Phi thuyền 2 tỷ USD bay qua sát sao Kim

Thứ Sáu, 23 Tháng Mười 20201:00 SA(Xem: 3476)
Phi thuyền 2 tỷ USD bay qua sát sao Kim

Trên đường đến sao Thủy, tàu vũ trụ BepiColombo tới gần sao Kim và chụp ảnh hành tinh này từ khoảng cách 17.000 km.

Ảnh chụp sao Kim của tàu vũ trụ BepiColombo từ khoảng cách 17.000 km. Ảnh: ESA/BepiColombo/MTM.

Ảnh chụp sao Kim của tàu vũ trụ BepiColombo từ khoảng cách 17.000 km. Ảnh: ESA/BepiColombo/MTM.

BepiColombo, tàu vũ trụ do Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) và Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) hợp tác vận hành, vừa hoàn thành chuyến bay qua sát sao Kim đầu tiên. Con tàu tới gần sao Kim nhất lúc 10h58 hôm 15/10 (giờ Hà Nội), cách hành tinh này chỉ 10.720 km.

Mục tiêu chính của BepiColombo là sao Thủy. Trên đường đi, con tàu sẽ bay qua sát sao Kim hai lần nhằm tận dụng lực hấp dẫn của hành tinh này để điều chỉnh quỹ đạo. Hai chuyến bay cũng sẽ giúp các nhà khoa học thu thập thêm dữ liệu về sao Kim.

Nhiều dụng cụ của BepiColombo vẫn được "gói ghém" kỹ càng cho hành trình dài đến sao Thủy. Camera chính của BepiColombo chưa hoạt động nhưng hai camera selfie nhỏ hơn đã nỗ lực chụp sao Kim trong chuyến tiếp cận hôm qua. ESA công bố bức ảnh do Camera Giám sát 2 trên tàu chụp từ khoảng cách 17.000 km. Trong ảnh, hành tinh này nằm ở góc trên bên phải cùng với một ăng ten và thanh trục của từ kế.

Một số dụng cụ khác hoạt động trong chuyến tiếp cận sao Kim cũng thu thập dữ liệu về khí quyển dày và sự tương tác của hành tinh này với gió Mặt Trời, dòng chảy liên tục gồm các hạt mang điện tỏa ra ngoài không gian.

Sao Kim rất khác sao Thủy, đặc biệt là khí quyển dày chứa đầy CO2 trong khi sao Thủy không có khí quyển. Vì vậy, khi tiếp cận sao Kim, nhiều dụng cụ khoa học của BepiColombo không chắc đã hoạt động đúng khả năng, ESA giải thích.

Các nhà khoa học vẫn còn cơ hội nghiên cứu sao Kim khi BepiColombo thực hiện chuyến tiếp cận thứ hai vào tháng 8/2021, trước khi tiếp tục hành trình tới sao Thủy. BepiColombo sẽ thực hiện chuỗi 6 chuyến bay qua sát sao Thủy rồi tiến vào quỹ đạo hành tinh này năm 2025. Từ đây, con tàu sẽ tách thành hai tàu nhỏ để nghiên cứu bề mặt, lõi và môi trường trên sao Thủy, giúp giới chuyên gia hiểu thêm về hệ Mặt Trời và nguồn gốc của hệ.

Tàu vũ trụ BepiColombo trị giá 2 tỷ USD rời bệ phóng tại Trung tâm Vũ trụ Guiana tháng 10/2018. Hai tàu quỹ đạo nhỏ tách ra từ nó sẽ nghiên cứu sao Thủy trong khoảng một năm.

Thu Thảo (Theo Space
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn