nCoV không bắt nguồn từ phòng thí nghiệm

Thứ Hai, 30 Tháng Ba 20201:00 SA(Xem: 5167)
nCoV không bắt nguồn từ phòng thí nghiệm

Sau khi so sánh và phân tích bộ gene của nCoV và những virus corona khác, các nhà khoa học khẳng định nCoV không bắt nguồn từ phòng thí nghiệm.

Nhóm các nhà khoa học tại Mỹ, Anh và Australia trong một nghiên cứu mới về nCoV đã so sánh các bộ gene của nCoV với bảy loại virus corona khác để xác định những dấu hiệu biến đổi của chúng, trong đó ba loại lây nhiễm qua người, gây bệnh nghiêm trọng gồm SARS, MERS, nCoV và bốn loại gây ra các triệu chứng nhẹ như HKU1, NL63, OC43 và 229E.

"Các phân tích của chúng tôi cho thấy rõ ràng nCoV không phải là một dạng cấu trúc được tạo ra từ phòng thí nghiệm hoặc một loại virus bị điều khiển có chủ đích", nhóm nghiên cứu viết trong nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature ngày 17/3.

nCoV có vỏ chứa vật liệu di truyền tự nhiên. Ảnh: Live Science

nCoV có vỏ chứa vật liệu di truyền tự nhiên. Ảnh: Live Science

Kristian Andersen, phó giáo sư về miễn dịch học và vi sinh học tại Viện Nghiên cứu Scripps (Mỹ) cùng các đồng nghiệp đã xem xét khuôn mẫu di truyền của các gai S protein tăng đột biến nhô ra khỏi bề mặt của nCoV. Các virus corona sử dụng gai này để dính vào bức tường bảo vệ bên ngoài tế bào chủ, sau đó xâm nhập vào các tế bào. Họ theo dõi những trình tự gene chịu trách nhiệm cho hai tính năng chính của S protein gồm chức năng "móc" vào các tế bào chủ, được gọi là miền liên kết với thụ thể (một phân tử protein) và chức năng phân tách để cho phép virus mở và xâm nhập vào các tế bào đó.

Phân tích này cho thấy phần "gai móc" của S protein nhắm vào một thụ thể ở bên ngoài tế bào người gọi là ACE2, có liên quan đến quá trình điều hòa huyết áp. Phần "gai móc" của protein S gắn vào tế bào người một cách dễ dàng và thuần thục, giúp các nhà nghiên cứu đưa ra kết luận protein S là kết quả của quá trình chọn lọc tự nhiên chứ không phải kỹ thuật di truyền nhân tạo. 

Đây là lý do tại sao nCoV có liên quan mật thiết với virus gây ra hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), xuất hiện trên toàn cầu gần 20 năm trước. Các nhà khoa học đã nghiên cứu vấn đề làm thế nào chứng minh SARS-CoV khác với nCoV với một vài thay đổi trong mã di truyền. Tuy nhiên, trong các mô phỏng trên máy tính, các đột biến trong nCoV có vẻ hoạt động không tốt trong việc giúp virus liên kết với các tế bào của con người. Nếu các nhà khoa học tạo loại virus này có chủ đích, họ sẽ không chọn các đột biến mà mô hình máy tính cho rằng sẽ không hoạt động.

Vậy nCoV bắt nguồn từ đầu? Nhóm nghiên cứu đã đưa ra hai kịch bản có thể xảy ra về nguồn gốc của nCoV ở người. Kịch bản đầu tiên dựa vào nguồn gốc một vài loại virus corona gần đây đã tàn phá dân số loài người như bệnh MERS xuất phát từ lạc đà, bệnh SARS xuất phát từ cầy hương. Về nCoV, các nhà nghiên cứu cho rằng dơi hoặc tê tê là động vật trung gian mang nCoV sang người.Trong kịch bản có thể xảy ra này, virus tiến hóa chọn lọc tự nhiên qua các vật chủ và con vật trước khi lây nhiễm sang người.

Kịch bản thứ hai virus "nhảy" từ vật sang người và quá trình biến đổi để thích ứng sau đó diễn ra trong quá trình lây nhiễm từ người sang người cho đến khi virus đủ mạnh để gây bùng phát dịch. Một số virus corona có nguồn gốc từ tê tê có miền liên kết với thụ thể tương tự như của nCoV. Theo cách đó, tê tê truyền virus vào vật chủ của con người một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Một khi virus vào bên trong vật chủ, chúng có thể đã tiến hóa để có tính năng như phân tách và lây lan trong tế bào người. Một khi virus đạt được khả năng đó, khả năng bùng phát dịch rất cao.  

Tất cả những cơ sở này chỉ ra bằng chứng rõ ràng về việc tiến hóa tự nhiên của virus corona chủng mới, giúp nhà khoa học dự báo tương lai của Covid-19 và tìm cách loại bỏ những tin đồn thất thiệt ảnh hưởng tới quá trình nghiên cứu và phát triển thuốc điều trị.

Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Scripps, La Jolla, California, Đại học Tulane (Mỹ) và Viện Sinh học tiến hóa, Đại học Edinburgh, Edinburgh (Anh) phối hợp cùng Viện nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và an toàn sinh học Marie Bashir, Trường Khoa học Đời sống và Môi trường, Đại học Sydney, Sydney (Australia). 

Nguyễn Xuân (Theo Live Sience)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn