Có nên dùng cách nghiên cứu của Đức Quốc Xã nếu cứu được người?

Thứ Tư, 21 Tháng Tám 20191:00 SA(Xem: 5483)
Có nên dùng cách nghiên cứu của Đức Quốc Xã nếu cứu được người?
bbc.com

Có nên dùng cách nghiên cứu của Đức Quốc Xã nếu cứu được người?

Frank Swain BBC Future

Wernher von Braun là một trong số các nhà khoa học Đức được quân Đồng minh tuyển dụng vào cuối Thế Chiến Thứ Hai Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Wernher von Braun là một trong số các nhà khoa học Đức được quân Đồng minh tuyển dụng vào cuối Thế Chiến Thứ Hai

Từ tên lửa Apollo đến các loại thuốc mới điều trị HIV, một số tiến bộ khoa học thu được theo cách thức đáng ngờ. Chúng ta có nên làm lành với việc sử dụng những phát hiện này?

Tìm kiếm một góc độ địa phương nhân kỷ niệm 50 năm cuộc đổ bộ mặt trăng vào tuần này, tờ tin tức Washington DC đăng tải tiểu sử rực rỡ của nhà khoa học tên lửa tài ba, Wernher von Braun, người đã an nghỉ ở Alexandria vào năm 1977. Tuy nhiên bài báo này gây náo động , và đã nhanh chóng rút lại. Nguyên nhân? Nó chẳng đề cập đến việc von Braun là một thành viên phát xít Đức.


Có ít lĩnh vực trong sự tiến bộ khoa học mà không bị vấy bẩn ở một số thời điểm trong lịch sử của nó bởi hành vi vô đạo đức hoặc phi đạo lý. Vật lý, sinh học, động vật học, y học, tâm lý học, khoa học vắc-xin, nhân chủng học, di truyền học, dinh dưỡng học, kỹ thuật: tất cả đều đầy rẫy những khám phá trong những hoàn cảnh có thể được mô tả là phi đạo đức, thậm chí bất hợp pháp. Chúng ta nên cảm thấy thế nào về việc sử dụng những kiến thức đó? Đặc biệt là khi chúng có thể phục vụ tuyệt vời cho nền văn minh và thậm chí cứu mạng người?

Sự hiện diện của Von Braun trong chương trình Apollo cũng không ngoại lệ. Hơn 120 nhà khoa học và kỹ sư người Đức đã tham gia cùng ông, kể cả các bạn ông, sĩ quan SS Kurt Debus (người đã trở thành giám đốc Trung Tâm Phóng Tên Lửa của Nasa) và Bernhard Tessmann (người thiết kế Tòa Tháp Lắp Ráp Dọc khổng lồ tại Trung Tâm Vũ Trụ Kennedy ngày nay).

Họ nằm trong số 1.600 nhà khoa học được các điệp viên tuyển mộ trong Chiến Dịch Paperclip vào cuối Thế Chiến II - tất cả họ đều được miễn truy tố, được đưa an toàn sang Mỹ và được phép tiếp tục công việc.

Các lực lượng đồng minh cũng chộp được những phát hiện mới khác của phát xít Đức. Các chất độc thần kinh như Tabun và Sarin (là cơ sở phát triển của thuốc trừ sâu mới cũng như vũ khí hủy diệt hàng loạt), chất chloroquine chống sốt rét, methadone và methamphetamines, cũng như nghiên cứu y học về hạ thân nhiệt, thiếu oxy, mất nước và nhiều thứ khác, tất cả đã được tạo ra từ thí nghiệm trên lưng con người trong các trại tập trung.


Ván dăm, các dạng cao su tổng hợp và nước ngọt Fanta cũng được phát triển bởi người Đức dưới sự cai trị của Đức Quốc xã.

Nhưng điều này hoàn toàn không phải việc nghiên cứu một lần vô đạo đức trong hồ sơ khoa học. Trong 40 năm, bắt đầu từ năm 1932, các nhà nghiên cứu tại Đại Học Tuskegee ở Alabama đã theo dõi sự tiến triển của bệnh giang mai trên hàng trăm người da đen nghèo - không một ai trong số họ được chẩn đoán hoặc điều trị, mặc dù penicillin kháng sinh có thể chữa khỏi bệnh đã có ở thời gian đó.

Trong một nghiên cứu có liên quan, các bác sĩ Mỹ vào những năm 1940 đã cố tình lây nhiễm cho bệnh nhân (mà họ không biết) bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục để nghiên cứu bệnh này. Biết chắc sự phản đối kịch liệt mà điều này có thể tạo ra, các thí nghiệm đã được thực hiện ở Guatemala.

Từ năm 1955 đến 1976, trong cái được gọi là Thử Nghiệm Không May, hàng trăm phụ nữ bị mắc tiền ung thư đã không được điều trị để xem họ có bị ung thư cổ tử cung hay không. Thông tin chi tiết về nghiên cứu chỉ được đưa ra ánh sáng sau khi hai phụ nữ ủng hộ sức khỏe phụ nữ, Sandra Coney và Phillida Bunkle, tiết lộ ra. Nghiên cứu này ở New Zealand hy vọng sẽ kiểm tra được lý thuyết về giá trị của việc can thiệp sớm, nhưng việc thẩm vấn sau này của thẩm phán Silvia Cartwright đã chỉ trích các bác sĩ tiến hành nghiên cứu này với bệnh nhân.

Vắc-xin bại liệt - và nhiều tiến bộ y tế khác đi kèm- có được là nhờ ở sự tồn tại của nó trong các tế bào con người được lấy từ Henrietta Lacks mà không được cô biết và đồng ý, và cô không bao giờ được một khoản bồi thường nào từ việc thương mại hóa vác xin này. Các dòng phát triển tế bào từ những mẫu ban đầu đã được sử dụng trong vô số nghiên cứu về thuốc, độc tố, vi rút và cũng đã được sử dụng để nghiên cứu bộ gen con người.

Và trong những năm 1950, Robert G Heath đã tiên phong trong việc sử dụng các điện cực được cấy vào não, trong một trường hợp nhằm cố gắng điều chỉnh lại xu hướng tình dục. Ngày nay công nghệ tương tự được sử dụng như một cách điều trị bệnh động kinh, bệnh Parkinson và dải thần kinh mà Elon Musk công bố gần đây.

Không có gì phải bàn cãi khi cho rằng những thí nghiệm này không bao giờ nên xảy ra. Nhưng bây giờ nó đã xảy ra rồi, những thông tin tạo ra sẽ dùng làm gì?

"Trực giác cơ bản là nếu thông tin đã được thu thập một cách phi đạo đức, nhưng chúng ta sử dụng thông tin đó, thì chúng ta sẽ trở nên đồng lõa với quá khứ đó," Wil Wilkinson, một nhà đạo đức y học tại Đại Học Oxford, nói. Đây là một quan điểm phổ biến, ngay cả trong số những người đang sử dụng những phát hiện đó.

Viết trên tạp chí đạo đức sinh học Báo Cáo Của Trung Tâm Hastings năm 1984, bà Kristine Moe kể lại cuộc trò chuyện với John Hayward, một chuyên gia hàng đầu về hạ thân nhiệt tại Đại Học Victoria, British Columbia, người đã sử dụng dữ liệu của Đức Quốc xã trong nghiên cứu của ông. "Tôi không muốn sử dụng dữ liệu này, nhưng không còn dữ liệu khác và sẽ không có dữ liệu khác trong một thế giới đạo đức," ông nói với bà. "Tôi đã hợp lý hóa nó một chút. Nhưng không sử dụng nó sẽ tồi tệ như thế."

Nhưng kinh nghiệm Hayward là bất thường.

"Tôi nghĩ sẽ rất quan trọng để nói rằng những phát hiện này, đứng độc lập, rất hiếm khi cung cấp thông tin quan trọng then chốt." Wilkinson nói. "Phần lớn, thông tin khoa học giống như một mảnh ghép trong trò chơi ghép hình: nó khớp vào cái tổng thể của sự hóc búa.

Những đóng góp của Wernher von Braun Braun cho chương trình không gian Apollo có thể là đáng kể. Nhưng không thể nói Nasa sẽ không thể tìm ra cách hạ cánh trên mặt trăng nếu không có sự giúp đỡ của ông cùng kiến thức ông có được khi làm việc trong chương trình tên lửa V-2 của Đức Quốc xã.

Trong khi đó, kết quả của các thí nghiệm ở Tuskegee và 'Thí Nghiệm Không May' không làm thay đổi triệt để sự hiểu biết của chúng ta về bệnh giang mai hoặc ung thư: dữ liệu không hữu ích đến mức ta vẫn phải bịt mũi và đưa nó vào thực tế để giúp đỡ bệnh nhân ngày nay.

"Không có nhiều nghiên cứu quan sát khác xem điều gì sẽ xảy ra nếu không điều trị ung thư cổ tử cung." Wilkinson nói. "Nhưng ngay cả khi bạn nói 'chúng tôi không sử dụng mẩu kiến thức khoa học này' thì chúng ta sẽ không thể đạt tới mức hiểu biết khác đi về ung thư cổ tử cung."

Có thể rất hấp dẫn khi nghĩ rằng các hoạt động y tế phi đạo đức là việc của quá khứ, rằng sự rối rắm của y học hiện đại với vấn đề phi đạo đức là một dấu hiệu lầm lạc ở giữa thế kỷ 20, và khi chúng ta đi tiếp từ thời điểm đó thì công việc được thực hiện sẽ rơi vào sự không thích đáng về khoa học. Từ nay trở đi, chúng ta tự bảo mình rằng tất cả các bộ sưu tập dữ liệu của chúng ta sẽ là chính đáng và hợp pháp, và những khám phá của chúng ta là hợp đạo lý.

Thật không may, lại không phải như vậy.

Phỏng theo những nghiên cứu ở Guatemala về giang mai, nhiều thử nghiệm lâm sàng cho đến nay được thực hiện ở các quốc gia đang phát triển vì những lý do được cho là tương tự: các quy định là lỏng lẻo hơn, và nguy cơ bị báo chí bêu xấu (do bất kỳ kết quả tiêu cực nào) được giảm bớt. Một báo cáo năm 2008 do Trung tâm Nghiên Cứu Của Các Tập Đoàn Đa Quốc Gia công bố đã tiết lộ các chi tiết về nhiều thử nghiệm phi đạo đức như vậy, được thực hiện ở Ấn Độ, Nigeria, Nga, Argentina và Nepal, cùng nhiều nước khác. Nó tiết lộ cái chết không được ghi nhận của 14 phụ nữ ở Uganda trong một thử nghiệm truyền thuốc Nevirapine chống HIV.

Báo cáo cũng tiết lộ rằng 8 bệnh nhân ở Hyperabad, Ấn Độ, đã chết trong một thử nghiệm thuốc chống đông máu streptokinase - và không ai trong số họ biết rằng họ là một phần của thử nghiệm.

Sự thôi thúc làm một số điều tốt với dữ liệu - ngay cả khi nó được lấy theo cách phi đạo đức - đi kèm với các vấn đề của chính nó. Bên cạnh việc mang sức nặng tâm lý đồng lõa, thì liệu việc sử dụng các phát hiện này có gợi ý cho các nhà nghiên cứu hiện tại và tương lai rằng họ nên tìm kiếm sự tha thứ hơn là việc xin phép?

"Có một thứ rất đặc biệt về kiến thức, là nó không thể đảo ngược được. Bạn không thể lờ đi một điều gì đó," Wilkinson nói. "Một mối quan tâm của việc sử dụng dữ liệu thể hiện thái độ rằng nghiên cứu này là ổn, và nó khuyến khích các nhà nghiên cứu trong tương lai - 'lịch sử sẽ đánh giá tôi là tốt'. Chúng tôi muốn không làm điều đó. Chúng tôi không muốn thúc đẩy việc nghiên cứu phi đạo đức."

Wilkinson nhấn mạnh trường hợp gần đây của nhà nghiên cứu Trung Quốc đã tuyên bố vào năm 2018 rằng ông đã tạo ra những đứa trẻ chỉnh sửa gen đầu tiên. "Đó là một thí dụ thực sự nổi bật; có vẻ như ông này bị thúc đẩy bởi sự nổi tiếng đặc biệt, muốn mình là người đầu tiên," Wilkinson nói.

Quan điểm đó được lặp lại bởi Ủy ban Y Tế Trung Quốc, mà việc điều tra của họ đã kết luận rằng nhà khoa học này "đã tiến hành nghiên cứu một cách bất hợp pháp nhằm theo đuổi danh tiếng cá nhân và lợi lộc." Giống như những cá nhân khác gây tội phạm để nổi tiếng, Wilkinson nói, chúng ta nên nỗ lực không tha thứ cho hành vi của ông hoặc cho ông sự thăng tiến mà ông tìm.

Nhưng ngay cả nếu chúng ta có thể tách hành động của những người ra khỏi khoa học mà họ tạo ra, lên án cái này trong khi làm ra điều tốt từ cái kia, chúng ta vẫn không thoát ra khỏi cái mê cung đạo đức. Điều gì xảy ra khi nghiên cứu chưa được thực hiện - nhưng có thể được thực hiện?

Đó là sự tiến thoái lưỡng nan được tạo ra bởi một bộ sưu tập mẫu máu gây tranh cãi của hơn 3 triệu người Scotland hiện Hội đồng Y Tế Greater Glasgow Và Clyde đang còn vướng mắc.

Các mẫu được thu thập như là một phần của xét nghiệm trích gót chân thông thường được thực hiện cho tất cả trẻ sơ sinh để kiểm tra một số bệnh di truyền. Nhưng từ năm 1965 đến 2003, chưa bao giờ bố mẹ trẻ em được hỏi để họ cho phép lưu trữ các mẫu máu, có nghĩa là toàn bộ cơ sở dữ liệu là mơ hồ về mặt pháp lý.

Là bộ sưu tập thẻ Guthrie (tên của bộ này) lâu đời nhất và lớn nhất thế giới, cơ sở dữ liệu này cung cấp một cái nhìn rộng rãi khác thường về di truyền học của quốc gia, và vì vậy đại diện cho một nguồn thông tin duy nhất cho các nhà nghiên cứu y học. Nhưng vì những vấn đề xung quanh cách thức chúng được thu thập, hiện tại có một lệnh cấm thực hiện nghiên cứu sử dụng đến những thẻ này.

"Những kiểu tình huống này không phải là 'đạo đức', hay 'phi đạo đức' một cách đơn giản dễ hiểu - chúng liên quan đến những mối quan tâm đạo đức có tính cạnh tranh, mà tất cả đều cần được xem xét kỹ," Anne Wilkinson, nhân viên chương trình của Hội Đồng Nuffield Về Đạo Đức Sinh Học, người đã viết về thẻ Guthrie của Scotland của Scotland, nói. Những lợi ích xã hội quan trọng có thể đạt được bằng cách sử dụng cơ sở dữ liệu này, bà nói.

"Nhưng điều này không chỉ đơn giản phủ nhận những lo ngại về sự đồng ý, quyền riêng tư, rủi ro đối với những người liên quan đến việc sử dụng thông tin cá nhân của họ, và sự tôn trọng quan điểm của mọi người về việc sử dụng nó."

Các cơ quan y tế ở Scotland hiện đang bắt tay vào tham vấn các nhà nghiên cứu, nhà đạo đức, bệnh nhân và công dân về những gì nên làm với thẻ Guthrie. Một lựa chọn là cho phép những người phản đối được từ chối tham gia vào bất kỳ nghiên cứu nào được thực hiện trên thẻ - nhưng việc chứng minh rằng bạn đã có được sự cho phép hồi tố thỏa đáng của 3 triệu người không phải là chuyện dễ.

Bản chất con người là cố gắng rút ra một số điều tốt trong các tình huống xấu. Ngay cả trong khu tập trung ở Warsaw, Moe nhận xét, các bác sĩ Do Thái đã ghi chú tỉ mỉ về sức khỏe của đồng bào mình, dữ liệu được lén đưa ra và sau đó được công bố như một nghiên cứu quan trọng về tác động của bệnh đói.

"Một quyết định sử dụng dữ liệu này không nên được đưa ra mà không ân hận hoặc không thừa nhận sự kinh hoàng không thể hiểu nổi đã tạo ra dữ liệu đó," bà viết về nghiên cứu của Đức Quốc Xã. "Chúng ta không thể hàm ý bất kỳ sự chấp thuận nào với các phương pháp này. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên để sự vô nhân đạo của các thí nghiệm bịt mắt để ta không thấy khả năng một số điều tốt có thể được cứu vớt từ đống tro tàn."

Bài tiếng Anh trên BBC Future

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn