Cách hoá giải 'cơn nghiện công nghệ' của con trẻ

Thứ Tư, 17 Tháng Tư 20193:00 SA(Xem: 4751)
Cách hoá giải 'cơn nghiện công nghệ' của con trẻ
bbc.com

Cách hoá giải 'cơn nghiện công nghệ' của con trẻ

Nicholas Mancall-Bitel BBC Capital

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images

Học sinh ngày nay vấp phải một vấn đề. Đó là các em thường xuyên bị hút hồn vào các ứng dụng trên điện thoại thông minh và các nền tảng tường thuật trực tiếp, không thể tập trung trong giờ học.

Thế hệ Z (tuổi từ 10-24) và thế hệ Alpha (từ 0-9 tuổi) được sinh ra trong một thế giới nơi công nghệ phát triển khiến các em liên tục mải mê nhấn chuột, trượt thanh, quẹt trái quẹt phải màn hình.


Và thế là giáo viên cũng gặp phải một vấn đề: phải sửa đổi giáo án truyền thống thế nào cho phù hợp với lứa học sinh lớn lên cùng công nghệ, và liệu ta có phải trả giá gì không khi mà nền giáo dục truyền thống phải chấp nhận thỏa hiệp?

Các em, chú ý!

Sự phát triển của não bộ ở tuổi ban đầu là một đề tài phức tạp.

Vài năm qua, các nhà nghiên cứu khắp thế giới đã lên tiếng quan ngại về việc điện thoại thông minh và các nền tảng truyền thông đa năng gây tác hại đến sự tập trung của trẻ em.

"Dù chưa hoàn toàn được khẳng định và có thể vẫn còn là đề tài gây tranh cãi, nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc sử dụng liên tục công nghệ, mạng xã hội, internet và điện thoại thông minh đang làm tổn hại đến khả năng tập trung của trẻ nhỏ," bác sĩ Jim Taylor, tác giả cuốn sách "Nuôi dưỡng thế hệ công nghệ" (Raising Generation Tech) nói.

"Chúng ta về cơ bản đang làm thay đổi cách trẻ em suy nghĩ và cách não bộ các em phát triển."

Giáo viên cũng nhận thấy điều này.

"Đó là vấn đề. Học sinh tuổi thiếu niên thường có chu kỳ chú ý khoảng 28 giây," Laura Schad nói. Cô hiện đang dạy lớp bảy và lớp tám (cho các em tuổi từ 12-14) ở Philadelphia, bang Pennsylvania.


Cô nói dù điện thoại thông minh rõ ràng đã ảnh hưởng đến khả năng phát triển não bộ của học trò, nhưng các chương trình huấn luyện cách xử lý vấn đề này vẫn còn rất thiếu: ngành giáo dục cần phải phát triển thế nào đây mới đáp ứng được nhu cầu dành cho những học sinh lớn lên đã là cư dân kỹ thuật số - đó vẫn là đề tài chưa được giải quyết từ khi cô đủ tiêu chuẩn đi dạy, năm 2015.

Tác động của công nghệ thể hiện rõ ràng nhất với bài tập mang tính quy chuẩn truyền thống nơi học đường, đó là kỹ năng đọc hiểu.

"Ngày nay, cảm giác như các em học sinh thấy đặc biệt mệt mỏi khi phải đọc những bài viết dài hay phức tạp mà không được cho dừng, nghỉ giải lao thường xuyên. Trước kia thì học sinh có vẻ như quen đọc những bài viết trong thời gian dài," Erica Swift, giáo viên lớp sáu tại Trường tiểu học Herman Leimbach ở Sacramento, California, nói.

Trường của cô nằm không xa Thung lũng Silicon. "Chúng ta thấy rằng các em thiếu kiên nhẫn, cho nên thường đòi nghỉ giữa giờ, nói chuyện tán gẫu thay vì học bài, và thậm chí có những em bỏ luôn, không các bài đọc dài."

Đưa văn bản hiển thị lên thiết bị di động cũng không tác dụng gì. Điều đó cho thấy vấn đề đã ăn sâu hơn chứ không phải là chuyện thích màn hình hơn là đọc trên giấy in.

Taylor giải thích rằng sự chú ý không đơn thuần chỉ là một giá trị mà nó còn tác dụng là cánh cửa dẫn đến các hình thức học tập cao hơn - đặc biệt là trí nhớ - vì trí nhớ dẫn đến khả năng bao quát sâu sắc hơn.

"Nếu không có khả năng chú ý đến một điều gì đó, trẻ sẽ không thể tiêu hóa [thông tin]. Chúng sẽ không thể củng cố thông tin vào trí nhớ, điều này có nghĩa chúng sẽ không thể diễn đạt, phân tích, tổng hợp, phê phán và ra quyết định với thông tin," ông nói.

Lớp học tương lai

Trong khi học sinh có vẻ như không thể tập trung vào các bài giảng kéo dài thì rất nhiều giáo viên đơn giản là tách bài giảng thành những phần ngắn hơn.

Gail Desler, chuyên gia thích ứng về công nghệ cho trường học ở Khu Elk Grove, nơi có trường học của Swift tọa lạc, nói: "Các giáo viên nhìn chung cho rằng ngắn là tốt."

Desler cũng chỉ ra cho nhiều giáo viên bắt đầu bài giảng với bài tập thiền hoặc ứng dụng tập thiền khi học sinh cần tập trung.

Một giáo viên trung học ở Salinas, California sử dụng ứng dụng Calm để giúp học trò thiền, nhưng một nghiên cứu năm 2013 cho thấy các "quãng nghỉ công nghệ" sẽ phản tác dụng khi được áp dụng với những người có tâm trạng bồn chồn, muốn làm nhiều thứ một lúc.


Một số giáo viên chọn cách "gặp gỡ học trò ở không gian của các em" trên những nền tảng như YouTube hay Instagram.

Asha Choksi, phó chủ tịch phụ trách mảng nghiên cứu và hoạch định viễn kiến toàn cầu của nhà xuất bản giáo dục Pearson, nêu ví dụ về trường hợp một giáo viên đã thực hiện thí nghiệm khoa học rồi đăng lên YouTube, sau đó dùng video đó để minh họa cho các loại vật chất được nêu trong sách giáo khoa, vốn là nội dung có vẻ như đáng chán với học sinh.


Tương tự như vậy, Schad giao bài tập cho học sinh qua Instagram, nhắc nhở các em về bài tập về nhà và các chuyến thực hành sắp tới.

Những nền tảng này đặc biệt đã gia tăng sự chú ý khi chúng thể hiện nhu cầu của học sinh.

Desler ca ngợi các giáo viên đã làm những việc như liên hệ câu chuyện lịch sử về hoạt động tuyên truyền của chế độ Phát xít với tình trạng bắt nạt trên mạng. "Đó là việc lồng ghép thông tin liên quan vào giáo trình bắt buộc theo những cách khiến các em nhìn thấy chính mình trong đó," bà nói.

"Nếu bạn kết nối bài học với những điều đang xảy ra thời nay thì những bài học đó sẽ dễ dàng bước vào thế giới của các em hơn, khiến các em cảm thấy gần gũi dễ hiểu hơn."

Trong khi đó, những nền tảng học tập đặc biệt như Flipgrid, là thứ cho phép sinh viên chia sẻ video về chính mình trong lúc đang thuyết trình, sẽ giúp giáo viên tương tác với các em.

Một nghiên cứu năm 2018 của Nhà xuất bản Pearson cho biết sinh viên Thế hệ Z không chuộng sách giấy và ưa tìm kiếm thông tin bằng video nhất, chỉ sau việc học hỏi từ giáo viên. Bằng cách gặp gỡ học sinh trên nền tảng mà các em đã tương tác và tạo nội dung, giáo viên có thể khiến các em tập trung chú ý tốt hơn.

Tại một số nơi, các trường học đã chuẩn hóa việc chuyển đổi sang sử dụng công nghệ kỹ thuật số, chẳng hạn như dùng Google Classroom. Đây là nền tảng cho phép học sinh và phụ huynh nắm được điểm số và các bài tập được giao, theo dõi việc học hành để biết được là các em đang bị tụt lại ở phần nào của chương trình học.

Dùng công nghệ để tạo hứng thú học hành

Công nghệ thậm chí có thể giúp sửa chữa những tổn hại mà chúng gây ra với kỹ năng đọc hiểu.

Schad cho biết tại trường của cô ở Philadelphia, giáo viên sử dụng máy tính để tập trung vào những em học sinh học có phần đuối.

Nền tảng đọc mà trường này ưu tiên là Lexia có sử dụng trò chơi điện tử để các em hào hứng tham gia hơn.

Chương trình này tự động phân nhóm học sinh dựa trên trình độ: các em học giỏi thì được giao bài tập khó hơn để làm vào vở, còn các em học yếu hơn được cho thực hành làm bài tập kỹ thuật số cho đến khi các em nắm vững bài học. Bằng cách này, chúng ta có thể rút bớt khoảng cách giữa các em chịu ảnh hưởng công nghệ ở những mức độ khác nhau.

Mỹ là nước đi đầu trong việc phát triển công nghệ trong hoạt động giáo dục. Các công ty giáo dục thiên về công nghệ trong năm 2018 đã huy động vốn được 1,45 tỷ đô la Mỹ.

Tuy nhiên, những công ty như Flipgrid và Lexia sẽ ngày càng phải đối mặt với cạnh tranh từ nước ngoài.


Ngành công nghệ dành cho giáo dục ở Đông Á đang bùng nổ, đặc biệt là những nền tảng ở Hoa Kỳ như Knewton đã mở rộng ra nước ngoài, đánh vào sự quan tâm ngày càng tăng khắp thế giới.

Giảng dạy kết hợp

Tuy nhiên, dù nhiều nhà giáo dục đang theo đuổi công nghệ nhưng kết quả nhiều nghiên cứu cho thấy lớp học truyền thống vẫn thành công hơn.

Một nghiên cứu năm 2015 của Đại học Kinh tế London School of Economics cho thấy điểm bài thi tốt nghiệp trung học (CGSE) được cải thiện khi các trường ở Birmingham, London, Leicester và Manchester cấm điện thoại trong lớp học.

Giáo sư ngành thần kinh học, William Klemm, tác giả của quyển sách "Chu kỳ kỹ năng học hỏi" (The Learning Skills Cycle) chỉ ra một nghiên cứu trong năm 2014 cho thấy việc viết tay giúp sinh viên nhớ bài tốt hơn là dùng laptop.

Klemm cũng chỉ ra điểm nguy hiểm của việc chia nhỏ bài giảng thành nhiều phần, và cho rằng việc chuyển giữa các bài giảng ngắn quá nhanh có thể làm học sinh mất đi khả năng bao quát quý giá.

Ông nói rằng học sinh cần có thời gian để nắm được đề tài sau khi giáo viên bắt đầu giảng rồi mới có thể chuyển sang phần khác được.

Thậm chí nhiều nhà giáo dục ưa dùng công nghệ cũng công nhận cách giảng dạy truyền thống là quý giá, và đề xuất cách tiếp cận "giảng dạy kết hợp".

"Tôi đã chứng kiến rất nhiều thảo luận trong giới học thuật trong những năm gần đây về việc liệu cấu trúc bài giảng có phải là đã trở nên cổ hủ quá rồi không, nên bỏ đi không," Katie Davis, phó giáo sư tại Trường Công nghệ Đại học Washington nói.

Vai trò của giáo viên

Dù Davis thừa nhận công cụ mới có thể đem lại những kỹ năng đáng giá, nhưng bà vẫn tin tưởng rằng bài giảng có chỗ đứng của riêng chúng.

Các nhà giáo dục trong mảng công nghệ đồng tình rằng uy quyền của giáo viên trong công tác giảng dạy vẫn luôn là điều bất khả xâm phạm.

Elizabeth Hoover, trưởng phòng công nghệ phụ trách khối các trường công ở thành phố Alexandria, bang Virginia, làm công tác tăng cường giáo dục thông qua công nghệ ở khu vực trường học của bà. Tuy nhiên, bà nói bà sẽ không bao giờ thay thế việc giảng dạy trực tiếp của giáo viên.

"Việc nghe giảng trực tiếp vẫn là thành tố quan trọng nhất trong lớp học," bà nói, và việc ưu tiên sử dụng công nghệ chỉ đặt ra khi nó giúp tăng cường bài học theo cách không thể thực hiện trực tiếp giữa giáo viên với học sinh.

Schad cũng chỉ ra rằng rất nhiều giáo viên phụ thuộc vào công nghệ chỉ vì họ không có nguồn tài liệu phù hợp ngoài đời thật.

Những chương trình như Lexia sẽ trở nên không cần thiết nếu trường học cấp đủ kinh phí để trả lương tuyển trợ giảng, là những người sẽ đảm nhận bớt phần công việc để giáo viên chính có thời gian tập trung vào các học sinh gặp khó khăn trong học tập.

Sophia Date hiện giảng dạy môn khoa học xã hội cho học sinh lớp 12 ở Philadelphia cũng đặt câu hỏi về việc đầu tư kinh phí cho công nghệ thay vì cho giáo viên.

"Có sự thúc đẩy cực lớn cho công nghệ dành cho lớp học, nhưng nhiều lúc tôi thấy rằng cần có những cải cách thiết thực hơn, ở quy mô rộng lớn hơn. Các tổ chức cấp ngân khoản thì rất vui vẻ chi tiền mua sắm máy tính bảng hay máy tính xách tay, nhưng lại không muốn trả lương cho một giáo viên trong thời gian một năm," bà nói.

Date nói rõ hơn rằng khả năng tiếp cận bình đẳng với công nghệ vẫn là điều rất quan trọng trong việc giúp xóa bỏ khoảng cách đối với các em thuộc gia đình có thu nhập thấp, nhưng nó không thể thay thế việc thay đổi cả hệ thống.

Học cách tư duy

Trong lúc công nghệ có thể làm suy yếu một số khía cạnh của giáo dục, nhưng nó cũng đồng thời tăng cường năng lực cho học sinh theo cách chưa từng thấy.

"Có quan điểm cho rằng người trẻ có một chút thờ ơ, một chút lười biếng, và bị xao nhãng vì công nghệ," Choksi từ Nhà xuất bản Pearson nói.

"Chúng ta thực sự đánh giá thấp vai trò của công nghệ trong việc giáo dục con trẻ hiện nay và sức mạnh mà công nghệ đem lại cho chúng qua cách học."

Chẳng hạn, những học sinh thiếu kiên nhẫn, không muốn chờ cho tới khi được giáo viên giải đáp thắc mắc thì nay đang ngày càng chủ động tự đi tìm kiếm câu trả lời.

"Chẳng hạn như khi học môn đại số, các em có thể lên YouTube để tìm ra cách giải bài toán trước khi đến hỏi giáo viên hay xem phần giải đáp trong sách giáo khoa," Choksi nói.

"Rốt cuộc thì đó chính là điều mà bạn mong muốn ở con trẻ," Swift nói thêm. "Bạn muốn các em đặt thêm nhiều câu hỏi mới, tìm kiếm nhiều lời đáp mới."

Taylor chỉ ra rằng khi thông tin trở nên luôn sẵn có ở khắp nơi thì sự thành công không còn có nghĩa là có sự hiểu biết nhiều nhất nữa.

Thay vào đó, thành công chính là khả năng tư duy với óc phê bình và sáng tạo. Trớ trêu thay, chính những kỹ năng này đang bị các phương tiện truyền thông kỹ thuật số làm suy yếu vì gây giảm khả năng chú ý.

"Nếu bạn nghĩ về những người như Zuckerberg, Gate và Sandberg cùng tất cả những ai đã trở nên thành công trong thế giới công nghệ," ông nói, "thì bạn sẽ thấy là họ thành công không phải vì họ biết viết ngôn ngữ lập trình, mà là vì họ biết cách tư duy."

Những cư dân kỹ thuật số sẽ tiếp tục hào hứng đón nhận những phương thức truyền thông mới.

Giáo viên không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải thay đổi theo, không chỉ là để đảm bảo cho học sinh tiếp cận và tận dụng công nghệ mới, mà còn căn bản là để dạy các em thành công trong một thế giới liên tục khiến các em xao nhãng.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Capital.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn