Nỗ lực đưa đời sống tự nhiên trở lại thành phố

Thứ Năm, 11 Tháng Bảy 20193:00 CH(Xem: 3784)
Nỗ lực đưa đời sống tự nhiên trở lại thành phố
bbc.com

Nỗ lực đưa đời sống tự nhiên trở lại thành phố

Martha Henriques BBC Future

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images

Những dự án về động vật hoang dã đang muốn tìm cách đưa đời sống tự nhiên xuất hiện trở lại nơi thành phố, từ việc xây dựng những đồng cỏ trong thành phố cho bươm bướm hay nơi trú ngụ cho bọn chim săn mồi.

Khu vực West End nhộn nhịp giữa lòng London không có vẻ gì như là một nơi dễ chịu ở Anh Quốc cho những loài chim quý hiếm nhất.


Ở nước Anh hiện chỉ còn khoảng từ 20 đến 40 cặp chim đuôi đỏ trán đen (black redstart), là chim thuộc họ chích choè. Thế nhưng trong vài năm vừa rồi, dẫu không có sự chủ động can thiệp của con người, lũ chim này bắt đầu làm tổ tại khu vực đông đúc này ở trung tâm London.

Chim đuôi đỏ trán đen không phải là loài động vật hoang dã duy nhất đột nhiên tới sống trong môi trường cực kỳ đô thị này. Bướm đêm, bướm, chim gõ kiến và thậm chí dơi muỗi serotine, vốn thường được tìm thấy ở đồng cỏ miền quê, giờ đây cũng bắt đầu xuất hiện ở khu vực này của London.

Đây là xu hướng phát triển mạnh mẽ khắp thế giới. Ở New York, loài chim cắt lớn, có thời từng tuyệt chủng ở Hoa Kỳ, giờ đây có thể thấy bay lượn thường xuyên với vận tốc nhanh như cắt từ các tòa nhà cao ốc trong thành phố.

Thay đổi này là kết quả của nỗ lực nhằm biến đổi những khu đô thị từ chỗ là nơi nguy hiểm chết chóc của động vật hoang dã thành nơi cư trú hấp dẫn và đáng sống cho chúng, bên cạnh cư dân thành phố. Một trong những sáng kiến thậm chí là đặt tổ ong tại các văn phòng.

Bạn không cần phải thiết kế lại hoàn toàn cấu trúc thành phố để đạt được điều này, Emily Woodason, kiến trúc sư cao cấp về thiết kế cảnh quan tại công ty Arup chuyên về thiết kế và quy hoạch, nói.

Đôi khi, chỉ cần tạo ra những túi xanh với độ phủ thường xuyên là đã đủ sức hấp dẫn để các loài động vật hoang dã quay trở lại. Dự án Wild West End, với sự tham gia của sáu chủ sở hữu đất lớn nhất ở London, đang tìm cách tạo ra những khoảng xanh rộng chừng 100m2 cách nhau 100m.

"Đó là một dự án tham vọng," Woodason nói. "Cuối cùng mục tiêu là tạo ra bức màn xanh giữa các công viên ở London."

Cùng với việc quy hoạch nhiều khoảng xanh hơn, rất nhiều chủ sở hữu đất đang chọn cách dựng thêm những bức tường và trần màu xanh trong các tòa nhà có sẵn.

Cho tới nay, việc này có vẻ có tác dụng. Với xuất phát điểm dựa trên số lượng động vật hoang dã hai năm về trước, có một số loài bất ngờ đã trở lại sống trong khu vực, bao gồm cả chim đuôi đỏ trán đen.

"Một trong những kiểu không gian được thiết kế là có cả những cột đá và cột gỗ, vốn rất hấp dẫn với nhiều loài côn trùng khác nhau và cấu trúc đó cũng khiến cho có thêm nhiều bầy đàn côn trùng dần dần kéo đến một cách tự nhiên," Woodason nói. "Những điều kiện như vậy là hoàn hảo cho loài chim này."

Việc tìm cách thu hút những loài hiếm quay lại thành phố không phải chỉ nhằm mục đích "có thì cũng tốt", tuy lý do này khiến cuộc sống ở đô thị thêm đa dạng và thú vị hơn. Một số loài được những chương trình động vật hoang dã chú ý tới chính là những loài mà ta cực kỳ lệ thuộc về an ninh lương thực, ví dụ các loài giúp thụ phấn như ong và bướm. Số lượng các loài này đang sụt giảm nghiêm trọng trên toàn cầu.

"Chúng ta nhận ra rằng việc quy hoạch, phát triển, kiến trúc và thiết kế công nghiệp đều đồng loạt muốn quét sạch các loài khác khỏi hành tinh này," Mitchell Joachim, giám đốc và đồng sáng lập của Terreform, một công ty kiến trúc và quy hoạch sinh thái nói.


"Tôi cực kỳ đam mê với việc tái thiết môi trường sống như vậy trong thành phố, và với việc đưa từ từ mục tiêu đó vào trong quá trình quy hoạch xây dựng."

Đôi khi điều đó có nghĩa là cần quy hoạch để tạo một trảng cỏ khổng lồ, dựng đứng gắn trên bức tường trong suốt của toà nhà văn phòng cao tám tầng ở khu Manhattan.

Loài bướm vua (monarch butterfly) là động vật bản địa ở Bắc Mỹ nhưng đã biến mất rất nhanh từ thập niên 1980 vì sự hủy diệt trên diện rộng với cây bông tai (milkweed), một loài cây mà bướm vua dựa vào khi sinh đẻ. "Cây bông tai là loài rất xâm lấn, con người không thích chúng. Loại cây này có thể khiến bạn bị ngứa, hoặc mọc áp đảo khắp phần sân cỏ đẹp đẽ kiểu Mỹ của nhà bạn," Mitchell nói.

Xây dựng không gian cho bướm vua trong tòa nhà là một phần trong nỗ lực làm chậm lại quá trình sụt giảm số lượng nghiêm trọng của loài bướm này.

"Đây là nơi trú ẩn cho loài bướm vua, để chúng sinh nở, để chúng có chỗ cho sâu bướm phát triển, và có những chỗ dành cho nhộng và bướm trưởng thành," Joachim nói. "Chúng sống ở đó vài tuần và sau đó được thả đi."

Để tạo tác động thực sự với số lượng bướm vua thì chỉ một khu bảo tồn là không đủ. Điều quan trọng nhất phải làm là hồi phục môi trường sống tự nhiên cho loài bướm này - cả ở bên trong và bên ngoài thành phố, dọc theo tuyến đường di cư của chúng đến Mexico - mà cụ thể là cần để có thêm nhiều cây bông tai phát triển.

Ở các thành phố, khu vườn trên tầng thượng rõ ràng là nơi có thể để cây bông tai mọc được. Một khu vườn như vậy được quy hoạch ở ngay nằm ngay trên tầng thượng của toà nhà được dùng làm nơi bảo tồn bướm, nơi các loài côn trùng được đón nhận khi chúng được thả ra đời sống tự nhiên.

Tuy nhiên, đây là điều mà tất cả mọi người, dù là sở hữu hay là người thuê nhà, đều có thể góp phần chứ không chỉ riêng có các chủ sở hữu những toà nhà lớn. Để tạo ra sự khác biệt về lâu dài, mọi người cần có cái nhìn thoáng hơn đối với thảm cỏ nhà mình và không triệt phá những cây bông tai mọc trên đó.

Đôi khi đời sống tự nhiên quay trở lại thành phố không phải vì con người cố gắng tìm ra không gian riêng cho chúng, mà là vì những thứ gì đó độc hại cho loài đó đã được xoá bỏ.

Chất diệt côn trùng DDT, ban đầu được coi là hóa chất kỳ diệu, đã từng được sử dụng rộng rãi trong nông nghiệp từ hồi thập niên 1940. Mãi đến vài thập niên sau đó người ta mới phát hiện nó cực kỳ độc hại cho nhiều loài, trong đó có con người, và Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) đã cấm chất này từ năm 1972.

Một trong những loài bị ảnh hưởng nặng nề nhất là các loài chim săn mồi, vì chất độc tích lũy dần trong chuỗi thức ăn. Số lượng loài chim cắt lớn peregrine ở Mỹ, là loài chim săn mồi lớn nhất thế giới, đã sụt giảm nghiêm trọng và vào năm 1970 loài này đã ở bờ vực tuyệt chủng.

Một nhóm các nhà khoa học đã thiết lập một sáng kiến bảo tồn có tên Peregrine Fund nhằm cố gây giống loài chim cắt lớn trong tình trạng nuôi nhốt cho đến khi chúng được thả vào tự nhiên. Một nơi mà chim cắt peregrine sinh sôi thuận lợi hóa ra lại không ai bất ngờ.

"Họ bắt đầu thử nghiệm thả chim cắt peregrine vào thành phố," Erin Katzner, giám đốc tương tác toàn cầu tại Quỹ Peregrine nói. "Thử nghiệm đó không chỉ có tác dụng, mà nó vận hành rất tốt."


Các tòa cao ốc cung cấp môi trường sống mà loài chim này thích nghi rất tốt - trên độ cao, với dốc thẳng đứng, với các điểm làm tổ xa kẻ săn mồi tiềm năng như gấu mèo hay cáo.

Giới khoa học gia đã làm việc với các chủ tòa nhà để tạo ra các bờ rìa cho chim làm tổ. Chim bồ câu và các loài chim di cư được cung cấp đủ thức ăn. Tình trạng ô nhiễm chuỗi thức ăn do chất độc DDT giảm đi khiến số lượng chim cắt lớn peregrine trong thành phố tăng vọt.

"Bây giờ bạn có thể thấy chúng ở hầu hết các thành phố khắp Hoa Kỳ, trong đó có nhiều cặp trống - mái sống ở Manhattan," Katzner nói. "Bạn có thể đi vào trung tâm thành phố New York và thấy chim cắt lớn peregrine bay lượn giữa các tòa cao ốc."

Thậm chí với những loài chim được thả ở nông thôn, giờ đây có rất nhiều ghi nhận cho thấy chúng chủ động tìm đường vào thành phố, vì nơi đó đã trở thành điều kiện sống tốt. Vừa khiến người mê ngắm chim thích thú, các loài chim săn mồi ở đô thị vừa giúp giảm số lượng chuột trong thành phố.

Sáng kiến đưa động vật hoang dã về đô thị thường có nhiều tầng lợi ích - không gian xanh hơn khiến mọi người hạnh phúc hơn, đồng thời giúp xử lý vấn đề thoát nước và ngăn ngừa lụt lội, và đem lại nơi trú ngụ cho các loài côn trùng thụ phấn cùng các loài động vật khác.

Nhưng có lẽ một trong những giá trị đáng kể nhất của chúng là khiến mọi người thêm kết nối với tự nhiên và thêm ý thức về quan hệ của con người chúng ta đối với môi trường.

Vấn đề lâu dài không chỉ là xây dựng thêm khoảng xanh để tương thích với các khu vực sẵn có trong thành phố, mà còn là làm thay đổi quan điểm về sự phát triển trong thành phố.

Cho tới những năm gần đây, đô thị hóa có nghĩa là biến khoảng xanh thành khoảng xám với bê tông, nhựa đường và kính trong các tòa nhà và cơ sở hạ tầng truyền thống.

Sự chuyển đổi này hóa ra lại có kết cục xấu cho sức khỏe tâm thần, sức khỏe thể chất của ta, gây hại cho môi trường, hệ sinh thái và động vật hoang dã.

Đưa động vật hoang dã trở lại thành phố là một cách để đảo ngược quá trình đó: ưu tiên cây trồng và động vật, và đem lại lợi ích cho sức khỏe của chúng ta và môi trường đô thị.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn