Tìm ra 'chìa khóa' duy trì khả năng sao chép của nCoV

Thứ Ba, 21 Tháng Tư 20209:00 SA(Xem: 5074)
Tìm ra 'chìa khóa' duy trì khả năng sao chép của nCoV

Nhà nghiên cứu phát hiện nhóm enzym có khả năng cắt mối liên kết phân tử trong nCoV giúp tìm ra thuốc ức chế khả năng sao chép của chúng.

Nhóm nghiên cứu Trung Quốc tìm ra và phân tích thành công cấu trúc không gian 3D độ phân giải cao của protease Mpro (nhóm enzym thủy phân có khả năng cắt mối liên kết phân tử), là một trong những mục tiêu chính cần đánh bại trong quá trình ức chế nCoV. Nhờ đó, nhóm tổng hợp bốn loại thuốc có khả năng chống lại loại protease này.    

Tìm ra chìa khóa duy trì khả năng sao chép của nCoV

Giáo sư Haitao Yang, nhà nghiên cứu về cơ chế tương tác giữa virus và vật chủ, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết nCoV là loại virus rất ranh mãnh, sau khi xâm chiếm tế bào vật chủ, virus này ngay lập tức sử dụng vật liệu trong tế bào để tổng hợp hai chuỗi polypeptide siêu dài (pp1a và pp1ab), cần thiết cho quá trình sao chép của nCoV.    

Hai chuỗi polypeptide này được cắt thành nhiều phần (giống như RNA polymerase được tổng hợp từ RNA). Những phần này được lắp ráp thành một bộ máy sao chép "khổng lồ", sau đó nCoV có thể bắt đầu kích hoạt sao chép vật liệu di truyền của chính nó. Để hai chuỗi polypeptide này tạo ra những đoạn cắt chính xác tuyệt đối, hỗ trợ sao chép vật liệu, nCoV phải tự mình tổng hợp và tạo ra một chiếc "kéo cắt", đó là protease Mpro.    

Mpro phụ trách 11 vị trí phân cắt của hai chuỗi polypeptide, chỉ khi các vị trí này được phân cắt chính xác, bộ máy sao chép nCoV mới có thể hoạt động hiệu quả.    

Bởi vì protease Mpro đóng vai trò quan trọng trong quá trình sao chép virus, và không có loại protease nào có thể thay thế Mpro với chức năng tương tự. Do đó, Mpro trở thành mục tiêu chính của thuốc ức chế nCoV.    

Để giải quyết vấn đề này, nhóm nghiên cứu tiếp tục sử dụng kỹ thuật sàng lọc ảo và sàng lọc với khối lượng lớn để chọn hơn 10.000 loại thuốc hiện nay và tìm thấy một số có tác dụng ức chế đáng kể trên protease chính này, bao gồm carmofur (hợp chất chống ung thư), ebselen (thuốc điều trị rối loạn thính giác), shikonin (hợp chất ức chế virus)và PX-12 (thuốc điều trị ung thư). Trong đó thuốc ebselen ức chế đáng kể sự sao chép của nCoV ở cấp độ tế bào.    

"Các kết quả nghiên cứu trên là tín hiệu đáng khích lệ trong quá trình sàng lọc thuốc có tác dụng ức chế nCoV, hỗ trợ phát triển thuốc và vaccine", giáo sư Haitao Yang cho biết.    

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature ngày 9/4, bởi nhóm nghiên cứu Phòng Thí nghiệm Sinh học Cấu trúc, Đại học Thanh Hoa và Viện Dược liệu, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, kết hợp với Phòng Thí nghiệm Trọng điểm về Mầm bệnh đặc biệt, Viện Virus học Vũ Hán.

Nguyễn Xuân (Theo Nature)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn