4 cách xác định tỷ lệ mỡ trên cơ thể

Thứ Bảy, 14 Tháng Mười Một 20201:00 CH(Xem: 7236)
4 cách xác định tỷ lệ mỡ trên cơ thể

Xác định lượng mỡ trong cơ thể là điểm mấu chốt của việc xây dựng chế độ ăn phù hợp với mục tiêu.

Tại các phòng tập hiện nay, cách tiện lợi nhất để nắm được lượng mỡ trong cơ thể là sử dụng máy Inbody. Tuy nhiên, với sự phát triển của khoa học thể thao, nhiều phương pháp khác với độ chính xác cao hơn đã ra đời dù không được ứng dụng rộng rãi.

Sử dụng máy đo Inbody

Đây là cách xác định cân nặng và khối lượng cơ, mỡ trong cơ thể đơn giản và phổ biến nhất tại các phòng tập thời điểm hiện tại. Người dùng chỉ cần tháo giày cùng các phụ kiện kim loại, điện tử trên cơ thể, đứng lên cân và nắm vào tay cầm để máy đo.

Đo mỡ bằng máy Inbody
Đo mỡ bằng máy Inbody là phương pháp phổ biến nhất hiện nay. (Ảnh minh họa: Function Well).

Nguyên lý hoạt động của máy Inbody là truyền một dòng điện nhỏ chạy dọc cơ thể. Dựa trên tính chất vật lý của mỡ là không cho dòng điện chạy qua do có điện trở lớn, trong khi nước dẫn điện tốt, máy sẽ đo và tính toán các thành phần trong cơ thể như nước, mỡ, cơ bắp...

Ưu điểm:

  • Nhanh chóng, đơn giản.
  • Phổ biến nên dễ dàng tìm tại các phòng tập.

Nhược điểm:

  • Kết quả đo bị phụ thuộc vào loại thức ăn, lượng nước nạp vào mỗi ngày.
  • Sai số lớn khi đo ở các thời điểm khác nhau trong ngày, thậm chí trước và sau tập.
  • Không nắm được các điểm tích mỡ tiêu biểu.

Kẹp đo mỡ

Dù không phổ biến như Inbody, việc sử dụng kẹp đo để xác định tổng khối lượng mỡ, cơ bắp trên cơ thể đang dần được nhiều người sử dụng hơn. Thị trường Việt Nam cũng bắt đầu bày bán nhiều loại kẹp khác nhau để mọi người có thể đo tại nhà.

Kẹp đo mỡ
Kẹp mỡ đang dần được nhiều người tìm mua hơn với chi phí rẻ. (Ảnh minh họa: Medical News Today).

Cách thức hoạt động của phương pháp này là sử dụng kẹp có độ chia nhỏ, đo độ dày của mỡ tại một số điểm tiêu biểu trên cơ thể như ngực, lưng, tay, bụng, hông, đùi... Sau đó, người dùng sẽ nhập các chỉ số này vào một số ứng dụng hoặc website để tìm ra tổng khối lượng cũng như phần trăm mỡ trong cơ thể. Phương pháp này còn có rất nhiều quy ước về số điểm như 6, 9 hay 12 điểm.

Ưu điểm:

  • Độ chính xác cao.
  • Không phụ thuộc vào thời điểm đo.
  • Đánh giá được các vị trí tích mỡ tiêu biểu.

Nhược điểm:

  • Yêu cầu người đo tập luyện và nắm vững các vị trí đo.
  • Không thể tự đo.

Cân thủy tĩnh (cân dưới nước)

Không phổ biến như 2 phương pháp trên, việc đo mỡ bằng cân thủy tĩnh là cách thức khá độc đáo trên thế giới. Theo huấn luyện viên Nguyễn Quang Huy (Hà Nội), phương pháp này dựa vào lực đẩy Archimedes. Hiểu đơn giản, chúng ta sẽ nhấn chìm một người xuống nước để xác định trọng lượng của người đó.

"Do phần nạc của cơ thể bao gồm cơ, xương..., có tỷ trọng lớn hơn nước, trong khi thông số này của mỡ nhỏ hơn, một người có tổng lượng mỡ cao sẽ nhẹ hơn khi ở dưới nước", Quang Huy giải thích.

Cân thủy tĩnh (cân dưới nước)
Phương cân thủy tĩnh là tiền đề cho các phương pháp sau này. (Ảnh minh họa: Inbody USA).

Để bắt đầu cân thủy tĩnh, người phụ trách sẽ đo thể tích phổi còn lại sau khi thở ra, tiếp đó là cân nặng cơ thể ở trên cạn của người được đo. Sau khi hoàn thành các công đoạn ban đầu, người được đo, trong trang phục tối giản, sẽ ngồi trên ghế chuyên dụng, đẩy hết không khí khỏi phổi và hạ xuống bể chứa đến khi tất cả bộ phận nổi lên.

Trong khi các dữ liệu dưới nước được ghi lại, người được đo cần hoàn toàn bất động. Quy trình này sẽ được lặp lại nhiều lần để có kết quả chính xác nhất.

Kết quả phần trăm mỡ sẽ được tính thông qua công thức với cân nặng dưới nước và cân nặng bình thường trên cạn.

Ưu điểm:

  • Cân thủy tĩnh là phương pháp đo mật độ các thành phần cơ thể có tính chính xác cao.
  • Đây cũng là cơ sở cho các phương pháp đo gián tiếp khác.

Nhược điểm:

  • Các thiết bị đo khá đắt và thường được đặt tại các trường đại học, cơ quan nghiên cứu nên người dân khó tiếp cận.
  • Nhiệt độ nước có thể ảnh hưởng tới kết quả.
  • Không đánh giá được sự phân bố chất béo trên các bộ phận.
  • Kết quả phụ thuộc vào việc tiêu thụ thức ăn, đồ uống có ga, chu kỳ kinh nguyệt và mức độ thở ra khi ngập nước.

Sử dụng không khí (Air Displacement Plethysmography - ADP)

Huấn luyện viên Quang Huy cho hay: "Phương pháp này sử dụng sự thay đổi về mặt thể tích không khí tại một buồng chứa để ước lượng các thành phần cơ thể".

ADP là ứng dụng của định luật Boyle-Mariotte khi sử dụng áp suất và thể tích của người được đo để xác định khối lượng mỡ trong cơ thể.

Tương tự cân thủy tĩnh, người phụ trách sẽ cân trọng lượng cơ thể của người được đo, đồng thời xác định thể tích và áp suất trong buồng khi chưa có vật thể để chuẩn bị.

Sử dụng không khí (ADP)
Dù được tiếp cận nhiều hơn, số lượng người có thể đo mỡ bằng ADP không lớn. (Ảnh minh họa: UAA).

Người được đo, với trang phục thoải mái, áo bó sát và đội mũ bơi, bước vào trong buồng chứa. Lúc này, người phụ trách bên ngoài sẽ đo áp suất trong buồng chứa lần thứ 2 và tính ra thể tích người được đo.

Sau khi có đủ các dữ liệu, thể tích và trọng lượng của người được đo cùng công thức tính sẽ giúp xác định mật độ cơ thể chúng ta cần.

Ưu điểm:

  • Cách đo dễ dàng hơn cân thủy tĩnh.
  • Độ chính xác cao.
  • Nhiều người có điều kiện sử dụng hơn cân thủy tĩnh.

Nhược điểm:

  • Không phổ biến.
  • Chi phí cho các trang thiết bị đắt đỏ.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn