Mơ thấy mình phạm tội có ý nghĩa gì?

Thứ Hai, 11 Tháng Năm 20203:00 CH(Xem: 5095)
Mơ thấy mình phạm tội có ý nghĩa gì?
giac-mo

Một cách hiểu khác của câu nói “cứ mơ đi”, đó là “trong mơ thì chuyện quái gì cũng có thể xảy ra”. Thực vậy, bạn có thể là bất kỳ ai trong giấc mơ, từ tỷ phú đến người vô gia cư.

Và bạn cũng có thể là một tên tội phạm, thậm chí là tội phạm giết người. Hỏi thật nhé, bạn đã bao giờ gặp ác mộng theo kiểu nhuốm màu bạo lực và bi kịch như vậy chưa?

Nếu là rồi thì đừng lo, vì rất nhiều người đã từng trải nghiệm giấc mơ kiểu như vậy. Trong đó, họ trở thành những kẻ côn đồ, những tên tội phạm khét tiếng, thậm chí sẵn sàng hạ thủ trong mơ. Để rồi khi thức dậy, ai cũng cảm thấy lo sợ.

Giấc mơ ấy có ý nghĩa gì?

Trong mơ, bạn cũng có thể là một tên tội phạm, thậm chí là tội phạm giết người.

Trên thực tế, nghiên cứu giấc mơ là một lĩnh vực hết sức khó khăn, vì theo dõi chúng là không hề đơn giản. Dù vậy, rất nhiều nghiên cứu vẫn được thực hiện, và trong báo cáo mới nhất được công bố trên tạp chí Dreaming, chuyên gia Jonas Mathes đã đưa ra một số nhận định về loại giấc mơ chúng ta đang bàn đến ở trên – giấc mơ bạo lực.

Cụ thể, Mathes cùng các chuyên gia đến từ Viện thực nghiệm tâm lý thuộc ĐH Heinrich-Heine (Đức) đã thử làm một số thí nghiệm. Họ muốn biết thêm về tần suất mơ, cũng như diễn biến và một số tác nhân khác có liên quan.

Thí nghiệm được thực hiện trên 2 nhóm – một nhóm gồm 39 người, nhóm còn lại gồm 60 người. Tất cả đều thường xuyên gặp ác mộng (tần suất lớn hơn người xung quanh), và họ được yêu cầu mô tả chi tiết các giấc mơ trong vòng 28 ngày.

Bên cạnh đó thì qua một bài khảo sát tâm lý, nhóm đầu tiên có tâm lý khá hung hăng, nhóm thứ hai thì hội tụ cả 3 yếu tố: loạn thần, sáng tạo và nóng nảy.

Kết quả: 18% – 28% giấc mơ của nhóm đầu tiên có liên quan đến bạo lực với người khác.

“Trong các giấc mơ này, hầu hết hành động bạo lực đều diễn ra một cách có chủ đích, bao gồm cả việc giết người” – Mathes cho biết. Tuy nhiên, đa số đều là để tự vệ.

giac-mo-1
Các giấc mơ bạo lực chủ yếu là để tự vệ.

Qua các khảo sát khác, các chuyên gia nhận thấy những người này dường như có tiền sử bạo lực trong thế giới thực, với tần suất nhiều hơn những người không gặp ác mộng. Đáng chú ý, những người có khả năng sáng tạo cao cũng rất dễ gặp giấc mơ dạng này.

Theo Mathes, việc có hay không sự liên quan giữa tính cách và các giấc mơ bạo lực thì cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để kết luận. Tuy nhiên, dường như một số sự kiện không vui trong đời sống, thậm chí là khủng hoảng có thể gây ảnh hưởng mạnh đến các giấc mơ dạng này.

Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu nhiều hơn về những người có khả năng sáng tạo. Họ cũng có tần suất mơ như vậy khá nhiều.

“Có vẻ như những người sáng tạo cũng có những phản ứng khác biệt trong mơ. Ví dụ khi gặp nguy hiểm thì thay vì bỏ chạy, họ sẽ chống trả lại. Và đôi khi việc tấn công ai đó trong mơ cũng chỉ là để bảo vệ một nhân vật khác chẳng hạn”.

Và cuối cùng, Mathes nhấn mạnh một điều: “giấc mơ chỉ là giấc mơ”. Việc bạn mơ thấy gì không hoàn toàn quyết định con người của bạn trong thực tế, nên chẳng có gì phải lo lắng cả. Kết quả của nghiên cứu chỉ là để tìm cách giúp con người giảm bớt ác mộng mà thôi.

Theo helino
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn