Thời gian phản hồi màn hình là gì? Có đáng quan tâm không?

Thứ Năm, 07 Tháng Ba 20191:00 CH(Xem: 11636)
Thời gian phản hồi màn hình là gì? Có đáng quan tâm không?

Về cơ bản, thời gian phản hồi là thời gian màn hình chuyển từ màu này sang màu khác, thường là đen sang trắng rồi sang lại đen, tính bằng mili-giây (ms). Thời gian phản hồi phổ biến của màn hình LCD là dưới 10ms, một số màn hình chỉ là 1ms.

Theo How-To Geek, cách tính thời gian phản hồi giữa các nhà sản xuất là khác nhau: một số hãng tính theo thời gian màn hình chuyển từ đen sang trắng, một số khác thì là đen sang trắng sang đen, hoặc phổ biến hơn là "xám sang xám" (tức là giữa các mức độ xám khác nhau). Thời gian phản hồi càng thấp thì càng tốt, bởi nó giúp giảm bớt những vấn đề như mờ ảnh hay "bóng ma".

Thời gian phản hồi màn hình là gì? Có đáng quan tâm không? - Ảnh 1.

Nhiều người thường xuyên nhầm lẫn giữa thời gian phản hồi (response time) và tốc độ làm tươi (refresh rate)

Cũng đừng nhầm lẫn giữa thời gian phản hồi (response time) và tốc độ làm tươi (refresh rate). Nghe thì có vẻ giống nhau nhưng tốc độ làm tươi là số hình ảnh mà màn hình có thể thay đổi được trong 1 giây, tính bằng Hertz (Hz).

Đa số màn hình có tốc độ làm tươi 60Hz, một số khác là 120Hz hay 144Hz, càng cao thì ảnh càng mượt. Tóm lại, nếu thời gian phản hồi càng thấp càng tốt thì tốc độ làm tươi càng cao mới tốt.

Tại sao thời gian phản hồi thấp lại tốt?

Thời gian phản hồi màn hình là gì? Có đáng quan tâm không? - Ảnh 2.

Hầu hết người dùng máy tính phổ thông đều không để ý đến thời gian phản hồi vì đa phần nó không có ý nghĩa. Với những tác vụ như duyệt web, soạn văn bản hay chỉnh sửa ảnh, độ trễ giữa các màu sắc thay đổi trên màn hình là rất nhanh nên bạn không thể nhận ra sự khác biệt, ngay cả xem video cũng vậy.

Tuy nhiên, chơi game thì lại khác. Với các game thủ, phản xạ nhanh nhất có thể trong từng mili-giây có thể quyết định số phận cả trận đấu. Nếu lựa chọn màn hình để chơi game thì nên chọn các loại có thời gian phản hồi từ 1ms đến 5ms.

Tấm nền màn hình nào cho thời gian phản hồi nhanh nhất?

Laptop hay điện thoại thường không cho bạn nhiều lựa chọn về thời gian phản hồi, nhưng nếu cần mua màn hình cho dàn PC chơi game ở nhà thì bạn sẽ cần loại tấm nền tốt nhất, cho thời gian phản hồi thấp nhất.

Có 3 loại tấm nền màn hình phổ biến trên máy tính hiện nay, chúng bao gồm:

- TN (Twisted Nematic): giá rẻ nhưng dải màu kém. Do có thời gian phản hồi thấp nhất nên các nhà sản xuất màn hình chơi game thường chọn TN dù phải đánh đổi về màu sắc.

- IPS (In-Plane Switching): giá đắt hơn, màu sắc chính xác hơn. Màn hình IPS được lựa chọn bởi các nhà thiết kế, nhiếp ảnh, biên tập video hay bất cứ ai cần độ chính xác về màu sắc. Tuy vậy do thời gian phản hồi chậm nên IPS không được quảng cáo nhiều cho phân khúc màn hình chơi game.

- VA (Vertical Alignment): sự kết hợp giữa thời gian phản hồi nhanh của TN và dải màu rộng của IPS. Tóm lại, vị trí của VA nằm giữa TN và IPS. Nhiều màn hình chơi game dùng tấm nền VA hiện có thời gian phản hồi chỉ là 1ms.

Mặt trái của thời gian phản hồi nhanh là gì?

Để giảm bớt thời gian phản hồi, màn hình chơi game thường bỏ qua việc xử lý các hình ảnh phức tạp khi truyền tín hiệu từ máy tính, chúng bao gồm cân chỉnh màu sắc cho màn hình, tăng độ sáng, giảm ánh sáng xanh và các tính năng tương tự. Do đó nếu mua màn hình có thời gian phản hồi rất nhanh, bạn thường phải chịu cảnh độ sáng thấp hoặc màu sắc nhợt nhạt.

Màn hình với thời gian phản hồi thấp có đáng mua không?

Một số màn hình chơi game cho thay đổi thời gian phản hồi tùy theo mục đích sử dụng

Thời gian phản hồi màn hình là gì? Có đáng quan tâm không? - Ảnh 3.

Câu trả lời là "không thực sự" với đa số trò chơi. Nếu chỉ chơi vài game bắn súng một người, và kẻ thù chính là máy tính thì hình ảnh bị mờ hay bóng ma không phải vấn đề quá khó chịu. Nhiều game cơ bản như Minecraft cũng chẳng có lợi gì từ thời gian phản hồi, ngay cả chơi online cũng vậy.

Thế còn game online thì sao? Nếu đường truyền mạng của bạn không thực sự tốt, thì thời gian để game gửi dữ liệu về máy chủ thậm chí còn lâu hơn thời gian phản hồi của màn hình. 

Ngay cả khi có màn hình với thời gian phản hồi 10ms, nhưng ping cứ trên 100ms (1/10 giây) thì con số 10ms của màn hình cũng không có quá nhiều ý nghĩa.

Tuy nhiên, nếu chơi các game online nhịp điệu nhanh như Fortnite, Overwatch, PUBG, Rocket League hay Street Fighter, bạn sẽ thấy giá trị của 1ms là như thế nào. Nếu có đường truyền mạng tốt và thích chơi các game online tốc độ cao thì thời gian phản hồi thực sự là yếu tố rất quan trọng.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn