SpaceX làm chương trình vũ trụ của Nga "tê liệt và trống rỗng"

Thứ Ba, 12 Tháng Ba 20199:00 CH(Xem: 6378)
SpaceX làm chương trình vũ trụ của Nga "tê liệt và trống rỗng"

Ngày chủ nhật 3/3 vừa qua, tàu vũ trụ Dragon của hãng SpaceX đã kết nối an toàn với Trạm không gian ISS, Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) đã lệnh cho phi hành gia Oleg Kononenko lánh mặt đi trong khu vực riêng của họ. Theo họ, điều này là để Kononenko có thể hành động trong trường hợp tàu Dragon mất kiểm soát và đâm vào trạm không gian.

tau-dragon-iss
Ảnh minh họa cho tàu vũ trụ Dragon của SpaceX kết nối với trạm không gian ISS (ảnh: SpaceX)

Sau khi việc kết nối thành công, Roscosmos cũng đăng Twitter chúc mừng NASA ở cả tiếng Nga và tiếng Anh, nhưng không hề nhắc đến SpaceX (sau đó, Roscosmos nói rằng NASA đã đặt hàng tàu vũ trụ Dragon, vì thế xứng đáng được chúc mừng).

Có gì đó lạ trong cách phản ứng của Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga?

Một người biết rõ nhất có lẽ là ông Vadim Lukashevich, chuyên gia không gian của Nga. Ông đã bị sa thải khỏi một nhóm cố vấn không gian ở Skolkovo năm 2015 sau khi viết bài phản đối việc chuyển Roscosmos từ tổ chức nhà nước thành công ty tư nhân.

Vào ngày 4/3, ông đã có buổi phỏng vấn trên kênh Moscow 24 của Nga, trong đó, ông cho biết Nga cảm thấy bị đe dọa. (Trong đoạn trích dưới, ông nhắc đến lãnh đạo của Roscosmos, ông Dmitry Rogozin, người đã bị chính phủ Mỹ trừng phạt năm 2014 và sau đó nói rằng NASA hãy nên dùng một bạt lò xo để lên không gian.)

Với lần phóng này, dù rằng do NASA đặt hàng, công ty tư nhân SpaceX đã làm cho Roscosmos tê liệt và trống rỗng. Họ đã cho Roscosmos thấy ai là ai. Mọi người đều nhớ câu nói của Rogozin về cái bạt lò xo và đại loại vậy, vì thế thực ra đây không chỉ là chuyện ghét bỏ, đó còn là mối đau đầu lớn thường trực cho Roscosmos. Thứ nhất, tin nhắn chúc mừng bị trễ. Thứ hai, Roscosmos gửi đi 2 tin nhắn chúc mừng, một cái tiếng Anh và một cái tiếng Nga với nội dung hoàn toàn khác nhau. Vì thế tất nhiên đây là dấu hiệu ghét bỏ, là phản ứng của một lãnh đạo thiếu năng lực đang bị thụt hậu phía sau, vì thế thật lạ khi họ (Roscosmos) lại phản ứng ra ngoài. Hãy nhớ rằng thực tế Roscosmos chưa bao giờ ủng hộ việc kết nối đó của tàu Dragon. Họ đã lên tiếng về một số lo ngại kỹ thuật, có lẽ cũng có một số cơ sở, nhưng chúng tôi thấy quá trình kết nối đó thực sự xuất sắc. Vì thế, đúng là đây là phản ứng của một người bị bỏ lại phía sau.

Khi được đề nghị so sánh tàu Dragon và tàu Soyuz của Nga, vốn đã chuyên chở phi hành gia tới ISS từ năm 2011, ông Lukashevich đã đáp:

Này nhé, nếu chúng ta so sánh các con tàu ở góc độ công nghệ, tàu Soyuz của chúng tôi cơ bản là không thể so sánh với tàu Crew Dragon của SpaceX. Đó là bởi Soyuz được Sergei Pavlovich Korolev chế tạo lý tưởng vào thập niên 1960. Tuy có trải qua nhiều sửa đổi, nó vẫn đang bay tới ngày nay. Nó ổn định và các lỗi đều đã được xử lý. Nhưng nó đã trở thành một con tàu không ổn định về mặt nguyên lý. Ngay cả khi Trung Quốc xây tàu Thần Châu – một cái tên rất kiêu – dựa trên cơ sở Soyuz, họ đã làm lại mới cả thiết kế. Thứ nhất, tàu Trung Quốc to hơn. Thứ hai, khoang người ở của họ là một bộ phận hoàn toàn độc lập, có thể đẩy ra và tự bay trong 1 tháng. Về mô-đun hạ cánh, họ làm to hơn, đáng tin cậy hơn và đơn giản hơn chúng ta…

Nhưng Elon Musk đã chế tạo con tàu của tương lai. Nó có 7 chỗ ngồi. Nó tái sử dụng được. Nó là công nghệ mới. Theo đó, nó đánh bại Soyuz ở mọi khía cạnh, ở mọi chỉ số công nghệ. Nó chỉ cần phải chứng minh hiệu quả trong các lần phóng có hành khách, trong tháng 7 năm ngoái họ đã có chuyến bay với hành khách đầu tiên. Musk sẽ không chỉ mang đi khỏi Roscosmos… Việc vận chuyển phi hành gia nước ngoài [trên Soyuz] tới ISS đang kết thúc. Có lẽ vì điều này, chúng ta sẽ bị buộc phải chuyên chở khách du lịch, nhưng Musk cũng sẽ có thể đưa ra giá thấp hơn cho khách du lịch, và ông ta có tàu với 7 chỗ ngồi. Vậy chúng ta còn nói gì được nữa?

Video tàu Crew Dragon kết nối với trạm ISS:

Cuối cùng, ông Lukashevich đề cập tới việc Nga sẽ phải đối mặt với nguồn thu bị cắt đứt như thế nào.

Tôi muốn chỉ ra một điều khác cũng thú vị – từ một góc độ thì đây là điều tốt, bởi vì chúng ta đang vận chuyển phi hành gia, về cơ bản chúng ta đang được miễn phí 400 triệu USD một năm nhờ mức giá khoảng 90 triệu đô một ghế cho mỗi phi hành gia nước ngoài. Nó còn cao hơn chi phí của cả một tên lửa và con tàu và chi phí phóng cộng lại. Điều này nghĩa chỉ cần chúng ta có một phi hành gia người nước ngoài trên ghế, chúng ta có thể phóng miễn phí. Đối với chúng ta đó không chỉ là quà cho không – nó còn là ma túy. Nó cho phép chúng ta chẳng làm gì mà cũng kiếm được tiền. Và bây giờ, ma túy sẽ bị cắt, chúng ta sẽ bị buộc phải làm gì đó. Nếu không tất cả thành quả không gian của chúng ta sẽ đi vào lịch sử, cũng như Bồ Đào Nha, khám phá ra châu Mỹ và những chuyến hành trình của Magellan… chúng ta phải nghiêm túc hành động.

Chúng ta sẽ phải leo xuống chỏm núi nhọn: nếu nền kinh tế của chúng ta đang ngồi trên một chỏm núi dầu và khí gas [ý nói nền kinh tế Nga chủ yếu dựa vào xuất khẩu dầu và khí gas] thì chương trình không gian của chúng ta cũng đang như vậy khi dựa vào tiền của Mỹ. Vì thế bây giờ chúng ta phải thể hiện năng lực của mình. Chúng có còn thực sự xứng đáng với vinh quang của Gagarin?

Chắc chắn việc một chuyên gia được chắn phát biểu như thế này về chương trình không gian đáng kính của Nga không phải là chuyện phổ biến, nhưng Lukashevich không phải người duy nhất. Cựu phi hành gia Valery Ryumin gần đây cũng nói rằng các lãnh đạo của Roscosmos chỉ “thổi khói chứ không làm gì đáng kể.”

Ở cuối buổi phỏng vấn, ông Lukashevich đã nêu ra một câu hỏi hay. Cho đến nay, Nga thường đổ lỗi cho người khác đối với các vấn đề của họ trong không gian hoặc xem thường người khác. Liệu Nga sẽ dũng cảm đối mặt với các vấn đề của họ hay tiếp tục lớn tiếng và bỏ phí mất di sản 6 thập niên tiên phong trong lĩnh vực không gian?

Theo ArsTechnica,
Phong Trần

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn