Thuốc chữa Covid-19: Chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm

Chủ Nhật, 03 Tháng Năm 20203:00 SA(Xem: 4053)
Thuốc chữa Covid-19: Chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm
voatiengviet.com

Thuốc chữa Covid-19: Chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm


Hãng Gilead của Mỹ mới đây đã dừng cuộc thử nghiệm đầu tiên về redemsivir, một loại thuốc từng được hy vọng nhiều nhất là có thể chống virus corona chủng mới, nhiều hãng tin quốc tế cho hay hôm 23/4.

Cuộc thử nghiệm được tiến hành ở Trung Quốc cho thấy thuốc này “không thành công” trong điều trị, các hãng tin dẫn lại một dự thảo báo cáo do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vô tình đăng lên mạng và đã rút xuống.

Ứng viên sáng giá nhất thất bại

Redemsivir không cải thiện tình trạng của bệnh nhân và cũng không giảm sự hiện diện của mầm bệnh trong máu, theo bản dự thảo báo cáo.

Cuộc nghiên cứu được tiến hành với 237 bệnh nhân. Các nhà nghiên cứu cho 158 người uống thuốc và so sánh tiến triển của các bệnh nhân này với 79 người còn lại được cho uống giả dược.

Sau một tháng, 13,9% số người uống redemsivir bị tử vong so với 12,8% số người uống giả dược. Cuộc thử nghiệm bị dừng lại sớm vì thuốc có những tác dụng phụ.

Hãng Gilead ra một tuyên bố nói báo cáo mà WHO lỡ đăng chứa đựng những lời mô tả “không phù hợp” về cuộc nghiên cứu. Theo hãng này, cuộc nghiên cứu bị dừng lại sớm vì ít người tham gia và vì vậy không có đủ con số thống kê để đưa ra các kết luận có ý nghĩa.

Nhiều người rất quan tâm đến redemsivir vì hiện không có loại thuốc hay vaccine nào được phê duyệt để phòng chống Covid-19.

Các bác sĩ đang khao khát mong có bất cứ thuốc gì có thể làm thay đổi tác động của dịch bệnh. Căn bệnh này tấn công vào phổi và có thể làm hư hại các bộ phận cơ thể khác trong các ca cực nặng.

Nhiều bác sĩ ở Mỹ đã cho bệnh nhân dùng redemsivir “vì thương cảm” mà không chờ kết quả từ cuộc thử nghiệm.

Chỉ một tuần trước, có tin các nhà nghiên cứu ở Chicago rất phấn chấn về kết quả thử nghiệm redemsivir trên 125 bệnh nhân. Gần như tất cả những người đó đều được cho ra viện trong vòng 1 tuần, theo trang STAT News chuyên đưa tin về ngành dược.

Nhưng tin tức về redemsivir hôm 23/4 làm vỡ vụn những hy vọng rằng sẽ sớm có thuốc điều trị Covid-19.

Mặc dù vậy, lúc này, một số hãng khác vẫn đang tiếp tục tìm cách chế tạo ra vaccine để chống căn bệnh do virus corona chủng mới gây ra.

Đại học Oxford (Anh) công bố video tiêm vaccine Covid-19 thử nghiệm trên người, 23/4/2020

Đại học Oxford (Anh) công bố video tiêm vaccine Covid-19 thử nghiệm trên người, 23/4/2020

Chưa tắt hết hy vọng

Tin tức phát đi từ Anh hôm 23/4 cho hay 2 tình nguyện viên đầu tiên đã được tiêm một loại vaccine Covid-19 thử nghiệm. Sẽ có tổng cộng 800 người tham gia nghiên cứu này.

Một nửa số người sẽ được tiêm loại vaccine đang được nghiên cứu, nửa còn lại sẽ được tiêm một loại vaccine khác không bảo vệ họ trước virus corona.

Loại vaccine Covid-19 thử nghiệm nói trên do một nhóm nghiên cứu tại trường Đại học Oxford phát triển trong vòng chưa đầy 3 tháng.

Vaccine này được làm ra từ một phiên bản virus cảm lạnh thông thường trên tinh tinh đã được làm suy yếu, gọi là adenovirus, và được chỉnh sửa để có thể phát triển trên con người.

Giáo sư Sarah Gilbert, người đứng đầu cuộc nghiên cứu tiền lâm sàng, nói: “Cá nhân tôi tin tưởng ở mức độ cao vào vaccine này”.

Trước đây, bà Gilbert từng nói bà tin tưởng đến 80% là vaccine này sẽ có hiệu quả, nhưng nay bà nói rằng sẽ không đưa ra một con số cụ thể, mặc dù bà “rất lạc quan” về nó.

Cách duy nhất để nhóm nghiên cứu biết được liệu vaccine có hiệu quả hay không là đem so sánh số người nhiễm virus corona chủng mới của hai tập hợp người tình nguyện trong những tháng tới.

Nếu số ca nhiễm giảm nhanh ở Anh, điều này có thể gâyra vấn đề vì sẽ không có đủ dữ liệu. Các nhà nghiên cứu đang ưu tiên tuyển mộ những nhân viên y tế địa phương cho cuộc thử nghiệm vì họ dễ bị phơi nhiễm với virus hơn. Trong những tháng tới, một cuộc thử nghiệm lớn hơn với khoảng 5.000 người tình nguyện sẽ được tiến hành.

Còn ở Mỹ, hãng dược Inovio vừa cho biết họ sẽ tuyển xong 40 người tình nguyện trước cuối tháng 4 để tiến hành thử nghiệm một vaccine chống virus corona chủng mới.

Hãng Inovio, có trụ sở ở bang Pennsylvania, nói những người tình nguyện sẽ nhận 2 liều vaccine có tên là INO-4800, mỗi lần cách nhau 4 tuần. Hãng dự kiến sẽ thu thập được các dữ liệu ban đầu từ cuộc thử nghiệm vào cuối mùa hè năm nay.

Nghiên cứu giai đoạn 1 của Inovio bắt đầu hồi đầu tháng 4 tại Trường Y Perelman thuộc Đại học Pennsylvania và Trung tâm Nghiên cứu Dược ở thành phố Kansas, bang Missouri.

Cuộc nghiên cứu của hãng được hỗ trợ với khoản tài trợ 5 triệu đô la từ Quỹ Bill and Melinda Gates, cũng như nguồn ngân quỹ từ Liên minh Sáng tạo Sẵn sàng Ứng phó Dịch bệnh (CEPI) và Bộ Quốc phòng Mỹ.

Hai hãng khác của Mỹ cũng đang nghiên cứu vaccine là Johnson & Johnson và Pfizer.

Hồi tháng 3, bác sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia của Hoa Kỳ, đưa ra dự báo rằng sẽ có vaccine được sử dụng rộng rãi trong vòng 12 tới 18 tháng.

Chủ tịch và Tổng Giám đốc Điều hành của Inovio, tiến sĩ Joseph Kim, đồng ý với dự báo của bác sĩ Fauci.

(BBC, Reuters, CNBC, The Guardian)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn