‘Xác sống’: Chuyện có thật bên trong nhà tù Trung Quốc

Chủ Nhật, 09 Tháng Hai 20207:00 SA(Xem: 7051)
‘Xác sống’: Chuyện có thật bên trong nhà tù Trung Quốc

Xác sống': Chuyện có thật bên trong nhà tù Trung QuốcDưới đây là bài viết được chuyển ngữ từ bài gốc có tựa đề “‘Xác sống’: Những tù nhân Trung Quốc bị sát hại để lấy nội tạng bán cho người nước ngoài ghép tạng” (The ‘living dead’: Chinese prisoners executed for their organs then sold to foreigners for transplants) được đăng trên trang Nzherald vào ngày 3/6/2017.

Cấy ghép nội tạng có thể là sự khác biệt giữa sự sống và cái chết đối với rất nhiều người. Quá trình chờ đợi một cuộc gọi từ bệnh viện thông báo có nội tạng phù hợp đối với người có nhu cầu là khoảng thời gian hết sức đau khổ. Đôi khi cái chết đến với họ trước khi có cuộc gọi đến. Vì vậy, một thị trường nội tang đen bùng phát đã xuất hiện ở một vài nước, bao gồm Ấn Độ và Pakistan. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng Trung Quốc mới là nơi buôn bán nội tạng bất hợp pháp phát triển nhất trên thế giới và là điểm đến số 1 cho ngành du lịch ghép tạng’.

Phóng sự điều tra: Thực hư con số 2 triệu người bị mổ cướp nội tạng tại Trung Quốc - Lời nói đầu
Tù nhân trong các nhà tù ở Trung Quốc được cho là bị xét nghiệm y tế mà không có lời giải thích. Các nhà nghiên cứu cho rằng họ đang bị xét nghiệm để cung cấp cho việc cấy ghép nội tạng bất hợp pháp. (Ảnh: Qua Prezi.com)

Thực tế cho thấy, có những người tuyệt vọng từ các quốc gia nơi mà danh sách chờ đợi ghép tạng dài hơn triển vọng sống của họ hoặc chi phí ghép tạng cao “cắt cổ”, đã chọn con đường du lịch ra nước ngoài để mua và được phẫu thuật ghép tạng cứu mạng sống.

Nhưng có một sự bất cập lớn đó là các nhà nghiên cứu cho biết, những nội tạng dùng cho cấy ghép này thường được lấy bất hợp pháp từ những tù nhân bị hành hình vì tín ngưỡng tôn giáo, chính trị hay văn hoá của họ, những người không đồng ý với bất kỳ một sự hiến tạng nào.

Rất nhiều tù nhân Trung Quốc đã làm chứng cho việc khi ở tù, họ đã bị kiểm tra y tế xem có thích hợp cho việc sàng lọc ghép tạng không mà không có bất kỳ lời giải thích nào.

“Họ gọi những người này là xác sống. Họ vẫn chưa chết, nhưng họ ‘đã đi đời’ rồi”, một bệnh nhân nhận ghép tạng cho biết.

Một người đàn ông giấu tên đã nói với Đài Truyền hình PBS News Hour rằng ông bị bệnh thận giai đoạn cuối cách đây 11 năm, cho đến khi ông đến Trung Quốc và trả 10.000 USD cho ca cấy ghép. Trong vòng một tuần, ông đã nhận được một quả thận mới. Ông nói, ông  sẽ chết trước khi ông lên được đầu danh sách chờ đợi thận ở Canada, nơi ông sống cùng với gia đình của mình.

“Tôi đã đến đó như đã chết, và tôi đã sống trở về.”

Trung Quốc lên án thực tiễn nhưng điều đó vẫn xảy ra

Vào năm 2005, các quan chức Trung Quốc thừa nhận rằng họ đã thu hoạch nội tạng từ các tù nhân và hứa hẹn sẽ cải cách thực tiễn này. Trong những năm tiếp theo, một số bác sĩ bị bắt vì được cho là đã tiến hành cấy ghép nội tạng bất hợp pháp tại các phòng khám tư nhân, theo các nhà chức trách địa phương và các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc.

Dựa trên một lời tiết lộ, cảnh sát tại thành phố Bá Châu, tỉnh Hà Bắc, đã bắt giữ 3 bác sĩ khi họ đang chuẩn bị lấy thận từ một người đàn ông, theo tin từ một quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc và cảnh sát địa phương nói với AFP vào năm 2011.

Vào năm 2013, Giám đốc Ủy ban Hiến tạng Trung Quốc, bác sĩ Hoàng Khiết Phu đã nói với tạp chí y khoa hàng đầu thế giới ‘The Lancet’ rằng hơn 90% nội tạng cấy ghép vẫn được lấy từ những tử tù.

Vào năm sau đó, Trung Quốc đã tuyên bố rằng họ sẽ chấm dứt việc thu hoạch nội tạng từ các tử tù và chuyển sang hệ thống tự nguyện hiến tặng. Nhưng theo một số báo cáo, thực tiễn gây tranh cãi là còn lâu điều đó mới được chấm dứt, và có bằng chứng là việc mổ cướp nội tạng vẫn tiếp tục diễn ra ở Trung Quốc.

Hàng ngàn nội tạng người vẫn đang được cung cấp một cách khó giải thích

Nghiên cứu được công bố gần đây của tác giả Ethan Gutmann, cựu chính trị gia Canada ông David Kilgour và luật sư David Matas, khẳng định rằng Trung Quốc thực hiện từ 60.000 đến 100.000 ca cấy ghép nội tạng mỗi năm.

Họ nói rằng con số này là quá khác biệt so với ước tính khoảng 10.000 ca của chính quyền, và điều đó không thể giải thích được bằng chương trình non trẻ của những người hiến tạng tự nguyện ở Trung Quốc.

“Đảng Cộng sản Trung Quốc nói rằng tổng số ca ghép tạng hợp pháp là khoảng 10.000 ca mỗi năm, nhưng con số thực tế có thể dễ dàng vượt qua con số chính thức của họ đưa ra chỉ bằng xem xét 2 hoặc 3 bệnh viện lớn nhất”, ông Matas cho biết. “Sự khác biệt gia tăng này dẫn chúng tôi đến kết luận rằng đã có một sự sát hại những người tập Pháp Luân Công để lấy nội tạng lớn hơn nhiều so với ước tính ban đầu của chúng tôi.”

Các nhà điều tra khẳng định rất nhiều nội tạng được lấy từ những tù nhân lương tâm, chủ yếu là những người tập Pháp Luân Công bị bức hại, nhưng cũng có người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và “Ki tô hữu tại tư gia”, những người tụ tập không công khai tại nhà để thờ cúng.

Bản báo cáo kết tội này cáo buộc chính phủ Trung Quốc đang tiếp tục thực hiện những vụ sát hại hàng loạt những người vô tội để lấy nội tạng của họ cho cấy ghép.

“Chúng tôi đã phỏng vấn những người tập Pháp Luân Công, những người đã ra khỏi nhà tù và ra khỏi Trung Quốc, họ bị xét nghiệm máu một cách hệ thống, bị khám nội tạng, mà không phải cho sức khoẻ của bản thân – họ đã bị tra tấn – và chỉ có các loại xét nghiệm có liên quan đến việc cấy ghép tạng”, ông Matas cho biết.

Năm ngoái,  trang News.com.au của Úc đã phỏng vấn khoảng 6 người tị nạn Trung Quốc, những người bị bỏ tù ở Trung Quốc vì niềm tin vào tín ngưỡng tôn giáo của mình. Tất cả đều cho biết họ đã bị tra tấn và bị xét nghiệm y tế khi đang ở trong tù.

Những người Úc quay trở về nước với những lá gan được lấy từ các tù nhân

Nhu cầu ghép tạng vượt quá xa nguồn cung tại Trung Quốc, một đất nước có hơn 1,3 tỷ dân, đã mở đường cho việc buôn bán trái phép nội tạng cơ thể người.

Các nhà nghiên cứu ước tính có khoảng 1,5 triệu nạn nhân bị mổ cướp nội tạng cho ngành công nghiệp cấy ghép của Trung Quốc.

Theo các báo cáo trước đây của các phương tiện truyền thông nhà nước, được biết các bệnh nhân đã trả khoảng 15.000 USD cho một ca cấy ghép tạng bất hợp pháp tại đây.

Ở Mỹ, chi phí bệnh viện trung bình cho một ca ghép thận là 150.000 USD. Tại Canada và Úc là miễn phí vì chính phủ chi trả cho chăm sóc y tế nhưng danh sách chờ đợi có thể dài. Đối với một số bệnh nhân, danh sách chờ đợi này là quá dài.

Theo Cơ quan Đăng ký Cấy ghép & Thẩm tách máu Úc & New Zealand (ANZDATA), ít nhất 55 người Úc đã đi du lịch ra nước ngoài để được ghép thận trong khoảng thời gian từ năm 2006-2015.

Dữ liệu là không được thống kê theo các nước, và không bao gồm số liệu của những người Úc đã đi nước ngoài để cấy ghép các nội tạng khác với thận, chẳng hạn như gan.

Báo cáo thường niên năm 2016 của ANZDATA cho biết: “Những con số này có thể thấp hơn con số thực tế, vì một số bệnh nhân có thể không thể trở về Úc hay New Zealand, và vì lý do đó đã được báo cáo với ANZDATA như là số liệu đã bị thất lạc”.

Vào tháng 12/2013, Giáo sư Jeremy Chapman tỏ ra rất nghi ngờ về chương trình ghép tạng của Trung Quốc tại Tạp chí Y khoa Úc. Ông nói rằng “Trung Quốc không thể tham gia vào cộng đồng xã hội toàn cầu trong khi chuyện mổ cướp nội tạng thực tiễn vẫn tiếp tục diễn ra trong các nhà tù và bệnh viện”.

Giáo sư Chapman cũng đã trích lời một bác sĩ ở Úc, người được cho là đã được một bệnh nhân gốc Hoa cho biết: “Tôi không thể đi thẩm tách máu chạy thận ngày mai. Tôi phải bay tối nay bởi vì họ sẽ bắn người hiến tạng của tôi vào ngày mai.”

Trong một bức thư ngỏ được công bố trên website của Hiệp hội Cấy ghép, Giáo sư Chapman cho biết tổ chức này “hỗ trợ những người ở Trung Quốc, những người là nhân tố cho sự thay đổi” và cam kết phát triển “một chương trình những người hiến tạng mới chết, minh bạch và có đạo đức, không có tham nhũng và những động cơ tài chính”.

Nhà nghiên cứu Ethan Gutmann đã nói trên News.com.au rằng du lịch cấy ghép tạng cần phải dừng lại.  Ông nói: “Cần phải chấm dứt việc bình thường hóa vụ giết người hàng loạt”.

Israel, Tây Ban Nha và Đài Loan đã cấm nó. Điều này cần có sự can đảm. Vậy làm thế nào để giải quyết vấn đề này: Sẽ không có thêm người Úc nào tới Trung Quốc một cách lặng lẽ và trở về với một lá gan được lấy từ một tù nhân chính trị hoặc tôn giáo nữa ?”

Derryn Hinch được khích lệ ghép gan bất hợp pháp

Thượng nghị sĩ Derryn Hinch cho biết, ông được khích lệ đi du lịch đến Trung Quốc để cấy ghép tạng sau khi nhận được thông báo chỉ có thể sống thêm 12 tháng nữa.

“Khi nhiều tháng trôi qua và dường như không có bất kỳ hy vọng nào có được lá gan mới ngoại trừ một vài báo động giả mạo, tôi đã được một nhà kinh doanh lâu năm ở Melbourne nói rằng có thể đi đến Thượng Hải và trả 150.000 USD để có được một lá gan mới vào tuần tới “, ông Hinch đã nói với Quốc hội vào tháng 11 năm ngoái.

“Từ đó tôi cho là họ hầu như sẽ thực hiện theo đơn đặt hàng. Làm thế nào bạn có thể kéo dài cuộc sống của mình một cách có đạo đức bằng cách thực hiện cái mà tôi không thể tin được, nhưng cũng có người nói rằng tôi có thể đi đến Ấn Độ và làm điều tương tự.”

“Một số người nổi tiếng đã mua nội tạng để cấy ghép trong những năm qua, nhưng tôi lên án những thực tiễn này ở Trung Quốc.”

Tại Trung Quốc họ làm cho bạn chết”

Hiệp hội các bác sĩ chống cưỡng bức mổ cướp nội tạng (DAFOH) thực hiện nghiên cứu có hệ thống về các báo cáo về thực tiễn được chính phủ cho phép ở Trung Quốc, từ các tù nhân lương tâm.

Phát ngôn viên của DAFOH Australia, bà  Sophia Bryskine cho biết Hiệp hội này “đặc biệt tập trung vào Trung Quốc bởi vì không giống bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, đây là nơi duy nhất mổ cướp nội tạng có hệ thống tiếp tục diễn ra với quy mô lớn và được nhà nước hậu thuẫn”.

Bác sĩ Bryskine cho biết “không có luật chính thức nào cấm thực tiễn này ở Trung Quốc. Trên thực tế, một ‘Điều khoản năm 1984’ vẫn còn hiệu lực, cho phép các tử tù được sử dụng như những người hiến tạng – trực tiếp vi phạm tất cả các nguyên tắc quốc tế”.

Bác sĩ Bryskine cho biết rất nhiều tù nhân “thậm chí không được xem xét bởi bất kỳ một cuộc họp pháp lý nào”.

“Hệ thống pháp luật Trung Quốc là đồi bại và thối nát,” bà Bryskine nói. “Nó phải được ngăn chặn.”

Ông Arthur Caplan, một chuyên gia nghiên cứu về đạo đức học hàng đầu của Mỹ và là giám đốc sáng lập của Phòng Y Đức tại trường Đại học New York, đã đưa ra nhận xét về mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc:

“Tại Mỹ hay châu Âu, trước tiên bạn phải chết để có thể  trở thành một người hiến tạng. Tại Trung Quốc, họ làm cho bạn chết“.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying) nói rằng Trung Quốc có “luật pháp và các quy định nghiêm ngặt về vấn đề này”.

Trong một cuộc họp báo, bà Hoa Xuân Oánh đã nói: “Đối với những bằng chứng và báo cáo được công bố, tôi muốn nói rằng những câu chuyện về thu hoạch nội tạng cưỡng bức này ở Trung Quốc là tưởng tượng và vô căn cứ – chúng không có bất kỳ cơ sở thực tế nào”.

Ủy ban Quốc gia về Y tế và Kế hoạch hóa Gia đình, một cơ quan giám sát việc hiến tạng ở Trung Quốc, đã không thể liên lạc được để lấy ý kiến.

Hiệp hội Đối thoại Trung Mỹ (Dui Hua Foundation), một tổ chức phi lợi nhuận tại San Francisco – Mỹ, chuyên giám sát việc tử hình ở Trung Quốc, ước tính có khoảng 2.400 người đã bị tử hình vào năm 2013. Nhưng con số chính thức bị hành quyết vẫn là bí mật nhà nước.

Trung Quốc: Tên ‘đao phủ’ lớn nhất thế giới

Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần từ chối tiết lộ có bao nhiêu người bị hành quyết mỗi năm.

Trung Quốc được gọi là ‘tên đao phủ lớn nhất thế giới’ trong “Báo cáo năm 2015 về tử hình và bản án tử hình” của Tổ chức Ân xá Quốc tế. Tổ chức nhân quyền cho biết, không thể có được con số chính xác về số người mà Trung Quốc đã hành quyết, nhưng người ta tin rằng con số này là con số hàng ngàn và nhiều hơn tất cả các nước khác trên thế giới cộng lại.

Trung Quốc cũng được gọi là ‘tên đao phủ’ hàng đầu thế giới vào năm 2014, với con số ước tính của Tổ chức Ân xá Quốc tế là ít nhất có 1000 người bị hành quyết – một con số vừa phải, và mọi người tin rằng con số thực thế lớn hơn nhiều.

Tuy nhiên báo cáo năm 2016 ghi nhận, có những dấu hiệu cho thấy số vụ tử hình đã giảm đáng kể từ khi Toà án Nhân dân tối cao Trung Quốc bắt đầu xem xét việc thi hành án tử hình vào năm 2007.

Theo Tổ chức Ân xá Thế giới cho biết: “Hàng chục ngàn người tập Pháp Luân Công đã bị giam giữ một cách tùy tiện và độc đoán” kể từ khi chính phủ Trung Quốc khởi xướng cuộc đàn áp môn tu luyện này vào năm 1999.

Duy Minh biên dịch

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn