'Khí độc' trên Trái Đất tăng đột biến: Giới khoa học 'điên đầu' truy tìm thủ phạm

Thứ Ba, 04 Tháng Sáu 20191:00 SA(Xem: 4623)
'Khí độc' trên Trái Đất tăng đột biến: Giới khoa học 'điên đầu' truy tìm thủ phạm

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhận định, mức khí metan đã ngừng tăng khoảng 20 năm trước, và đó là cột mốc quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu, vì khí metan là khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh thứ hai trên Trái Đất (sau CO2).

NHƯNG...

Đến nay, lượng khí metan đã quay trở lại và gia tăng với tốc độ đáng báo động, đe dọa đến các mục tiêu của Thỏa thuận Paris về khí hậu năm 2015.

Theo công trình nghiên cứu mới nhất của Phòng thí nghiệm nghiên cứu hệ thống Trái Đất của NOAA (Cục quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ), lượng khí độc metan trong không khí tăng rất mạnh trong những năm gần đây.

Cụ thể, khí metan trong khí quyển đã tăng lên đều đặn từ năm 1983 trước khi chững lại vào năm 2000. Sau đó, từ năm 2007 đến nay, lượng khí metan tăng bùng nổ trong khí quyển. Điều đáng nói là, giới khoa học không thể giải thích chính xác nguyên nhân tại sao.

20 năm qua, khí metan gây nóng lên toàn cầu cao gấp 86 lần so với khí CO2. Nói cách khác, nó là tác nhân chịu trách nhiệm cho khoảng 1/4 sự nóng lên của khí quyển cho đến nay.

Khí độc trên Trái Đất tăng đột biến: Giới khoa học điên đầu truy tìm thủ phạm - Ảnh 1.

Khí mê-tan trong khí quyển đang tăng với tốc độ đáng báo động. Nguồn: 2nd Institute

Từ các phép đo của các nhà khoa học NOAA và các nhà khoa học quốc tế khác, chúng ta biết rằng có khoảng 1.850 phân tử metan trong khí quyển cho mỗi tỷ phân tử không khí trong bầu khí quyển ngày nay. Con số trong thời kỳ tiền công nghiệp là 700 phân tử metan.

Theo các nhà nghiên cứu, việc metan gia tăng đột biến chưa phải là "phần khó chịu nhất", bởi thứ khiến giới khoa học điên đầu chính là "thủ phạm" chủ yếu nào khiến khí metan phát thải ra khí quyển ồ ạt đến vậy.

"Lượng khí thải metan cứ tăng lên, và chúng tôi không biết chính xác những gì đang diễn ra. Có lẽ vấn đề là do bầu khí quyển của chúng ta đang mất khả năng phân hủy khí metan.

Dù thế nào đi nữa, chúng ta đang đối mặt với một vấn đề rất đáng lo ngại. Đó là lý do tại sao việc làm rõ nguyên nhân làm tăng khí metan trong khí quyển phải được tiến hành càng nhanh càng tốt." - Chuyên gia Martin Manning của Đại học Victoria Wellington (New Zealand) cho biết.

Thảm họa Trái Đất nhìn từ quá khứ

Metan được ví như "quả bom nổ chậm" của Trái Đất, bởi 2 trong 5 lần Trái Đất gặp đại nạn (5 cuộc đại tuyệt chủng) khiến 75% sự sống trên hành tinh bị hủy diệt cách đây hàng chục triệu năm, thì khí metan chính là "thủ phạm" chính gây nên khí hậu cực đoạn, nghiêm trọng đến mức khiến sự sống trên hành tinh lụi tàn.

Khí độc trên Trái Đất tăng đột biến: Giới khoa học điên đầu truy tìm thủ phạm - Ảnh 3.

Trái Đất từng trải qua 5 cuộc đại tuyệt chủng khiến 75% sự sống bị hủy diệt. Ảnh: CHIP CLARK / SMITHSONIAN INSTITUTION

Kể từ khoảng năm 1850 - khởi đầu của cuộc cách mạng công nghiệp hiện đại nhờ vào nhiên liệu hóa thạch - chúng ta đã đốt cháy khoảng 350 tỷ tấn carbon vào khí quyển. Nó đã sưởi ấm hành tinh của chúng ta khoảng 1 độ C, axit hóa các đại dương của chúng ta và làm tăng sự hung dữ của những cơn bão và hạn hán trên khắp thế giới.

Đốt thêm 350 tỷ tấn sẽ là một thảm họa.

Trong tự nhiên, có hàng chục nghìn tỷ tấn metan được lưu trữ trong băng vĩnh cửu và dưới dạng bùn than ở đáy đại dương, đặc biệt là Bắc Băng Dương. Loại bùn than đó được gọi là Methane Hydrate hoặc Methane Clathrate. Một số nhà khoa học đề xuất đây là quá trình thúc đẩy sự kiện tuyệt chủng hàng loạt.

Trước đây, hàng nghìn đến hàng chục nghìn năm trước, núi lửa khổng lồ phun trào vừa làm nóng bầu khí quyển vừa phun đủ hàng tấn khí nhà kính vào khí quyển, cuối cùng làm ấm đại dương đến mức Methane Clathrate bị bắn ra, tạo ra sự axit hóa đại dương nhanh chóng, gây hủy diệt biển cả và làm nóng không khí.

Sự giải phóng khí metan khổng lồ này là kịch bản tồi tệ nhất đối với sự sống trên Trái Đất và không ai biết chắc chắn chính xác cần phải đốt nóng bao nhiêu bầu khí quyển để kích hoạt "quả bom nổ chậm" này, nhưng việc mỗi ngày chúng ta tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch sẽ đưa chúng ta đến gần với viễn cảnh tồi tệ đó.

Đi tìm "thủ phạm"

Các nhà khoa học cố gắng đưa ra nhiều giả thuyết để giải thích cho sự gia tăng đột biến của khí metan trong khí quyển, và họ không thiếu những "thủ phạm tiềm năng".

Theo Lori Bruhwiler, một nhà khoa học của NOAA, thực tế là hầu hết mọi thứ chúng ta làm đều có ảnh hưởng đến lượng khí metan phát thải ra không khí, từ sản xuất thực phẩm, sản xuất nhiên liệu đến xử lý chất thải.

Con người chịu trách nhiệm trực tiếp cho khoảng 60% lượng khí thải metan trên toàn cầu. Metan sinh ra từ chất thải thực phẩm thối rữa trong bãi rác, từ cánh đồng lúa, chăn nuôi, hay từ các giếng dầu, nhà máy lọc dầu... trên toàn thế giới.

Còn lại khoảng 30% khí thải metan đến từ các nguồn tự nhiên là các vùng đất ngập nước, sông hồ, cháy rừng, muối mọt, băng vĩnh cửu...

Vấn đề đặt ra là: Điều gì giải thích cho sự gia tăng dài của của metan trong 40 năm qua? Tại sao có khoảng chững lại (metan ít trong khí quyển)? Và tại sao xuất hiện sự tăng đột biến của metan từ năm 2007?

Khí độc trên Trái Đất tăng đột biến: Giới khoa học điên đầu truy tìm thủ phạm - Ảnh 6.

CO2 và metan là hai khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh nhất trên Trái Đất. Ảnh minh họa: Shutterstock

Một trong những tác giả của báo cáo, Euan Nisbet, một nhà khoa học Trái đất tại Royal Holloway, Đại học London (Anh), đã tóm tắt nó bằng cách nói: Chuyện gì đó rất, rất đáng lo ngại.

Theo nhận định của các nhà khoa học, có 3 yếu tố làm tăng lượng khí thải metan trong bầu khí quyển, chúng đủ lớn và đủ thuyết phục để trở thành "thủ phạm": Khí thải vi sinh vật (từ chăn nuôi, nông nghiệp và đất ngập nước); phát thải nhiên liệu hóa thạch; và quá trình hóa học mà khí metan được lọc ra khí quyển (quá trình này được gọi là khả năng oxy hóa của khí quyển).

Cho đến nay, kết luận cuối cùng vẫn chưa ngã ngũ, tuy nhiên, với thực tế mà chúng ta đang phải đối mặt liên quan đến biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu thì việc các nhà khoa học mau chóng tìm ra "thủ phạm" làm gia tăng lượng khí metan trong bầu khí quyển là cách để họ đi đến giải pháp cứu Trái Đất, không để cho nhiệt độ của hành tinh tăng qua 2 độ C trong thế kỷ tới.

"Mấu chốt của vấn đề là khí metan đang tăng lên và không có dấu hiệu dừng lại."

Các bước để hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng lên chỉ 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp đòi hỏi nỗ lực phối hợp từ cộng đồng quốc tế. Từ nâng cao nhận thức đến việc đầu tư vào nguồn năng lượng sạch, không có hóa thạch, đã được thực hiện.

Nhưng với thực tế đáng lo ngại về sự tăng trưởng của sản xuất điện đốt than ở Trung Quốc và Ấn Độ, và quyết định của Mỹ rút khỏi hiệp định Paris... đã khiến việc bám sát mục tiêu Paris bị giáng một đòn mạnh.

Tác động đến khí hậu và sức khỏe con người

Metan là chất khí hoàn toàn độc. Chúng có thể gây bỏng nhiệt, ngạt hơi và có thể tác dụng với không khí tạo ra sản phẩm dễ cháy nổ.

Không chỉ là tác nhân gây nóng lên toàn cầu, metan còn góp mặt vào việc ô nhiễm không khí.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) miêu tả ô nhiễm không khí là "kẻ giết người vô hình". Theo số liệu của WHO, trung bình mỗi năm, gần 10 triệu người tử vong vì ô nhiễm không khí, trong đó, 4,2 triệu ca tử vong mỗi năm do tiếp xúc với ô nhiễm không khí ngoài trời; 3,8 triệu ca tử vong mỗi năm do ô nhiễm không khí trong nhà.

Khí độc trên Trái Đất tăng đột biến: Giới khoa học điên đầu truy tìm thủ phạm - Ảnh 9.

Ô nhiễm không khí là "kẻ giết người vô hình". Ảnh minh họa: Getty

Chưa hết, 91% dân số thế giới sống ở những nơi có chất lượng không khí dưới mức giới hạn chuẩn của WHO.

Ô nhiễm không khí là sự pha trộn của các hạt và khí có thể đạt đến nồng độ có hại cả bên ngoài và trong nhà. Hệ quả là gây biến đổi khí hậu; tác động xấu đến sức khỏe con người và động-thực vật. Khói, nấm mốc, phấn hoa, khí metan (CH4), và CO2 chỉ là một vài ví dụ về các chất ô nhiễm không khí phổ biến, theo phân tích của National Geographic.

Riêng khía cạnh tác động đến sức khỏe con người, ô nhiễm không khí có thể giết người, bởi nó có liên quan đến tỷ lệ ung thư, bệnh tim, đột quỵ và các bệnh về đường hô hấp.

Trong trường hợp không tác động trực tiếp đến sức khỏe con người, ô nhiễm không khí lại góp phần gây biến đổi khí hậu. Đổi lại, những hệ quả từ biến đổi khí hậu như sóng nhiệt, thời tiết khắc nghiệt, mất mùa, cùng các tác động khác liên quan đến khí nhà kính đều có tác động tiêu cực đến đời sống và sức khỏe con người.

Bài viết sử dụng nguồn: National Geographic, WHO, Undark, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn