111 năm qua, Nga hứng chịu 3 vụ nổ không gian khủng khiếp nhất lịch sử: Forbes lý giải

Thứ Ba, 26 Tháng Ba 20197:00 SA(Xem: 5136)
111 năm qua, Nga hứng chịu 3 vụ nổ không gian khủng khiếp nhất lịch sử: Forbes lý giải

111 năm qua, Nga hứng chịu 3 vụ nổ không gian khủng khiếp nhất lịch sử: Forbes lý giải - Ảnh 1.

Theo ghi nhận của giới khoa học, trong tiến trình lịch sử Trái Đất thời hiện đại, hành tinh chúng ta đã phải hứng chịu 3 vụ nổ khủng khiếp nhất trên vùng bầu khí quyển của Trái Đất. 

- Vụ nổ lớn nhất, bí ẩn nhất mang tên "Tunguska Event - Sự kiện Tunguska", xảy ra lúc 7h sáng ngày 30/6/1908 ở độ cao 8,5km, phía trên khu vực sông Tunguska, Siberia, Nga*. Vài chục giây sau tiếng nổ khủng khiếp, nguồn năng lượng tương đương 10-15 triệu tấn TNT đã quét sạch 80 triệu cây cối và hàng loạt các loài động vật trên vùng diện tích rộng gần 2.000km².

Cho đến nay, sau 111 năm, giới khoa học vẫn chưa thể hiểu chuyện gì đã xảy ra lúc đó. Bởi thế, Sự kiện Tunguska trở thành bí ẩn lớn nhất của thế kỷ 20.

- Vụ nổ thứ hai là vụ nổ thiên thạch xảy ra cách đây không lâu mà theo nhận định của giới thiên văn học, đó là vật thể không gian phát nổ tại bầu khí quyển Trái Đất mạnh nhất trong lịch sử 30 năm trở lại đây - Đó chính là Vụ nổ Chelyabinsk.

Vụ nổ Chelyabinsk xảy ra vào rạng sáng ngày 15/2/2013. Khi đó, một thiên thạch đường kính 20m, nặng 10.000 tấn đã lao về phía Trái Đất với vận tốc 54.000 km/giờ rồi phát nổ phía trên thành phố Chelyabinsk. 

Với sức công phá lên đến 500.000 tấn TNT, thiên thạch này ngay lấp tức xé toạc bầu trời tảng sáng của Nga, khiến ít nhất 6 thành phố của nước này bị ảnh hưởng nặng nề. Dù không có thống kê thiệt mạng nhưng sự kiện đáng sợ này khiến 1.200 người bị thương, cửa sổ của hàng nghìn ngôi nhà bị phá vỡ hoàn toàn. Ở cường độ mạnh nhất, quả cầu lửa cháy sáng hơn 30 lần so với Mặt Trời.

111 năm qua, Nga hứng chịu 3 vụ nổ không gian khủng khiếp nhất lịch sử: Forbes lý giải - Ảnh 2.

Tóm tắt 3 vụ nổ không gian lớn nhất trong lịch sử Trái Đất hiện đại. Dữ liệu: Forbes.

- Vụ nổ thứ ba vừa xảy ra vào 18/12/2018 tại vùng biển Bering. NASA vừa thông tin đến truyền thông vào ngày 19/3/2019 về "quả cầu lửa" khổng lồ có sức công phá gấp 10 lần quả bom nguyên tử "Little Boy" mà Mỹ từng ném xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản) thời Thế chiến 2. 

Vụ nổ có tên Sự kiện Bering này xảy ra ở độ cao 25,7km, phía trên vùng biển Bering (gần Nga) ở Bắc Thái Bình Dương. Với nguồn năng lượng bằng 40% Vụ nổ Chelyabinsk, Sự kiện Bering được nhận định là vật thể không gian phát nổ tại bầu khí quyển Trái Đất mạnh thứ hai trong lịch sử 30 năm trở lại đây, xếp sau Vụ nổ Chelyabinsk.

Thiên thạch đường kính 10m nhưng nặng đến 1.400 tấn này đã lao vào bầu khí quyển Trái Đất với tốc độ lên đến 115.872 km/giờ rồi nhanh chóng phát nổ, tỏa ra nguồn năng lượng hủy diệt như bom hạt nhân (tương đương 173.000 TNT). Nói cách khác, sự giải phóng năng lượng này tương đương với tổng 724.000 vụ sét đánh cùng một lúc. (Trích dữ liệu Forbes).

111 năm qua, Nga hứng chịu 3 vụ nổ không gian khủng khiếp nhất lịch sử: Forbes lý giải - Ảnh 3.

3 vụ nổ không gian lớn nhất trong lịch sử Trái Đất trong 111 năm đều xảy ra ở khu vực phía trên Nga (và gần Nga). Đồ họa: Dailymail.

Chưa kể, theo tin mới nhất từ RT, vào tối ngày 15/3/2019 xảy ra một vụ nổ được cho là do thiên thạch gây ra phía trên không gian gần làng Tura thuộc Lãnh thổ tự trị Evenk (Nga). Vụ nổ Tura được cho là xảy ra từ một thiên thạch đường kính khoảng 10cm.

Có một điểm trùng hợp kỳ lạ là: Cả 3 vụ nổ khủng khiếp nêu trên (chưa kể Vụ nổ Tura) đều xảy ra phía trên vùng không gian của Nga (hoặc gần Nga). Vậy...

111 năm qua, Nga hứng chịu 3 vụ nổ không gian khủng khiếp nhất lịch sử: Forbes lý giải - Ảnh 4.

Forbes nhận định: Đó chỉ là một sự Trùng hợp. 

Tạp chí Mỹ lý giải, với diện tích 17,1 triệu km2, Nga hiện là quốc gia lớn nhất thế giới, do đó, việc chiếm 3,3% tổng diện tích bề mặt hành tinh thì xác suất các thiên thạch và mảnh vụn vũ trụ rơi xuống lãnh thổ Nga lớn hơn so với phần còn lại của Trái Đất.

Hơn nữa, đại dương chiếm đến 70% diện tích Trái Đất, do đó, phần lớn các mảnh vụn vũ trụ nổ tung ở phía trên đại dương. Sự kiện Bering phía trên biển Bering (gần Nga) ở Bắc Thái Bình Dương là minh chứng.

Theo các chuyên gia NASA, các mảnh vụn vũ trụ "tấn công" bầu khí quyển Trái đất và bề mặt Mặt Trăng xảy ra mọi lúc. Và các sự kiện thiên thạch phát nổ mạnh mẽ như Sự kiện Bering lại rất hiếm, chỉ khoảng vài lần trong mỗi 100 năm.

Tuy nhiên, chỉ trong vòng 30 năm trở lại đây, Trái Đất đã phải chứng kiến 2 vụ nổ vật thể không gian lớn ngay trên bầu khí quyển (là Vụ nổ Chelyabinsk và Sự kiện Bering) khiến NASA không khỏi lo ngại.

111 năm qua, Nga hứng chịu 3 vụ nổ không gian khủng khiếp nhất lịch sử: Forbes lý giải - Ảnh 5.

Xác định PHOs - các vật thể không gian tiềm ẩn nguy hiểm cho Trái Đất - là nhiệm vụ hàng đầu của NASA. Ảnh: Futurism

Đối với NASA, sứ mệnh Quan sát Vật thể gần Trái Đất luôn được cơ quan này đặt lên hàng đầu. Việc xác định các vật thể không gian tiềm ẩn nguy hiểm cho Trái Đất (gọi là PHOs) được NASA thành lập riêng hẳn một cơ quan chuyên trách nhằm phát hiện PHOs ở khoảng cách cách Trái Đất đến 8 triệu km.

Chuyên gia NASA nhận định, chỉ những vật thể đường kính tối thiểu 30m phát nổ trong vùng khí quyển Trái Đất thì mới có khả năng gây thiệt hại nặng nề cho hành tinh chúng ta. Điều quan trọng nhất là phải phát hiện chúng sớm nhất có thể để nhân loại kịp có biện pháp phòng tránh.

NASA đang nỗ lực xác định 90% các tiểu hành tinh gần Trái Đất, có đường kính lớn hơn 140 mét vào năm 2020, tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ khó khăn và có thể mất thêm 30 năm để hoàn thành.

Sự kiện Bering vừa xảy ra cuối năm 2018 là một lời cảnh báo thế giới rằng: Mặc dù đã nỗ lực xác định và theo dõi các vật thể không gian tiềm ẩn mối đe dọa cho Trái Đất (PHOs), nhưng các thiên thạch có kích thước lớn vẫn có thể lao đến Trái Đất mà không có cảnh báo nào được đưa ra.

Trước đó, giới chuyên gia thế giới liệt kê thiên thạch lao vào Trái Đất là một trong những hiểm họa xóa sổ sự sống trên Trái Đất, cùng với chiến tranh hạt nhân, biến đổi khí hậu...

Chú thích:

*Tọa độ chính xác là: 60°55′B, 101°57′Đ, gần sông Podkamennaya Tunguska ở vùng tự trị Evenk, Siberia, Nga.

Bài viết sử dụng nguồn: Forbes, RT, Siberian Times

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn