Quạ và một số loài vật cũng có trí tuệ như người?

Thứ Hai, 23 Tháng Ba 20207:00 SA(Xem: 4397)
Quạ và một số loài vật cũng có trí tuệ như người?
bbc.com

Quạ và một số loài vật cũng có trí tuệ như người?

Chris Baraniuk BBC Future

Other Bản quyền hình ảnh Other

Tên của con quạ là Betty. Và nó đang trở thành ngôi sao.

Một nhóm các nhà khoa học của Đại học Oxford kinh ngạc quan sát nó tuỳ tiện nhặt lên một đoạn dây kim loại trong lồng, sau đó sử dụng một vật thể gần đó để uốn cong ở một đầu, biến dây kim loại thành một chiếc móc.


Chiếc móc này giúp Betty nâng một chén thịt nhỏ từ bên trong một ống nhựa lên. Bữa trưa đã sẵn sàng với mẩu tim lợn ngon lành.

Không có gì đặc biệt

Quay lại thời điểm đó, vào năm 2002, kỳ tích của Betty khiến mọi người kinh ngạc. Làm thế nào mà con quạ này có thể giải quyết một vấn đề phức tạp như thế một cách tự nhiên đến vậy?

Nó cho thấy khả năng dùng đầu óc giống như ở con người chúng ta. Con quạ này, như các dòng tít báo chạy, là một con vật thông minh tuyệt vời.

Trừ việc Betty không hẳn là đặc biệt như một số người nghĩ ban đầu.

Nhiều năm sau, nghiên cứu cho thấy những con quạ ở New Caledonia cũng có thói quen uốn cong các vật dụng.

Trong tự nhiên, chúng làm việc đó hoài. Ban đầu các nhà quan sát đã bị giật mình trước hành vi của Betty vì có vẻ như nó đã tự nghĩ ra cách làm chiếc móc này khi đang bay. Giống như kỹ sư phát minh ra một cỗ máy mới.

Trên thực tế, loài quạ New Caledonia đã tiến hóa để biết làm ra các chiếc móc từ cành cây mềm để phục vụ cho việc tìm kiếm thức ăn hàng ngày của chúng.

Đó không phải là khoảnh khắc tài năng mà là biểu hiện của bản chất.

"Tôi không muốn hạ thấp khả năng nhận thức của nó," Christian Rutz tại Đại học St Andrews, nói. "Ít nhất, nó buộc chúng ta phải đánh giá lại xem hành vi của Betty giúp chúng ta mở mang như thế nào."

Quạ New Caledonia thuộc về họ nhà quạ. Trong những năm gần đây, bộ não của loài quạ này đã được nghiên cứu kỹ hơn bao giờ hết. Không có gì nghi ngờ rằng một số cá thể thể hiện trí thông minh ấn tượng.

Nhưng thông minh là một chủ đề mờ mịt. Chính xác nó là gì ngay từ đầu? Và tại sao nó tiến hóa?

Loài quạ đang giúp chúng ta trả lời những câu hỏi này.

Trí thông minh bắt nguồn từ bộ não. Loài linh trưởng thông minh - bao gồm cả con người - có một cấu trúc đặc biệt trong bộ não được gọi là tân vỏ não.

Người ta cho rằng chính cấu trúc này tạo điều kiện cho nhận thức bậc cao.

Đáng chú ý là loài quạ không có cấu trúc này. Thay vào đó, chúng đã phát triển các cụm neuron thần kinh dày đặc vốn cho chúng khả năng trí tuệ tương tự.

Bản quyền hình ảnh Getty Images

Loại não cụ thể không thực sự quan trọng - quạ và linh trưởng giống nhau ở một số khả năng cơ bản về giải quyết vấn đề và tính linh hoạt, tức là có thể thích nghi và thay đổi trước những thông tin và kinh nghiệm mới.


Đây là ví dụ về tiến hóa hội tụ, khi mà các lịch sử tiến hóa hoàn toàn khác nhau đã dẫn đến đặc tính hay hành vi giống nhau.

Con người không phải giỏi nhất?

Con người dễ nhận thấy tại sao những gì mà loài quạ có thể làm là hữu ích. Từ việc xác định những người trước đây từng là mối đe dọa đối với những người khác cho đến sử dụng cử chỉ để giao tiếp - chúng ta cũng dựa vào những năng lực như thế này.

Rutz không hề mơ hồ. Một số loài chim, như loài quạ New Caledonia mà ông nghiên cứu - có thể làm những điều kỳ diệu.

Trong một nghiên cứu được công bố hồi đầu năm, ông và các đồng tác giả đã mô tả làm sao loài quạ New Caledonia tìm kiếm một loại nhánh cây cụ thể để làm ra chiếc móc của chúng.

Các thí nghiệm cho thấy những con quạ đã tìm thấy nhánh cây chúng muốn ngay cả khi nhánh cây đó bị che giấu dưới lá của một loài thực vật khác.

Điều này cho thấy rằng những con chim chọn loại vật liệu mà chúng biết là thích hợp để làm ra cái móc. Ta không thể nào sử dụng cờ lê để đóng đinh, phải không?

Trong tự nhiên, loài quạ New Caledonia sử dụng những chiếc móc này để bắt côn trùng ra khỏi những chiếc lỗ, ví dụ như trong thân cây. Những hình ảnh về hành vi này đã được máy quay ghi lại.

Chúng ta có thể nghĩ rằng một số động vật thông minh hơn những con khác - với con người ở mức cao nhất của cây phân loài.

Dĩ nhiên, con người phụ thuộc rất nhiều vào trí tuệ để sinh tồn. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta giỏi nhất trong mọi công việc đòi hỏi trí tuệ.

Tinh tinh, ông Dakota McCoy tại Đại học Harvard lưu ý, đã được chứng tỏ là sở hữu trí nhớ ngắn hạn tốt hơn con người. Điều này có thể giúp chúng ghi nhớ chỗ có thức ăn trong tán rừng chẳng hạn.

Xếp hạng trí thông minh của động vật dường như ngày càng là một việc làm vô nghĩa nếu chúng ta xem xét điều thực sự quan trọng: loài vật đó thích nghi tốt đến mức nào trong không gian sinh tồn của nó. Trí thông minh, trước hết, là phương tiện để tiến tới chuyên môn hóa.

Như Rutz đã giải thích, phân tích trí thông minh của loài quạ 'không thể tách khỏi lịch sử tự nhiên của chúng'. Và loài quạ New Caledonia còn lâu mới là loài duy nhất ngoài con người đã phát triển được khả năng sử dụng các công cụ.

Danh sách các loài động vật khác có chung đặc tính này còn có tinh tinh, vẹt, cá sấu và thậm chí cả cua.

007 giải đố

Tuy trí tuệ có thể giúp sinh vật làm được những điều cần thiết để sinh tồn trong môi trường của chúng, nhưng các loài động vật khác lại dựa vào các phương tiện khác.

Nếu một con quạ phải sử dụng năng lực trí tuệ và công cụ để lấy được thức ăn khó tiếp cận thì hươu cao cổ chỉ cần vươn chiếc cổ dài của nó. Các bánh răng thông minh chỉ là có thêm một công cụ nữa từ hộp dụng cụ của sự tiến hóa.

Điều đó có nghĩa là động vật 'thông minh' đôi khi có thể làm được những việc vượt ra những gì mà tự nhiên đòi hỏi.

Trong đoạn phim trích từ series của BBC, Bên trong não động vật, Chris Packham quan sát một con quạ New Caledonia, biệt danh 007, giải một câu đố được tạo dựng nhân tạo bao gồm tám bước riêng biệt.

Thành tích này dường như làm màn trình diễn làm chiếc móc khiêm tốn của Betty trở nên nhỏ bé.

Một con quạ giờ đây đã được chứng tỏ có thể vận dụng trí tuệ của nó để giải quyết vấn đề ở trình độ cao.

Đó là tình huống mà con quạ này sẽ không bao giờ gặp phải trong môi trường hoang dã, nhưng nó vẫn thực hiện xuất sắc. Đúng vậy, 007 đã học được các bước riêng lẻ có tác dụng như thế nào nhưng giải quyết chúng theo trình tự đưa ra một thách thức thậm chí còn lớn hơn.

Đó là dấu hiệu cho thấy rằng loài chim này có thể lên kế hoạch trước ở một mức độ nào đó.

Có thể còn nhiều điều thú vị khác mà 007 và đồng loại của nó có thể làm nhưng chúng ta vẫn chưa thử cho chúng làm.

McCoy, giống như Rutz, cũng nghiên cứu loài quạ New Caledonia.

Trong một nghiên cứu công bố hồi năm ngoái, bà và các đồng nghiệp mô tả một thí nghiệm được thiết kế nhằm để cho thấy liệu tâm trạng của những con quạ này có bị ảnh hưởng bởi việc sử dụng công cụ hay không.

Những con quạ New Caledonia được huấn luyện để nhận ra rằng một hộp ở phía kia bàn có nhiều thực phẩm hơn chiếc hộp ở phía bên kia. Sau đó, chúng được đưa cho một chiếc hộp khác ở giữa bàn mà không biết có bao nhiêu thịt bên trong.

Lạc quan hơn?

Những con quạ nào mà gần đây đã sử dụng dụng cụ để lấy thức ăn từ trong vật đựng tiến đến chiếc hộp bí ẩn nhanh hơn những con không sử dụng công cụ. Điều này chỉ ra rằng sử dụng công cụ làm cho những con quạ lạc quan hơn, McCoy nói.

Điều đó không có nghĩa là chúng nhất thiết phải 'hạnh phúc', bà nói thêm - nhưng nó cho thấy mối quan hệ tích cực giữa việc sử dụng công cụ và kỳ vọng.

Trí thông minh, McCoy nói, có thể rất thú vị. Nó mở ra cánh cửa cho những hành vi không nhất thiết là cần thiết cho sự sinh tồn.

Thật ra, quạ có thể giống chúng ta không phải chủ yếu là vì chúng thông minh mà là vì đôi khi chúng dùng sự thông minh của mình đơn giản chỉ là để cho vui - và chúng ta cũng vậy.

Những con quạ mà McCoy nghiên cứu có sự tò mò tự nhiên, bà nói. Chúng táo tợn chộp lấy thiết bị khoa học và bay đi trong chuồng. Nhất là các con quạ còn nhỏ, bà cho biết, rất thích chơi.

Con người không khác là mấy, bà lập luận. "Chúng ta có bộ não rất to nhưng chúng ta dùng chúng để chơi ô chữ - đó không phải là mục đích của việc chọn lọc trong quá trình tiến hóa."

Người ta có thể lập luận rằng có những lợi ích thực dụng cho nỗ lực tinh thần như vậy. Nó giữ cho tâm trí nhạy bén, nó củng cố các khả năng - tất cả là để thích nghi hơn để tồn tại.

Nhưng nếu có niềm vui trong đó hoặc nếu nó có tác dụng không ngờ, người ta cũng có thể nói rằng hoạt động đó chỉ là một phần của những gì làm cho cuộc sống thêm màu sắc.

Những con quạ New Caledonia, giống như chúng ta và các động vật thông minh khác, cũng có tâm trạng và ký ức. Chiến lược và kỳ vọng. Chúng dường như có thể xử lý những vấn đề phức tạp một cách tuyệt vời.

Sự tiến hóa giúp điều này có thể trở thành hiện thực.

Nhưng sự nhận thức, giống như chính cuộc sống, phục vụ nhiều hơn là một nhu cầu.

Trí thông minh của động vật giúp cho tất cả hiện tượng hấp dẫn có thể xảy ra. Một con khỉ đột nhận ra ngôn ngữ của con người. Một con quạ giải câu đố. Một con vẹt biết kể chuyện cười.

Thiên nhiên đem đến các nốt nhạc, nhưng bộ não động vật tạo ra âm nhạc. Trí tuệ, như người ta vẫn nói, là giới hạn duy nhất.

Bản tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn