Robot hình người: “Chân thực” đến mức nào là đủ?

Thứ Hai, 11 Tháng Năm 20209:00 CH(Xem: 5162)
Robot hình người: “Chân thực” đến mức nào là đủ?

robot-giong-nguoi-696x464

Theo báo Anh TheGuardian, khi sự lệ thuộc của chúng ta vào công nghệ ngày một lớn hơn, và những hậu quả mà nó mang lại bắt đầu xuất hiện, từ hủy hoại quyền riêng tư đến việc khiến suy nghĩ của chính chúng ta bị tác động, cũng là lúc chúng ta chợt nhận ra một “cốt truyện” quen thuộc trong những bộ phim, game, hay tiểu thuyết khoa học viễn tưởng: sự trỗi dậy của robot. Một làn sóng các chương trình truyền hình, phim, và game mới đang đặt ra câu hỏi rằng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta phát triển các công nghệ nhằm tạo ra những cỗ máy đại diện cho hình ảnh của chính mình?

Series phim Westworld miêu tả một viễn cảnh đáng sợ rằng nếu chúng ta có thể phát triển được các robot trông không khác gì người thật, chúng ta có thể muốn làm những điều chẳng mấy hay ho với chúng chỉ để thỏa mãn ý muốn giải trí của con người. Trong Blade Runner 2049, robot đã thay thế con người hoạt động tại các phố đèn đỏ cũng như trong các công việc lao động chân tay. Và mới đây nhất, trong game Detroit: Become Human, robot còn làm nghề chăm sóc trẻ em, người già, và thậm chí là cả một ngôi sao ca nhạc, hiện diện ở khắp nơi trong nhà và bên ngoài xã hội.

Làn sóng các tác phẩm khoa học viễn tưởng hiện tại đều đặt trọng tâm vào việc hình dung ra điều gì sẽ xảy đến khi lằn ranh giữa con người và máy móc bị xóa nhòa. Khi đó, liệu robot có xứng đáng có được những quyền lợi của riêng chúng: khi chúng đạt đến một mức độ thông minh nhất định, hay khi chúng phát triển khả năng biểu đạt cảm xúc, sáng tạo, hay ý chí tự do? Trong chiến tranh lạnh, khi chúng ta vẫn tin rằng máy móc có thể tiêu diệt loài người bất kỳ lúc nào bằng cách phóng tên lửa hạt nhân, thì những con robot ám ảnh chúng ta nhất là những cỗ máy giết chóc không gớm tay như Kẻ hủy diệt (Terminator) hay RoboCop – hoặc những con robot quân sự vô cảm săn lùng những tàn dư cuối cùng của nhân loại trong Metalhead, một tập phim mới đây của Black Mirror. Hiện nay, khi công nghệ đã gắn kết chính nó vào cuộc sống của con người, chúng ta mới chợt nhận ra rằng máy móc không phải lúc nào cũng phải giết chóc để kiểm soát, chúng có một cách khác: hòa nhập với nhân loại.

Mua bán robot chăm sóc trẻ em trong Detroit: Become Human
Mua bán robot chăm sóc trẻ em trong Detroit: Become Human

Chỉ mới cách đây vài tuần thôi, Google đã biểu diễn khả năng của robot trợ lý gia đình do mình phát triển. Nếu đã xem đoạn video của màn biểu diễn đó, bạn có thể thấy robot gọi điện thoại đặt lịch cắt tóc hay đặt chỗ nhà hàng, với lối nói chuyện thỉnh thoảng chen vào những từ ngữ như “ừm” và “à” để khiến người ở đầu dây bên kia nghĩ mình đang nói với người thật!

Chúng ta đang ngày càng lo lắng rằng điều gì sẽ xảy ra nếu máy móc trở nên giống chính mình? Adam Williams, nhà biên kịch của game Detroit: Become Human, nghĩ rằng sự phát triển của những cảm xúc rất con người trên robot là một việc đáng lo ngại hơn nhiều so với ý tưởng về những con robot phản diện chỉ chăm chăm đi giết người. “Đó là một mối đe dọa đối với một lĩnh vực bất khả xâm phạm của con người” – ông nói – “Cảm xúc là thứ gì đó chúng ta giữ riêng cho bản thân mình: chiều sâu cảm xúc là thứ chúng ta dùng để khẳng định cho sự ưu việt của đời sống con người. Nếu một cỗ máy có khả năng cảm nhận, nó sẽ không chỉ nguy hiểm theo kiểu Terminator, mà còn theo ý nghĩa trừu tượng trong việc tác động lên suy nghĩ của chúng ta với tư cách những con người “chính thống””.

Trong trò chơi nêu trên, những con robot giúp việc nhà bị đối xử không tốt bởi con người bắt đầu nổi loạn, liên kết lại với nhau để yêu cầu được trao cho những quyền lợi đáng có. Đây không phải là chuyện lạ, nhưng các video game này ngay trông chân thực đến nỗi chúng có thể là một bài kiểm tra hữu hiệu để xem liệu bạn có cảm thấy thoải mái không với ý tưởng robot giống người. Các nhân vật trong game, được điều khiển bởi người thật, thực sự rất khó để phân biệt.

Anouk van Maris, một chuyên gia nhận thức robot đang nghiên cứu về tương tác đạo đức giữa người và máy, đã phát hiện ra rằng mức độ thoải mái của chúng ta với robot rất đa dạng dựa trên khu vực và văn hóa. “Nó phụ thuộc vào những gì bạn trông chờ. Một số người thích, một số khá muốn chạy trốn ngay khi nó bắt đầu di chuyển” – bà nói – “Lợi thế của một robot giống người là mọi người sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi đứng gần chúng, và việc giao tiếp với chúng cũng dễ dàng hơn. Bất lợi lớn là bạn thường kỳ vọng nó sẽ có thể làm những việc như con người, nhưng chúng thường không thể”.


Azuma – một trợ lý robot dưới dạng hologram do công ty Nhật Bản Gatebox AI phát triển.

Tại Nhật Bản, nơi tín ngưỡng tinh thần khiến mọi người thoải mái hơn với ý tưởng rằng linh hồn có thể tồn tại bên trong những thứ không phải con người, robot đã được sử dụng làm trợ lý bán hàng, trong chăm sóc nhà cửa và trong nhiều trường hợp khác nữa. Nhật Bản là quốc gia dẫn đầu thế giới trong ngành công nghiệp robot và có nhu cầu cao về những robot có thể giúp giảm thiểu tình trạng thiếu nhân lực trong chăm sóc điều dưỡng. Quốc gia này là quê hương của Erica, robot nữ chân thực nhất thế giới từng tồn tại, và Azuma, một robot dưới dạng hologram kết hợp giữa các chức năng trợ lý gia đình như Alexa với vẻ bề ngoài rất dễ thương.

Ở châu Âu thì ngược lại, mọi người thường không thoải mái với ý tưởng robot thực hiện các vai trò đòi hỏi tương tác với con người. “Trong một nghiên cứu, mọi người được hỏi nếu có một con robot tương tác với trẻ em, và đứa trẻ đó trở nên thân quen với nó, thì điều đó có thể được chấp nhận về mặt đạo đức không” – Van Maris nói -“Chỉ 40% nghĩ điều đó chấp nhận được”. Người ta cho rằng các công ty Mỹ cố ý thiết kế các robot trợ lý gia đình trông như những chiếc hộp đen và nói như những máy tính.

“Một cỗ máy có thể thể hiện những phẩm chất giống con người và vẫn không gây ra những tranh cãi nếu nó không trông giống con người” – Wiliams nói – “Đó là điều thú vị. Điều khiến mọi người hoảng sợ về việc cuộc gọi của Google Assistant là nó nghe giống con người. Việc nó có thể thực hiện cuộc nói chuyện không khiến người ta sợ – họ sợ rằng mình không thể phân biệt nó với người thực”.

ex-machina
Một cảnh trong phim Ex Machina

Một số chuyên gia về robot, bao gồm Robert Fisher tại Đại học Edinburgh, nhận xét khái niệm robot giống người là một thứ ngớ ngẩn. “Tôi không nghĩ trí tuệ nhân tạo sẽ có thể giống con người” – Fisher nói – “Chúng ta đặt bản thân mình và chúng vào một tình thế khó khi cố vờ rằng chúng là con người, hoặc làm cho chúng giống chúng ta. Có lẽ tốt hơn không nên thử điều đó. Các…robot tình dục có lẽ là trường hợp duy nhất cho chúng ta một lý do để tạo ra những robot giống con người”.

Theo vnreview

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn