Khí làm suy giảm tầng ozone ảnh hưởng đến sự nóng lên cực đoan ở Bắc cực?

Thứ Tư, 26 Tháng Hai 20207:00 SA(Xem: 5090)
Khí làm suy giảm tầng ozone ảnh hưởng đến sự nóng lên cực đoan ở Bắc cực?

Vùng cực Bắc đang nóng lên nhanh gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu. Các khí làm suy giảm tầng ozone có thể là nguyên nhân của một nửa trong số các tác động biến đổi khí hậu quan sát được ở Bắc Cực từ năm 1955 đến 2005.

Phát hiện này có thể giúp giải thích sự chênh lệch trong mức độ biến đổi khí hậu của khu vực này so với toàn cầu. Bắc Cực đang ấm lên với tốc độ trung bình cao gấp đôi so với phần còn lại của địa cầu - một hiện tượng được gọi là khuếch đại Bắc Cực - và làm mất băng biển với tốc độ đáng kinh ngạc.
Theo giải thích của Mark England, một nhà khoa học khí hậu tại Viện Hải dương học Scripps ở La Jolla, California, thì các chất làm suy giảm tầng ozone, bao gồm chlorofluorocarbons (CFC), có khả năng làm ấm khí quyển gấp hàng ngàn lần so với carbon dioxide. Nhưng hầu hết các nghiên cứu về các chất này đều tập trung vào tác động của chúng đối với tầng ozone bảo vệ hành tinh - đặc biệt là ở Nam bán cầu, nơi các chất này gây ra lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực. Ông cũng là đồng tác giả của nghiên cứu mới về chất làm suy giảm tầng ozone và nóng lên ở Bắc Cực mới xuất bản  trên tạp chí Nature Climate Change. Nghiên cứu này sẽ “tái cấu trúc rất nhiều cuộc thảo luận trên phạm vi toàn cầu”, ông cho biết.
Trong công trình này, Mark England và đồng nghiệp đã so sánh các mô phỏng khí hậu trong các trường hợp có và không có sự phát thải hàng loạt CFC bắt đầu từ những năm 1950. Không có CFC, các mô phỏng cho thấy nóng lên ở Bắc Cực trung bình ở mức 0,82°C. Khi có sự hiện diện của các hợp chất làm suy giảm tầng ozone, con số đó tăng lên thành 1,59°C. Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy những thay đổi tương tự về mức độ bao phủ của băng biển giữa hai bộ mô phỏng. Bằng cách chạy các mô hình với nồng độ CFC cố định trong khi thay đổi độ dày của tầng ozone, nhóm nghiên cứu có thể quy sự nóng lên trực tiếp cho các hóa chất - thay vì gián tiếp do thay đổi mà các chất này gây ra trong tầng ozone.
Nhóm nghiên cứu của Mark England đã “thực hiện một nghiên cứu cẩn thận trong một mô hình duy nhất”, Marika Holland, một nhà khoa học khí hậu tại Trung tâm nghiên cứu khí quyển quốc gia ở Boulder, Colorado cho biết. “Tôi nghĩ rằng nó rất có ý nghĩa”. Tuy cho rằng tác dụng làm ấm của các chất làm suy giảm tầng ozone trong khí quyển là một hiện tượng đã được ghi nhận nhưng bà lưu ý, sự phức tạp của các mô hình khí hậu khiến chúng ta khó có thể kết luận chắc chắn về mức độ hiệu ứng của các chất này gây ra trên Bắc Cực.
Susan Strahan, một nhà khoa học khí quyển tại Trung tâm hàng không vũ trụ Goddard của NASA ở Greenbelt, Maryland, nói rằng nghiên cứu này “rất thú vị và khiêu khích”, nhưng cô chưa tin vào kết luận của nó. Đáng nhẽ sẽ thuyết phục hơn, cô nói, nếu nhóm nghiên cứu có thể đưa ra một lời giải thích vật lý rõ ràng cho sự khuếch đại nhiệt độ và băng tan được mô hình hóa.
Cả Strahan và Cecilia Bitz, một nhà khoa học khí hậu tại Đại học Washington, Seattle, nói rằng cần sao chép những kết quả này trong nhiều mô hình khí hậu khác nhau để cải thiện các ước tính về việc CFC chịu bao nhiêu phần trách nhiệm cho tình trạng nóng lên ở Bắc Cực.
Nồng độ CFC toàn cầu đã có xu hướng giảm kể từ đầu thiên niên kỷ, sau khi Nghị định thư Montreal được thông qua năm 1989 kêu gọi loại bỏ các chất này. Mặc dù nhiều yếu tố khác góp phần khuếch đại nóng lên ở Bắc Cực, kết quả cho thấy sự nóng lên ở Bắc Cực và băng tan trên biển có thể được hạn chế trong tương lai khi các chất làm suy giảm tầng ozone trong khí quyển ngày càng ít đi, Bitz nói. “Đây là một nghiên cứu rất quan trọng vì nó có một chút lạc quan.”□

Hoàng Nam dịch
Nguồn: https://www.nature.com/articles/d41586-020-00108-2

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn