Mô phỏng giọt siêu nhỏ bắn ra từ người ho

Thứ Bảy, 25 Tháng Tư 20201:00 SA(Xem: 5169)
Mô phỏng giọt siêu nhỏ bắn ra từ người ho

Nhật BảnMô phỏng của các nhà nghiên cứu cho thấy người ho hoặc hắt hơi có thể bắn ra những giọt siêu nhỏ có kích thước dưới 0,01 mm.
Sử dụng camera độ nét cao và đèn laser, đài truyền hình NHK của Nhật Bản tiến hành thí nghiệm cùng với một nhóm nhà nghiên cứu ở Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Nhật Bản để ghi lại chuyển động của giọt bắt siêu nhỏ, những hạt có kích thước chưa tới 0,01 mm. Họ nhận thấy các giọt này bắn ra cả khi chúng ta nói chuyện và càng nói to, số hạt bắn ra càng nhiều.

Phát hiện cung cấp thêm bằng chứng cho thấy cần duy trì giãn cách xã hội và yêu cầu giữ nhà cửa thông thoáng. Những nghiên cứu trước đây tập trung vào hành động ho và hắt hơi với giọt bắn cỡ một milimet có thể quan sát qua camera thường.

NHK nhận thấy giọt bắn ra khi hắt hơi nhanh chóng rơi xuống đất và không bay ra quá xa. Nhưng camera cũng thu được hình ảnh của giọt bắn siêu nhỏ. Chúng có thể lơ lửng một thời gian trước khi bị trọng lực kéo xuống. Các nhà nghiên cứu ước tính mỗi lần ho hoặc hắt hơi có thể tạo ra 100.000 giọt bắn siêu nhỏ.

"Những giọt bắn siêu nhỏ có thể chứa nhiều virus", Kazuhiro Tateda, người đứng đầu Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Nhật Bản, cho biết. "Chúng ta tạo ra các giọt đó khi nói to hoặc thở mạnh và mọi người xung quanh có thể hít phải, khiến virus lây lan".

Nhóm nghiên cứu mô phỏng tình huống khi 10 người ở chung trong không gian khép kín lớn cỡ lớp học thông thường. Khi một người ho, đúng như dự đoán, giọt bắn lớn rơi xuống đất trong vòng một phút. Nhưng 20 phút sau khi ho, giọt bắn siêu nhỏ vẫn ở trong không khí và bay khắp phòng. Tuy nhiên, khi mở cửa sổ, giọt bắn siêu nhỏ nhanh chóng bị gió thổi ra ngoài.

"Điều quan trọng là mở hai cửa. Hãy mở cửa ít nhất một lần mỗi giờ. Điều đó sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm", Tateda nói. Nhóm nghiên cứu cũng nhấn mạnh đeo khẩu trang sẽ giúp giảm phần lớn lượng giọt bắn siêu nhỏ, giúp bảo vệ cả người nói và người nghe trước nguy cơ nhiễm nCoV.   

An Khang (Theo WEF)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn