Cơn bão khởi đầu cho ngành khí tượng thế giới

Chủ Nhật, 07 Tháng Bảy 201911:00 CH(Xem: 4554)
Cơn bão khởi đầu cho ngành khí tượng thế giới
bbc.com

Cơn bão khởi đầu cho ngành khí tượng thế giới

Lucy Jones BBC Earth

Alamy Bản quyền hình ảnh Alamy

Vào đêm 7/12/1703, Anh quốc bị một trận thiên tai tàn khốc ập xuống.

Sau hàng tuần mưa gió, một trận bão lốc (cyclone) càn quét vào ban đêm, từ các vùng duyên hải xứ Wales cho tới vùng miền trung Midlands và miền nam xứ Anh (England), tấn công vào các thành phố. Bị tổn hại nặng nhất là Bristol và London.


Cơn bão cũng tàn phá châu Âu lục địa, gây hư hại nghiêm trọng ở Hà Lan, quần đảo Danish và Đức.

Được ghi lại trong lịch sử với tên gọi "Đại Bão tố 1703", nó được coi là trận bão tồi tệ nhất mà Anh quốc từng phải hứng chịu.

Ngay trước khi trận bão 1703 ập xuống, tiểu thuyết gia Daniel Defoe nhận thấy là sao Thủy đã "chìm xuống thấp tới mức tôi chưa từng thấy bao giờ" và nghĩ rằng đó là do thiết bị theo dõi đã bị lũ con của ông nghịch ngợm.

Ông đã ghi chép lại về "đêm kinh hoàng" một cách vô cùng chi tiết trong cuốn sách ra hồi 1704, Cơn Bão, dựa trên lời kể của các nhân chứng trên cả nước.

Trận Đại Bão tố hồi 1987 cũng thường được coi là trận bão tồi tệ nhất ở Anh kể từ sau trận Đại Bão tố 1703.

Thế nhưng trận bão hồi 1703 đã phải là ghê gớm nhất trong lịch sử nước Anh kể từ 1987 trở về trước chưa?

Alamy Bản quyền hình ảnh Alamy
Image caption Quang cảnh sau trận bão 1987

Hubert Lamb nay đã quá cố, người sáng lập ra tổ chức nghiên cứu khí tượng Climatic Research Unite tại Đại học East Anglia ở Norwich, Anh Quốc, đã phối hợp với Knud Frydendahl thuộc Viện Nghiên cứu Khí tượng Đan Mạch để tìm hiểu về trận bão này.

Trong cuốn sách Những trận bão lịch sử ở Biển Bắc, các đảo của Anh và ở đông bắc châu Âu (Historic Storms of the North Sea, British Isles and Northwest Europe), được xuất bản vào năm 1991, họ đặt cơn bão này ở vị trí số năm trong bảng xếp hạng các trận bão tàn phá khủng khiếp nhất.


Trận bão ghi được 9.000 điểm trong "chỉ số tàn phá" của nhóm nghiên cứu. Điểm số được tính dựa trên vận tốc di chuyển của gió, phạm vi bị ảnh hưởng, thời gian bị ảnh hưởng, tổn thất về nhân mạng và lượng động vật bị chết.

Trận bão nghiêm trọng nhất, theo chỉ số của Lamb, xảy ra hồi 1987, đạt 20.000 điểm. Đứng kế tiếp là các trận bão hồi 1972 (12.000 điểm), 1825 (12.000 điểm) và 1694 (10.000 điểm, nhưng quy mô thiệt hại mà trận bão này gây ra không được biết nhiều lắm, bởi nó xảy ra đã quá lâu).

Vậy tại sao trận Đại Bão tố 1703 lại vẫn còn ghi dấu ấn trong trí nhớ của chúng ta đậm nét hơn so với những trận thiên tai khốc liệt khác có sức tàn phá ghê gớm hơn? Một phần là nhờ Defoe và những mô tả chi tiết, được nhiều người biết đến của ông, câu chuyện đã biến trận bão thành tin thời sự đầu tiên ở Anh liên quan tới thời tiết.

Cũng có thể là bởi sự thiệt hại vật chất mà cơn bão gây ra. Tác động là vô cùng lớn, bởi trận bão đánh vào vùng miền nam xứ Anh, nơi tập trung nhiều thành phố đông dân và các cảng biển tấp nập.

Trận bão đã làm bật tung rễ hàng ngàn cây cối; thổi bay mái ngói của các ngôi nhà, giật vỡ các cửa kính và quật văng tàu thuyền đang neo đậu trên Sông Thames. Một chiếc thuyền ở Whitstable, hạt Kent, đã bị văng lên bờ, cách xa mép nước tới 250 mét.

Khi nước Anh còn đang chìm trong đêm, gió đã giật tung các ống khói trên mái nhà, giết chết nhiều người khi đó đang ngủ trong giường.

Bão hút cá lên từ các hồ nước, từ bờ sông rớt xuống công viên St Jame's Park của London, khiến chim chóc rơi từ trên cành xuống đất và thổi văng gia súc trong trang trại, chết la liệt.

Những cây sồi đổ ngã, những tấm gố, mảnh sắt, mảnh chì bay tóe tung trên đường phố. Gió mạnh cuốn một người đàn ông lên không trung rồi rớt xuống bụi cây. Một con bò bị cuốn văng lên, mắc vào cành cây trên cao. Chớp rạch trên bầu trời khu vực Whitehall và Greenwich của London.

Từ 5 giờ cho tới khoảng 6 rưỡi sáng là thời điểm cơn bão gào rú khủng khiếp nhất, cuồng nộ nhất. Có tổng số từ 8.000 đế 15.000 người được cho là đã thiệt mạng.

Gió lớn kéo dài liên tục quất phá trên cả nước trong suốt 14 ngày trước khi biến thành bão. Những trận gió này đã dữ dội tới mức giật đổ các ống khói trên nóc nhà, phá hủy tàu thuyền và bạt bay mái nhà.

"Nói về tác động ghê gớm, thì nó là kinh khủng nhất," Dennis Wheeler, giáo sư danh dự ngành khí hậu học tại Đại học Sunderland, nói. "Hàng ngàn thủy thủ thiệt mạng. Con số được đưa ra là khoảng 6.000 người. Vào lúc đó, chúng tôi đang trong Chiến tranh Kế vị Tây Ban Nha, cho nên chúng tôi bị tổn hại nặng nề khi bị mất thủy thủ. Chúng tôi mất rất nhiều tàu, rất nhiều thương thuyền, và mức độ thiệt hại là rất khủng khiếp."

Các ghi chép cho thấy nước Anh đã bị những trận gió tây kéo dài hàng tuần trước trận bão, và điều đó có nghĩa là tàu thuyền phải dồn lại neo đậu ở Eo biển Măng-sơ chờ đợi thay vì ra khơi bình thường.

"Nếu có gió tây thì không thể dong buồm đi dọc eo biển đó," Wheeler nói. Ông đã nghiên cứu về trận bão này hồi 2003. "Tàu thuyền phải neo lại chờ đợi hết, khi nào có gió thuận mới đi được."


Nhiều tàu thuyền của Hải quân Hoàng gia Anh trong khu vực cũng bị phá nát, ông nói. Đó là các tàu đang chuẩn bị sẵn sàng tấn công thành phố duyên hải Cádiz của Tây Ban Nha; chiến dịch này cuối cùng đã kết thúc với việc các lực lượng thay vào đó đã quay ra chiếm Gibraltar. Có 13 tàu Hải quân Hoàng gia Anh cùng nhiều thương thuyền bị mất ở Eo biển cùng các thủy thủ.

Các nhà khí tượng học hiện đại đã nghiên cứu trận bão để tìm hiểu xem điều gì dã xảy ra.

Trong cuốn sách viết cùng Knud Frydendahl hồi 1991, Hubert Lamb đã phác họa ra hành trình di chuyển của cơn bão trong thời gian 14 ngày.

Ông cho rằng hoạt động tạo nên trận lốc xoáy đã tập trung tại Anh Quốc trong sáu ngày đầu tiên, sau đó di chuyển về phía nam. Vào ngày thứ bảy, một hệ thống khác dịch chuyển từ phía tây tới, rồi di chuyển dọc nước Anh, đổ vào miền bắc châu Âu.

Nhìn vào các ghi chép về áp suất phong vũ biểu từ khi đó, ông ghi nhận rằng có một "hệ thống áp suất sâu", mà London là nơi phải chịu những thay đổi áp suất "mạnh nhất". Phân tích của ông về tư liệu ghi tại nguồn cho thấy áp suất xuống thấp nhất là 950 millibars (mb) ở vùng miền trung xứ Anh (England).

"Áp thấp thường hình thành ở giữa Đại Tây Dương và được đẩy đi khắp Đại Tây Dương do các dòng tia nổi tiếng (famous jet stream), vốn điều chỉnh hướng đi của các trận bão lốc," Wheeler nói. "Đôi khi một trận bão lốc nhẹ, nhưng chúng ở các khu vực có áp thấp và chúng mang theo mây, mưa."

Nhưng chúng ta có biết lý do khiến khu vực áp thấp này lại có sức mạnh điên cuồng đến vậy?

Một lý do khả dĩ là sự chênh lệch lớn về nhiệt độ đã gây ra trận bão lốc sâu, theo Wheeler.

"Khi chúng sâu tới vậy, thì chúng thường tạo ra chênh lệch nhiệt độ lớn giữa vĩ độ địa cực và vĩ độ nhiệt đới," Wheeler nói.

"Cho nên có giả thuyết là, tuy chúng ta không có các ghi chép về nhiệt độ không khí tại Đại Tây Dương, ta có thể cho rằng có sự thay đổi nhiệt độ cực lớn khi di chuyển từ bắc xuống nam. Sự chênh lệch lớn về nhiệt lượng khiến tạo thành các trận bão lốc."

Khi đó, nước Anh đang trong thời kỳ được gọi là Tiểu Kỷ Băng Hà.

"Rất có thể là cái lạnh đã góp phần thêm vào trận bão, nhưng cũng còn nhiều lý do khác nữa," Wheeler nói. "Chắc chắn là khi nói tới chuỗi đảo nhỏ British Isles thì khoảng thời gian thập niên 1680 và 1690 là hai thập niên lạnh nhất kể từ thời băng hà hồi 12 ngàn năm trước trở lại."

Một giả thuyết đưa ra về nguồn gốc của trận bão là có một trận bão lớn ở vùng New England trôi dạt trên Đại Tây Dương sang Anh.

"Chúng tôi được cho biết là họ cảm thấy [ở vùng Florida và Virginia của Mỹ"] có một trận bão tố kinh khủng bất thường, vài ngày trước cái hôm chết chóc 7/12 đó," Defoe viết nhưng không ghi rõ nguồn tin từ đâu ra.

Tuy khi đó là mùa bão và các trận bão lớn có thể trôi dạt, nhưng Wheeler thấy không có bằng chứng rõ ràng để chứng minh cho thuyết này. Tuy nhiên, Lamb viết rằng có "một số thứ ủng hộ" giả thuyết này.

Tất nhiên các trận gió là sức mạnh của các trận bão lớn. Dựa trên những công cụ đo và biểu đồ, Lamb ước tính rằng các trận gió lớn nhất lên đến 150 điểm knot. Vận tốc gió bề mặt có vẻ như đã tích tụ dần và tăng lên 80, hay 90 knots (khoảng 140-145km/h), với "sức gió giật và thổi có lẽ là mạnh hơn thế nhiều".

Trận Đại Bão tố đã ảnh hưởng tới đâu ngành khí tượng học trong những thời kỳ phát triển ban đầu?

Defoe tổng hợp một danh sách các thuật ngữ để mô tả sức gió trong cuốn sách của mình hồi 1704, "Table of Degrees". Người ta thường nhắc tới mối liên hệ giữa danh sách các thuật ngữ của Defoe với bảng đo sức gió của Beaufort, là bảng chuẩn đã được điều chỉnh sau đó một thế kỷ và nay được dùng trong ngành hàng hải thế giới để đo sức gió.

Hai cách ghi nhận này tương tự nhau về mặt cấu trúc, nhưng không rõ liệu Beaufort có chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sản phẩm của Defoe hay không.

Wheeler đã phân tích sâu vào bảng từ vựng ngành hàng hải và thấy rằng có một thứ ngôn ngữ không chính thức để mô tả sức gió đã tồn tại trước khi bảng đo sức gió Beaufort ra đời, nhưng thứ ngôn ngữ này xuất hiện sau bảng thuật ngữ của Defoe.

Lý do về mức ảnh hưởng của nó đối với ngành khí tượng học là rất nhỏ, bởi đơn giản là ngành khí tượng học hầu như không tồn tại cho tới tận năm 1703.

Trước Thời Khai sáng, hồi Thế kỷ 18, hầu hết người châu Âu tin vào sức mạnh thần thánh, thiêng liêng của Thiên Chúa, là đấng quyền năng có thể hô phong hoán vũ.

Những bài giảng đạo thời đó cho thấy các giáo sỹ thường diễn giải trận bão như dấu hiệu về cơn thịnh nộ của Chúa Trời trước những tội lỗi khác nhau của con người, gồm cả việc xuất hiện nhiều những nhà hát và sự phổ biến của khoa học.

Các ghi chép của những người không phải là giáo sỹ cũng liên hệ trận bão với cơn thịnh nộ thần thánh. "Những trận gió là một phần sản phẩm của Chúa Trời," Defoe viết.

So sánh với các ngành khoa học khác thì ngành khí tượng học đã phải mất nhiều thời gian mới nổi lên và đạt những tiến bộ. Vấn đề trong việc nghiên cứu thời tiết là một sự kiện như trận Đại bão tố không thể được tái hiện trong phòng thí nghiệm.

Tuy nhiên, có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy khoa học rất quan tâm tới sự kiện này. Hiệp hội Hoàng gia, được thành lập trước đó vài thập niên, hồi 1660, đã công bố một ấn bản đặc biệt trong đó có nêu các chi tiết về khí hậu, các kết quả thu được từ phong vũ biểu và các trận mưa trong những tháng trước đó.

Vài năm sau trận Đại Bão tố, một đội tàu hải quân Anh đã bị va vào đá ở chuỗi đảo Scilly Isles do thời tiết xấu, và nhiều thủy thủ đã thiệt mạng.

Để đối phó với thảm họa này, một cơ quan đã được thành lập - Ủy ban Xác định Kinh độ - nhằm xác định kinh độ trên biển để giúp các hoa tiêu trên tàu thuyền nhận biết tốt hơn về vị trí chính xác của mình.

Tuy trận Đại Bão tố không có ảnh hưởng chính thức tương tự thế, nhưng các tài liệu ghi chép cho thấy nó đã khơi gợi mối quan tâm khoa học của con người với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Và chính điều này đã dẫn tới ngành khí tượng học mà chúng ta có ngày nay.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Earth.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn