MIT phát triển thành công 'robot diệt virus Corona'
Các nhà khoa học đến từ Viện Công nghệ Massachusetts (Hoa Kỳ) vừa chế tạo thành công một hệ thống robot khử khuẩn quy mô “công nghiệp”, sử dụng ánh sáng cực tím để tiêu diệt triệt để mọi loại vi khuẩn cũng như virus trong thời gian nhanh chóng, đương nhiên virus Corona cũng không phải ngoại lệ. Trong sử dụng thực tế, robot này có thể linh hoạt làm nhiệm vụ tại các nhà kho, trường học và văn phòng… trở thành trợ thủ đắc lực cho con người trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang có diễn biến cực kỳ nguy hiểm tại Hoa Kỳ cũng như nhiều quốc gia khác trên toàn thế giới.
MIT đã tiến hành thử nghiệm robot khử khuẩn tại khu nhà kho thực phẩm Greater Boston. Kết quả cho thấy chỉ một robot đã có thể đảm nhận khu vực với diện tích lên tới 372 mét vuông của nhà kho trong vòng 30 phút, tạo ra đủ lượng ánh sáng cần thiết để tiêu dệt khoảng 90% các “hạt” virus và vi khuẩn trôi nổi trong không gian cũng như bám trên các bề mặt.
Để robot có được hiệu suất khử khuẩn ấn tượng như vậy, các nhà khoa học thuộc Phòng thí nghiệm Khoa học Máy tính và Trí tuệ Nhân tạo (CSAIL) của MIT đã thiết kế các thanh phát sáng dọc linh hoạt, có thể xoay tròn, bao phủ ánh sáng cực tím lên các bề mặt với một vùng bao quát tương đối rộng và triệt để. Sau đó, họ gắn hệ thống này vào một bộ khung robot di động do Ava Robotics sản xuất. Cách làm này tạo ra hiệu quả khử khuẩn nhanh chóng cho một khu vực rộng lớn.
Dưới đây là video ghi lại hoạt động của hệ thống robot:
Đi sâu vào chi tiết, hệ thống này sử dụng bước sóng ngắn của tia cực tím, được gọi là UV-C, để phá vỡ DNA của virus và vi khuẩn. Các nghiên cứu cho thấy rằng UV-C có thể tiêu diệt gần như tất cả các chủng virus Corona, chẳng hạn như SARS, và nó đã được sử dụng rộng rãi trong diệt trừ nCoV gây ra bệnh COVID-19 tại Trung Quốc. Tuy nhiên, loại ánh sáng này cũng có thể làm hỏng các tế bào da và mắt. Vì vậy trong lúc robot làm nhiệm vụ, không gian phải đảm bảo không có người.
Trước khi bắt tay vào công việc, robot sẽ được học trước tuyến đường mà nó cần phải đi. Bước tiếp theo là cho phép robot thích ứng với những thay đổi trong môi trường làm việc thực tế. Chẳng hạn như trong nhà khu, vị trí của các tấm pallet thay đổi mỗi ngày khi nhân viên di chuyển chúng đến các vị trí khác nhau. Hệ thống hiện đang sử dụng camera 3D để điều hướng cũng như nhận biết chướng ngại vật, và LiDARS 2D để đo khoảng cách đến vật thể, tránh va chạm.
Các nhà nghiên cứu tin rằng hệ thống này có thể được sử dụng tại nhiều địa điểm khác nhau, chẳng hạn như các nhà máy, nhà hàng và siêu thị. Nhưng trước tiên, họ cần phải cải thiện hơn nữa khả năng tự hoạt động của nó.