữ và tình cảm.

Dùng thiết bị nhiều cũng làm giảm thời gian dành cho các hoạt động bổ ích hơn (làm bài tập, âm nhạc, hội họa, đọc sách, v.v); làm gián đoạn giấc ngủ, khiến giấc ngủ ngắn hơn và kém hơn về chất lượng; làm kích thích quá mức sự chú ý, dẫn đến rối loạn tập trung và khả năng học; giảm kích thích về trí tuệ, khiến não bộ không phát huy được hết tiềm năng; và một lối sống quá ít vận động, làm ảnh hưởng tới sự phát triển của não bộ cũng như của cơ thể.

Màn hình gây hại ra sao tới hệ thần kinh?

Não không phải là một bộ phận 'ổn định'. Đặc tính 'cuối cùng' của nõ phụ thuộc vào trải nghiệm của mỗi người.

Thế giới chúng ta sống trong và những thách thức chúng ta đối mặt làm thay đổi cả cấu trúc và cách hoạt động của não.

T về mặt giải phẫu cũng như chức năng trong phạm vi các hệ thần kinh khác nhau có liên quan tới ngôn ngữ và khả năng chú ý.

Ở đây, phải nhấn mạnh rằng không phải tất cả các hoạt động đều giúp cho não phát triển với tính hiệu quả như nhau.

Điều này có nghĩa gì?

Các hoạt động liên quan tới trường học, công việc trí óc, đọc sách, nhạc, họa, thể thao… có tác động tích cực giúp định hình và nuôi dưỡng bộ não lớn hơn nhiều so với việc dùng màn hình giải trí.

Khả năng 'giãn nở' của bộ não là rất lớn trong thời thơ ấu và tuổi thiếu niên.

Sau đó, khả năng này chậm dần lại, nó không biến mất nhưng kém hiệu quả hơn nhiều.

Ta có thể so sánh bộ não với đất nặn. Lúc đầu, nó ẩm và dễ nặn thành hình. Nhưng dần dần, nó trở nên khô hơn và khó nặn hơn.

Vấn đề của việc dùng màn hình giải trí là nó làm thay đổi và làm nghèo đi sự phát triển của não trẻ em.

Có phải tất cả các màn hình đều có hại như nhau?

Không ai nói là cuộc "cách mạng số" là điều xấu và chúng ta phải ngưng lại.

Tôi sử dụng các công cụ kỹ thuật số rất nhiều trong công việc. Và khi con gái tôi vào trường tiểu học, tôi bắt đầu dạy con cách dùng một số phần mềm và tìm thông tin trên internet.

Ta có nên dạy học sinh kỹ năng máy tính không? Rõ ràng là có.

Tuy nhiên, khi ta đặt màn hình vào tay một trẻ em hay thiếu niên, chúng sẽ luôn muốn dùng màn hình cho mục đích giải trí.

Nó bao gồm: TV, loại màn hình phổ biến nhất cho mọi độ tuổi (xem phim, clips…); chơi video game (chủ yếu là game hành động và bạo lực), và cuối cùng, đến tuổi thiếu niên, dùng mạng xã hội để đưa hình ảnh của mình lên mạng.

Trẻ em và người trẻ thường dành bao nhiêu thời gian trước màn hình?

Trung bình, trẻ em hai tuổi thường dành ba tiếng, trẻ em tám tuổi dành năm tiếng và thiếu niên dành trên bảy tiếng mỗi ngày trước màn hình.

Điều này có nghĩa trước khi lên 18 tuổi, con cái chúng ta sẽ mất tương đương với 30 năm học, hay 16 năm đi làm toàn thời gian [nếu tính 7 tiếng một ngày] cho việc giải trí trước màn hình.

Thật là điên rồ và thiếu trách nhiệm.

Trẻ em nên dành bao nhiêu thời gian cho màn hình giải trí?

Giải thích cho trẻ em là điều quan trọng.

Chúng ta nên cho chúng biết là việc dùng màn hình cho mục đích giải trí làm tổn hại đến não, ảnh hưởng giấc ngủ, sự phát triển ngôn ngữ, làm giảm khả năng học, khả năng chú ý và tăng nguy cơ béo phì…

Một số nghiên cứu cho thấy trẻ em và thiếu niên dễ tuân thủ các quy định về thời gian cho màn hình khi ta giải thích lý do với chúng.

Nguyên tắc chung rất đơn giản: tuổi nào cũng vậy, dùng càng ít càng tốt.

Đối với trẻ dưới sáu tuổi, lý tưởng nhất là không dùng màn hình chút nào (không có nghĩa là thỉnh thoảng bạn không được xem phim hoạt hình với con).

Chúng càng được tiếp cận màn hình sớm, chúng càng dễ bị tác động tiêu cực và có nguy cơ dùng quá nhiều.

Từ sáu tuổi trở lên, nếu nội dung là phù hợp và chúng ngủ đủ giấc, bạn có thể cho con dùng nửa tiếng, thậm chí một tiếng mỗi ngày.

Các nguyên tắc khác gồm: không được dùng màn hình buổi sáng trước khi đi học, không được dùng trước khi đi ngủ hay khi có người khác chơi cùng.

Và quan trọng hơn cả, không được dùng màn hình trong phòng ngủ.

Nhưng rất khó dạy con rằng màn hình là không tốt khi chính chúng ta, các bậc cha mẹ, liên tục dính vào điện thoại hay console chơi game.

Nhưng có các nghiên cứu cho thấy chơi video game giúp trẻ em đạt kết quả học tập tốt hơn…

Cho tôi nói thẳng: đó là điều vớ vẩn.

Đó chỉ là một cách tuyên truyền ngoạn mục. Nó chủ yếu dựa trên một số nghiên cứu đơn lẻ với dữ liệu tồi, được xuất bản trên những tạp chí định kỳ hạng hai và thường đối nghịch với nhau.

Trong một cuộc điều tra thử nghiệm thú vị, các nhà nghiên cứu phát game console cho các học sinh học tốt ở trường. Sau bốn tháng, nghiên cứu cho thấy các em đều dành nhiều thời gian chơi game hơn là làm bài tập. Và điểm số của các em giảm khoảng 5% - là không nhỏ trong vòng bốn tháng!

Trong một nghiên cứu khác, trẻ em phải học một số từ vựng. Một tiếng sau, một số em được chơi game đua ô tô. Hai tiếng sau, các em đi ngủ.

Sáng hôm sau, những em không chơi game nhớ khoảng 80% bài học, còn các em chơi chỉ nhớ được 50%.

Các tác giả của nghiên cứu phát hiện ra chơi game làm ảnh hưởng tới giấc ngủ và khả năng nhớ của các em.

Có phải một số nước bắt đầu có luật hạn chế sử dụng màn hình ở trẻ em?

Đúng vậy, đặc biệt là ở châu Á.

Đài Loan chẳng hạn, coi việc cho trẻ em dùng màn hình quá nhiều như một hình thức bạo hành trẻ em. Nước này đã thông qua luật có mức phạt nặng đối với cha mẹ cho trẻ em dưới 24 tháng tiếp xúc với bất kỳ ứng dụng số nào, cũng như cha mẹ không giới hạn thời gian dùng màn hình cho trẻ em từ hai đến 18 tuổi.

Ở Trung Quốc, chính quyền có các biện pháp quyết liệt để quản lý việc trẻ em chơi video game: trẻ em và người vị thành niên không được phép chơi vào ban đêm (từ 22:00 đến 08:00) hay chơi quá 90 phút mỗi ngày trong tuần (tăng lên 180 phút vào cuối tuần và ngày nghỉ).

Nếu việc dùng màn hình quá mức không dừng lại, theo ông điều gì sẽ xảy ra?

Sự bất bình đẳng xã hội tăng lên và sự chia rẽ xã hội chúng ta giữa thiểu số trẻ em không bị tiếp cận màn hình quá mức - được gọi là những người Alpha trong tiểu thuyết của Huxley - những người sẽ nắm bắt các công cụ cần thiết qua văn hóa và ngôn ngữ để tư duy và suy ngẫm về thế giới, và đại đa số trẻ em với những công cụ văn hóa và nhận thức hạn chế - những người Gamma trong tiểu thuyết của Huxley - không có khả năng hiểu thế giới và hành động như những công dân được khai sáng.

Các em Alpha sẽ đi học các trường tư đắt tiền với các thầy cô giáo "thật".

Các em Gamma sẽ đi học ở các trường công ảo với sự hỗ trợ hạn chế của thầy cô giáo, nơi các em sẽ được dạy một dạng ngôn ngữ 'giả' và dạy các kỹ năng cơ bản của các kỹ thuật viên bậc thấp và bậc trung (dự đoán kinh tế cho rằng loại công việc này sẽ xuất hiện rất nhiều trong lực lượng nhân công trong tương lai).

Một thế giới đáng buồn trong đó, như nhà khoa học xã hội Neil Postman nói, các em sẽ vui với màn hình cho đến chết. Một thế giới mà qua sự tiếp cận liên tục và không ngừng với giải trí, các em sẽ trở thành nô lệ của công nghệ.

Xin lỗi tôi không nghĩ tích cực hơn.

Có thể (và tôi hy vọng) là tôi sai. Chẳng có lý do nào biện minh cho những gì chúng ta đang làm với con cái chúng ta và cách chúng ta làm nguy hại đến tương lai và sự phát triển của chúng.