Thuyết tương đối của Einstein đã làm thế giới "dậy sóng" như thế nào?

Thứ Tư, 20 Tháng Mười Một 20193:00 CH(Xem: 7167)
Thuyết tương đối của Einstein đã làm thế giới "dậy sóng" như thế nào?

Đầu năm 1919, tên tuổi của Albert Einstein hầu như không được biết đến. Tuy nhiên, tháng 11 năm 1919, Einstein từ một nhân viên sáng chế đã trở thành một nhà vật lý nổi tiếng thế giới.

Vào ngày 6 tháng 11 năm 1919, các nhà khoa học tại một cuộc họp chung của Hiệp hội Hoàng gia Luân Đôn và Hiệp hội Thiên văn Hoàng gia Anh đã tuyên bố rằng các phép đo được thực hiện trong nhật thực toàn phần hồi đầu năm đã ủng hộ thuyết hấp dẫn táo bạo của Einstein và được gọi là thuyết tương đối.

Báo chí đưa tin nhiệt tình về nghiên cứu của Einstein: "Cuộc cách mạng trong khoa học", "Những ý tưởng của Newton bị lật đổ" là những bài báo ca ngợi của Thời báo London. Một vài ngày sau đó, Thời báo New York đã xuất bản một bài báo với tiêu đề sáu tầng hiếm hoi cho một câu chuyện khoa học.

Tiêu đề chính là "Ánh sáng nghiêng khắp bầu trời" tiếp đó: "Lý thuyết của Einstein chiến thắng".

Thế giới 'phát cuồng' vì Einstein

Sự chú ý sẽ vẫn thuộc về Einstein và lý thuyết dường như không thể đánh bại của ông cho đến hết đời. Ông nói với một người bạn vào năm 1920: "Hiện tại, mọi người đều tranh luận về việc liệu thuyết tương đối có đúng hay không".

Tại Berlin, công chúng chen chúc vào lớp học nơi Einstein đang giảng dạy làm ảnh hưởng đến việc học của sinh viên.

Và rồi ông chinh phục được nước Mỹ. Năm 1921, khi tàu hơi nước Rotterdam đến Hoboken, New Jersey, với Einstein trên tàu, nó đã được chào đón bởi khoảng 5.000 người dân New York. Các phóng viên trên những chiếc thuyền nhỏ đi theo con tàu trước khi nó cập cảng.

Một thập kỷ sau đó, cảnh tượng như buổi công chiếu của một bộ phim nổi tiếng khi Einstein đến San Diego để nhận việc tại Viện Công nghệ California. Einstein đã được chào đón ở bến tàu bởi các phóng viên và hàng ngàn sinh viên cổ vũ hô vang tên ông.

Phản ứng của công chúng đối với Einstein đã khiến các nhà sử học tò mò. Sẽ không ngạc nhiên nếu các ngôi sao điện ảnh luôn thu hút sự ngưỡng mộ của đông đảo công chúng nhưng lần này là một nhà vật lý- một tiền lệ hiếm có ngoại trừ Stephen Hawking sau này (nhà vật lý lý thuyết, vũ trụ học người Anh).

Trong nhiều năm, một lời giải thích không đầy đủ về lý do tại sao thế giới 'phát cuồng' vì một nhà vật lý và công việc của ông: Trong bối cảnh của cuộc chiến thế giới kinh hoàng làm sụp đổ các đế chế và khiến hàng triệu người chết. Con người đã tuyệt vọng và đang cần được vực dậy bằng một cái gì đó vượt lên trên chủ nghĩa dân tộc và chính trị.

Einstein sinh ra ở Đức, là người Do Thái, một công dân Thụy Sĩ sống ở Berlin theo chủ nghĩa hòa bình và là một nhà vật lý lý thuyết có công trình nghiên cứu đã được các nhà thiên văn học Anh xác nhận. Sau nhiều năm chiến tranh và hỗn loạn, lý thuyết của Einstein như một tia sét làm thế giới sống lại.

Diana Kormos-Buchwald, nhà sử học khoa học tại Caltech, giám đốc và tổng biên tập của Dự án Einstein Papers nói : "Trước hậu quả của Thế chiến thứ I, ý tưởng của một nhà khoa học người Đức hay bất cứ cái gì liên quan đến nước Đức được hoan nghênh từ người Anh là điều đáng kinh ngạc. Các nhà khoa học của Đức bị lãng quên, bị tù tội. Họ không được mời tham dự các hội nghị quốc tế, họ không được phép xuất bản trên các tạp chí quốc tế. Và thật đáng chú ý khi Einstein đã xáo bỏ được vấn đề này. Ông sử dụng danh tiếng của mình nối lại liên lạc giữa các nhà khoa học từ các quốc gia đã từng là thù địch.

Trăm năm có một: Thuyết tương đối của Einstein đã làm thế giới dậy sóng như thế nào? - Ảnh 1.

Kormos-Buchwald cho biết thêm, vào thời điểm đó hiếm có một nhà khoa học nổi tiếng. Marie Curie là một trong số ít những cái tên được biết đến rộng rãi (bà đã có hai giải Nobel vào năm 1911). Nước Anh cũng có một nhà khoa học nổi tiếng là Sir Arthur Eddington, nhà thiên văn học tổ chức các cuộc nghiên cứu nhật thực để kiểm tra thuyết tương đối.

Eddington giống như Einstein đã phản đối chiến tranh và quan trọng hơn, ông là một trong số ít người Anh hiểu lý thuyết của Einstein và nhận ra tầm quan trọng của việc đưa nó vào thử nghiệm. "Eddington đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thu hút sự chú ý của giới truyền thông vào Einstein", Marcia Bartusiak, tác giả khoa học và giáo sư trong chương trình Khoa học tốt nghiệp của MIT nhận xét.

Phần lớn mọi người không thể hiểu được lý thuyết mới. Trong tờ New York Times ngày 10 tháng 11 năm 1919, bài báo ‘Ánh sáng nghiêng’, chủ tịch Hội Hoàng gia London nói rằng các chi tiết về lý thuyết của Einstein là hoàn toàn toán học và chỉ có thể được diễn đạt bằng thuật ngữ khoa học nên rất khó khăn khi cố gắng chi tiết chúng cho người ngoài ngành.

Một bài báo tương tự trích dẫn lời một nhà thiên văn học, WJS Lockyer nói rằng các phương trình của lý thuyết mới ‘rất quan trọng’ nhưng không ‘ảnh hưởng đến bất cứ điều gì trên Trái đất này. Thuyết này không quan trọng với người dân mà chỉ các nhà thiên văn học mới bị ảnh hưởng.’ (Nếu Lockyer có thể du hành thời gian đến ngày nay, ông sẽ khám phá một thế giới trong đó hàng triệu người dân thường xuyên di chuyển với sự trợ giúp của các vệ tinh GPS , phụ thuộc trực tiếp vào cả thuyết tương đối.)

Trăm năm có một: Thuyết tương đối của Einstein đã làm thế giới dậy sóng như thế nào? - Ảnh 2.

Mọi thứ không suôn sẻ ở London, nơi các biên tập viên của tờ Thời đại đã thú nhận ngày 28 tháng 11: "Chúng tôi không thể giải thích chính xác ý nghĩa của lý thuyết mới với công chúng, nhưng các nhân vật chính của cuộc tranh luận, bao gồm Tiến sĩ Einstein, không có chút khó khăn nào trong việc làm cho ý nghĩa của chúng rõ ràng".

Độc giả của tờ Thời đại ngày đó đọc lời giải thích của Einstein được dịch từ tiếng Đức. Không chịu thua kém, tờ New York Times đã cử một phóng viên đến thăm Einstein ở Berlin. Khi được hỏi tại sao lại gọi là thuyết tương đối thì Einstein giải thích: cách Galileo và Newton hình dung ra hoạt động của vũ trụ và cách một tầm nhìn mới đòi hỏi, trong đó thời gian và không gian được coi là tương đối.

Những nỗ lực để giải thích lý thuyết của Einstein tiếp tục

Những ngôi sao sáng như Eddington, Max Planck, Wolfgang Pauli và Bertrand Russell đã viết về thuyết tương đối. Einstein cũng đã viết một cuốn sách và nó vẫn được in cho đến ngày nay , nhưng thuyết tương đối vẫn còn rất b ẩn.

Một thập kỷ sau cơn sốt truyền thông đầu tiên, một bài xã luận trên tờ Thời báo New York than thở: "Những cuốn sách giáo khoa về thuyết tương đối đã thực hiện một nỗ lực dũng cảm để giải thích và đã thành công nhất trong việc truyền đạt một cảm giác mơ hồ, người thì cố cắt nghĩa từng chữ người thì cố thoát khỏi".

Sự không thể hiểu được của lý thuyết Einstein đã giúp các tờ báo kiếm bội tiền. Đám đông tiếp tục dõi theo Einstein không phải để có thể hiểu biết thực sự về thời gian, không gian mà là muốn thể hiện trí tuệ của mình khi quan tâm một vấn đề cao siêu.

Điều này giải thích tại sao rất nhiều người xuất hiện khi nghe tin Einstein giảng bài ở Princeton vào năm 1921. Kormos-Buchwald nói : "Ban đầu lớp học đã kín chỗ. Ngày đầu tiên có 400 người, bao gồm cả những người phụ nữ có cổ áo lông thú ở hàng ghế đầu. Ngày thứ hai có 200 người, ngày thứ ba có 50 người và đến ngày thứ tư căn phòng gần như trống rỗng."

Trăm năm có một: Thuyết tương đối của Einstein đã làm thế giới dậy sóng như thế nào? - Ảnh 3.

Nếu một người dân bình thường không thể hiểu những gì Einstein nói, tại sao nhiều người muốn nghe ông nói như vậy? Bartisuak cho rằng Einstein giống như một "pháp sư thời cổ đại" hiểu biết về bản chất của vũ trụ. Nhà vật lý và nhà sử học khoa học Abraham Pais đã mô tả Einstein như một người đàn ông thần thánh của thế kỷ thứ 20.

Ngoại hình và tính cách của Einstein đã phần nào giúp ông nổi tiếng. Đây là một người đàn ông vui tính, hòa nhã với đôi mắt sâu, chỉ biết một chút tiếng Anh. Einstein chỉ đủ lập dị để làm hài lòng các nhà báo Mỹ. Sau này ông đã nói đùa rằng nghề nghiệp của ông là người mẫu của nhiếp ảnh gia.

Trong cuốn tiểu sử xuất bản năm 2007 của Walter Isaacson "Einstein: Cuộc sống và vũ trụ" có ghi : "Các phóng viên khi gặp nhà khoa học đã cảm thấy vui mừng vì thiên tài mới được phát hiện không phải là một học giả điên khùng hay dè dặt mà là một người đàn ông 40 tuổi quyến rũ với một mái tóc hoang dại, đôi mắt sáng và khôn ngoan trong cách trả lời phỏng vấn".

Thời điểm ra đời lý thuyết mới cũng giúp nâng cao danh tiếng của Einstein. Báo chí đã phát triển mạnh vào đầu thế kỷ 20, với sự ra đời của các bản tin đen trắng là khởi đầu để trở thành một người nổi tiếng quốc tế.

Thomas Levenson lưu ý trong cuốn sách ‘Einstein ở Berlin’ của ông năm 2004: "Ông là nhà khoa học đầu tiên và cũng là cuối cùng đạt được trạng thái biểu tượng thực sự, ít nhất là một phần vì lần đầu tiên các phương tiện truyền thông tồn tại để tạo ra những thần tượng như vậy."

Einstein, giống như nhiều người nổi tiếng khác, sự xâm phạm vào cuộc sống riêng tư làm ông thấy phiền toái, nhưng ông rất vui khi sử dụng danh tiếng của mình để thu hút sự chú ý đến nhiều quan điểm mà ông ủng hộ bao gồm chủ nghĩa hòa bình, giải trừ hạt nhân và bình đẳng chủng tộc.

Trăm năm có một: Thuyết tương đối của Einstein đã làm thế giới dậy sóng như thế nào? - Ảnh 5.

Một bức chân dung của Albert Einstein chụp tại Princeton năm 1935

Tất nhiên không phải ai cũng yêu thích Einstein. Nhiều nhóm khác nhau có những lý do riêng biệt để phản đối Einstein: một số nhà triết học Mỹ bác bỏ thuyết tương đối vì quá trừu tượng và siêu hình, trong khi một số nhà tư tưởng Nga cảm thấy nó quá lý tưởng, một số khác đơn giản ghét Einstein vì ông là người Do Thái.

Nhiều người trong số những người chống lại Einstein trên cơ sở triết học cũng là những người chống Do Thái. Vì vậy, chuyện ông được tất cả mọi người yêu thích chắc chắn không phải là sự thật. Ông bị ghét vì là người Do Thái, là người theo chủ nghĩa hòa bình, là người theo chủ nghĩa xã hội.

Những năm 1920, chủ nghĩa bài Do Thái ngày càng gia tăng do đó các mối đe dọa với Einstein đã trở thành thường lệ. May mắn là khi Hitler lên nắm quyền ông đang làm việc tại Hoa Kỳ.

Cuối đời, Einstein vẫn thần bí bởi sự chú ý không ngừng nghỉ dành cho ông. Như ông đã viết vào năm 1942 : "Tôi không bao giờ hiểu tại sao thuyết tương đối với các khái niệm và vấn đề của nó đã rời xa cuộc sống thực tế nên đã gặp phải sự đồng tình hoặc phản đối trong cộng đồng. Điều gì có thể tạo ra hiệu ứng tâm lý tuyệt vời và bền bỉ này? Tôi chưa bao giờ nghe được câu trả lời thực sự thuyết phục cho câu hỏi này."

Ngày nay, sau một thế kỷ lên ngôi, hiện tượng Einstein vẫn chưa có một lời giải thích hoàn chỉnh. Nhà vật lý này đã nổi tiếng trên sân khấu thế giới vào năm 1919, khi đưa ra một lý thuyết mà như các tờ báo đưa tin đó là "sự hiểu biết mập mờ ".

Cũng có thể chính vì sự mập mờ đó mà Einstein đã được đưa lên bệ cao cho đến tận ngày nay. Công chúng có thể không hiểu các phương trình nhưng những phương trình đó được cho là tiết lộ một sự thật mới về vũ trụ và dường như điều đó đã đủ rồi.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn