Khi bạn hoảng sợ vì khí hậu, môi trường bị huỷ hoại

Thứ Ba, 25 Tháng Hai 20209:00 CH(Xem: 3426)
Khi bạn hoảng sợ vì khí hậu, môi trường bị huỷ hoại
bbc.com

Khi bạn hoảng sợ vì khí hậu, môi trường bị huỷ hoại

Christine Ro BBC Future

BBC / Getty Images Bản quyền hình ảnh BBC / Getty Images

Hồi năm 2014, tôi và người bạn đời đánh dấu một ngày trong quyển lịch của hai người. Điều khác thường là, đó là ngày 27/8/2015 - đi trước những một năm. Đó là một ngày ngẫu nghiên.

Chúng tôi vẫn chưa kiên quyết khi nghĩ tới quyết định quan trọng trong đời, và đó là quyết định lớn nhất: là liệu có nên sinh con không.


Giờ đây ở tuổi 30, chúng tôi đều biết không thể cứ chờ mãi mà không quyết định. Vì vậy cả hai đánh dấu "cuộc trò chuyện về sinh con" trong lịch, để giảm nhẹ một vấn đề quan trọng, khiến nó gây nản chí hơn, đồng thời vui vẻ đẩy câu hỏi khỏi thời hiện tại.

Tâm trạng bất an

Nhưng ngày 7/8/2015 đến và trôi qua. Chúng tôi cảm thấy mình chẳng chuẩn bị gì. Cả hai tiếp tục lui ngày đó lại thêm một năm nữa.

Và rồi ngày 27/8/2016 cũng qua đi. Rõ ràng mẹo mà chúng tôi xài chẳng có tác dụng gì.

Dù có rất nhiều yếu tố tác động đến sự mâu thuẫn trong hai người, nhưng vấn đề cá nhân đã bị che mờ bởi một vấn đề toàn cầu: là sự lo lắng về việc trong tương lai, hành tinh sẽ không còn ai sống nổi vì biến đổi khí hậu.

Biến đổi khí hậu gây tổn hại đến sức khỏe tâm thần theo nhiều cách. Từ đau đớn đến lo lắng sau thảm họa đến tình yêu bị hủy hoại vì chia cắt và mất nơi ở - những tác động tâm lý mà biến đổi khí hậu gây ra có thể sẽ tác động rất lâu dài.

Tất nhiên, những hiệu ứng trên còn bị tăng thêm vì tình trạng có những nhóm dân số dễ bị tổn thương, chẳng hạn như người già thu nhập thấp, hay những người phải thực sự trực tiếp đương đầu với tình trạng biến đổi khí hậu.

Nhưng ngay cả với người có cuộc sống không phụ thuộc trực tiếp vào biến đổi khí hậu cũng có thể cảm thấy căng thẳng tâm lý.

Trong báo cáo của giáo sư tâm lý học Susan Clayton từ Trường Cao đẳng Wooster cùng các đồng nghiệp, có đoạn viết "khả năng xử lý thông tin và ra quyết định mà không bị tác động bởi phản ứng cảm xúc cực đoan đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu."

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Bath có một số đề xuất.

Khi tôi đến thăm trường, nơi có rừng cây bao quanh với góc nhìn bao la hướng về thành phố uy nghiêm bên dưới, Caroline Hickman và tôi quyết định nói chuyện không phải trong văn phòng bà mà bên một hồ nhỏ trong khuôn viên trường.


Chúng tôi ngồi trên mấy tảng đá, xung quanh là những sinh viên tắm nắng và đàn vịt rỉa rông rỉa cánh, và chúng tôi trao đổi câu chuyện về sự nỗi lo lắng về khí hậu (hay như cụm từ mà Hickman ưa dùng hơn là "nhận thức sinh thái").

Chúng tôi nói về đủ thứ chuyện, như hôm đó là ngày sau ngày có nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận ở Anh Quốc.

Hickman, nhà nghiên cứu và tâm lý trị liệu tập trung vào thái độ của trẻ em trước biến đổi khí hậu ở Anh Quốc, Quần đảo Maldives và những quốc gia khác, cảm thấy rất khó chịu về sự suồng sã mà báo chí ứng xử trong ngày trước đó. Hơn bao giờ hết, tôi lo lắng về điềm báo gần nhất của sự hủy diệt.

Nhưng Hickman cho rằng sự lo âu về khí hậu - cũng giống như trầm cảm khí hậu hay cơn phẫn nộ do khí hậu - không phải vấn đề bệnh lý. Đó là phản ứng hợp lý và lành mạnh trước nguy cơ hủy diệt. "Tôi sẽ tự hỏi vì sao lại có một số người không cảm thấy lo lắng," bà nói.

Những biện pháp có thể giúp cải thiện tâm lý

Vì vậy bước đầu tiên là thừa nhận sự tồn tại của những cảm xúc đó. Công việc của nhà tâm lý học khí hậu là sau đó hỏi: "Chúng tôi có thể hỗ trợ bạn ra sao để sống một phần đời này của bạn chứ không phải cả đời?"

Hickman có thể khuyến khích bệnh nhân tham gia một nhóm nhà hoạt động, hoặc tham gia các nhóm thảo luận và hỗ trợ như kiểu cà phê khí hậu.

Trong một nghiên cứu từ chương trình có tên "Trò chuyện Carbon" (Carbon Conversations), gồm có thảo luận nhóm và hoạt động nhằm giảm thiểu tác động của khí hậu, một nửa số người tham dự cho biết chương trình đã giúp họ đối mặt với nỗi lo về biến đổi khí hậu.

Và mối kết gắn về cảm xúc nhiều hơn cũng dẫn đến nhiều thay đổi trong thói quen. Điều này cho thấy ích lợi của việc cảm thấy mình là một phần của cộng đồng, thừa nhận việc mình có những cảm xúc khó chịu, và đưa ra những biện pháp mang tính xây dựng.

Loại nghiên cứu này đã được đưa vào thực hành tại Phòng khám Sức khỏe Môi trường của Đại học New York, nơi "kê toa" gồm các hoạt động thân thiện với môi trường và hoạt động nhóm cho người đến khám.

"Sẽ có ít không gian hơn cho cảm xúc lo lắng khi bạn thực hiện những hoạt động bận rộn trong thực tế," Hickman lý giải.

Điều này cũng đúng với những cảm xúc cực đoan.

Hickman tham vấn cho nhiều phụ huynh, những người từng nghĩ đến việc giết con vì nỗi sợ tương lai bị tàn phá bởi khí hậu.

Nhưng bà bình tĩnh chỉ ra rằng trong lịch sử có đầy những ví dụ về chuyện cha mẹ chuẩn bị cho con cái chết đi để bảo vệ chúng. "Nếu ta không cho phép những cảm xúc đó tồn tại thì ta chỉ đang đưa họ trở về với sự vô minh," Hickman lập luận.

Những phụ huynh thú thật phần đen tối trong tâm trí họ cho bà nghe sẽ không thực hiện hành vi như vậy với con cái, bà tin như thế, và quan trọng là họ có được không gian an toàn và không bị sỉ nhục để bày tỏ nỗi lo lắng sâu thẳm.

Tâm lý học trị liệu và các công cụ tâm lý khác có thể giúp mọi người trở nên thoải mái trước sự bất an không tránh khỏi, nhất là trước biến đổi khí hậu.

"Một trong những con đường đi qua nỗi lo âu là phải đối thoại với sự đau khổ và cảm giác mất mát của chính bạn," Hickman nói.

Tác động hiện hữu của tình trạng biến đổi khí hậu

Ở một thế giới khác, trong một ngôi làng ở miền bắc Ấn Độ tại Bắc Salmara, Gautam Barman vô tình cũng đang thực hiện hầu hết những gì mà nghiên cứu tâm lý về khí hậu đề xuất về việc tập hợp các mối liên hệ cộng đồng và hành động thực tế.


Khi nhà báo đồng thời là doanh nhân Abhideep Choudhury và tôi đến thăm Barman và đồng nghiệp của ông từ Công ty Trà Maharanee, chúng tôi ngồi giữa những vườn chè xanh biếc và một nhà xưởng bận rộn rang sấy, chế biến lá chè.

"Giờ đây vườn của chúng tôi không khỏe mạnh," Barman than vãn.

Nhiệt độ lý tưởng cho cây chè của họ là 30-33 độ C, ông giải thích. Nhưng giờ nhiệt độ lên đến 37-38 độ C.

Những người trồng chè ở Maharanee cho rằng nhiệt độ tăng lên là do tình trạng phá rừng, vì tình trạng đói nghèo buộc những dân làng phải đốn cây xanh đem lại bóng mát, và cũng dẫn đến hiện tượng Trái Đất nóng lên.

Nhiệt độ tăng lên trực tiếp ảnh hưởng đến thu nhập của người trồng chè: cây chè bị nóng khiến ra ít lá xanh có thể dùng để chế biến thành trà được hơn, và buộc công nhân hái chè thủ công phải nghỉ nhiều hơn trong thời gian thu hoạch.

Cái giá phải trả là rất cao. Cư dân sống trong vùng quyết định đầu tư vào tiềm năng trồng chè từ nhiều thập niên trước, khi bang Assam bị chia cắt bởi những xung đột sắc tộc thỉnh thoảng diễn ra.

Họ thấy rằng việc trồng chè sẽ đem lại sinh kế cho người trẻ ở Assam, những người nếu không có công ăn việc làm gì thì sẽ buộc phải gia nhập các nhóm dân quân.

Các nhà trồng chè tự tổ chức thành bốn nhóm tương trợ lẫn nhau, học nghề và góp tiền để mua xe tải.

Maharanee giờ đây thuê hơn 700 người làm việc, vì vậy tác động của khí hậu với ngành sản xuất trà sẽ ảnh hưởng rất nhiều gia đình sống ở địa phương.

Nhưng Barman cảm thấy rất lạc quan.

Các nhà trồng chè đang chuẩn bị trồng chè hữu cơ, và việc này sẽ đem lại giá trà cao hơn. Họ cũng đã trồng cây cho bóng mát trên những mảnh đất nhỏ để chống lại sức nóng.

Việc này sẽ đem lại lợi ích cả về tài chính lẫn môi trường, nhưng hành động khí hậu như vậy cũng sẽ giúp bảo đảm sự tồn tại cho các nhà trồng chè.

"Tôi cảm thấy ở đây tốt hơn là ở nhà mình," Jagadish Chandra Ray nói, tự hào đứng trước hai hectares vườn chè của ông.

Rõ ràng là những hoạt động gần gũi thiên nhiên giúp ích cho sức khỏe tâm thần, sự tập trung của tập thể và cộng đồng địa phương, giúp mọi người chiến đấu với cuộc khủng hoảng môi trường ở quy mô lớn hơn, nhưng Ray không cần phải xem các tường thuật, phúc trình mới biết đến điều này.

Xuất thân từ các nhóm tự lực và tập hợp nhau lại cùng mở xưởng, phản ứng chắc chắn của các nhà trồng chè Maharanee trước biến đổi khí hậu thực sự tạo cảm hứng.

Mặt khác, tôi cũng là một phần của vấn đề. Những chuyến bay khứ hồi từ London đến Guwahati, sân bay gần nhất vùng Bắc Salmara, thải ra gần ba tấn carbon dioxide - gấp đôi khối lượng một người Ấn Độ trung bình thải ra trong cả năm.

Tôi đã đến Ấn Độ vì nhiều lý do khác, bên cạnh việc ghé thăm cánh đồng chè, mặc dù tất cả công việc của tôi và phần carbon tôi khấu trừ được bớt không thể nào bù đắp được tội lỗi mà tôi đã gây hại ra cho môi trường.

Trở lại Đại học Bath, tôi tìm kiếm những cách để định hình lại cảm xúc tiêu cực của mình, với sự giúp đỡ Hickman.

"Những cách thức hỗ trợ chính mà mọi người nhận được là nhờ bác sĩ, thuốc và liệu pháp hành vi nhận thức (cognitive behavioural therapy- CBT), nhưng không cách nào trong số này là phản ứng phù hợp với tình trạng khẩn cấp về khí hậu," bà nói.

Cách tiếp cận của Hickman khác hơn một chút. Bà cho rằng mảng tâm lý học bà thực hành là trong dòng chính thống, nhưng một số thứ bà tới là không phù hợp với quan điểm của một số nhà tâm lý học đã được công nhận. Tuy nhiên, bà không sợ gây tranh cãi.

"Tôi có thể thấy cô đang khổ sở," bà cho biết.

Bà mỉm cười cho rằng tôi đang tìm cách tự vệ và né tránh một chút, mà có lẽ tôi đúng là đang như thế thật.

Giữa chừng cuộc đối thoại, tôi chuyển kính đeo thành kính râm, một phần là vì mặt trời quá chói, nhưng một phần vì tôi cảm thấy phải che đậy bản thân bằng những cách khác.

Tôi chỉ lấy dẫn chứng thoáng qua về người bạn đời của mình và về con cái, nhưng tôi giận mình khi Hickman đã nhạy cảm đề cập đến chuyện này lần nữa.

Nhưng việc tôi có sinh con hay không cũng như tình trạng của thế giới này vẫn chưa có lời đáp.

Tôi không phải là người duy nhất trong trạng thái bất an này.

Công việc của Hickman, với tư cách là thành viên của Liên minh Tâm lý Khí hậu, chịu ảnh hưởng từ ý tưởng "thích nghi sâu sắc".

Khái niệm này gây tranh cãi giữa các nhà khoa học khí hậu và nhà tâm lý học khi nêu ra quan điểm rằng sự sụp đổ của xã hội là không thể tránh khỏi. (Điều này đã khiến cho một số độc giả đã đọc một nghiên cứu về sự thích nghi sâu sắc khét tiếng là gây nhiều ảnh hưởng chuyển đến sống ở vùng nông thôn và tìm gặp những nhân viên trị liệu như Hickman).

"Ở góc độ cá nhân, tôi nghĩ điều đó có lẽ đúng. Rất khó để cảm thấy có hy vọng," Koger thừa nhận.

"Tuy nhiên, tôi thực sự nghĩ rằng điều đó nguy hiểm. Tôi nghĩ về mặt cá nhân nó nguy hiểm và tôi nghĩ nó cũng nguy hiểm về mặt xã hội. Bởi vì nếu không có hy vọng, thì cũng chẳng có hy vọng gì để hành động cả."

Vào cuối buổi trò chuyện, chúng tôi ngắm chuồn chuồn bay quanh hồ và cây hương chồn lắc lư trong gió nhẹ. Chúng tôi kêu lên khi thấy những chú vịt con đang theo sau lưng mẹ, xếp thành hình chữ V hoàn hảo.

Tôi đã dành hai giờ để nói chuyện về biến đổi khí hậu, theo lẽ thường có thể đã khiến tôi cảm thấy sợ hãi và khó chịu. Nhưng trong một thoáng, tập trung vào đàn vịt con, sự nặng nề trong ngực tôi tan biến.

=======

Bài viết này nằm trong tuyến bài "Cảm xúc Khí hậu". Biến đổi khí hậu đang gây tổn hại cho Trái Đất, và nó có thể gây tổn hại đến sức khỏe tinh thần của ta.

Từ nỗi sợ hãi, lo lắng đến hy vọng và hàn gắn, loạt bài này tìm hiểu những phản ứng phức hợp của con người trước biến đổi khí hậu, và liệu những phản ứng này sẽ định hình khả năng của ta trong việc ứng xử với các thách thức môi trường ra sao.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn